Thuỷ chung với đại ngàn

Thứ Hai, 04/08/2014, 08:00
Tây Nguyên những năm sau giải phóng miền Nam (1975), thế lực phản động Fulro ẩn dật trong các cánh rừng, gieo rắc nỗi sợ hãi khủng khiếp. Chúng tổ chức hoạt động liều lĩnh, manh động nhằm thẳng lực lượng vũ trang của ta tấn công. Chúng ví 10 người dân bằng một ông bộ đội, mười bộ đội bằng một cán bộ công an. Các bản làng Tây Nguyên chưa bao giờ được bình yên, tiếng súng nổ, và sự chết chóc lai vãng khắp nơi. Nơi đại ngàn những năm tháng đỏ lửa ấy đã có dấu chân những người chiến sĩ công an, như ông...

Dấu chân trên vùng đất lửa

Ông xuất hiện trước mắt tôi, giản dị nhưng đâu đó vẫn phảng phất nét suy tư trăn trở của một vị tướng, trên cương vị giám đốc công an tỉnh. Ông ngồi làm việc khi ở ngoài cánh cửa luôn mở để chào đón bất cứ ai và cũng để anh em thoải mái liên hệ làm việc. Ông nói chuyện bằng giọng Quảng Bình trầm ấm, khiến người nghe chìm vào cảm giác gần gũi, như thân quen lắm rồi.

Sinh ra ở quê hương Lệ Thủy (Quảng Bình), năm 1979, sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, người lính Võ Văn Đủ được điều động vào Tây Nguyên công tác.

Ông được điều động lên huyện Đắk Nông (thuộc tỉnh Đắk Lắk khi đó) bám trụ địa bàn. Ông là Trưởng đồn Công an Thị trấn Gia Nghĩa khi mới 25 tuổi. Ngày ấy, rừng núi còn rậm rịt hoang sơ, những cung đường xẻ núi xuyên rừng cheo leo trắc trở và đặc biệt là nạn sốt rét hoành hành. Chiến sĩ trẻ Võ Văn Đủ bị những trận sốt rét quần cho tơi tả, tóc rụng trọc lóc, người lả đi. Vừa phải chống chọi với sốt sét vừa bám trụ trấn áp Fulro và các băng nhóm tội phạm đang hoạt động trong vùng. Sức trẻ xông pha, chẳng ngại gian nguy, dòng máu chảy trong huyết quản người chiến sĩ vẫn luôn sục sôi, dấn thân và cống hiến cho một núi rừng thắm mãi màu xanh hòa bình. Tình yêu ấy, ông gửi trọn vào bài thơ “Tâm tình người chiến sĩ an ninh”. “Tôi ước mơ một ngày tôi vào Đảng/ làm người lính đi đầu trên trận tuyến an ninh/ nếu Đảng cần tôi xin nguyện quên mình/ cho Tổ quốc này xanh màu xanh vĩnh viễn...”.

Thiếu tướng Võ Văn Đủ.

Phải, ông đã khóc khi nhớ về ngày ấy, khóc không phải vì khổ, mà khóc vì nghĩ đến những đồng đội của ông đã ngã xuống trong cuộc chiến với Fulro. Những con đường mòn nối bản làng, nối huyết mạch Tây Nguyên khiến các chiến sĩ công an phải chiến đấu với Fulro căng thẳng nhất, hiểm nguy nhất. Để con đường quốc lộ 14 qua các tỉnh Tây Nguyên chúng ta chạy băng băng hôm nay, bình yên phải đổi bằng máu.

Hiểm nguy đối với người lính công an ở địa bàn Tây Nguyên là có thật. Ông đã từng chết hụt hai lần. Một lần trên đường về Buôn Ma Thuột, thông thường thì lái xe sẽ dành cho ông ghế đầu tiên cạnh tài xế, nhưng hôm đó ông mặc thường phục, anh bạn đi cùng mặc quân phục cảnh sát nên ưu tiên cho ngồi đầu để tiện thông hành qua các trạm kiểm soát. Đến đoạn đường vắng, Fulro phục kích bắn trúng anh bạn ngồi phía trước, hy sinh tại chỗ. Lần thứ hai sau khi đi nghỉ mát ở Nha Trang về Đắk Nông, ngồi lên xe rồi nhưng ông sực nhớ hôm nay là ngày 19/9 và ngày hôm sau là 20/9 “quốc khánh Fulro”, khả năng chúng sẽ hoạt động, thế là ông xuống xe không về nữa. Chiều hôm ấy, được tin toàn bộ đoàn người ngồi trên xe đã bị Fulro phục kích tại cầu 20 (gần thị xã Gia Nghĩa ngày nay). Thế mới nói, sự sống và cái chết rất mong manh của những người lính ở nơi đầu sóng ngọn gió.

Khi hai đứa con chưa đủ tuổi lớn, ông lại được lệnh cấp trên điều chuyển về Đắk Lắk. Ông đón gia đình về Đắk Lắk thì năm 2004, tỉnh Đắk Nông được thành lập, ông lại đi. Như duyên phận với đất, với người, như trò trốn tìm của số phận vợ chồng.

Hoa vẫn nở cho những mùa bình yên

Hỏi ông hơn nửa cuộc đời binh nghiệp, trải qua nhiều cương vị công tác, thì ông ấn tượng và nhớ nhất chuyên án nào. Ông trầm ngâm một lát rồi nói: “Đó là chuyên án kinh tế do tôi điều tra ngay cơ quan của vợ. Khi ấy tôi vừa lấy vợ xong. Từ trưởng phòng, phó phòng đến thủ kho đều bị thẩm tra”. Vụ án bị phơi bày ra ánh sáng, hầu hết các cá nhân có liên quan phải vào tù. Ông bảo, vụ án đó đã thành công về lý thôi chứ thất bại về tình. Vì đó là những người thân quen, đã từng vun vén cho ông lấy vợ.  Ông không ân hận, nhưng có một sự nuối tiếc. Nếu cho làm lại, ông sẽ vẫn làm như thế nhưng cách xử lý sẽ khôn khéo hơn, mềm mại hơn, vừa có lý lại vừa có tình.

Năm 1986, ông triệt phá được vụ buôn lậu voi từ Campuchia qua đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Đắk Lắk để vào thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Bắt quả tang vụ buôn bán hai con voi, nhưng thực chất là một đường dây buôn bán voi rất lớn. Bọn tội phạm tính mua chuộc sự im lặng của ông bằng một con voi có giá trị tương đương 30 lượng vàng thời bấy giờ. Nhưng không khuất phục được ông, thế là chúng tổ chức trốn trại. Trong vòng một tuần, ông và một trinh sát lên đường vào Sài Gòn tầm nã hung thủ. Sài Gòn mênh mông là thế, vô vàn thách thức với người lính trinh sát. Được sự phối hợp nhiệt tình của Công an Tp. HCM và bộ đội quân khu 7, ông nhanh chóng tiếp cận mục tiêu. Phát hiện đối tượng từ trong quán gội đầu đi ra, xe máy của ông nhanh chóng ép sát đối tượng, trinh sát Võ Văn Đủ lao xuống quật ngã đối tượng. Tên tội phạm cao to vật vã còn ông chỉ có 49kg, sau đó ông đã hỏi hung thủ: “Sao anh không chống trả khi bị bắt, với sức của anh thì hoàn toàn có thể làm được”. Hắn thành thật trả lời: “Khi bỏ trốn, tôi đã nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại anh nữa. Nhưng anh vẫn tìm ra tôi giữa Sài Gòn mênh mông thế này. Tôi có chống lại anh cũng chẳng bao giờ thoát được”.

Đặc thù địa bàn Tây Nguyên là đồi núi cheo leo, đất đai rộng lớn mà dân cư lại sống thưa thớt. Có những bản làng nằm hun hút miền biên viễn, giáp với đất bạn Lào và Campuchia, đồng bào thiếu hiểu biết về pháp luật, tội phạm hoạt động liều lĩnh. Ngoài việc đấu tranh, truy quét tội phạm xã hội, thì Tây Nguyên vẫn còn ẩn họa về Fulro. Hiện nay, Fulro đã chuyển sang hoạt động chính trị chứ không vũ trang như ngày xưa, nên công tác đấu tranh phòng chống cũng phải chuyển sang phương thức mới. Thiếu tướng Võ Văn Đủ cho biết, khó khăn nhất là vấn đề nắm bắt thông tin liên lạc, làm sao để ngăn chặn kịp thời các hoạt động chỉ đạo và các nguồn viện trợ của Fulro từ bên ngoài vào. Mỗi ngày xử lý hàng trăm công việc lớn nhỏ của đơn vị, áp lực căng thẳng luôn thường trực, ông đã lấy câu châm ngôn làm phương châm sống: “Mỗi ngày nghe một bài ca nhỏ, đọc một bài thơ hay, xem một bức tranh đẹp và nói đôi điều tử tế sẽ thấy yêu cuộc đời hơn”.

Công an Đắk Nông hợp tác chặt chẽ với công an tỉnh Moldulkiri (Campuchia) giữ vững an ninh trật tự các tuyến biên giới.

Trên cương vị Giám đốc công an tỉnh, ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thế hệ cán bộ chiến sĩ trẻ. Ông tạo mọi điều kiện cho các anh em đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ngày xưa, khi về công tác tại công an huyện Đắk Nông, ông là cán bộ hiếm hoi được đào tạo qua trường lớp, ông đã mạnh dạn đề xuất cấp trên cho mình đứng lớp để dạy nghiệp vụ cho anh em chưa có điều kiện đi học. Nay, thế hệ ấy có người đang là trưởng phòng, phó phòng, nắm giữ những trọng trách quan trọng của đơn vị.

Ông khuyến khích cán bộ đi học thạc sĩ, nhưng khi học xong mang tấm bằng về phải trình bày được phương pháp áp dụng thực tế của công việc. Ông cùng lãnh đạo cấp phòng trực tiếp lắng nghe, thẩm định và phản biện. Ông cương quyết từ chối kiểu học lấy bằng cho oai, cho có để rồi không có tác dụng vào thực tiễn.

Nửa đời người gắn bó với Tây Nguyên, hơn 30 năm nếm vị mặn nhưng ông luôn thấy mình hạnh phúc vì có người vợ thương chồng, thương con. Đó là hậu phương vững chắc để ông yên tâm công tác. 10 năm chia tách tỉnh, ông vẫn đi và về như con thoi. Đôi chân đôi khi có mỏi, đôi mắt đôi khi có mờ nhưng ông không buồn vì điều đó. Bởi đất và người Đắk Nông đã chảy vào thương nhớ

Ngọc Thiện
.
.
.