Thu phục giang hồ khét tiếng đất lửa bằng một bát nước chè xanh

Thứ Ba, 03/09/2013, 10:21

Khi tôi đề nghị viết về anh, tấm gương một chiến sĩ Công an tận tụy với công việc cùng nhiều thành tích trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Đội trưởng, Trung tá Võ Văn Lãm thuộc phòng Bảo vệ chính trị (PA61) lại kể cho tôi một câu chuyện ấn tượng về "thu phục nhân tâm" đã theo anh đi suốt hành trình nhiều năm công tác. Anh bảo, người chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh với tội phạm đâu chỉ có thực thi pháp luật, mà còn phải luôn vận dụng nhân và tâm.

Câu chuyện đời, chuyện nghề về lương tâm và trách nhiệm của anh có liên quan đến một đại ca giang hồ khét tiếng một thời ở đất lửa Quảng Trị. Cũng rất đặc biệt khi chỉ duy nhất một bát nước chè xanh, nhưng người cán bộ quản giáo năm ấy đã khiến một kẻ cứng đầu, ngoan cố và đầy "số má" như "Hoàng Hối Hận" cải tà quy chính và trở thành một con người có ích cho xã hội...

Đại ca giang hồ có tính "thù dai"

Vào những năm 1970- 1980, đồng chí Võ Văn Lãm vừa mới đảm nhận nhiệm vụ công tác tại Trại tạm giam Công an cửa khẩu Lao Bảo. Khi đó, địa bàn cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị cũng nổi lên một băng nhóm chuyên tổ chức, bảo kê cho các sòng bạc vào ban ngày, còn ban đêm lại chặn xe khách đường dài vượt cửa khẩu để trấn, cướp hàng hóa. Cầm đầu băng nhóm này là một đối tượng nổi tiếng tàn bạo và liều lĩnh có biệt danh "Hoàng Hối Hận". Hắn tên thật là Hoàng Thanh Hà, người gốc Quảng Trị nguyên là một tên trùm xã hội đen mà những lần vào tù ra tội lấy số của Hà cũng khét tiếng như cái biệt danh "Hối Hận" của hắn.

Thời bấy giờ, cái tên Hoàng Hối Hận chẳng thua kém gì tiếng tăm của những tên trùm xã hội đen bậc đàn anh chị như Sáu Nghĩa đất cảng, Đen Cần Thơ, Nam Bang đất mỏ, Long Bugi (Quảng Trị)... Hận cùng băng nhóm do hắn cầm đầu cũng còn là bóng ma, là nỗi kinh hoàng cho những chuyến xe hàng đêm qua lại trên cửa khẩu Lao Bảo. Song song với những phi vụ "ăn hàng" của Hận ngày một dày lên, thì cũng là lúc những sòng bạc do Hận và đàn em gây dựng ngày càng tăng. Những sòng bạc này còn là nơi để Hận điều hành, dụ dỗ, ăn chặn hoặc chiếm đoạt tài sản của cánh lái xe và khách buôn hàng nơi cửa khẩu biên giới… Chính vì vậy mà Hoàng Hối Hận và nhóm đàn em của hắn đã trở thành một mối nguy hại cho ANTT tại địa phương, một ung nhọt mà lực lượng Công an tỉnh Quảng Trị cần nhanh chóng xóa bỏ.

Có tiền từ những phi vụ cướp bóc, trộm cắp, được đám lâu la vây quanh tung hô, những ả cave ưỡn ẹo trong vòng tay. Nhưng ít ai hiểu, tận sâu trong tâm khảm của Hận vẫn có những phút hiếm hoi, chạnh lòng và thèm khát có được một tình người thật sự mà hắn không thể chiếm đoạt được bằng tiền hoặc cướp bóc. Cũng bởi, từ năm 14 tuổi, Hận đã không được sống trong vòng tay yêu thương và mái ấm của gia đình. Tuổi trẻ của Hận cũng vận nhiều tháng ngày lang thang, ngập ngụa trong trộm cắp, cơn say thuốc hay những đêm mưa không gia đình phải nằm gầm cầu xó chợ, uống nước lã cầm hơi.

Khi đã từng trải và có chút số má trong đám lục lâm thảo khấu nơi cửa khẩu Lao Bảo, Hận lại lao vào những trận thanh trừng có thể đổi bằng tính mạng để tranh giành địa bàn, mở rộng thanh thế giữa các băng nhóm. Để rồi cũng có ngày gian hùng phải sa lưới. Vào tháng 6/1987, trong một lần vượt biên từ cửa khẩu Lao Bảo qua biên giới Lào để trốn tránh sự truy tìm của lực lượng Công an, Hận đã bị bắt. Chính tại đây, câu chuyện về một bát nước chè khi khát của cán bộ quản giáo tại Trại tạm giam Công an cửa khẩu Lao Bảo đã làm thay đổi cuộc đời của Hận…

Vì quá nổi danh là kẻ máu mặt trong giới giang hồ, nên trong những ngày Hận bị giam giữ tại Trại tạm giam Công an cửa khẩu Lao Bảo, hắn rất ngông nghênh, thường xuyên tỏ thái độ chống đối với lực lượng quản giáo. Đặc biệt, hắn có mối "thâm thù" rất lớn đối với Trung úy Đỗ Văn Kế, một cán bộ quản giáo trại. Cũng do cán bộ Kế rất trung trực, luôn là người cương quyết xử lý nghiêm khắc trước những hành động lì lợm, dễ bị kích động và không chịu phục thiện của Hận. Đã không ít lần Hận nung nấu ý định trả thù, cùng nhiều lần đe dọa sẽ vượt trại để sau này có cơ hội "rửa hận" được với anh cán bộ quản giáo này… Hận còn thù dai, nhớ lâu và nuôi ý định trả thù người cán bộ quản giáo này cho đến nhiều năm về sau khi hắn được phóng thích, trở về lại địa phương.

Nhưng may thay, những chuỗi ngày chìm đắm trong thù hận, trong tội ác của Hận đã được gột rửa, được cảm hóa bằng một hành động rất giản dị, rất tình người của trinh sát, Thiếu úy Võ Văn Lãm (nay là Trung tá Võ Văn Lãm, Đội trưởng cán bộ thuộc Phòng Bảo vệ chính trị (PA61), Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế).

"Thu phục nhân tâm" từ bát nước chè xanh

Đó là một ngày nắng, gió Lào như đổ lửa của mùa hè ở Quảng Trị. Vì quen sống trong lười nhác và trụy lạc nên thể trạng của Hận rất yếu. Chỉ mới một buổi sáng dang mình trong nắng lao động cùng các trại viên khác, Hận đã mệt lả người. Nhưng có lẽ ở trại, không mấy ai ưa một kẻ kiêu căng, ngạo mạn như Hận, nên mặc cho Hận đang dần lả đi, miệng cháy khô vì khát nước thì cũng chẳng ai quan tâm.

Người cán bộ quản giáo năm xưa với câu chuyện bát nước chè xanh nay hiện là Trung tá Võ Văn Lãm, cán bộ phòng PA61, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trong lúc Hận chua chát nhận ra tình người với người không dành cho một kẻ như hắn thì hắn gặp Thiếu úy Lãm. Anh là người duy nhất quan tâm, nhường khẩu phần nước của mình cho Hận. Khi đó, dù chính bản thân đồng chí Lãm cũng rất mệt và khát nhưng anh vẫn nói: "Thôi thì chỉ còn một bát nước chè cuối cùng anh uống cho qua cơn khát, tôi khỏi uống trưa nay…". Đón lấy bát nước chè, tu một hơi Hận cảm thấy toàn thân run lên vì xúc động cử chỉ cao đẹp của cán bộ Lãm. Đây cũng là lần đầu tiên hắn có cảm giác được quan tâm, được sẻ chia…

Nhưng với bản chất là một tên lưu manh, rất thù dai, lại cổ hủ với quan niệm của dân xã hội đen "Có ân trả ân, có oán trả oán". Ra trại dù thời gian đã qua được mấy năm, nhưng Hận vẫn quyết "bám trụ" ở lại bến xe Đông Hà - Quảng Trị để rắp tâm nắm rõ lịch trình, lập kế hoạch và phục chờ ngày Trung úy Đỗ Văn Kế ra bến xe về phép để rửa hận. Nào ngờ như là cơ duyên, người mà Hận gặp ở bến xe Đông Hà - Quảng Trị không phải là cán bộ Kế mà chính là Thiếu úy Võ Văn Lãm. Khi đó, đang tìm cách bắt xe đò vào Huế , bất ngờ xuất hiện trước mặt đồng chí Lãm một thanh niên lạ mặt, da đen xì, râu tóc bù xù, to cao, mặc quần rằng ri, gương mặt bặm trợn hất hàm hỏi:

- Anh nhớ tôi là ai không?

- Xin lỗi tôi không nhớ.

- Anh có phải là cán bộ Lãm không?

- Đúng. Tôi là Lãm. Có việc gì không?

- Anh quên tôi thật à?. Mời anh vào quán nước chúng ta nói chuyện...

Vào đến quán. Gã giang hồ này vẫn chăm chăm nhìn vào mặt trinh sát lạnh lùng hỏi:

- Thật anh không nhớ tôi à? Anh còn nhớ một lần tôi bị tạm giữ ở đồn Lao Bảo không?

- Lúc này đồng chí Lãm hết sức băn khoăn, chưa hiểu chuyện gì, trong đầu thoáng nghĩ có lẽ đâu mình làm điều gì sai trái 'oan gia nay gặp ngõ hẹp"?.

Thật bất ngờ, gã thanh niên có vẻ ngoài hung tợn kia lại tiếp:

- Tôi là Hận, chính là người được anh nhường bát nước chè khi khát… Tôi nhận ra anh ngay từ đầu khi anh mới xuống xe. Nhớ cái ơn của anh năm nào nên tôi muốn trả ơn"...

Thế rồi, suốt buổi trò chuyện, đại ca Hận chỉ xoay quanh vấn đề muốn báo ơn ân nhân của mình. Hận còn ra đề nghị, hắn chỉ yên lòng khi được giúp đỡ từ tiền bạc đến vật chất cho đồng chí Lãm. Đáp lại mong muốn của Hận, đồng chí Lãm chỉ nói: "Đó là chuyện rất đỗi bình thường giữa người với người. Tôi không mong gì hơn sự trả ơn ở Hận, bằng chính sự ăn năn hối cải, ổn định cuộc sống, tu chí làm ăn từ chính Hận…''.

Sau một hồi im lặng nghe cán bộ Lãm khuyên giải, Hận thú nhận: ''Nói thật với cán bộ tôi suốt 2 tháng trời phục ở bến xe chỉ để chờ cán bộ Kế về rửa nhục. Tôi chưa phục hận này tôi chưa tu chí đâu". Vừa nói, Hận vừa rút ra một cây súng và con dao lê sáng loáng sắc lẹm đặt trước mặt đồng chí Lãm với thái độ uất hận.

Thậm chí, Hận còn bảo : "Anh bảo tôi báo ơn anh bằng gì như thế nào tôi cũng có thể đồng ý, nhưng việc này thì không. Tôi đã quyết. Trong đầu tôi lúc này chỉ nghĩ đến 2 chữ báo thù…''.

Cuộc đấu tranh tư tưởng, giằng co giữa một bên là công tác giáo dục cảm hóa đối tượng phạm tội để hoàn lương bằng tình người, một bên là một tên giang hồ khét tiếng đã chai lỳ về cảm xúc tưởng chừng như bế tắc. Lại đã gần đến giờ phải lên xe vào Huế, thời gian không còn nhiều. Trước tình thế đó, đồng chí Lãm đã quyết định thuyết phục tên Hận bằng một đòn tâm lý cuối cùng. Anh đã nghĩ ra cách "trừ ơn" bát nước chè khi khát bằng một mạng người:  "Anh muốn trả ơn tôi bằng tiền bạc tôi không nhận. Bây giờ anh và tôi sẽ trao đổi ơn, bằng cách anh xóa bỏ hận thù này, hãy buông dao súng trên tay và buông dao súng trong tâm, đừng để tội chồng thêm tội. Nếu được báo ơn bát nước chè bằng một mạng người thì từ nay anh em ta không còn nợ nữa"… Vậy là khi cái ác được lay động bằng cái tâm, sau 30 phút kiên trì bằng lời lẽ thấu tình đạt lý, một tên tội phạm khét tiếng lì lợm như Hận cuối cùng cũng đã chịu quy hàng, khuất phục trước người cán bộ quản giáo.

Sau buổi chiều định mệnh, sau nhiều năm chuyển công tác từ Công an tỉnh Quảng Trị vào công tác tại Phòng PA61 Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, rồi đảm nhận những trọng trách và công việc mới. nhưng đồng chí Võ Văn Lãm năm nào vẫn nhớ như in câu nói đầy "hối hận" của đại ca giang hồ Hoàng Hối Hận rằng: "Ở đời chẳng có ai hoàn thiện cả, ai cũng có những lỗi lầm, điều quan trọng là biết lỗi để mà sửa lỗi mà thôi. Với tôi, cách để chuộc lại lỗi lầm của mình là gắng làm được nhiều điều thiết thực có ý nghĩa cho xã hội, đôi khi một việc làm nhỏ có thể  làm thay đổi cả cuộc đời"… Lúc đó, hai bàn tay Hận nắm chặt tay trinh sát Lãm và nói trong đứt quãng:  "Cảm ơn anh, cảm ơn bát nước chè xanh của anh đã cứu tôi 2 lần, tôi nghe anh và xin hứa sẽ trở thành một người có ích cho xã hội. Tôi cũng mong sao câu chuyện "bát nước chè" của chúng ta sẽ giúp những người lạc lối như tôi dần tỉnh ngộ để tìm về cuộc sống lương thiện của mình.

Đồng chí Võ Văn Lãm hiện là Trung tá, cán bộ của Phòng PA61, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua xuất sắc, được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất cùng nhiều bằng khen của Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vì có thành tích trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Riêng đối tượng Hoàng Thanh Hà (tức Hoàng Hối Hận) đã hoàn toàn phục thiện, trở thành một công dân lương thiện, tham gia các hoạt động công tác thiện nguyện vì cộng đồng. Hiện anh đã lập gia đình và có một cuộc sống, điều kiện kinh tế ổn định - Trung tá Võ Văn Lãm cho biết.

Hoài Thu - Thiên Phúc
.
.
.