Phá án từ những trang hồ sơ

Thứ Hai, 20/04/2015, 13:00
Trong lực lượng Công an nhân dân, mỗi lực lượng có một nhiệm vụ đặc thù. Ngoài những "lá chắn thép", những "mũi nhọn" đấu tranh tội phạm như Cảnh sát cơ động, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát hình sự…, còn có một lực lượng luôn âm thầm, lặng lẽ, miệt mài, góp phần đặc biệt làm nên thành công của những chuyên án lớn.

Đó chính là lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát. Với việc lưu trữ những con số, dòng chữ, bức hình tưởng chừng như vô tri, vô giác, thế nhưng đó la những trang hồ sơ "biết nói". Họ đã giúp lực lượng Cảnh sát tra cứu, xác định chính xác hàng ngàn đối tượng, phá hàng ngàn vụ án qua dấu vết thu được tại hiện trường để đưa ra ánh sáng những tên tội phạm giấu mặt…

1. Trụ sở của Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (C53) nằm trên con phố nổi tiếng của Hà Nội - phố Trần Hưng Đạo. Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc của mình, Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng C53 phấn khởi cho biết, với những nỗ lực cố gắng, thành tích xuất sắc trong công tác, năm nay đơn vị đang được đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Tâm huyết, tận tụy với nghề và gần như cống hiến, gắn trọn đời mình với lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ chia sẻ: Từ những năm 1958, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát đã bắt đầu tập hợp thông tin qua tư liệu kháng chiến, làm thủ công và sắp xếp theo từng mục. Về sau, khi công nghệ nâng cấp, cùng với sự phát triển của dân số và sự manh nha của các loại tội phạm khiến việc lưu trữ dữ liệu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ Nghiệp vụ Cảnh sát.

Năm 1975, trước khi giải phóng miền Nam, thực hiện chủ trương của Bộ Công an, Cục Hồ sơ đã kịp thời thu hồi, quản lý, thống kê và khai thác hồ sơ, tài liệu của Mỹ-ngụy, phân loại hồ sơ nhằm phát hiện những đối tượng nguy hiểm còn lẩn trốn, ẩn náu, kể cả các băng cướp chuyên nghiệp, tội phạm hình sự nguy hiểm lộng hành dưới chính quyền cũ, góp phần quan trọng bảo vệ các thành quả cách mạng mà quân và dân ta đã giành được.

Từ năm 1987, Cục C53 được thành lập trên cơ sở chia tách từ Cục Hồ sơ. Hằng năm, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát đã nghiên cứu phục vụ hàng triệu yêu cầu (trung bình bốn triệu yêu cầu/năm) phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nói đến công tác hồ sơ nghiệp vu,å có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng đó là những công việc đơn giản, nhẹ nhàng. Thực tế không phải vậy. Đơn cử như việc sắp xếp, lưu trữ hồ sơ cho khoa học, công tác phục vụ yêu cầu tra cứu cũng nhiều khó khăn.

Những trang hồ sơ gắn liền với những chiến công, thành tích của lực lượng Cảnh sát nhân dân qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành không ít những trang hồ sơ vốn là những mẫu giấy đã quá cũ, chất liệu giấy nhiều trang xơ vữa, ố vàng theo dòng thời gian và biến động thời tiết cần phải xử lý hóa chất, nên đảm nhận công tác này đòi hỏi những người lính Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát phải có một sự tâm huyết, hết lòng với công việc.

Trong những căn phòng làm việc nhỏ của những cán bộ Cục C53 là những dãy tủ tài liệu, hồ sơ được xếp một cách ngăn nắp, gọn gàng kê gần như chật kín lối đi. Bên cạnh những tập hồ sơ dày cộp với hàng trăm nghìn kiểu chữ, màu mực, hàng nghìn vân tay, chỉ bản và những thông tin cơ bản khác được lưu giữ, quản lý từ năm này sang năm khác.

Chỉ riêng tàng thư hồ sơ của chế độ cũ và hồ sơ hàng chục năm đầu sau ngày thống nhất đất nước vốn là những mẫu giấy đã quá cũ, phải xử lý hóa chất, nên mỗi khi cần tra cứu, cán bộ chiến sĩ đơn vị phải mang khẩu trang để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp.

Từ những con số, những con chữ, hình ảnh từ những trang hồ sơ là ẩn chứa cả hành trình dài sa vào "bóng tối" của nhiều đối tượng, trong đó có không ít những đối tượng "giang hồ cộm cán"… Kho "tàng thư căn cước tội phạm" là cả một câu chuyện dài mà nhiều người khi nghe sẽ phải giật mình. Tại đây lưu giữ tất cả các dữ liệu của công dân trong cả nước.

Bất kể lúc nào, khi các đơn vị nghiệp vụ trong cả nước cần tra cứu khẩn thông tin để phục vụ công tác điều tra, truy xét, đấu tranh phá án…, những cán bộ chiến sĩ Cục C53 đều thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất. Từ những tàng thư được bảo quản vô cùng cẩn mật, họ đã góp phần lật tẩy hành tung của các đối tượng phạm tội, là căn cứ, chứng cứ pháp lý để điều tra làm rõ tội phạm.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ kể cho chúng tôi nghe một chiến công xuất sắc của Cục C53 trong việc bắt giữ tên, sát nhân máu lạnh đã gây ra vụ án mạng kinh hoàng tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội cho dù hắn đã cạo đầu, mặc quần áo nâu sòng trong vai chú tiểu tại một ngôi chùa. Nạn nhân vụ án là ông Nguyễn B. (58 tuổi), sống độc thân, đã bị sát hại tại nhà riêng trước đó chừng 3-4 ngày.

Ông B. tử vong do bị tấn công bằng những nhát dao ác hiểm vào vùng đầu, cổ và gáy, gây chấn thương sọ não, mất máu cấp. Hung thủ gây án hầu như không để lại dấu vết tại hiện trường, cảnh sát ví hệt như là hắn "đi không dấu, nấu không khói". Ông B là người đồng tính, sống độc thân, khép kín, ít giao lưu quan hệ với mọi người xung quanh. Sinh thời, nạn nhân có một số mối tình đồng giới nhưng đã là một quy tắc bất thành văn trong giới của họ, danh tính những người tình đồng giới luôn là một ẩn số vì được giữ bí mật.

Đó chính là khó khăn và thách thức lớn trong công tác điều tra phá án để trả lại công bằng cho phía bị hại và trấn an dư luận. Sự tỉ mỉ và thận trọng của lực lượng điều tra đã có kết quả bằng việc phát hiện được đôi giày mà ở đó còn lưu dấu vân tay của hung thủ.

Ngay sau khi tiếp nhận dấu vết, những cán bộ chiến sĩ của Cục C53 tiến hành truy nguyên đã cho thấy chủ nhân dấu vân tay là Đàm Văn Tuyên (27 tuổi, thôn Lọng Nghè, xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), đã có một tiền sự. Khi lực lượng truy bắt tìm về quê tên Tuyên thì được biết Tuyên đã vắng nhà từ vài tháng trước.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, kiên trì lần theo dấu vết hung thủ, chỉ 3 ngày sau, các trinh sát đã bắt giữ được tên Tuyên, mặc dù lúc này hắn đã cạo đầu, mặc quần áo nâu sòng trong vai chú tiểu  tại một ngôi chùa thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Phát hiện ra các trinh sát, tên Tuyên lập tức bỏ chạy vào trong phòng và chui vào gầm giường lẩn trốn khiến trinh sát phải bắt hắn ra ngoài, còng tay dẫn giải theo lệnh bắt khẩn cấp về hành vi giết người, cướp tài sản.

Cán bộ, chiến sĩ Cục C53 luôn nỗ lực quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ.

2. Chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" của Đài Truyền hình Việt Nam đã trở nên thân thiết với người xem truyền hình cả nước trong nhiều năm qua. Để góp phần làm nên những cuộc đoàn tụ vô cùng ý nghĩa ấy, có sự đóng góp của lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát.

Khi "Như chưa hề có cuộc chia ly" mới phát sóng trên VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, nhận thấy tính xã hội, nhân đạo và nhân văn sâu sắc - lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát có thể tham gia tìm kiếm thông tin về người thân bị thất lạc qua tra cứu, khai thác hệ thống hồ sơ, tàng thư nên Cục C53 đã báo cáo xin chủ trương của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, chủ động gặp gỡ, bàn bạc với những người làm chương trình xây dựng kế hoạch tìm kiếm người thân bị thất lạc và tìm di ảnh người đã mất. Đến nay, Cục  C53 đã tra cứu, xác minh giúp tìm ra 53 trường hợp thất lạc để đoàn tụ với người thân.

Chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" số 33 với tiêu đề "Tiếng nói của tàng thư". Đó là cuộc đoàn tụ đầy bất ngờ của gia đình của anh Lâm Văn Thuận, quốc tịch Campuchia, với người mẹ đã 84 tuổi của mình ở Việt Nam sau hơn 40 năm mất liên lạc (trong đó có 33 năm mưu sinh trên đất nước Campuchia). Để góp phần làm nên cuộc đoàn tụ đó, những chiến sĩ của Cục C53 đã xác định thông tin anh Thuận tìm cha mẹ đẻ chỉ là tờ cam kết cho con mang tên người cha là Lâm Vul, căn cước số 001976 cấp tại Sài Gòn ngày 13/6/1960; mẹ là Lê Thị Hải (SN 1926, căn cước số 010919 cấp tại Sài Gòn ngày 13/6/1960).

Nhờ vào kết quả tra cứu tàng thư, Đội tìm kiếm của Chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" đã nhanh chóng tìm ra gia đình của bà Nguyễn Thị Hải - người mẹ mà anh Thuận tìm kiếm suốt bao năm tại con hẻm  đường Đinh Tiên Hoàng, TP Hồ Chí Minh. Bà Hải nay ở tuổi gần đất xa trời, ước nguyện cuối của bà là tìm được người con trai bị lưu lạc từ lâu. Được chứng kiến cảnh đoàn tụ ấy, các cán bộ của Cục C53 cảm thấy như chính mình vừa tìm lại được người thân. Đó là một trong những hình ảnh đẹp nhất và gần với dân nhất của những chiến sĩ Cục C53.

Cục C53 đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao phá án.

3. Một câu chuyện cảm động khác về nguyện vọng tìm ảnh mẹ của một người con có cha là liệt sĩ, mồ côi lúc 6 tuổi trong chiến tranh. Chị ấy đã không lập bàn thờ cho đến năm 2003, vì không nỡ thờ ảnh cha mà không có ảnh mẹ bên cạnh. Chị ấy nói: "Tìm được ảnh mẹ (nhờ những chiến sĩ Cục C53 tra cứu tàng thư), tôi thấy mẹ tôi như sống lại". Khó có thể kể hết thành lời những vất vả, hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát trên trận tuyến bảo vệ an ninh trật tự.

Trong tiết trời se lạnh còn phảng phất, vương vấn lại của Hà Nội những ngày đầu tháng 4, tạm biệt các anh, một cái siết tay thật chặt đủ hiểu rằng, còn bao nhiêu quyết tâm, nhiệt huyết và cả trăn trở với công cuộc của những chiến sĩ lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát. Các anh, các chị đã tô thắm thêm lá cờ truyền thống của lực lượng Công an nhân dân về tinh thần tận tụy sáng tạo, lặng lẽ cống hiến và hy sinh vì sự bình yên cho cuộc sống nhân dân.

Việt Hưng
.
.
.