'Thiếu tá thép' nơi tuyến lửa Tây Bắc

Thứ Ba, 29/09/2015, 14:00
Thiếu tá Trần Trung Kiên vẫn được nhiều, đồng nghiệp gọi với cái tên: "Thiếu tá thép" nơi tuyến lửa Tây Bắc. Mặc dù hiện tại, anh đang đảm nhận chức vụ Phó Trưởng phòng, vậy nhưng hầu hết các chiến công trên trận tuyến đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn thời gian qua đều mang dấu ấn của anh.

Sau nhiều lần "khất hẹn" vì những chuyến đi công tác, "nằm vùng" đột xuất, cuối cùng, chúng tôi cũng có dịp tiếp xúc với anh - Thiếu tá Trần Trung Kiên - Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Điện Biên.
Tiết trời hôm ấy thật ngột ngạt khi cơn gió Lào từ dãy núi Sam Mứn cứ thế nối nhau thổi xuống lòng chảo TP Điện Biên Phủ. Nó dường như càng hầm hập hơn khi trong căn phòng làm việc của anh ngồn ngộn đống hồ sơ liên quan đến các vụ án ma túy...

1.Thiếu tá Trần Trung Kiên vẫn được nhiều, đồng nghiệp gọi với cái tên: "Thiếu tá thép" nơi tuyến lửa Tây Bắc. Mặc dù hiện tại, anh đang đảm nhận chức vụ Phó Trưởng phòng, vậy nhưng hầu hết các chiến công trên trận tuyến đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn thời gian qua đều mang dấu ấn của anh.

Thiếu tá Trần Trung Kiên cùng đồng nghiệp lên kế hoạch phá án.

Có lẽ, nếu không tiếp xúc, không tìm hiểu về công việc thầm lặng - đánh án ma túy, ít ai biết rằng, phía sau những chiến công, ánh hào quang ấy là tháng ngày đằng đẵng anh phải cùng đồng nghiệp "ăn rừng, ở suối". Thậm chí, còn không ít lần "giáp mặt" tử thần khi các tay trùm ma túy nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV hung hãn tấn công. Kể về những trận đánh "nơi cửa tử", về những lần "giáp mặt" với trùm ma túy cộm cán, mang trong mình căn bệnh thế kỷ, sắc thái của anh không hề biến chuyển. Dường như những lần phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV không quá lạ lẫm với anh - "Thiếu tá thép" trên tuyến lửa ma túy Tây Bắc.

Đôi mắt nghiêm nghị, chất giọng trầm trầm, anh kể về những lần "giáp mặt" tử thần. Đó là một ngày cuối tháng 4/2007, khi cơn mưa rừng như trút nước vừa dứt, tiếng chuông điện thoại nơi phòng làm việc của anh bỗng đổ hồi. Từ đầu dây bên kia, tiếng một người đàn ông bất bình: "Các anh mau xuống xã tôi đi (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên-PV), thanh niên nơi đây đang bị đầu độc bởi ma túy rồi!".

Linh cảm nghề nghiệp cho thấy nguồn tin này rất có giá trị và việc phải nhanh chóng xác minh, triệt phá "boong ke" chuyên cung cấp ma túy trên là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Ngay lập tức, thông tin trên được báo cáo lên lãnh đạo Phòng.

Một kế hoạch xác minh, thu thập thông tin chi tiết liên quan đến nguồn tin báo trên được xác lập. Xác định rõ tính chất của vụ việc, không quản địa bàn hiểm trở, vai khoác ba lô, anh cùng đồng nghiệp xuống địa bàn "nằm vùng" gần một tháng để thu thập tài liệu, chứng cứ. Đối tượng điều hành "boong ke" này không ai khác chính là Quàng Văn Biêng, ở xã Núa Ngam. Đối tượng đã có 2 tiền án, bị nhiễm HIV giai đoạn cuối.

Sau một thời gian theo dõi, nắm bắt quy luật hoạt động, trinh sát trẻ Trần Trung Kiên xin ý kiến lãnh đạo Phòng cho cất vó "mẻ lưới" này. Hôm ấy, trời mưa mỗi lúc một nặng hạt. Nhà nhà đã cửa đóng then cài. Nhận định đây là thời điểm thích hợp để đánh án. Hiệu lệnh phát ra, anh cùng đồng nghiệp bất ngờ lao vào phòng ngủ của Biêng.

Với bản chất liều lĩnh, manh động nên vừa thấy các anh, Biêng đã dùng dao chém xối xả về phía Tổ công tác. Không để đối tượng trốn thoát, Thiếu tá Kiên dũng cảm lao vào quật ngã, tước hung khí trên tay Biêng. Khi bị tra tay vào còng cùng số lượng lớn ma túy, đối tượng đã cười sặc sụa: "Mày sẽ đi theo tao thôi. Dao tao dính máu HIV đấy…!". Ngay sau đó, anh được đồng đội đưa đi cơ sở y tế để uống thuốc chống phơi nhiễm HIV…

- Khi đối tượng nói vậy, anh có lo lắng không?- Tôi hỏi

- Lo lắng gì! Lúc ấy, mình chỉ nghĩ là làm sao đưa đối tượng nhanh chóng về cơ quan điều tra để mở rộng vụ án, đem lại bình yên cho bà con thôi…!- Thiếu tá Trần Trung Kiên cười đáp.

Để có được những chiến công, tạo "bức tường lửa" ngăn chặn "cái chết trắng", với các anh - những người lính đánh án ma túy luôn phải đối diện với những hiểm nguy, sự mất mát. 

Với Thiếu tá Trần Trung Kiên, những cơn vật vã khi phải sử dụng thuốc điều trị, chống phơi nhiễm HIV lại một lần nữa xảy đến với anh. Sau khi điều trị một thời gian, vẫn trên địa bàn huyện Điện Biên, khi tiến hành bắt giữ đối tượng Sùng A Tùng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, người nhà đối tượng cùng đồng bọn là các con nghiện nhiễm HIV đã dùng hung khí có dính máu chống trả anh cùng Tổ công tác đang làm nhiệm vụ. Với tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, anh cùng đồng nghiệp đã khống chế, bắt giữ 4 đối tượng cầm đầu. Khi hoàn tất hồ sơ bàn giao đối tượng cũng là lúc anh được đồng đội đưa đến thẳng Trung tâm Phòng chống HIV để uống thuốc chống phơi nhiễm.

Thiếu tá Trần Trung Kiên nghiên cứu hồ sơ một vụ án.

2.Lợi dụng địa hình hiểm trở, đường biên kéo dài, hệ thống đường tiểu ngạch chằng chịt, thời gian qua, nhiều đối tượng vì tư lợi đã "dấn thân" vào con đường gieo rắc "cái chết trắng" - ma túy, coi địa bàn Tây Bắc, trong đó có tỉnh Điện Biên như là tuyến đường trung chuyển ma túy từ khu vực "Tam Giác Vàng" vào nội địa, rồi đi nước thứ ba. Tội phạm ma túy trên tuyến lửa Tây Bắc luôn tỏ ra manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng hung khí để chống lại lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Bởi, các đối tượng đã xác định khi bị bắt sẽ khó tránh khỏi án tử.

Trên trận tuyến một mất, một còn ấy, cán bộ chiến sĩ đánh án ma túy luôn kiên cường, chấp nhận gian nguy, để lại cái lo lắng, sự bồn chồn cho người thân nơi quê nhà. Dù không nói ra, nhưng tôi biết "nghiệp" đấu tranh với tội phạm ma túy của anh - "Thiếu tá thép" Trần Trung Kiên gian nguy như thế nào. Anh đến với "nghiệp" đánh án ma túy như một cơ duyên. Sau khi tốt nghiệp THPT, vốn có ước mơ khi trưởng thành được vận bộ sắc phục CAND, góp yên bình cho cuộc sống người dân, năm 1999, anh đã đăng ký và thi đỗ vào Học viện Cảnh sát nhân dân.

Từ đây, những bài học, kỹ năng đánh án đã trở thành hành trang cho anh sau này. Năm 2004, tốt nghiệp ra trường, anh được phân công về công tác tại Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Điện Biên. Mười một năm trong nghề là mười một năm anh "ăn suối, ngủ rừng", đối mặt với vô vàn hiểm nguy do tội phạm ma túy giăng ra.

Tham gia phá chuyên án do Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Điện Biên và Bộ Tư lệnh Biên phòng, Công an TP Hà Nội và Công an tỉnh Bắc Ninh đấu tranh với đường dây ma túy xuyên quốc gia do Khà A Dếnh cầm đầu, hoạt động trên tuyến Tây Bắc có lẽ là một kỷ niệm đáng nhớ đối với anh.

Trước đó, ngày 11/7/2014, nắm được tin đối tượng Dềnh bắt đầu di chuyển mang theo ma túy từ biên giới vào nội địa tiêu thụ, anh được phân công vào Tổ công tác trực tiếp bắt giữ đối tượng trên QL6. Sau gần 1 ngày mật phục, 0h15, ngày 12/7 tại Km 145-QL6, thuộc xã Tân Sơn, huyện Mai Châu (Hòa Bình), anh đã cùng đồng nghiệp bắt quả tang 2 đối tượng là Khà Văn Dếnh, SN 1974 và Khà A Súa, SN 1982 ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu (Hòa Bình) khi đang có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ gồm 25 bánh heroin. Đáng chú ý, khi phát hiện Tổ công tác, 2 đối tượng liều lĩnh, định dùng dao nhọn chống trả, tuy nhiên ý định này đã không thực hiện được…    

3.Đã là lính ma túy thì việc đang đêm nhận được tin báo về đối tượng, bất thình lình rời khỏi nhà, hay buông bát bỏ dở bữa cơm gia đình…lên đường vây ráp đối tượng đã trở thành cơm bữa. Kể về những lần anh rời nhà, lên đường thực thi nhiệm vụ, người vợ của anh - chị Nguyễn Thị Lưu chưa hết lo lắng. Chị bảo, mỗi lần anh nhận lệnh, cùng đồng nghiệp truy bắt đối tượng, điện thoại không liên lạc được là mỗi lần lòng chị lại nặng trĩu những âu lo. Và có lẽ đối với chị, 2 lần anh "giáp mặt" tử thần, vật vã với thuốc chống phơi nhiễm là 2 lần chị và người thân trong gia đình không khỏi lạnh người. Bởi căn bệnh thế kỷ kia nào có chừa một ai.

Để những bản làng Tây Bắc bình yên, rất cần những tấm gương quả cảm như Trần Trung Kiên và đồng đội.

Đại tá Phạm Duy Cảnh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Điện Biên cho biết, mặc dù trong thời gian điều trị chống phơi nhiễm HIV, bị thuốc vật đến đờ người ra, thế nhưng khi nhận được tin báo về tội phạm ma túy, Thiếu tá Trần Trung Kiên lại vội vã xách theo hành trang cùng đồng nghiệp lên đường xác minh, truy bắt đối tượng. Anh là một trong những gương sáng của đơn vị trên trận tuyến đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy.

Những kỷ niệm đánh án ma túy nơi tuyến lửa Tây Bắc của anh vẫn còn nhiều, chúng tôi vẫn muốn được nghe thêm. Song, điện thoại di động của anh chợt đổ chuông. Đứng vào góc khuất gian phòng lặng lẽ trao đổi, rồi anh xin lỗi tôi không thể tiếp chuyện thêm vì phải lên đường thực thi nhiệm vụ. Tôi hiểu và biết rằng, sự bận rộn, khẩn trương khi nhận được tin báo của anh cũng đồng nghĩa với việc anh cùng đồng nghiệp đang nỗ lực làm sạch tệ nạn ma túy, giữ yên bình cho cuộc sống người dân nơi phên giậu Điện Biên.

Với những thành tích đạt được, Thiếu tá Trần Trung Kiên đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì (năm 2011), Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 2008) cùng nhiều Bằng khen của Bộ Công an, UBND tỉnh. Đáng chú ý, anh còn là gương mặt Thanh niên Công an tiêu biểu được vinh danh năm 2012.
Trần Huy
.
.
.