Nữ thiếu tá tận tâm tìm kiếm “hạt châu” trong những tâm hồn méo mó

Thứ Tư, 17/12/2014, 07:00
Mỗi con người, một số phận, song đã đưa chân vào chốn lao tù đều chung một nỗi buồn phiền, ẩn ức, thậm chí là đối nghịch với những biểu hiện bề ngoài. Và trong nhiều năm liền gắn bó với công tác của một cán bộ quản giáo, chị đã khóc – cười cùng những nỗi đau dai dẳng và niềm vui bất chợt của những nữ phạm nhân. Bên ngoài vẻ cương nghị, cứng rắn cần có của một người thực thi pháp luật, còn sự chân tình, mộc mạc và cả trái tim đa cảm của một người phụ nữ để cảm hóa những mảnh đời lầm lỡ. Chị là Thiếu tá Nguyễn Hải Vĩnh Hà, hiện đang công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ.

Trước khi chuyển sang bộ phận quản giáo, Thiếu tá Nguyễn Hải Vĩnh Hà từng có một thời gian khá dài công tác ở Đội Hồ sơ – tổng hợp. Chính vì thế, chị có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu chi tiết hồ sơ của từng phạm nhân. Chị bảo, hồ sơ bản án, tội trạng của phạm nhân có thể rành mạch, rõ ràng từng con chữ nhưng “hồ sơ cuộc đời” của họ với tất cả những góc khuất, bí ẩn không đơn giản có thể hiểu được qua ngày một, ngày hai. Trực tiếp quản lý hồ sơ tội trạng của các phạm nhân khi chuyển sang bộ phận quản giáo đã giúp chị có cái nhìn toàn diện hơn về những thân phận tội lỗi. Mỗi cuộc đời, mỗi con người đều có những góc thầm kín, ẩn giấu trong bóng tối, chìm khuất bởi vẻ bất cần, hung hăng… và lúc ấy, chị giống như một “phu đào vàng”, nhặt nhạnh, gom góp, tìm kiếm những hạt châu còn sót lại trong những con người tội lỗi đó.

Hiện tại, số phạm nhân nữ tại Trại tạm giam Phú Thọ dao động ở con số 40 – 90 phạm nhân, trong đó có những án ma túy đặc biệt nghiêm trọng. Thiếu tá Hà tâm sự, kinh nghiệm gần chục năm làm công tác quản giáo của chị cho thấy, khó khăn nhất vẫn là việc “trị liệu” những đối tượng mới nhập trại. Bởi, đây là thành phần mà mình chưa nắm bắt được diễn biến tư tưởng, lai lịch, hoàn cảnh gia đình trong khi đối tượng lại luôn hoang mang, lo sợ trước tội lỗi mình sẽ phải chịu mức án cao, dẫn đến hoảng loạn, chán chường và bất ổn về tâm lý. Với những trường hợp này, việc bố trí buồng giam hợp lý luôn là điều mà chị cũng như anh chị em quản giáo luôn quan tâm trước tiên. Việc phạm nhân được giam giữ chung với những trường hợp như thế nào sẽ có tác động rất lớn đến tâm lý của phạm nhân. Nhiều đối tượng vẫn trong thời gian điều tra, giam cứu. Ngoài việc nắm bắt tư tưởng, không để can phạm thông cung, bỏ trốn bất thường, cán bộ quản giáo cũng cần bố trí phòng giam hợp lý để không có tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới”, chèn ép nhau của can phạm. “Trong những vụ án phức tạp, mình cần nắm bắt tư tưởng, dùng các biện pháp nghiệp vụ để hỗ trợ lực lượng điều tra”, chị Hà chia sẻ.

Theo chị, loại đối tượng gây khó dễ cho cán bộ quản giáo là nhiều tiền án, tiền sự, tội phạm lưu manh chuyên nghiệp hoặc tội phạm mắc các bệnh xã hội như HIV, lao phổi. Thông thường, những đối tượng này khi nhập trại sẽ có tâm lý huênh hoang, bất cần, tỏ ra không biết sợ ai, thậm chí họ còn lấy bệnh tật ra để làm “vũ khí” uy hiếp cán bộ quản giáo và bạn tù cùng buồng giam. Do đó, cán bộ quản giáo khi mềm mỏng, khi cứng rắn linh hoạt để quản lý họ. Theo chị, phía sau vẻ ngoài hung hăng đó là những vết đau, vết cứa nhức nhối xuất phát từ hoàn cảnh gia đình đặc biệt.

Thiếu tá Nguyễn Hải Vĩnh Hà (Công an Phú Thọ) - ảnh chụp khi chị đang giữ cấp bậc Đại úy.

Nỗi niềm của nữ quản giáo

Trong số những trường hợp nữ phạm nhân được đưa tới Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, đối tượng Nguyễn Thị Thúy Liễu (SN 1980, trú tại khu 4, xã Yên Nội, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) khiến chị cùng đội quản giáo mất rất nhiều công sức để tìm hiểu, đả thông tư tưởng cũng như hỗ trợ cơ quan điều tra dựng lên đầy đủ, chi tiết tội trạng của Liễu.

Thiếu tá Hà kể lại: Thúy Liễu là con thứ hai trong một gia đình thuần nông, đông anh em. Học hết lớp 9, Liễu nghỉ học rồi bươn bả mưu sinh dọc từ Bắc vào Nam. Kiếm được tiền, thay vì phụng dưỡng cha mẹ, Liễu dồn vào những cuộc đàn đúm hoang tàn, ngay cả khi lấy chồng và sinh con, Liễu cũng phó thác hết chuyện nuôi dạy con cái cho người chồng chạy xe khách dọc miền đất nước. Khi chồng Liễu bị xử phạt 6 năm vì vô ý làm chết người trong vụ tai nạn giao thông, gần như ngay lập tức, Liễu viết đơn đòi ly hôn. Trong thời gian đó, Liễu quen với Nguyễn Văn Viết, trú tại xã Thanh Xá, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, là một ông trùm ma túy có tiếng trong vùng. Chính hắn là người đưa Liễu bước sâu vào con đường tội lỗi này. Thậm chí, “cao tay” hơn cả người tình, Thúy Liễu còn thiết lập một đường dây buôn bán ma túy lớn ngay sau khi Vũ Văn Viết bị CQCA tóm gọn tại Mộc Châu – Sơn La trong một phi vụ giao dịch ma túy vào loại “khủng”. Tấm gương của người tình không làm Thúy Liễu tỉnh ngộ, trái lại nhận thấy công việc nhàn hạ, lại kiếm được nguồn lợi nhuận siêu khổng lồ, Liễu bắt mối với nguồn hàng ở Mộc Châu rồi tuồn về Phú Thọ phân phối. Đáng kinh sợ hơn, người đàn bà quỷ quái này còn lôi kéo cả gia đình vào con đường gieo rắc cái chết trắng cho đồng loại.

Sau một thời gian hoạt động, đường dây buôn bán ma túy mà Liễu cầm đầu đã lọt vào tầm ngắm của CQĐT Công an tỉnh Phú Thọ. Lần lượt, từ mẹ ruột đến các anh chị em của Liễu, trong đó có cả hai em trai của thị, ở độ tuổi 15- 16 đều sa lưới vì tội tàng trữ và vận chuyển ma túy trái phép, đều phải chịu mức án từ 4-20 năm tù giam.

Tiên liệu trước có ngày bị CQCA sờ gáy, Nguyễn Thị Thúy Liễu đã biến bản thân thành một cái “máy đẻ” để trốn tránh luật pháp. Ròng rã từ năm 2006, lần đầu tiên bị bắt khi mua bán trái phép chất ma túy, cho tới năm 2011, Liễu đã lợi dụng chính sách khoan hồng của pháp luật, liên tục mang thai để hoãn thi hành án vì viện cớ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Bởi thế, khi những đứa con của ả gần được 36 tháng tuổi, thì Liễu lại săn lùng những người tình một đêm khác nhằm kiếm một đứa con để thay thế.

Ngày 31/9/2009, Liễu một lần nữa bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt quả tang khi đang vận chuyển trái phép ma túy. Liễu bị tuyên phạt tổng cộng 54 tháng tù giam. Nhưng lần này, Liễu vẫn chưa phải vào tù vì vẫn đang nuôi con nhỏ.

Không dừng lại ở đó, Liễu còn biến những đứa con của mình trở thành những “chân rết” trong đường dây vận chuyển ma túy của mình. Từ đứa con trai đầu tên Ngô Đức Hoàng, 9 tuổi đến đứa con trai út Ngô Đức Tú, 3 tuổi, đều được Liễu sử dụng triệt để. Với cách thức hoạt động kiểu giao dịch qua điện thoại do Liễu đảm trách còn việc vận chuyển do những đứa con của Liễu thực hiện, thị đã qua mắt được CQCA một thời gian dài. Tiền đã đốt cháy thiên chức là mẹ vốn thiêng liêng, cao quý trong con người Liễu.

Sáng 1/5/2011, Liễu bị CQĐT bắt tại cầu Phong Châu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ khi đang vận chuyển 6 bánh heroin từ Sơn La về Phú Thọ để tiêu thụ. Từ năm 2006 tới 1/5/2011, Liễu đã nhiều lần mua ma tuý của các đối tượng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Sơn La, Điện Biên với số lượng là 41 bánh, 5 cây, 6 chỉ, 9 phân heroin và 520 viên hồng phiến về cất giấu bán lẻ lại cho các con nghiện để kiếm lời.

Thời gian đầu, khi được đưa về Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, Nguyễn Thị Thúy Liễu tỏ ra vô cùng chán nản, bởi hơn ai hết thị hiểu mức án phía trước dành cho tội lỗi của mình là thế nào. Đêm, thị không ngủ và luôn miệng đòi chết. Đến lúc này, nữ can phạm này mới cảm thấy hối hận, thị trò chuyện với Thiếu tá Hà: “Tôi thương mấy đứa nhỏ ở nhà. Mẹ đi tù, người thân cũng lần lượt dính chàm vì ma túy, không biết lấy ai nuôi dạy chúng nên người”. Đại úy Hà phân tích cho Liễu hiểu, đó là luật nhân – quả ở đời. Nếu như không vì tham lam, bị đồng tiền làm cho mờ mắt, Liễu đã không bán mình cho quỷ dữ suốt nhiều năm qua, thậm chí đẩy cả người thân, lôi kéo các con vào con đường sai trái. Chị khuyên Liễu nên thành khẩn khai báo để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật, để con cái có cơ hội được gặp lại mẹ. Sự chân thành, dịu dàng, thấu tình đạt lý của chị Hà đã làm Liễu thực sự cảm động. Chị Hà tâm sự, bản thân chị cũng là phụ nữ, là người mẹ, nhìn hoàn cảnh những đứa con nhỏ của Liễu chịu cảnh cù bất cù bơ, chứng kiến mẹ tù tội, cũng không giấu nổi nỗi xót xa, thương cảm. Chính bản thân Liễu cũng thừa nhận: “Khi xưa bị tiền làm cho mờ mắt, cứ lao đầu vào ma túy, không nghĩ đến tương lai các con. Giờ sa chân vào tù, mới thấy thấm thía những sai lầm, thiếu sót trước đây mình gây ra cho các con”.

Ngoài trường hợp Nguyễn Thị Thúy Liễu, một nữ can phạm cứng đầu cứng cổ, Thiếu tá Hà cũng gặp những trường hợp chống đối vô cùng quyết liệt. Cách đây chưa lâu, phân trại nữ do chị đảm trách có nhận một can phạm nữ tên Đinh Thị Bình, sau khi phạm tội thị trốn nã bằng cách làm Ôsin ở Hải Dương. Sau khi bị bắt, Bình bị đưa vào Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ. Tại đây, thị liên tục gây khó khăn cho cán bộ quản giáo bằng cách phóng uế bừa bãi, chửi bới cán bộ và bạn tù cùng buồng. Thiếu tá Nguyễn Hải Vĩnh Hà đã gọi riêng Đinh Thị Bình nói chuyện, giải thích cho chị ta hiểu hành vi chống đối ấy hoàn toàn sai trái, gây tổn hại cho bản thân Bình trước tiên. Bởi lẽ, buồng giam chật chội, trong khi thời tiết miền Bắc oi ả, nóng bức, bạn tù sẽ không thể chịu được hành vi phóng uế bẩn thỉu của Bình và có hành động gây hấn. Chưa kể tới, hành vi chống đối của Bình thể hiện sự đối đầu với pháp luật, hoàn toàn bất lợi đối với thị khi đứng trước vành móng ngựa, khi tội trạng đã rõ rành rành. Phân tích của Thiếu tá Hà hoàn toàn hợp lý, ngay những ngày sau đó, Bình chấm dứt hành động tiêu cực này và tỏ ra có thiện chí hợp tác tới cán bộ quản giáo và bạn cùng phòng hơn rất nhiều.

Trải lòng về nghề, Thiếu tá Hà tâm niệm: “Tội lỗi của các phạm nhân sẽ có pháp luật định đoạt. Nhưng, trước khi là một phạm nhân, họ vẫn là những con người bằng xương bằng thịt. Do đó, tôi luôn lấy cách hành xử của con người để đối đãi với một con người. Tôi tin rằng, chẳng có ai xấu tuyệt đối và không thể sửa chữa, chỉ cần chúng ta, những con người luôn tin vào cái thiện, tin vào lương tri con người, sẽ tìm được những hạt châu quý báu trong mỗi con người ấy. Nghề quản giáo, giống như nghề đãi vàng, tìm kiếm những hạt vàng, hạt châu trong vô vàn rác rưởi và những hỗn tạp để nâng niu, trân trọng họ.

Du Mục
.
.
.