Nữ trung tá công an hết lòng vì công việc

Thứ Năm, 26/11/2015, 09:00
Trong Công an tỉnh Hòa Bình, không ai không biết nữ Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Phạm Thị Thu Thủy, một lãnh đạo trẻ năng động, say nghề. Chị không đứng ngoài cuộc chỉ đạo anh em mà “xắn tay áo” hỗ trợ mọi người trong công việc. Chính tác phong sâu sát, gần gũi với anh em giúp chị hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình, công việc mỗi người để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Trò chuyện với chúng tôi, Trung tá Phạm Thị Thu Thủy nhắc tới cha già, người đã giúp chị có thêm động lực để đứng vững trước sóng gió cuộc đời. Kể về ông, nước mắt chị lăn dài. Trong suốt cuộc đời, cha chị phải chịu nhiều khổ cực, có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi. Từng có 7 năm bị địch bắt, rồi giam cầm ở “địa ngục trần gian” đảo Phú Quốc (Kiên Giang), song ông vẫn hiên ngang, là động lực thôi thúc đồng đội của ông tiến lên phía trước. Ông là Phạm Doãn Trường, SN 1937. 

Ông Trường sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức ở huyện Ba Vì (Hà Nội). Ngay từ khi còn nhỏ, ông sớm giác ngộ cách mạng. Phải chứng kiến đất nước lầm than, người dân cực khổ dưới ánh nô lệ của thực dân phong kiến, ông vô cùng đau đớn. Lớn lên, ông làm kế toán ngành thương nghiệp ở Sơn Tây. Đến năm 1960, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới cờ Đảng, ông thầm hứa sẽ chiến đấu, hy sinh để đẩy đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi, giải phóng hoàn toàn dân tộc. 

Sau khi có tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông xung phong lên đường, chiến đấu tại chiến trường phía Nam. Ông liên tiếp lập nhiều chiến công xuất sắc, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, nhiều tên nợ máu với nhân dân. Đến năm 1965, trong một trận chiến vô cùng quyết liệt với kẻ địch, ông bị bắt. Kẻ địch đánh đập, tra tấn ông hết sức dã man hòng thu tin từ ông. Song ông giả câm, không nói, chẳng rằng. 

Biết không thể lay chuyển tinh thần, ý chí của ông, kẻ địch giam cầm ông ở đảo Phú Quốc. Tại đây, chúng nhốt ông cùng nhiều chiến sỹ cách mạng yêu nước khác. Bọn chúng tiếp tục tra khảo, đánh đập làm nhụt ý chí của ông và đồng đội. Chúng cho ông ở trong buồng giam chật chội, bẩn thỉu, bỏ đói, sử dụng các bài tra tấn vô cùng dã man, ghê rợn. Những trận đòn liên tiếp khiến ông gục ngã. Có những lúc, tưởng chừng ông không thể đứng dậy nổi. Song ông thể hiện ý chí sắt đá, không hề run sợ. 

Đến năm 1973, ông được thả tự do. Ông trở về trong niềm vui vỡ òa. Sau nhiều năm bặt tin, mọi người tưởng rằng sẽ không bao giờ gặp lại ông. Thế nhưng, sau hơn 10 năm tham gia chiến trường, những vết thương khiến ông không lành lặn như xưa. Ông mất một nửa bàn chân trái, đau đớn hơn, người con trai cả mắc bệnh hiểm nghèo, bỏ ông mà đi. Vượt qua đau thương mất mát, ông cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đảng viên, người lính Cụ Hồ cao quý. Ông trở thành niềm tự hào của gia đình, con cháu, họ coi ông là tấm gương để học tập, để phấn đấu.

Trung tá Phạm Thị Thu Thủy.

Nghe cha kể về những trận đánh ác liệt với kẻ thù xâm lược, ngay từ khi còn nhỏ, Phạm Thị Thu Thủy ao ước được tiếp bước cha, làm việc gì đó có ích cho đất nước. Hình ảnh những người chiến sỹ vào sinh ra tử, xông pha khắp các chiến trường in đậm trong tâm trí chị. Cha dạy rằng, tuổi trẻ phải sống có ích cho xã hội, cho cộng đồng, chớ sống hoài, sống phí để không phải hổ thẹn với đời. Thậm chí phải hy sinh tính mạng vì nền độc lập và tự do của đất nước cũng không mềm lòng. 

Phạm Thị Thu Thủy sớm bộc lộ niềm đam mê các câu chuyện trinh thám. Chị có thể ngồi hàng giờ, đọc liên tục các câu chuyện, vụ án mà không cảm thấy chán nản. Chị chia sẻ mong muốn được làm chiến sỹ công an với cha và lập tức nhận được sự đồng cảm từ ông. Ông ôm con vào lòng, xúc động, nghẹn ngào bởi người con gái bé bỏng đã biết lo cho xã hội, lo cho cuộc sống nhân dân.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, năm 1996, Công an tỉnh Hòa Bình đăng tin tuyển dụng cán bộ có trình độ tiếng Anh, Phạm Thị Thu Thủy mạnh dạn nộp hồ sơ dự tuyển. Cái ngày Công an tỉnh Hòa Bình thông báo chị trúng tuyển, chị vui mừng khôn xiết. Ước mơ từ thuở nhỏ của chị trở thành hiện thực. Người đầu tiên chị báo tin chính là cha. Cảm nhận niềm vui lan tỏa từ người con, cha đã động viên, tin tưởng con sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà ngành giao phó.

Nhận thấy tố chất của chị, Công an tỉnh Hòa Bình điều động chị về Phòng Bảo vệ chính trị, công tác tại Đội Quản lý xuất nhập cảnh. Một lĩnh vực tuy không trực tiếp đấu tranh chống tội phạm song hỗ trợ, phục vụ các lực lượng nghiệp vụ khác quản lý an ninh, trật tự trên địa bàn. Ở lĩnh vực công tác mới, chị nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình từ các đồng đội đi trước. 

Nhớ về ngày đầu mới về đơn vị, chị vô cùng bỡ ngỡ, lo lắng bởi áp lực từ công việc khá lớn. Anh Nguyễn Tiến Thắng, khi đó là Đội trưởng Đội Quản lý xuất nhập cảnh là người đầu tiên giúp đỡ, chỉ bảo chị từ những việc nhỏ. Mỗi khi gặp tình huống khó, chị được anh Thắng và anh em trong đội giúp đỡ. Những điều đó giúp chị ngày một trưởng thành, vững vàng hơn. 

Với đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với nhân dân nên chị càng phải trau dồi về tác phong, trình độ, có như vậy mới hướng dẫn, giải quyết công việc cho nhân dân. Mỗi lần chứng kiến người dân vùng cao lặn lội xuống thị xã Hòa Bình làm hộ chiếu xuất cảnh, chị thấu hiểu những khó khăn, vất vả của họ. 

“Người dân mình còn nghèo lắm, làm việc gì có lợi cho dân phải cố gắng làm, việc gì có hại phải tuyệt đối tránh. Nhiệm vụ công tác công an phải dựa vào dân, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, có như vậy công an mới hoàn thành nhiệm vụ của mình” – chị Phạm Thị Thu Thủy chia sẻ.

Chị Thủy vẫn nhớ như in lần đầu giải quyết “ca khó” giúp dân. Một ngày cuối giờ chiều (năm 1997), có 2 cha con người dân tộc ở huyện vùng cao Đà Bắc lặn lội hàng chục km đường rừng, tìm tới Đội Xuất nhập cảnh để làm thủ tục cấp hộ chiếu. Lúc đó, chị chuẩn bị ra về thì người dân đến nài nỉ, xin được làm thủ tục cấp hộ chiếu để đi xuất khẩu lao động ở Cộng hòa Séc. Theo người dân, lịch bay đã ấn định, nếu không giải quyết sớm có nguy cơ lỡ chuyến bay, quan trọng hơn là mất hàng chục triệu đồng tiền đặt cọc. 

Nhìn 2 cha con quần áo xộc xệch, lấm lem bùn đất, nét mặt lo lắng, chị không khỏi xót xa. Lúc này đã khá muộn, chị vẫn tận tình hướng dẫn người dân khai hồ sơ, rút ngắn các thủ tục để họ sớm trở về gia đình. Lúc chia tay, 2 cha con bịn rịn bày tỏ lòng biết ơn tới chị Thủy và cán bộ trong đơn vị.

Hay việc giúp một người dân ở huyện Lương Sơn làm thủ tục xuất cảnh đúng thời hạn để lại trong chị nhiều ấn tượng sâu sắc. Đó là vào đầu năm 2011, anh Nguyễn Văn Ngân, 26 tuổi ở thôn Lai Trì, xã Cao Thắng (Lương Sơn) tới Đội Quản lý xuất cảnh làm hộ chiếu sang Đài Loan lao động. Thế nhưng, quá trình khai báo, chị phát hiện thông tin trong hồ sơ bị sai lệch. Anh Ngân vô cùng hoang mang, lo lắng bởi toàn bộ số tiền anh dành dụm, vay mượn của người thân, bạn bè có nguy cơ mất trắng. 

Gia đình anh Ngân có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn, do không có công việc ổn định, gia đình quyết định cho anh đi xuất khẩu lao động để hy vọng có cuộc sống tốt hơn. Cảm thông với hoàn cảnh của anh Ngân, chị Phạm Thị Thu Thủy, khi đó là Phó trưởng phòng trực tiếp gặp gỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất để giải quyết cho anh Ngân. Chính sự động viên kịp thời của chị Thủy đã giúp anh Ngân vững tin hơn. Chị liên hệ để anh được cấp lại chứng minh nhân dân trùng khớp với thông tin trong hộ khẩu. Sau đó hoàn chỉnh thủ  tục cấp hộ chiếu cho anh Ngân đúng kỳ hạn.

Cảm phục trước tinh thần trách nhiệm của chị Thủy, anh Ngân đã viết thư cảm ơn gửi Giám đốc Công an tỉnh. Trong thư viết: “Tôi vô cùng xúc động trước tinh thần tận tụy, hết lòng vì nhân dân phục vụ của chị Thủy và các cán bộ Đội Quản lý xuất nhập cảnh. Các anh chị đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Các đồng chí đã khắc họa hình ảnh đẹp về người chiến sỹ công an trong lòng nhân dân. Tôi xin cảm ơn lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình đã đào tạo những cán bộ có đức, có tài luôn vì nhân dân phục vụ”.

Trung tá Phạm Thị Thu Thủy (ngoài cùng bên trái) trao đổi công việc với cán bộ trong đơn vị.

Với cán bộ quản lý xuất nhập cảnh, chị và đồng đội có nhiệm vụ phát hiện, xử lý những trường hợp lợi dụng việc xuất cảnh để làm việc phi pháp. Theo chị Thủy, do nhiều nguyên nhân mà một số đối tượng cố tình giả mạo hồ sơ để được làm hộ chiếu xuất cảnh. Với những trường hợp như vậy, đòi hỏi cán bộ phải có trình độ nghiệp vụ sắc bén, kinh nghiệm lâu năm trong nghề. 

Đầu tháng 9/2013, Quách Thị Tiến, SN 1985 và Quách Thị Tín, SN 1968, đều trú tại xóm Vé, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn đến làm hộ chiếu. Sau khi đối chiếu hồ sơ, kết hợp với tài liệu nghiệp vụ, chị phát hiện ảnh trong hồ sơ bị giả mạo. Ngay lập tức, chị triệu tập 2 trường hợp trên để đấu tranh, làm rõ. Biết không thể trốn tránh, 2 đối tượng phải thừa nhận hành vi làm giả giấy tờ cá nhân. “Đó chỉ là một trong hàng chục trường hợp giả mạo hồ sơ bị phát hiện” – chị Thủy cho biết thêm.

Chị tiếp tục được Ban Giám đốc Công an tỉnh tín nhiệm giao làm Phó Trưởng phòng, năm 2013 được bổ nhiệm Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh. Khi ấy, chị vừa tròn 40 tuổi, một trong những nữ lãnh đạo trẻ nhất Công an tỉnh bấy giờ. Ở cương vị mới, trách nhiệm nặng nề hơn. Chị vừa quán xuyến các mặt công tác của đơn vị, vừa chăm lo đời sống của cán bộ, chiến sỹ. Chị thường gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm như người thân trong gia đình. Đáp lại tình cảm của chị, cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị luôn đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. 

Để nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân, chị đề xuất cấp trên thanh loại, giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà,  không cần thiết, rút ngắn thời gian cấp hộ chiếu còn 8 ngày. Chị yêu cầu cán bộ tiếp dân phải có thái độ niềm nở, hòa nhã với người dân, tận tụy, trách nhiệm với công việc. Việc gì có lợi cho người dân phải nỗ lực, cố gắng để hoàn thành. Nghiêm cấm hành vi quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong giải quyết công việc. 

Chị tham mưu UBND tỉnh Hòa Bình lập Đề án quản lý lưu trú cho người nước ngoài trên Internet triển khai tại tất cả các địa phương trong tỉnh, vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí, vừa đề cao tính chuyên nghiệp trong công tác. Vừa là thủ trưởng đơn vị kiêm Chủ tịch Hội Phụ nữ khối An ninh nhân dân, chị  còn là người vợ hết mực đảm đang, nhân hậu trong gia đình. Noi gương mẹ, các con của chị đều học hành giỏi giang, “cháu vừa đạt giải nhất kỳ thi quốc gia môn Tiếng Anh” – chị Thủy phấn khởi chia sẻ. Ngoài ra, chị cùng đồng đội còn đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi do Bộ Công an và địa phương tổ chức.

Trong sâu thẳm con người Trung tá Phạm Thị Thu Thủy là đức tính cần cù, chịu khó, say nghề. Người thân và đồng đội chưa khi nào thấy chị than vãn trước áp lực công việc. Con người ấy luôn tràn đầy nhiệt huyết được cống hiến cho xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Chị tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong công việc. Điều đó thật đáng trân trọng biết bao.

Như Hùng
.
.
.