Scott Goodwin: "Facebookpolisen" của Thụy Điển

Thứ Năm, 16/01/2020, 10:35
Bằng nỗ lực không biết mệt mỏi, ông Scott Goodwin đã mang lại bình yên cho thành phố và chính ông đã trở thành một cảnh sát nổi tiếng nhất của Thụy Điển.


Hơn 20 năm trước, ông Scott Goodwin là một sĩ quan cảnh sát ở thành phố Sydney của Úc. Sau khi lập gia đình, ông chuyển đến sống ở thành phố nhỏ Vaxjo của Thụy Điển. Đây là một thành phố rất phức tạp với vấn đề nhập cư, ma túy và tội phạm thanh thiếu niên. Bằng nỗ lực không biết mệt mỏi, Goodwin đã mang lại bình yên cho thành phố và chính ông đã trở thành một cảnh sát nổi tiếng nhất của Thụy Điển.

Gia tộc nhiều đời làm cảnh sát

Scott Goodwin sinh ra ở Lithgow, cách Sydney 140 km về phía tây. Gia tộc của Goodwin nhiều thế hệ làm nhân viên dịch vụ khẩn cấp cũng như cảnh sát của Úc. Anh trai của Goodwin là cảnh sát. Em trai của Goodwin là nhân viên cứu thương của bệnh viện. Cha, ông nội, các chú và anh em họ đều theo cùng một lộ trình. Năm 1996, Goodwin gia nhập lực lượng Cảnh sát New South Wales (NSW) sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân.

Cảnh sát Goodwin trên bìa cuốn sách của mình.

Goodwin từng nói: "Nếu bạn tính tất cả các năm phục vụ của các thành viên trong gia đình tôi, từ ông tôi đến anh em trai và anh em họ của tôi, tôi nghĩ rằng gia đình tôi có khoảng 360 năm trong lực lượng cảnh sát và trên xe cứu thương". Nhưng trong hơn 10 năm qua, Goodwin đã tạo dựng được danh tiếng cho mình ở một quốc gia cách nước Úc đến 14.000 km, ở phía bên kia của thế giới, đó là đất nước Thụy Điển xinh đẹp.

Người gác đền ở khu “no-go zones”

Năm 2008, Goodwin kết hôn cùng vợ là người Thụy Điển. Rời khỏi lực lượng Cảnh sát NSW Goodwin chuyển đến Thụy Điển cùng vợ. Tại đây, Goodwin đã dành vài năm để học tiếng Thụy Điển, một ngôn ngữ mà anh biết mình sẽ phải thông thạo nếu anh muốn trở thành cảnh sát của quốc gia mới. Những lúc rảnh rỗi, Goodwin phụ vợ điều hành một doanh nghiệp lớn trong thị trấn.

Sau khi gia nhập lực lượng Cảnh sát Thụy Điển, Goodwin công tác tại thành phố Växjö, thủ phủ của hạt Kronoberg. Đây là một thành phố rất phức tạp với vấn đề nhập cư, ma túy và tội phạm thanh thiếu niên. 

Đặc biệt, Goodwin được phân công về Araby, một khu phố có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất của thành phố Växjö. Đây là một trong 15 khu vực trên cả nước "đặc biệt dễ bị tổn thương" với tỷ lệ nghèo đói và tội phạm cao - theo báo cáo của Cảnh sát Thụy Điển năm 2015. Đây cũng là khu vực nổi tiếng với cụm từ “No-go zones”(không nên đến).

“No-go-zones” được hiểu nôm na là các khu vực không khuyến khích qua lại. Đây là một khái niệm dường như chỉ còn tồn tại ở các vùng có chiến sự hoặc khu vực bị mất kiểm soát, dẫn đến tình trạng bạo lực, tội phạm báo động. 

Scott Goodwin (phải) và đồng nghiệp.

Tuy nhiên, khi thử tìm kiếm cụm từ “No-go-zones” trên Google, kết quả hiện ra nhiều nhất lại là các câu chuyện liên quan đến quốc gia Thụy Điển giàu có và nổi tiếng yên bình. 

Tâm lý chống người tị nạn ở Växjö đã bùng phát trong những năm gần đây, về mối liên hệ được nhận thức rộng rãi giữa nhập cư và gia tăng tội phạm bạo lực, một điều đã làm cho các chuyên gia và ngay cả Chính phủ Thụy Điển phải đau đầu.

Nhưng với tài năng và sự tận tâm, Goodwin đã giúp khu phố Araby trở nên yên bình hơn trước đây rất nhiều. Hơn 10 năm công tác trong lực lượng cảnh sát Växjö, Goodwin chưa hề sử dụng bạo lực đối với bất cứ ai. Đồng thời, Goodwin rất được người dân yêu mến. Mỗi lần Goodwin đi tuần tra được dân chúng chào đón nồng nhiệt và gọi tên ông một cách thân mật. Các em học sinh nói chuyện với ông một cách vô tư.

Năm 2012, Goodwin được vinh danh là công dân của năm tại hạt Kronoberg để ghi nhận những nỗ lực của ông trong công tác phòng chống tội phạm, cũng như giáo dục các em thiếu niên hư hỏng. Ngoài ra, Goodwin còn nhiều lần đại diện cho Cảnh sát Thụy Điển tham gia các khóa công tác và huấn luyện của quốc tế. Chẳng hạn như làm việc với Interpol ở Stockholm, với FBI của Mỹ.

Đồng thời, Goodwin còn thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở các nước và thành phố như: Phần Lan, London, Madrid, Budapest, Paris, Sydney để theo dõi các cuộc tập trận an ninh. Ông cũng từng đại diện cho Thụy Điển đến Thụy Sĩ để dự hội nghị được Tổ chức Y tế Thế giới tóm tắt về cúm lợn.

Cảm hóa giới trẻ bằng Facebook

Giới trẻ ở thị trấn Växjö rất yêu mến cảnh sát Goodwin. Chẳng hạn như học sinh trung học Aila Sandström nói rằng: “Goodwin được mọi người rất quý mến. Mọi người đều biết chú cảnh sát vui tính ScottGoodwin”. Một học sinh khác, Thuuva Isaksson, nói: "Chú ấy rất vui tính, chú ấy đã nói về những thứ nghiêm túc cần được nói đến một cách hóm hỉnh và làm cho giới trẻ rất thích".

Năm 2011, Goodwin nổi tiếng trên khắp đất nước Thụy Điển nhờ cách cảm hóa giới trẻ một cách rất tiến bộ và đặc biệt. Anh bắt đầu cập nhật một số dòng trạng thái trên tài khoản Facebook của cảnh sát thành phố Växjö. Nhằm hướng đến giáo dục thanh thiếu niên, ngăn chặn bạo lực gia đình, vấn đề lạm dụng rượu và an toàn cá nhân. Lúc đầu, các bài đăng của Goodwin chỉ đạt được một lượng nhỏ đọc giả quan tâm. Nhưng sau đó, một lượng lớn người sử dụng Facebook đã theo dõi trang của cảnh sát Växjö, đặt biệt là giới trẻ.

Năm 2012, một bài đăng trên Facebook của Goodwin đưa ra lời khuyên cho thanh thiếu niên về việc uống rượu ở nơi công cộng đã có hơn 52.000 lượt yêu thích chỉ trong vài giờ. Nội dung như sau: "Nếu bạn 16 tuổi, say rượu và cầm một chai rượu, bạn sẽ không thông minh lắm khi chửi cảnh sát đi tuần tra. Nếu bạn vẫn cố gắng làm điều đó thì chắc chắn rằng bạn có khả năng chạy rất nhanh!!!”.

Các phương tiện truyền thông nhanh chóng gọi Goodwin là "Facebookpolisen", nghĩa là cán bộ cảnh sát Facebook. Và từ đó tên của cảnh sát Goodwin thường xuyên xuất hiện trên truyền hình buổi sáng Thụy Điển và trên nhiều tờ báo của thủ đô Stockholm.

Goodwin nói: "Mỗi khi tôi đăng một cái gì đó, các tờ báo thường gọi điện để hỏi lý do tại sao tôi làm điều đó”. Thậm chí, Goodwin đã xuất bản một cuốn sách nổi tiếng về chủ đề này sau khi nhiều người hâm mộ yêu cầu. Cuốn sách “Facebookpolisen", đã chia sẻ kinh nghiệm của Goodwin trên công tác truyền thông xã hội của Cảnh sát Thụy Điển.

Sử dụng Facebook để cảm hóa giới trẻ, đây là một điều rất mới mẻ đối với Cảnh sát Thụy Điển và là một phương tiện tốt để cảnh sát trình bày những gì đã xảy ra và khuyên những điều giới trẻ không nên làm. Đồng thời, giải thích tại sao cảnh sát làm điều này mà không làm điều kia.

Giờ đây, ở tuổi 48, cuộc sống của Goodwin thật mãn nguyện. Vợ chồng ông có 3 người con,  hai trai một gái. Đặc biệt, gia đình Goodwin có nuôi một chú chó săn tên Bosse, cũng được xem như một thành viên của gia đình. Goodwin đang giảng dạy tại Học viện Cảnh sát địa phương. Hiện ông đang tham gia khóa học để lấy bằng cấp về chống khủng bố.

Thỉnh thoảng, gia đình ông trở về Úc để thăm người thân. Nhưng Goodwin nói rằng ông cảm thấy mình như không còn là một người Úc nữa. Goodwin đã từng trả lời với báo chí rằng: "Tôi không nhớ Úc. Tôi không cảm thấy mình là một người Úc như cảm nhận trước đây. Bây giờ, tôi thấy mình là một người Thụy Điển”.

Dù khá bận rộn với công việc nhưng Goodwin vẫn tranh thủ thời gian để xem chương trình yêu thích của mình, đó là chương trình nổi tiếng với loạt truyện trinh thám về thanh tra Kurt Wallander.

Hoa Nam (tổng hợp)
.
.
.