“Thu phục nhân tâm” bằng cái tâm của người làm nghề truy nã tội phạm

Thứ Năm, 26/12/2013, 10:22

Nổi tiếng là một Cảnh sát hình sự giỏi với những chuyên án để đời ở vùng biên giới Lạng Sơn, Đại tá Triệu Văn Điện giờ lại được biết đến là người thu phục nhân tâm bằng chính cái tâm của người làm nghề truy nã tội phạm.

Ngoài nổi tiếng với các danh hiệu như Anh hùng LLVTND, 2 lần được thăng hàm vượt cấp, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, anh còn được người dân xứ Lạng đặc biệt yêu mến, hễ nhắc đến tên Triệu Văn Điện thì ai cũng biết. Là Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, một trong những biện pháp mà anh cùng cấp dưới của mình áp dụng từ ngày thành lập chính là “lấy nhân tâm thu phục lòng người”. Nhiều tên tội phạm gian manh đã khuất phục trước nhân tâm này và ra quy hàng.

Người anh hùng 2 lần được thăng hàm vượt cấp

Nghe tôi nhắc đến tên Đại tá Triệu Văn Điện, một bà cụ bán nước ở gần trụ sở Công an tỉnh Lạng Sơn cười nói: “Chú Triệu Điện nổi tiếng lắm, bây giờ chú ấy không còn làm Cảnh sát hình sự nữa, mà toàn đi bắt kẻ trốn truy nã”. Tôi rất ngạc nhiên khi một người dân rất đỗi bình thường ở TP Lạng Sơn lại có thể nhớ tên, nhớ nghề của Đại tá Triệu Văn Điện đến vậy. Hỏi ra tôi mới biết, bà cụ chưa được gặp anh Điện mà chỉ nghe một vài người khách tới đây uống nước kể lại. Nhưng những đóng góp của anh cho sự bình yên ở quê hương Lạng Sơn thì không chỉ bà mà nhiều người dân vùng biên giới đều biết khá rõ. Anh Điện trở thành người “nổi tiếng” bằng  những chiến công đi vào lòng nhân dân, để tới hôm nay họ nhắc về anh với một tình cảm thân thiết đặc biệt.

Vẫn nụ cười hồn hậu, dáng người đồ sộ, giọng nói đặc trưng của người dân tộc Nùng xứ Lạng như 10 năm về trước, Đại tá Triệu Văn Điện tiếp chúng tôi trong căn phòng còn nguyên mùi sơn mới. Sự cởi mở, chân thành và vui tính của anh vẫn còn nguyên vẹn như thủa nào. Nhớ lại thời gian còn công tác tại Phòng CSHS, anh không thể quên những giây phút mình cùng đồng đội quần thảo ở khắp núi rừng hiểm trở để truy bắt những băng cướp khét tiếng.

Lạng Sơn đầu những năm 90 của thế kỷ trước tình hình ANTT nóng như chảo lửa khi là nơi tụ tập của những băng cướp khét tiếng hung tợn, sẵn sàng đấu súng với lực lượng truy bắt. Anh Điện còn nhớ rất rõ 2 lần mình được thăng hàm vượt cấp, cả hai lần đều là chuyên án truy bắt những băng cướp khét tiếng tàn ác, manh động và liều lĩnh. Ở băng cướp do Trần Quốc Yên cầm đầu cần phải dùng tới tài thao lược và sự mưu trí, còn với băng cướp do Hoàng Văn Chung thì là cả một sự kỳ công truy tìm dấu vết, lên phương án tỉ mỉ.

Cả hai vụ án những người lính hình sự đều phải đối mặt giữa làn đạn khốc liệt của tội phạm, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Cả hai nhóm cướp đều có vũ khí nóng, chúng sử dụng súng đi cướp như đi chợ. Không cướp được, chúng dùng súng bắn xối xả vào mọi thứ mà chúng cho là “tức mắt”. Hoành hành gây tội ác man rợ, cư dân vùng biên đều nơm nớp lo sợ, chưa đến tối đã đóng chặt cửa, không dám ra ngoài. Để bảo vệ sự bình yên cho nhân dân là trọng trách của người lính hình sự, mà Đại tá Triệu Văn Điện khi đó là Đội trưởng, rồi Phó trưởng Phòng CSHS, anh đã cùng đồng đội lập kế hoạch tiêu diệt 2 băng cướp với yêu cầu đặt ra là phải bảo toàn lực lượng. Sau bao vất vả, gian truân, sự dũng cảm của người lính hình sự đã được Bộ Công an và nhân dân ghi nhận khi 2 băng cướp bị tiêu diệt, lực lượng được bảo toàn. Cả hai chiến công này anh Điện đều được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen, phong hàm vượt cấp.

Có rất nhiều câu chuyện về những chiến công của anh cùng đồng đội ở thời bình mà trong khuôn khổ bài báo này chúng tôi không thể truyền tải được hết. Nhưng ở thời chiến, anh đã ghi dấu ấn vẻ vang vào trang vàng lịch sử Công an tỉnh Lạng Sơn khi tham gia vào trận chiến bảo vệ biên giới phía Bắc nước ta ngày 17-2-1979, anh đã cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công xuất sắc, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì. Ngày 13-8-1980, anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Dũng cảm trong thời chiến và cả thời bình, đó là điều mà chúng tôi có thể hiểu, vì sao người dân xứ Lạng lại yêu mến Đại tá Triệu Văn Điện và dành cho anh những tình cảm đặc biệt đến thế.

Lấy nhân tâm thu phục lòng người

Ngày 19/8/2010, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn được thành lập. Đại tá Triệu Văn Điện đã được Ban Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn tin tưởng giao nhiệm vụ Trưởng phòng. Là người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất biên giới Lạng Sơn, sự chân chất, mộc mạc đã ăn vào máu thịt của anh ngay từ nhỏ. Sau này, tố chất của người lính càng tôi luyện cho anh bản lĩnh kiên cường, cái tâm trong sáng. Để đấu tranh với những đối tượng bị truy nã, ngoài dùng trí, anh còn dùng cái tâm của mình để khuất phục tội phạm.

Đại tá Triệu Văn Điện.

Lạng Sơn là địa bàn “túi” của đối tượng truy nã, giáp ranh các cửa khẩu, chợ nên thuận tiện cho đối tượng đến trốn hoặc chạy sang bên kia biên giới. Đối tượng phạm tội đủ các loại, từ cướp, giết người, buôn bán trẻ em đến tội phạm ma túy. Nhiều đối tượng đặc biệt nguy hiểm, gây án ở các tỉnh phía Nam ra ẩn náu hoặc đối tượng ở Lạng Sơn vào phía Nam gây án rồi trốn về quê hương hoặc sang bên kia biên giới làm ăn. Để truy bắt những đối tượng này, đòi hỏi trinh sát phải tinh thông nghiệp vụ, nắm chắc nhân thân của đối tượng để tìm ra dấu vết của chúng.

Đại tá Triệu Văn Điện cho biết, một trong những biện pháp mà các anh áp dụng thành công, đó chính là vận động đối tượng ra đầu thú. Nhưng làm thế nào buộc kẻ tội phạm đã dùng mọi thủ đoạn để trốn khỏi sự truy đuổi trở về chịu hình phạt là cực kỳ khó khăn. Với những đối tượng phạm các tội có khung hình phạt nhẹ, chúng còn gia đình, vợ con, anh em, cha mẹ thì việc ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, để có cơ hội làm lại cuộc đời thì cũng dễ hiểu. Đằng này, nhiều tên tội phạm chẳng còn gì để mất, phạm tội vào khung hình phạt cao nhất như buôn bán ma túy, chống trả lại lực lượng truy bắt, bản thân có HIV như Đào Thị Minh Huệ thì việc ra đầu thú quả là không tưởng. Thế mà Đại tá Triệu Văn Điện lại làm được điều này.

Đào Thị Minh Huệ là đối tượng cộm cán trong đường dây ma túy lớn bị Công an tỉnh Lạng Sơn lập kế hoạch truy bắt. Khi hay tin các đối tượng trong đường dây tụ tập buôn bán tại nhà Đào Thị Minh Huệ ở thôn Đồn Vang, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, ngày 8/10/2010, lực lượng trinh sát chống ma túy của Công an tỉnh Lạng Sơn và Công an TP Lạng Sơn đồng loạt tấn công vào sào huyệt ma túy này. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt đó, các trinh sát đã khống chế được nhiều đối tượng sừng sỏ, nhưng riêng tên Lê Văn Sơn ( tức Sơn trọc) trú tại khu 4, phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã nhanh chân bỏ chạy. Với tinh thần tấn công đến cùng, đồng chí Trung tá Hứa Văn Tấn, trinh sát của Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Lạng Sơn đã đuổi theo. Trong lúc hỗn loạn đó, bất ngờ tên Sơn rút khẩu súng giấu trong người bắn xối xả vào lực lượng truy bắt khiến đồng chí Tấn bị thương và hy sinh. Thừa cơ, Đào Thị Minh Huệ cũng bỏ trốn lên rừng, lực lượng phong tỏa truy đuổi nhưng không tìm ra thị.

Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát động cuộc học tập tấm gương dũng cảm của đồng chí Hứa Văn Tấn. Vượt qua mất mát, đau thương, lực lượng Công an quyết tâm truy bắt những kẻ còn lại trong đường dây. Quyết định truy nã Huệ được gửi đi toàn quốc. Nhiệm vụ bắt đối tượng sừng sỏ Đào Thị Minh Huệ được đặt lên hàng đầu. Đây cũng là trọng trách mà Đại tá Triệu Văn Điện phải đảm nhiệm. Lục lại hồ sơ về Huệ, đồng chí Điện đã phác thảo nhanh hoàn cảnh gia đình của thị: sau khi ly hôn, Huệ cặp với một kẻ nghiện và thị ta nhanh chóng bập vào con đường buôn bán “cái chết trắng”. Huệ chuyển về Hữu Lũng ở với người tình và cặp tình nhân này nhanh chóng kết nối với một số đối tượng buôn ma túy từ Bắc Ninh lên Lạng Sơn trở thành một đường dây khép kín. Theo tài liệu trinh sát thì Huệ nhiều khả năng trốn ở Bắc Giang, nhưng thị ta khá khôn khéo nay đây mai đó, tìm được không phải là dễ. Đồng chí Điện đặc biệt chú ý tới nhân thân của Huệ và khi xác minh Huệ có một cô con gái rất ngoan và giỏi giang, cha mẹ cô ta cũng là người chất phác… thì anh đã quyết vận động đối tượng này ra đầu thú.

Bắt đầu từ người mẹ. Bà mẹ khá ngỡ ngàng khi thấy anh tới nhà. Nghe anh giới thiệu mình là Triệu Văn Điện, bà mẹ nhận ra ngay “người nổi tiếng” nhưng lại tỏ ra lạnh lùng và e dè khi tiếp xúc. Trong lần gặp đầu tiên, anh đã không “đả thông tư tưởng” được người mẹ này. Lần hai, lần ba cũng vậy. Khi nghe anh nói về việc “trước sau gì Huệ cũng bị bắt, không trốn thoát được, gia đình nên khuyên Huệ ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng”, bà mẹ đã gạt đi ngay. Hôm nay không được thì mai lại đến tiếp, ban ngày gia đình đi vắng thì tối anh lại tới vận động. Anh dùng tất cả khả năng cảm hóa của mình để phân tích, lý giải. Sự chân thành toát ra từ gương mặt, cử chỉ, lời nói của anh khiến sau vài tháng kiên trì đi lại, bà mẹ đã tin tưởng. Được bà nhận lời khuyên con gái ra đầu thú, anh Điện như trút được gánh nặng. Nhưng con đường phía trước chưa hẳn đã hết gian nan. Hôm Huệ gọi điện về nhà, câu đầu tiên người mẹ đã khuyên con: “Có anh Điện là Trưởng phòng truy nã muốn gặp”. Không ngờ, ở bên kia đầu dây, Huệ đồng ý nói chuyện ngay. Cuộc trò chuyện qua điện thoại mang lại hiệu quả cao khi Huệ nghe anh phân tích, động viên, cô ta đồng ý ra đầu thú.

Nghe Đại tá Triệu Văn Điện kể về cuộc vận động này, chúng tôi có cảm giác, con người “của nhân dân” như anh đã đem đến cho gia đình và bản thân đối tượng sự tin tưởng mà không phải ai cũng làm được. Huệ hẹn 5h sáng sẽ về tới nhà, anh tin chắc rằng cô ta hoàn toàn thiện chí. 2h sáng anh lái xe tới nhà Huệ, đúng như lời hứa, 5h Huệ có mặt. Anh để cô ta chia tay với người thân rồi tự mình chở Huệ về trụ sở Công an tỉnh để đầu thú.

Đại tá Triệu Văn Điện kể cho chúng tôi nghe rất nhiều cuộc vận động đối tượng truy nã mà sự gian nan ở đó giống như thử thách lòng kiên trì của những người tầm nã. Có đối tượng các anh phải kiên trì đi lại 6 tháng trời gia đình mới đồng ý. Nhưng qua mỗi cuộc vận động thắng lợi, lại thêm một lần mang tới kinh nghiệm cho người “tầm nã” cũng như rèn luyện thêm bản lĩnh, ý chí vượt qua gian khổ cho mỗi cán bộ, chiến sĩ. Dùng cái tâm để thu phục nhân tâm có lẽ là điều đọng lại sâu sắc nhất sau mỗi thành công của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn

Trần Hằng
.
.
.