Thiếu tướng Trần Gia Cường: Người nghệ sĩ đa tài

Thứ Năm, 15/02/2018, 08:00
Trần Gia Cường là cái tên quen thuộc trong Lực lượng Công an, không chỉ bởi ông là một vị tướng mà còn là một người nghệ sĩ đa tài. Công chúng yêu nghệ thuật cả nước cũng không xa lạ với ông, vì họ đã được nghe, được đọc, được ngắm nhìn nhiều tác phẩm của ông ở nhiều loại hình. Ông là một người đặc biệt, thâm trầm, sâu sắc khiến cho ai đã gặp ông một lần còn ấn tượng mãi.


Tôi muốn bắt đầu câu chuyện về nghệ sĩ Trần Gia Cường bằng những tác phẩm điêu khắc của ông. Phải nói rằng có một cảm xúc vô cùng khó tả trong tôi khi có cơ hội được ngắm nhìn những tác phẩm thú vị này. 

Năm 2012, ông đã trưng bày trước công chúng triển lãm điêu khắc mang tên “Dị mộc”. Triển lãm đã thu hút sự chú ý của truyền thông, của những người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Hết sức ngạc nhiên với sức sáng tạo vô tận của người nghệ sĩ - chiến sĩ Trần Gia Cường. Từ những gốc cây, phiến đá vô tri, ông đã tạo tác lên những bài ca về tình yêu sự sống thông qua việc tạo hình. 

Có người đã nói, xem tác phẩm của ông từ gốc cây, từ đá, họ như được sống trong quá khứ của 1000 năm trước. Những gì đã trở thành trầm tích bỗng sống dậy đầy thuyết phục thông qua đôi bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ. Từ một gốc tre đơn sơ, ông tạo ra hình ảnh con Rồng sống động, như đang kể chuyện với chúng ta về lịch sử văn hóa dân tộc. 
Thiếu tướng Trần Gia Cường.

Từ các loại gốc cây khác, lấy từ các vùng đất địa linh trên Tổ quốc Việt Nam, ông sáng tạo hình ảnh mẹ ôm con, người mục đồng thổi sáo, cô gái Chăm đội nước, người Tây Nguyên đánh trống, dũng sĩ đấu bò tót... Từ đá, ông tạo thành hình ảnh các danh nhân, anh hùng trong lịch sử như: Các Mác, Che Guevara; các nhân vật nổi tiếng như: ca sĩ Elvid Presley, nhạc sĩ Văn Cao, cầu thủ bóng đá huyền thoại Gulit... 

Và rất nhiều tác phẩm khác về chủ đề tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc đời được ông thổi hồn qua những phiến đá, gốc cây vô tri. Những gì mềm mại nhất, tinh tế nhất trong đời sống đã được bàn tay kỳ diệu của nghệ sĩ Trần Gia Cường tạo nên từ đá. Tôi ngắm nhìn mãi tác phẩm “Thuyền nhỏ vượt sóng” của ông. Từ gốc cây gù hương, ông đã tạo nên hình ảnh con thuyền và con người bé nhỏ chèo chống vượt qua thiên nhiên thác lũ. 

Thực sự, ông đã không chỉ tạo hình một con thuyền hay một con người trong tác phẩm, mà thông qua những hình ảnh đó, ông đã tạo ra những thứ vô hình nhưng ai cũng cảm nhận được. Đó là cuồng phong sóng gió cuộc đời và sức mạnh to lớn của con người khi đối mặt, vượt qua và chiến thắng thiên nhiên dữ dội.  Đứng trước tác phẩm của ông, người ta như nghe được tiếng gió mưa, cảm nhận được sức nặng của giông bão, thấu cảm sâu sắc triết lý thân phận con người.

Những tác phẩm điêu khắc của Trần Gia Cường, ngoài tài năng còn là biểu hiện của một nội lực mạnh mẽ. Một người yêu cuộc sống đến đáy cùng và luôn luôn tìm cách biểu hiện trong nghệ thuật bằng tất cả đam mê của mình. 

Họa sĩ Thành Chương nhận xét về tác phẩm điêu khắc từ gỗ, gốc cây, từ đá của Trần Gia Cường: “Trước kia, tượng gốc cây đã có một số nghệ sĩ làm nhưng hiệu quả chưa cao, nó còn lệ thuộc vào tự nhiên và thiên về tính trang trí mỹ nghệ.  Với những quan niệm mới mẻ, không câu nệ vào những quan niệm xưa cũ, Trần Gia Cường đã sáng tạo nên những tác phẩm dựa trên chất liệu lũa, gỗ, đá cổ tạo nên những tác phẩm điêu khắc thật sự độc đáo và thoát hẳn khỏi cái lệ thuộc vào tự nhiên. Đó là những đóng góp thật sự của nghệ sĩ trong thể loại điêu khắc mới mẻ này, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm cho ngành nghệ thuật tạo hình”. 

Những gốc cây, phiến đá  tưởng như nằm im đó, tượng trưng cho sự chết, cho sự vô tri, nhưng nhờ có người nghệ sĩ tài hoa mà trở thành sống động. Người nghệ sĩ đã mang chính năng lượng của mình, được kết tụ bởi tài năng tâm huyết để thổi hồn cho những đồ vật đó, để chúng tiếp tục kể câu chuyện về sự sống với con người.

Một số tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Trần Gia Cường.

Một số nhạc sĩ khi xem tác phẩm điêu khắc của Trần Gia Cường nhận xét rằng, tác phẩm của ông chứa đựng nhiều yếu tố âm nhạc trong đó. Nhạc sĩ Doãn Nho nhận định, chính tác phẩm điêu khắc của Trần Gia Cường có nhiều gợi mở cho âm nhạc. 

Nghệ sĩ Violon Khắc Huế viết: “Trong tác phẩm của Trần Gia Cường không chỉ có điêu khắc mà ở đó có những giá trị văn học, tâm hồn, âm nhạc... Tác phẩm không chỉ có phần giai điệu bên ngoài mà còn có cả bề dày của hòa thanh và triết lý cuộc sống”. 

Chất thơ và chất nhạc có trong tác phẩm tạo hình của nghệ sĩ Trần Gia Cường có thể lý giải, vì ông vốn là nhạc sĩ từ lâu, với nhiều ca khúc được đông đảo công chúng biết đến như: “Nỗi nhớ Hà Nội”, “Cánh diều trong phố”, “Bản tình ca mùa xuân”, “Có một thời như thế”... 

Đặc biệt, cán bộ chiến sĩ trong Lực lượng Công an không ai không thuộc nằm lòng ca khúc “Chúng tôi là chiến sĩ Công an Việt Nam” của tác giả Trần Gia Cường. Là một người có tới hơn 40 năm sống, cống hiến trong Lực lượng Công an, ông hiểu hơn ai hết những cay đắng, vinh quang của nghề. Đây có lẽ là một bài hát bộc lộ sâu sắc nhất hình ảnh, tấm lòng, tình yêu và những hy sinh của người lính Công an trong nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho nhân dân. 

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn phải hoàn thành, người lính nghệ sĩ Trần Gia Cường đã sử dụng nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc để nói lên những tâm tư, tình cảm của mình với đồng nghiệp, với công việc, với cuộc đời. Ông chắt lọc những gì đẹp đẽ tinh tế nhất để gửi gắm đến công chúng. 

Không chỉ dừng lại ở nghệ thuật tạo hình hay âm nhạc, Trần Gia Cường còn làm thơ, viết truyện ngắn. Dù không viết nhiều, nhưng thơ ông chất chứa nỗi niềm thế sự. Truyện ngắn của ông cũng để lại dư âm đặc biệt với người đọc. Tùy chiều kích, độ nông sâu của từng câu chuyện cuộc đời mình muốn nói mà ông chọn lựa một hình thức biểu đạt phù hợp. Ông sống thoải mái trong lựa chọn của mình, sáng tác tự do trong nhiều thể loại khác nhau, không gò bó ép mình ở thể loại nào. Nhưng ông cũng không định phô trương mình là người có thể sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau. 

Đối với ông, nghệ thuật là một cuộc tìm kiếm không biên giới, không bến bờ. Không gì có thể ngăn ông sáng tạo. Và mỗi lĩnh vực ông đều bước vào với sự hăm hở, đam mê không ngại ngần. Ca ngợi cái đẹp, nhưng trái tim người nghệ sĩ cũng day dứt trước những điều giá trị đang có nguy cơ mất dần đi trong đời sống. 

Như ông Bụt trong bài thơ của ông: “Ông Bụt tuổi thơ tôi ngày ấy/ Đã cho tôi năm tháng ngọt ngào/ Ông Bụt chở  che tôi ngày ấy/ Không còn về trong những giấc chiêm bao”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận xét, ông Bụt trong bài thơ là biểu tượng của cái Đẹp và Lòng tốt.  Khi “Ông Bụt” không còn về trong những giấc chiêm bao của con người thì đó là “một tiếng kêu về vẻ đẹp đã rời xa con người”.

Sứ mệnh của một người nghệ sĩ là thông qua những tác phẩm của mình, giúp cho con người lớn lên về mặt tâm hồn. Tôi cảm thấy mình có được sự “lớn lên” đó, khi nghe, xem, đọc các tác phẩm của nghệ sĩ Trần Gia Cường. Ông là một vị tướng có nhiều đóng góp cho ngành Công an và là một người nghệ sĩ đa tài rất đáng tự hào, trân trọng.

Vũ Hội
.
.
.