Thiếu úy Võ Chí Nhất với niềm đam mê văn chương

Chủ Nhật, 06/05/2018, 14:59
Là một sĩ quan của Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Củ Chi, TP HCM, ngoài công việc chuyên môn chính ở cơ quan thì Thiếu úy Võ Chí Nhất còn có niềm đam mê đặc biệt với văn chương. Theo Nhất, văn chương với anh như cái nghiệp, nó luôn thôi thúc anh phải viết để thỏa niềm đam mê của mình…


Võ Chí Nhất (24 tuổi, ngụ ấp Phước Thạnh, huyện Củ Chi) có vẻ ngại ngùng khi tôi hỏi về chuyện anh mới được kết nạp hội viên của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, bởi theo lời Nhất thì việc anh viết truyện giống như đam mê phải làm, còn việc trở thành nhà văn như một cái duyên đến một cách khá bất ngờ. Theo Nhất, anh là một trong những hội viên trẻ tuổi nhất của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh được kết nạp kỳ này (Nhất được kết nạp vào cuối năm 2017).

Thiếu úy, nhà văn Võ Chí Nhất.

“Tôi viết truyện để thỏa chí đam mê chứ thật sự cũng không dám nghĩ đến việc sẽ trở thành nhà văn hay gì cả”, Nhất cười thật lòng chia sẻ.

Khoảng đầu năm 2013, Nhất tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân, sau một thời gian ngắn chờ việc, Nhất được phân công về công tác tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Củ Chi cho đến nay. Việc trở thành một cán bộ Công an ở huyện đúng như mong muốn của gia đình Nhất, bởi cha và anh trai của Nhất đều là cán bộ Công an.

“Năm đó cùng lúc tôi đậu hai trường: Đại học Sư phạm (ngành Ngữ văn) và Trung cấp Cảnh sát nhân dân. Đúng ra, tôi có phần thích học Sư phạm hơn nhưng theo nguyện vọng và truyền thống gia đình, tôi quyết định theo học Trung cấp Cảnh sát. 

Và cho đến giờ tôi thấy quyết định đó là đúng. Bởi với công việc hiện tại, tôi đang hoàn thành tốt, trong khi đó tôi vẫn có thời gian để thỏa chí viết lách của mình. Năm nay để nâng cao trình độ chuyên môn, tôi đã đăng ký dự thi Đại học Cảnh sát nhân dân”, Nhất vui vẻ cho biết.

Nói về công việc chuyên môn ở Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Nhất cho biết mình cũng các đồng nghiệp khác phụ trách việc hướng dẫn chuyên môn Công an các xã và quản lý đặc doanh, kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, nhà nghỉ, in ấn... 

Mới nghe nhiều người sẽ nghĩ rằng công việc chuyên môn như vậy chẳng liên quan gì tới văn chương chữ nghĩa, nhưng Nhất cười bảo rằng chính công việc hằng ngày, tiếp xúc nhiều với người dân và hiểu được hoàn cảnh gia đình hay cuộc sống của họ đã giúp Nhất có thêm những “chất liệu” để viết nên những truyện ngắn gần gũi với đời thực và nhất là nội dung cùng nhân vật trong các câu chuyện của Nhất đa số đều từ vùng quê hay ấp, xã trong huyện…

Niềm đam mê viết truyện với Nhất không đến từ sớm hay kiểu như một năng khiếu có sẵn từ trước. Mà dường như việc đến với văn chương của Nhất đến một cách có phần bất ngờ. Nhất kể chính trong thời gian đang chờ việc, Nhất “nhàn cư” nên đã cầm bút bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết “Hoàng Cung”.

“Tôi thường thích những câu chuyện liên quan đến lịch sử nước nhà. Vì thế, tôi đã nung nấu và thôi thúc phải viết cái gì đó liên quan đến lịch sử. Đó là lý do tôi viết cuốn tiểu thuyết Hoàng Cung”, Nhất nói về “nguồn cơn” cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình.

Bìa cuốn tiểu thuyết đầu tay của Võ Chí Nhất.

Do là lần đầu và cũng không hề có ai hướng dẫn, chỉ bảo nên Nhất cứ thế viết một cách đầy hứng khởi. Dù vậy, cuốn tiểu thuyết dài tổng cộng 300 trang này từ lúc bắt đầu cho đến khi hoàn thành, Nhất phải mất 3 năm ròng rã. Ngoài thời gian hành chính dành cho công việc chuyên môn ở cơ quan, thời gian buổi tối và những lúc rảnh rỗi, Nhất lại chuyên tâm với cuốn tiểu thuyết đầu đời cũng như đầu tay của mình.

“Lúc đó tôi viết có phần vất vả, vì lúc đầu cứ viết ra giấy rồi sau đó chỉnh sửa mới nhập vào máy tính để bàn. Tôi viết cuốn tiểu thuyết đó một cách bột phát chứ không phải ai hướng dẫn hay yêu cầu cả, vì lúc đó tôi không quen biết hay gặp nhà văn nào cả. Đến khi viết xong, dù không quen ai nhưng tôi cũng mạnh dạn mang bản thảo cuốn tiểu thuyết “Hoàng Cung” đến gõ cửa Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh đề xuất việc được in và phát hành”, Nhất cười cho hay.

Điều đáng nói là sau khi nhận bản thảo cuốn tiểu thuyết này một thời gian, biên tập viên yêu cầu Nhất nhận lại để chỉnh sửa, bổ sung. Không nản chí, Nhất đã bỏ nhiều công sức miệt mài chỉnh sửa, nhiều chỗ Nhất phải viết lại…

“Sau khi nhận lại bản thảo cùng lời nhận xét và yêu cầu chỉnh sửa của nhà xuất bản, tôi đã quyết tâm dành nhiều công sức để chỉnh sửa cho hoàn chỉnh với mục đích là cuốn tiểu thuyết phải được phát hành. Và cuối cùng từ lúc nộp bản in đến khi chỉnh sửa xong và được xuất bản tôi mất nửa năm để hoàn thành (chưa kể khoảng thời gian 3 năm để viết). 

Đến lúc cầm tác phẩm được in trên tay, tôi mừng như muốn khóc khi thấy “đứa con” đầu tay của mình đã thành hình. Thực sự nó là động lực, là niềm tin để tôi tiếp tục cầm bút viết những truyện ngắn, tác phẩm khác sau đó”, Nhất rưng rưng kể lại quãng thời gian chập chững vào nghề của mình.

Đề cập đến tiểu thuyết “Hoàng Cung”, Nhất cho biết bối cảnh câu chuyện là vào đời nhà Lý - những năm Lý Thánh Tông tại vị. Bên cạnh những nhân vật lịch sử có thật như Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Thượng Dương Hoàng hậu, Hiền phi, Nguyên phi Ỷ Lan, Giang Thuận, Triệu Khải, Triệu Tuấn…; Nhất còn xây dựng thêm những nhân vật khác để làm cho câu chuyện trở nên gay cấn, sinh động, hấp dẫn hơn như Băng Châu, Thi Sương, Mã Đô, Thánh Phi và Võ Quý Phi… 

Trong đó, nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm là Băng Châu, Triệu Tuấn, Triệu Khải, Thi Sương. Các nhân vật lịch sử được soi chiếu từ nhiều chiều với đầy đủ đời sống nội tâm và các cung bậc tình cảm, những mặt tốt - xấu của con người.

Nhận xét về cuốn tiểu thuyết “Hoàng Cung”, Thạc sĩ Nguyễn Văn Hòa, giáo viên Ngữ văn, Trường PTTH Nguyễn Thái Bình, Phú Yên cho rằng “Hoàng Cung” là tiểu thuyết cổ trang lịch sử, tình cảm lãng mạn. Qua tác phẩm, tác giả đã làm nổi bật một phương diện của thực trạng đời sống trong hoàng cung thời vua Lý Thánh Tông. 

Viết về hoàng cung, tác giả không chỉ chú ý khai thác ở phương diện các vấn đề của đời sống chính trị mà anh còn tập trung làm rõ ý thức, bi kịch tình yêu, quan tâm tới số phận con người. Đó là yếu tố làm nên cái mới và sức hấp dẫn ở cuốn tiểu thuyết này.

Văn xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng hướng đến các đề tài về gia đình, tình yêu, đạo đức… hướng vào các giá trị nhân bản. “Hoàng Cung” đã góp được một cái nhìn mới về bức tranh đất nước trong thời phong kiến. Bi kịch tình yêu, các mối thù hận, sự tráo trở, lợi ích cá nhân – lợi ích dòng họ, mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với quốc gia – dân tộc và ngay cả những vấn đề mang tính chất hệ trọng liên quan đến chủ quyền, biên giới quốc gia, liên quan đến cả vận mệnh và sự tồn vong của dân tộc.

Sách sử thường viết về các nhân vật theo kiểu một chiều và cứng nhắc, các nhân vật thường được thần thánh hóa. Nhưng ở cuốn tiểu thuyết lịch sử này, tác giả có cái nhìn linh hoạt, đa chiều để đánh giá, nhìn nhận các nhân vật một cách công bằng hơn. Mỗi nhân vật đều có những phẩm chất, nét tính cách vừa ẩn tàng vừa hiển hiện tạo nên một thế giới nhân vật đa dạng. Tất cả đều thể hiện một cái nhìn đầy trăn trở của tác giả về số phận của con người và thời đại.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Hòa, qua tác phẩm, tác giả muốn gửi đến độc giả thông điệp hãy sống hết mình, yêu thương trọn vẹn vì cuộc đời con người không ai được sống hai lần để yêu. Và tác giả có một ước nguyện là trong thiên hạ những người đang yêu sẽ thành đôi thành cặp và sống hạnh phúc với nhau.

“Võ Chí Nhất đã đem đến cho người đọc những trang viết sinh động, với những câu chuyện lý thú, thấm đẫm chất nhân văn. Cách kể chuyện đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ kể chuyện chân thật, từ ngữ trong sáng, cách hành văn trôi chảy. Nhiều đoạn tái hiện lại khung cảnh, không khí cổ xưa rất phù hợp với bối cảnh thời phong kiến. Tôi cho rằng, đây là thành công và cũng là thế mạnh của Võ Chí Nhất và “Hoàng Cung” thực sự là một cuốn tiểu thuyết chững chạc”, Thạc sĩ Nguyễn Văn Hòa nhận định.

Võ Chí Nhất trong công việc hằng ngày ở cơ quan.

Tuy nhiên, cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Hòa, vì đây là tập sách đầu tay của một người trẻ tuổi, lại chọn thể nghiệm ở thể loại tiểu thuyết lịch sử nên không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Võ Chí Nhất vẫn chưa tạo dựng được những biểu tượng nghệ thuật có sức ám ảnh sâu sắc và khả năng khơi gợi, lay động mạnh mẽ đến độc giả. “Nhưng tôi tin rằng tiểu thuyết “Hoàng Cung” của tác giả Võ Chí Nhất là một tập sách đáng để đọc”, Thạc sĩ Nguyễn Văn Hòa nhận định.

Sau cuốn tiểu thuyết này, Nhất chuyển hướng và chủ yếu viết truyện ngắn với những nhân vật là những mảnh đời cơ cực, nghèo đói, những người được xem là thành phần “dưới” của xã hội với những cái nhìn hết sức nhân văn, nhẹ nhàng. Có thể kể một số truyện nổi bật xung quanh chủ đề này như “Anh em song sinh”, “Điều ước đêm Giáng sinh”, “Khiếu ăn mày”, “Người vợ đĩ”…

Xin mượn lời nhận xét của nhà văn, Thượng tá Bùi Anh Tấn về Nhất để kết thúc bài viết của mình: “Nhà văn Công an thường có hai nguồn, đó là một số nhà văn bên ngoài chuyển vào lực lượng Công an và một số nhà văn phong trào từ công việc Công an để viết văn. Võ Chí Nhất là thuộc dạng thứ hai, tức là nhà văn xuất thân từ Công an. Đây là điểm rất đặc biệt và rất hiếm hoi, đáng quý. 

Tôi từng tiếp xúc với Nhất và thấy cậu ấy có một niềm say mê văn chương rất lớn. Đúng ra thì bình thường với những người mới bắt đầu viết sẽ đi từ những bước chập chững - tức là từ cái nhỏ đến cái lớn, nhưng với Nhất, tác phẩm đầu tay đã được in, phát hành lại là một cuốn tiểu thuyết lịch sử (“Hoàng Cung”). Tôi kỳ vọng rất nhiều ở một nhà văn trẻ lực lượng Công an như Nhất sẽ phát triển lâu dài, bởi tôi nhận thấy ở Nhất sự kiên trì, hết lòng với nghề”.

Phú Lữ
.
.
.