Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp:

Đảm bảo an ninh, an toàn trại giam trong mọi tình huống

Thứ Sáu, 20/02/2015, 12:00
Trong năm 2014, Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (THAHS VHTTP) đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an khen thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Quân công hạng ba..v.v.., nhiều tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen, giấy khen, cờ thi đua của các cấp, ngành. Trước thềm năm mới, chuyên đề CSTC đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THAHS VHTTP về công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, để độc giả có thể hiểu hơn về công tác rất đỗi gian truân, vất vả trong hành trình giúp người lầm lỗi hướng thiện.

- Năm 2014, công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân cá biệt đạt hiệu quả cao, tỉ lệ cải tạo tốt tăng lên, đồng chí cho biết vì sao đạt được kết quả này? Tác dụng của công tác này đối với công tác quản lí, giáo dục phạm nhân ra sao?

- Công tác giáo dục cải tạo phạm nhân năm 2014 đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là đối với số phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy, bị kỷ luật, xếp loại kém. Tỷ lệ phạm nhân xếp loại khá, tốt tăng lên; phạm nhân xếp loại kém giảm. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, thường xuyên làm tốt các công tác giáo dục phạm nhân: dạy văn hoá, giáo dục pháp luật… quan tâm đến đời sống tinh thần, vui chơi, giải trí của phạm nhân.

Phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể xã hội trong việc giáo dục phạm nhân, trại viên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Chú trọng đến việc đổi mới các phương pháp giáo dục, nhằm tác động đến tư tưởng, tâm lý của phạm nhân như: Tổ chức cuộc thi vẽ tranh "Khát vọng hoàn lương", cuộc thi viết "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện"… Những  phương pháp này đã mang lại hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục phạm nhân, tạo môi trường giáo dục lành mạnh để phạm nhân yên tâm cải tạo, chấp hành tốt nội quy, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trại giam.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc  Bằng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

- Xin đồng chí cho biết Tổng cục THAHS & HTTP có những biện pháp nào góp phần đấu tranh phòng chống có hiệu quả tình trạng phạm nhân, trại viên đưa đồ vật cấm vào trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc trong mọi tình huống?

- Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục đã nhận thức được tính chất phức tạp, nghiêm trọng của việc phạm nhân, trại viên đưa vật cấm vào trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc nên thường xuyên tổ chức quán triệt, chỉ đạo các đơn vị không chủ quan mất cảnh giác; đề cao trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, quy chế làm việc.

Trên cơ sở đó, Đảng ủy Tổng cục đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành văn bản quy phạm pháp luật tăng cường công tác quản lý giam, giữ người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên, quy định việc thu giữ và xử lý đồ vật cấm; thực hiện việc giam giữ phạm nhân, trại viên theo đúng quy định của pháp luật, nghiêm minh, chặt chẽ; duy trì kỷ cương, kỷ luật. Tăng cường công tác kiểm tra hành chính công khai, duy trì nghiêm túc chế độ định kỳ và đột xuất kiểm tra; giám sát để kịp thời phát hiện, thu giữ đồ vật cấm; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa nội dung, hình thức, các biện pháp trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, trại viên.

- Đồng chí cho biết kết quả của công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù năm 2014. Hiệu quả của công tác này đối với những người lầm lỗi và xã hội?

- Năm 2014, tiếp tục thực hiện Nghị định số 80/CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có người được đặc xá, Tổng cục THAHS & HTTP đã tham mưu giúp Bộ Công an tổ chức Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đó, nhằm phổ biến, tuyên truyền nhân rộng các mô hình hiệu quả, sáng tạo trong giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền các cấp trong chỉ đạo thực hiện công tác này.

Hiện nay trên toàn quốc đã có 118 mô hình đang hoạt động hiệu quả với nhiều hình thức như: tạo lập các quỹ hỗ trợ cho vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm; xây dựng các mô hình quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng tại cộng đồng dân cư. Đó là kết quả tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, huy động được các nguồn lực, sự đồng thuận, ủng hộ tham gia của cộng đồng xã hội vào công tác này.

Những năm gần đây, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 80/CP, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các cơ chế chính sách về hỗ trợ, giúp đỡ về vốn, tạo việc làm; khuyến khích, huy động các nguồn lực của xã hội tham gia các hình thức giúp đỡ đối với người có quá khứ lầm lỗi sớm ổn định cuộc sống.

Cán bộ Trại giam Thanh Lâm hướng dẫn phạm nhân lao động. Ảnh: Thu Thủy.

- Theo quy định, người vi phạm những tội được quy định trong Bộ luật Hình sự phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, trên thực tế hiện nay có nhiều người phạm tội lần đầu, tội ít nghiêm trọng, phạm tội do vô ý, ít gây nguy hiểm cho xã hội mặc dù đã được giảm nhẹ hình phạt theo chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước nhưng vẫn phải giam giữ, cải tạo. Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, thời gian tới Tổng cục có đề xuất biện pháp cải tạo gì khác theo Chiến lược cải cách tư pháp của Nghị quyết 49  Bộ Chính trị để tạo điều kiện cho những người này không phải giam giữ tại trại giam nhưng vẫn đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật?

- Năm 2014, Tổng cục THAHS & HTTP đảm bảo tuyệt đối an ninh an toàn trại giam, nâng cao chất lượng công tác quản lý, giáo dục PN, TV từng bước thực hiện việc xã hội hóa một số nhiệm vụ công tác thi hành án hình sự theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Cụ thể; đề nghị Tòa án nhân dân các cấp khi xét xử các vụ án hình sự nên tăng các hình phạt khác như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ thay cho hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đã hối cải, giao cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục; đề nghị Bộ Công an và các đơn vị có liên quan cho nghiên cứu xây dựng đề án về "khu giam giữ mở" nhằm tranh thủ khả năng về vốn, kỹ thuật của các doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng cơ sở giam giữ và tạo việc làm cho phạm nhân ở ngoài khu vực trại giam. Đặc biệt, chúng tôi đã tham mưu cho Bộ Công an báo cáo Quốc hội, Chính phủ sớm phê duyệt đề án "Thực hiện cơ chế tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù".

Tuy nhiên, để thực hiện được cần phải có lộ trình và chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm như sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan đến công tác thi hành án phạt tù, nhất là sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Thi hành án hình sự… để có cơ sở pháp lý triển khai biện pháp này.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Phương Thủy (thực hiện)
.
.
.