Nữ trinh sát ma túy và những tình tiết phá án ly kỳ

Thứ Sáu, 17/04/2015, 08:00
Được ví là những “bóng hồng” hiếm hoi trên mặt trận phòng chống ma túy, các nữ trinh của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47), Công an tỉnh Nghệ An, thường xuyên phải đối mặt với các “ông trùm” khét tiếng, luôn mang theo bên mình vũ khí nóng và sẵn sàng nhả đạn.

Những bóng hồng này luôn phải căng mình đối mặt với những hiểm nguy, thậm chí đôi lúc cảm thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh nhưng mỗi khi vào trận đánh, nữ trinh sát đều kiên cường, quả cảm, nhiều tình huống họ đã hóa dữ thành lành, tháo gỡ mắt xích, góp phần không nhỏ vào sự thành công của những chuyên án lớn.

1. Thượng úy Vi Thị Thúy, một trong những nữ trinh sát kỳ cựu của Phòng PC47, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Đơn vị có 5 cán bộ nữ, ngày thường họ làm những công việc khác nhau từ hành chính tổng hợp đến điều tra viên, nhưng khi có yêu cầu đột xuất của Ban chuyên án, họ lại hóa thân thành những trinh sát nội, ngoại tuyến và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sau mỗi trận đánh, các nữ trinh sát lại trở về đời thường là những người mẹ, người vợ đảm đang. 

Bản thân chị dù học chuyên ngành Cảnh sát hình sự nhưng khi được phân công về Đội trinh sát ma túy, ban đầu cũng không tránh khỏi lo lắng và quá trình công tác cũng gặp không ít khó khăn về mặt nghiệp vụ. Nhưng được sự quan tâm động viên, chỉ bảo tận tình của lãnh đạo đơn vị, sự giúp đỡ, hỗ trợ hết mình của đồng chí đồng đội, chị đã dần làm quen với công việc. 

Nói về những lần đánh án, chị cười tươi bảo: Trong suốt hơn 7 năm qua, chị không thể nhớ hết những chuyên án mà mình đã tham gia. Cũng phải, bởi Nghệ An là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Trung, là cầu nối giữa hai miền Bắc - Nam, cộng với địa hình hiểm trở, đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài và có bến cảng thông thương ra biển nên các “ông trùm” thường chọn làm nơi ẩn náu, hoạt động. Chúng coi mảnh đất này là địa bàn để thẩm lậu và trung chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và vươn đi các tỉnh tiêu thụ.

2. Trong vai trò là nội tuyến hoặc ngoại tuyến, mỗi nữ trinh sát khi đã tham gia đều xác định mỗi chuyên án là một trận đánh thực sự. Mỗi cá nhân gần như độc lập tác chiến trong mỗi chuyên án, nhất là khi đi sâu vào tiếp cận hang ổ của các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn. 

Không chỉ gặp khó khăn, bất tiện trong những chuyến công tác dài ngày ở vùng rừng thiêng, nước độc, mà với phẩm chất của một người phụ nữ Việt Nam, nữ trinh sát cũng dễ mủi lòng, thương cảm khi các đối tượng ma túy kể lể về hoàn cảnh gia đình.

Đặc biệt là khi tiếp cận với các đối tượng nữ, chúng thường đánh vào tâm lý như do hoàn cảnh khó khăn, chồng tệ bạc, con nhỏ nên phải bươn chải kiếm tiền và vì bị đưa đẩy lôi kéo nên mới dính vào ma túy. 

Không những thế, chúng còn dùng tiền bạc, lợi nhuận kếch xù để lôi kéo mua chuộc. Trong những trường hợp đó, đòi hỏi nữ trinh sát luôn phải có bản lĩnh vững vàng, biết vượt qua sự cám dỗ của những “viên đạn bọc đường” để hoàn thành sứ mệnh của mình.

Trong gần 7 năm qua, Thượng úy Vi Thị Thúy nhớ nhất là lúc tham gia khám phá Chuyên án 911T. Ngày đó, tình cờ, chị cùng chồng sắp cưới (cũng là một trinh sát giỏi của đơn vị) được phân công trong vai trò nội tuyến. Đây là chuyên án đấu tranh với các đường dây, đối tượng nước ngoài xâm nhập biên giới trái phép mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. 

Trong suốt quá trình đấu tranh chuyên án, chị đã cũng đồng đội của mình lặn lội lên vùng biên giới Kỳ Sơn sống như một người dân bản địa để nắm tình hình hoạt động của các đối tượng trong đường dây này. Trong những chuyến leo núi, cắt rừng để thâm nhập sâu vào sào huyệt của bọn chúng, nhiều lần chị cùng đồng đội dầm mình trong trong cái lạnh thấu xương của miền biên viễn, thức trắng đêm trong mưa rừng với một bên là phải căng mắt theo dõi đối tượng mặc cho muỗi, vắt cắn đốt, bên kia là họng súng luôn kề sát của “ông trùm” ma túy và các “đàn em” trong lán trại. 

Nhiều tháng ròng rã bám địa bàn, bám đối tượng, ngày 13/11/2009, sau khi nắm chắc “ông trùm” Già Bá Thông cùng con trai Già Bá Danh chuẩn bị thực hiện một phi vụ làm ăn lớn, Ban chuyên án đã quyết định phá án. 

2 giờ sáng tại một bìa rừng thuộc xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, trong lúc các đối tượng đang giao dịch mua bán thì bất ngờ các trinh sát ập vào. Bị tấn công, các đối tượng cảnh giới vòng ngoài đã bắn trả quyết liệt. Nhưng cuối cùng hai cha con “ông trùm” cùng một số đối tượng liên quan cũng phải tra tay vào còng bởi sự dũng cảm của lực lượng đánh án, thu giữ tại chỗ 20 bánh heroin. Sau trận chiến cam go, trở về cùng đồng đội từ biên giới cũng là lúc chỉ còn vỏn vẹn 4 ngày để chuẩn bị cho đám cưới.

3. Ngoài Thượng úy Vi Thị Thúy, ở Phòng PC47, Công an tỉnh Nghệ An, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với Đại úy Nguyễn Thị Thu Phương. Nhìn vóc dáng nhỏ xinh với khuôn mặt rất tiểu thư, ít người có thể hình dung được chị lại là một trinh sát dạn dày kinh nghiệm, là nỗi khiếp sợ của không ít “ông trùm” ma túy. 

Cơ duyên đã gắn chị với nghề trinh sát ma túy cách đây hơn ba năm. Ban đầu, với ý định chuyển công tác về cho gần nhà để tiện chăm sóc gia đình, con cái, nào ngờ, tuy được ở gần nhà, nhưng dường như công việc đã khiến chị càng ít có thời gian cho gia đình hơn. Dù nhà neo người, chồng thường xuyên đi công tác xa, con còn nhỏ, nhưng được lãnh đạo đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ trinh sát nội, ngoại tuyến trong các chuyên án, chị đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Chị Phương cho biết: Phụ nữ làm công tác trinh sát gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chuyên án không phải được khám phá trong một sớm một chiều, mà có khi kéo dài hàng năm. Điều đó đồng nghĩa với việc trinh sát phải bám địa bàn, bám đối tượng ngần ấy thời gian. Đàn ông con trai làm trinh sát đã cực lắm rồi, chị em phụ nữ khi tham gia phá án lại càng vất vả, nguy hiểm. Bởi trong vai trò là một trinh sát, buộc họ phải tiếp cận và theo dõi mọi di biến động của đối tượng. Việc ăn măng rừng thay cơm, ngủ lán trại thay giường kéo dài cả tuần là chuyện thường xuyên với các nữ trinh sát. Nhưng có những chuyến đi không thể đoán định trước điều gì. Chỉ khi trở về cùng đồng đội an toàn và thắng lợi, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Đối với chị Phương, mỗi chuyên án chị tham gia đều để lại cho chị những ấn tượng khó quên. Gần đây nhất là Chuyên án 677T. Nửa đêm, chị nhận lệnh lên đường sang Cửa khẩu Cầu Treo làm nhiệm vụ. Lúc này, chồng đang đi công tác xa, chị lén dậy tránh làm con tỉnh giấc, nhanh chóng chuẩn bị ít tư trang, khóa trái cửa sang nhờ bà ngoại đến ngủ với cháu rồi lên đường. 

Tưởng có thể đi rồi về, nào ngờ gần một tuần “nằm vùng” tại đường biên giới mà đối tượng vẫn không chịu xuất hiện. Giữa lúc đang căng mình đánh án, chị hay tin mẹ già đau nặng phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Ruột rối như tơ vò, nếu chị quay về, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chuyên án vì mắt xích chị theo dõi bị gián đoạn. Nếu không về, lòng chị không yên. Sự việc được báo cáo lên Trưởng ban Chuyên án. 

Lãnh đạo đơn vị đã bố trí để chị quay về giải quyết việc gia đình. Cũng may, lúc này chồng chị trở về kịp thời đưa mẹ đi viện và thay chị chăm con nên chị đã nén lòng tiếp tục ở lại hoàn thành nhiệm vụ của mình. Kết thúc chuyên án, chị cùng đồng đội trực tiếp bắt giữ bà trùm Trần Thị Hoài Thanh cùng đồng bọn trong đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã làm rõ đường dây này vận chuyển, mua bán 31 bánh heroin, trong đó thu giữ tại chỗ 10 bánh, 12.000 USD và 1 xe ô tô.

Không chỉ có chị Thúy, chị Phương, các nữ trinh sát khác trong Phòng CSĐT tội phạm về ma túy như Thượng úy Đỗ Mai Liên, Thượng úy Đào Quỳnh Châu… mỗi người đều có những hoàn cảnh gia đình riêng nhưng các nữ trinh sát đều cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Trên trận tuyến phòng chống ma túy, họ là nữ trinh sát quả cảm. Ngoài công việc, với vai trò là “nội tướng” trong gia đình, họ còn là những người vợ, người mẹ đảm đang. Sẵn sàng gánh vác việc gia đình, lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ, chăm sóc bố mẹ già để chồng yên tâm công tác.

Hải Việt
.
.
.