Tâm huyết, trách nhiệm, không ngại khó

Thứ Năm, 25/01/2018, 12:00
"Yếu tố quan trọng nhất của một chiến sĩ CAND là phải tâm huyết với nghề và có tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó, không sợ khổ”, Thượng tá Nguyễn Thanh Dũng, Phó trưởng Công an TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh chia sẻ với chúng tôi như vậy khi nói về chuyện nghề của người CAND.


T dân phòng đến Phó trưởng Công an thành ph

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, từ nhỏ Nguyễn Thanh Dũng đã mơ ước được khoác lên người bộ đồng phục của người chiến sĩ CAND để có thể giúp đời, giúp nước. Vì vậy, năm 1987 anh đã nộp đơn thi vào Sơ cấp ngành Công an, sau đó học tiếp lên Trung cấp, rồi Đại học và các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ.

Nơi công tác đầu tiên của anh Dũng là Công an huyện Hòa Thành. Tại đây, anh đã kinh qua rất nhiều công việc, vị trí với nhiều nghiệp vụ khác nhau. Đầu tiên, anh chỉ tham gia công tác dân phòng. Sau đó, lần lượt anh được điều chuyển sang Đội Cảnh sát hình sự (CSHS), Cảnh sát điều tra (CSĐT), rồi lại về làm Đội phó Đội CSHS. Thời gian anh gắn bó với Công an huyện Hòa Thành tổng cộng tới 23 năm. Đó chính là quãng thời gian anh được rèn giũa, trau dồi những kinh nghiệm quý báu, hun đúc nên một người chiến sĩ CAND dày dặn kinh nghiệm như hiện nay.

Thời anh công tác ở Hòa Thành, các điều kiện về cơ sở vật chất và công nghệ thông tin rất thiếu thốn. Đây chính là trở ngại lớn nhất cho công tác điều tra phá án vì các đơn vị, nhóm/đội không thể thông tin liên lạc với nhau kịp thời. Đến khi có điện thoại di động rồi, do hạ tầng viễn thông của huyện khi đó còn kém nên rất nhiều vùng vẫn chưa có sóng điện thoại.

Thượng tá Nguyễn Thanh Dũng

Anh Dũng kể một lần đội của anh quyết định vây bắt một đường dây cá độ bóng đá cỡ lớn. Để bắt quả tang, đội đã cử trinh sát đi trước để theo dõi, chờ những tay thầu đến nộp giấy cá độ sẽ báo tin cho lực lượng phục sẵn cách đó 1km để ập vào bắt quả tang. Tuy nhiên, vì nơi tên trùm đường dây đang trú ngụ không có sóng điện thoại nên các trinh sát không thể nào báo tin kịp cho lực lượng phục kích. Chờ quá lâu, đội phục kích quyết định bỏ xe lại đi bộ vào cho khỏi bị lộ. Cuối cùng, nhờ sự phán đoán nhanh nhạy của người đội trưởng và sự phối hợp ăn ý của cả đội, đường dây cá độ đã bị bắt trọn ổ.

Sau 23 năm công tác ở huyện Hòa Thành, đến năm 2009 anh Dũng được chuyển về Công an thị xã Tây Ninh (bây giờ là TP Tây Ninh) với vai trò là Đội trưởng Đội CSHS Công an thị xã. Trong thời gian này, anh vừa công tác vừa được cấp trên cho đi học thêm nghiệp vụ để tự “nâng cấp” chính mình. Sau đó, anh đã được lãnh đạo tin tưởng đề bạt lên vị trí Phó trưởng Công an thị xã  Tây Ninh, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT.

Kiên quyết với tội phạm

Từ địa bàn huyện lên thị xã là một sự thay đổi đáng kể đối với anh Nguyễn Thanh Dũng, bởi hai môi trường hoàn toàn khác nhau. Thị xã là nơi tập trung tất cả các cơ quan đầu ngành của tỉnh. Đây cũng là nơi diễn ra các lễ hội của tỉnh, là nơi hành hương của các tín đồ đạo Cao Đài. Hơn nữa, ở đây tập trung rất nhiều các tụ điểm ăn chơi, lại đông dân cư nên tình hình tội phạm khá phức tạp.

“Thời điểm khó khăn nhất đối với tôi là vào năm 2011, khi mới chuyển về thị xã và được bổ nhiệm làm lãnh đạo. Khi đó tình hình tội phạm rất căng, một ngày có 2-3 vụ. Lúc đó thị xã có một vài quán bar nên đã thu hút các đối tượng từ khắp nơi trong tỉnh và các tỉnh khác, thậm chí từ Campuchia sang. Trong khi đó, Công an  thị xã lại chưa có các đội CSĐT, CSHS riêng biệt như hiện nay”, Thượng tá Nguyễn Thanh Dũng nhớ lại.

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy, của Đảng ủy, Công an thị xã Tây Ninh đã có được những bước đi đúng đắn. Công an thị xã đã tập trung tuyên truyền, xác định các đối tượng và băng nhóm để tập trung đánh mạnh một số đối tượng và băng nhóm, khiến các đối tượng và băng nhóm còn lại tự co cụm hoặc chuyển sang các địa bàn khác. Tình hình càng về sau càng ổn định hơn, Công an TP Tây Ninh nhiều năm liền đạt Đơn vị Quyết thắng, bản thân anh cũng được cấp trên và đồng đội đề bạt là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Một vụ án gây ấn tượng sâu sắc với anh kể từ khi về công tác tại Công an TP Tây Ninh là vụ cướp tiệm vàng Đức Phú. Khi đó, Công an phường Ninh Thạnh báo vụ án xảy ra lúc ông bà chủ tiệm vàng đi ăn cưới, chỉ có cô con gái 15 tuổi ở nhà. Đối tượng vào tiệm vàng, bóp cổ cô bé ngất xỉu tới 2 lần để cướp vàng rồi tẩu thoát. 

Tại hiện trường, chứng cứ thu được rất mờ nhạt và mâu thuẫn với nhau. Người dân xung quanh khi thì mô tả đối tượng mặc áo điện lực, khi thì là công nhân làm đường. Cả bé gái con chủ tiệm vàng sau khi tỉnh lại cũng cung cấp thông tin rất mơ hồ. Thế nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ và kiên trì điều tra từ những manh mối rất nhỏ, cộng với cả may mắn, cuối cùng cơ quan Công an đã bắt được đối tượng.

 Điều đáng nói, đối tượng khai toàn bộ số vàng hắn cướp được đều là vàng giả nên đã vứt xuống suối. Khi Công an làm việc với vợ chủ tiệm vàng, bà này khai thật là do kẹt tiền nên đã bán hết vàng thật, rồi mua vàng giả về bày trong tủ kính để đánh lừa chồng mình!

Tố chất cần có của người chiến sĩ CAND

Chia sẻ với chúng tôi về chuyện nghề, Thượng tá Nguyễn Thanh Dũng cho rằng yếu tố đầu tiên và trên hết người chiến sĩ CAND cần có đó là phải tâm huyết với nghề, yêu nghề. Từ tâm huyết với nghề, người chiến sĩ sẽ có tinh thần trách nhiệm cao, không ngại gian lao khó nhọc. 

Không ngại khó, không ngại khổ mới có thể giúp hun rèn nên một người chiến sĩ CAND có kinh nghiệm, có bản lĩnh để đương đầu với tội phạm, hoàn thành được nhiệm vụ mà Nhà nước, xã hội đã đặt lên vai mình. Đó là kinh nghiệm mà anh đúc kết được qua chính chặng đường phục vụ hàng chục năm qua của mình. 

Những chiến sĩ CAND ở Tây Ninh nói chung như anh điều kiện tác nghiệp rất khó khăn, nhiều khi phải ăn nằm trong rừng sâu hàng tuần lễ, thậm chí hàng tháng trời, bỏ hết những chuyện cá nhân để theo đuổi chuyên án. Những khi đó, cần lắm một tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm và yêu nghề mới có thể làm được.

Ngoài ra, Thượng tá Nguyễn Thanh Dũng chia sẻ người chiến sĩ CAND phải tu dưỡng đạo đức, trách nhiệm, không tự cao tự đại trong quan hệ tiếp xúc với anh em đồng đội và đặc biệt với quần chúng nhân dân. Chính điều này giúp Công an gần gũi với nhân dân hơn, được người dân tin cậy và hỗ trợ phá án hết mình. 

Anh kể có những chuyên án, anh và tổ điều tra phải xuống hiện trường hàng chục lần để tìm manh mối. “Có khi hôm nay mình đến, người dân không nói gì, mình cũng không lần ra manh mối nào, nhưng ngày mai đến người dân lại chịu nói, có thể giúp lần ra manh mối”, Thượng tá Dũng nói. “Vì vậy, kiên trì, nhẫn nại là yếu tố tối cần thiết của một cảnh sát điều tra”.

Ở cương vị người lãnh đạo, Thượng tá Dũng cho biết anh đã học cách để hiểu từng anh em chiến sĩ một, hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của từng người để có sự phân công phù hợp nhất, ai thích hợp với công tác trinh sát, ai thích hợp với hoạt động bố ráp... “Tôi hiểu anh em đến nỗi trong cuộc họp, chỉ cần ai đứng lên là tôi đã biết trước họ sẽ nói cái gì”, Thượng tá Dũng cười nói.

Năm 2017, nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của Ban Chỉ huy, của Đảng ủy, của cấp trên và sự cố gắng của tất cả CBCS Công an TP Tây Ninh, tình hình tội phạm trên địa bàn tiếp tục được kéo giảm. Số vụ tội phạm so với năm 2016 đã giảm 13,21% (giảm 21 vụ). Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đã điều tra làm rõ 129 vụ với 156 đối tượng, đạt 93,48%, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2016, vượt 18,48% so với chỉ tiêu Nghị quyết Công an đề ra (75%) và vượt 23,48% so với chỉ tiêu Nghị quyết 37/2013/NQ-QH13 của Quốc hội (70%). Trong đó, án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đã điều tra làm rõ 33 vụ với 42 đối tượng, đạt 100% (vượt 10% so với Nghị quyết 37 của Quốc hội). Đối với tội phạm xâm phạm về trật tự xã hội trong năm qua giảm 37 vụ (30,8%); điều tra làm rõ 54 vụ 75 bị can, đạt 91,53% (tăng 20,88% so với cùng kỳ năm 2016).

Trong năm 2018, Công an TP Tây Ninh đề ra 3 mục tiêu chính: đánh tội phạm ma túy; đánh tội phạm nguy hiểm (băng nhóm, có vũ khí...) và đánh tội phạm cho vay nặng lãi. Theo Thượng tá Dũng, đề ra 3 mục tiêu trên vì tội phạm ma túy được xem là “tội phạm của tội phạm”. Tội phạm ma túy có thể kéo theo trộm cắp, cướp của, giết người. Tội phạm cho vay nặng lãi cũng tương tự, vì hình thức đòi nợ của loại tội phạm này thường là phi pháp, sử dụng các biện pháp côn đồ. Còn tội phạm nguy hiểm cần chú trọng vì có nguy cơ gây mất trật tự xã hội cao.

Ðồng chí Nguyễn Thanh Dũng là một cán bộ rất tích cực, kỹ lưỡng trong công tác lãnh đạo, điều tra. Khi thụ lý bất kỳ vụ án nào, dù đã được cấp dưới báo cáo nhưng đồng chí vẫn nghiên cứu hồ sơ rất kỹ lưỡng rồi mới báo lên cấp trên xin chỉ đạo. 
Ðại tá Trần Văn Luận, Trưởng Công an TP Tây Ninh.

Ðồng chí Dũng là người rất có trách nhiệm trong công tác và có lối sống gần gũi, đoàn kết với anh em đồng đội. Hai phường đồng chí Nguyễn Thanh Dũng phụ trách có tình hình an ninh trật tự cải thiện tốt, trong năm qua một phường đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng, một phường đạt danh hiệu đơn vị Tiên tiến. Cá nhân đồng chí Nguyễn Thanh Dũng đã được bình chọn danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Long Viên
.
.
.