Thượng tá Đào Hà: Tư duy khổng lồ trong con người nhỏ bé

Thứ Năm, 23/10/2014, 13:00

Gọi anh là nhà xã hội học, môi trường học hay Việt Nam học đều được cả. Với những công trình nghiên cứu mang tính sáng tạo, những đóng góp có tính chất phát hiện mới mẻ, quý giá trong lĩnh vực lịch sử, văn hoá, môi trường, anh đã mang đến những góc nhìn độc đáo về khoa học lịch sử, môi trường có giá trị. Anh là người sỹ quan an ninh nhỏ bé mang trên mình những sứ mệnh đặc biệt.

Báo chí đã từng viết nhiều về anh, vinh danh anh như một người chiến sỹ quả cảm với lòng yêu nước đặc biệt. Gặp lại anh, người nổi tiếng gần chục năm lại đây, Thượng tá Đào Hà xúc động chia sẻ, anh vừa được Tạp chí Tri thức và Phát triển kết hợp với Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội vinh danh danh hiệu: Trí thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển của Hà Nội nhân dịp 60 năm giải phóng Thủ đô.

Người chiến sỹ Công an đặc biệt

Thượng tá Đào Hà tên thật là Đào Văn Hà. Anh tốt nghiệp đại học An ninh năm 1982. Hiện anh công tác ở Công an thành phố Hà Nội. Công việc thường ngày của người sỹ quan an ninh này là bảo vệ chính trị, an ninh trong nước và đấu tranh chống những thế lực thù địch. Công việc lặng thầm trên một mặt trận lặng thầm nhưng không kém phần cam go, khốc liệt. Những trận đánh không tiếng súng, những cuộc đối đầu bằng trí tuệ, anh đã từng tham gia thành công rất nhiều chuyên án lớn đấu tranh các đối tượng chống Nhà nước, các đối tượng phản động. Công việc của anh không phải là thứ dễ chia sẻ.

Để khái quát đơn giản về nhiệm vụ của mình, Thượng tá Đào Hà cười rất hiền: "Mình là cán bộ tốt, gương mẫu, mẫn cán. Mấy chục năm làm việc mình nhiều lần đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua, gương người tốt việc tốt, có nhiều bằng khen, giấy khen của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội. Năm nay mình 54 tuổi, tròn 30 năm tuổi Đảng. Hạnh phúc lớn nhất trong công tác của mình là đóng góp được nhiều tin tức quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh. Và điều quan trọng nhất, chính công việc chuyên môn trinh sát của một sỹ quan Công an đã mở đường chỉ lối cho mình đi sâu vào công việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử, môi trường nơi những vùng miền mình đã sống và đặt chân tới".

Với Đào Hà, nghề Công an là chiếc cầu nối định mệnh của anh đến với biển thực địa kiến thức mênh mông, thăm thẳm về văn hoá, lịch sử, khoa học môi trường. Nghề trinh sát, thu thập thông tin, đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực an ninh đã giúp anh phát hiện những khả năng đặc biệt của mình trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo; phát hiện những chi tiết đặc sắc và độc đáo của lịch sử, văn hoá, môi trường bị khuất lấp, hay lãng quên trong dòng chảy thời gian.

Nhắc đến những thành công tay ngang trong những lĩnh vực nêu trên gần chục năm lại đây, Thượng tá Đào Hà xúc động chia sẻ, chính nghề trinh sát an ninh đã giúp anh gắn bó nhiều hơn với đời sống này, với những người dân trên những mảnh đất anh từng qua, trên từng vùng miền anh đã lưu dấu lại.

Những cổ vật bằng đồng trong không gian văn hóa Việt của anh.

Những buổi đi thực tế, những chuỗi ngày thực địa vào sâu trong đời sống nhân dân, gần gũi với từng con người đôn hậu, những tâm hồn chất phác, những con người hoặc vô tình, hay vì hoàn cảnh éo le của lịch sử đã được trao sứ mệnh nắm giữ và bảo vệ những tài liệu cổ quý giá, để một ngày số phận run rủi, cho họ được gặp anh, trao cho anh những tư liệu quý báu, giúp anh hoàn thành nên những công trình nghiên cứu văn hoá, lịch sử đặc biệt trong thời gian qua. Những công trình nghiên cứu, những phát hiện đặc sắc, những hiến kế khoa học đã giúp cho tên tuổi của người chiến sỹ Công an trên mặt trận đấu tranh tội phạm lặng thầm trở nên nổi tiếng như hiện nay. Anh đang là hội viên Hội KHLS và Văn nghệ dân gian Hà Nội.

Những công trình nghiên cứu đặc biệt

Gọi anh là người đặc biệt bởi nghề chính của anh là Thượng tá an ninh nhưng anh lại nổi tiếng là một nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, môi trường có những công trình nghiên cứu độc đáo. Ở lĩnh vực nào Đào Hà cũng mò mẫn tìm tòi, khám phá, đúc rút và có được những thành công xứng đáng từ sự lao động nhẫn nại, bền bỉ đẫm mồ hôi, sôi nước mắt, tốn kém thời gian, tư duy và dày công tìm hiểu.

Trước tiên về lĩnh vực khoa học môi trường, Thượng tá Đào Hà đã thành công với 3 công trình nghiên cứu đoạt giải thưởng lớn của Bộ Tài nguyên Môi trường và Đài Tiếng nói Việt Nam đồng tổ chức trong 3 năm liên tục. Người Hà Nội biết đến anh, người sỹ quan an ninh lặng lẽ này bởi những phát kiến thông minh, thiết thực có thể thay đổi số phận của những dòng sông đang chết ở Hà Nội.

Công trình thứ nhất là đề án táo bạo đào kênh đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch để cứu dòng sông Tô Lịch, dòng sông gắn biết bao trầm tích văn hoá lịch sử của Thủ đô Hà Nội đang ngày đêm suy kiệt dần vì ô nhiễm nặng và tắc dòng chảy. Cùng với đề án này, Bộ Tài nguyên Môi trường, thành phố Hà Nội đang mời chuyên gia thành phố Seoul,  Hàn Quốc sang nghiên cứu khảo sát để tìm ra một phương án tối ưu nhất giúp Hà Nội khơi thông được dòng chảy sông Tô Lịch.

Công trình thứ hai là đề án Xử lý chất thải rắn ở nông thôn hiện nay. Đề án này anh đoạt được giải nhất. Công trình thứ 3 đoạt giải nhì là đề án: Chống ngập úng của thành phố Hà Nội năm 2009 sau trận lụt lịch sử. Tất nhiên, từ đề án được đánh giá cao trở thành công trình hiện thực để cải tạo môi trường thành phố Hà Nội là một câu chuyện khác, một hành trình khác. Biết rằng những nghiên cứu của anh đã và đang được các chuyên gia đưa vào công tác nghiên cứu phát triển ứng dụng thêm cùng với nhiều đề án khác đã là niềm hạnh phúc tột cùng của anh rồi.

Về lịch sử, Thượng tá Đào Hà có 5 công trình nghiên cứu có tính phát hiện cao, bổ sung tư liệu quý giá cho chính sử ở một số thời kỳ. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức hội thảo cấp nhà nước về những phát hiện mới này. Một trong những phát hiện ý nghĩa nhất là tìm ra quê hương bản quán và sự nghiệp của ông Dương Thi Sách, chồng bà Trưng Trắc. Phát hiện và chứng minh về quê hương bản quán và sự nghiệp của vua Lý Nam Đế ở Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Tây.

Cho đến nay, vị vua này vẫn chưa hết những rắc rối, tranh luận của các nhà nghiên cứu lịch sử trong việc tìm đúng quê hương. Những dẫn chứng của anh là một căn cứ quý giá để các nhà sử học tiếp tục có nghiên cứu và kết luận cuối cùng về quê hương của vị vua Lý Nam Đế. Phát hiện lớn thứ ba là cuộc khởi nghĩa Hắc Y chống giặc Minh năm 1407-1416 ở Hà Nội của tướng Văn Dĩ Thành mà chính sử không hề đề cập tới.

Văn Dĩ Thành là hậu duệ đời thứ 7 của Đại đô đốc Hoa Duy Thành- là người cùng với Trần Hưng Đạo bắt sống Ô Mã Nhi ở Bạch đằng Giang. Điều quan trọng nữa là trong quá trình tìm hiểu, anh đã phát hiện ra cội nguồn của điệu hát chèo Tàu hay còn gọi là hát Tàu - Tượng đang được khôi phục và phát triển mạnh mẽ ở làng Đan Phượng, Hà Tây quê anh. 

Về văn hoá, Thượng tá Đào Hà được mệnh danh là người giữ lửa cho phong trào văn nghệ xứ Đoài. Người dân xứ Đoài thường gọi anh với câu trìu mến Đào Hà là người con của quê hương. Với vai trò là Chánh văn phòng Câu lạc bộ văn nghệ sỹ xứ Đoài, anh rất yêu và say mê cái công việc ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng này. Câu lạc bộ văn nghệ xứ Đoài nổi tiếng là câu lạc bộ có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ thiết thực có tiếng vang và có ảnh hưởng quý giá trong đời sống tâm hồn của nhân dân Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là những người yêu văn học nghệ thuật. Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội đang lựa chọn câu lạc bộ xứ Đoài là một điểm nhấn văn hoá trong hoạt động văn học nghệ thuật của Hội. Thượng tá Đào Hà cũng là người đã tham gia đóng phim và dẫn chuyện 19 bộ phim về văn hoá Việt trên kênh VTV 10 của Truyền hình Việt Nam và 2 phim về Danh nhân đất Việt của VTV1. Anh cũng là người tham gia viết bài thường xuyên trên chuyên mục văn hoá của Báo Người Hà Nội.

Tận hiến cho những đam mê

Còn nhiều điều khá đặc biệt về người sỹ quan Công an nhiều tài lẻ này. Mặc dù rất vững chắc về chuyên môn nghiệp vụ trong công việc, giàu đam mê và tận hiến cho công tác nghiên cứu khoa học lịch sử, văn hóa, Đào Hà còn là một chiến sỹ Công an làm kinh tế giỏi. Trông vẻ ngoài của anh cũ kỹ, thô mộc và nhỏ bé nhưng những gì anh làm được cho đời thật đáng nể trọng. Hiện nay, anh đang xây dựng khu văn hoá Việt trong không gian riêng của mình ở Đan Phượng. Bao nhiêu tiền dành dụm được trong kinh doanh may vá (anh có xưởng may sản xuất các mặt hàng may mặc, mũ giày, đồ bảo hộ lao động...) anh dành hết để mua đất và xây dựng khu văn hoá Việt theo ý tưởng của mình.

Đó là niềm đam mê lâu dài của anh mà gia đình anh, vợ và các con anh đặc biệt tôn trọng. Trong không gian văn hoá riêng của mình, anh đầu tư xây dựng 3 khu trưng bày cụ thể: Khu thứ nhất là trưng bày các cổ vật liên quan đến văn hoá Việt. Khu thứ hai trưng bày các di vật chiến tranh của hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Khu thứ ba, anh dành để trưng bày các hiện vật liên quan đến tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô cũ. Tất cả những cổ vật, hiện vật quý giá này anh đã dày công sưu tầm từ cách đây hàng vài ba thập kỷ. Anh sưu tầm trong quá trình công tác, làm việc, sinh sống với một ước muốn nung nấu sau này sẽ xây dựng một bảo tàng nho nhỏ của riêng anh cho thoả những đam mê khát vọng. Anh tự nhận mình là người bị quyến rũ bởi những bí ẩn những lớp lớp trầm tích văn hoá của lịch sử.

Anh cũng là một người yêu nước chân chính và nồng nàn thiết tha. Nếu không có một tình yêu quê hương, đất nước hồn hậu, sáng trong và thiết tha đến thế, anh không thể chọn một cuộc sống bận rộn, vất vả, nhọc nhằn của một người đi ngược dòng lịch sử để tìm về những cội nguồn sâu xa nhất, chứng minh cho đời sau thấy những tư liệu vô giá của sự thật mà có đôi khi lịch sử đã vô tình lãng quên.

Vĩ thanh

Những ngày đầu thu này, Thượng tá Đào Hà đang chuẩn bị cho buổi lễ vinh danh các trí thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển tại Văn Miếu Quốc Tử Giám nhân dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô Hà Nội. Niềm hạnh phúc rạng rỡ trên gương mặt sạm đen vì gió bụi, anh chia sẻ: Còn sức làm việc thì anh sẽ còn tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước, cho Thủ đô Hà Nội yêu thương của anh bằng tất cả lòng đam mê nhiệt huyết từ trái tim yêu Hà Nội của mình

Dương Thục Anh
.
.
.