Đại úy Hà Tiến Dũng - Phó trưởng Công an huyện Mai Châu - Hòa Bình:

Tiếp bước truyền thống, vững vàng trên trận tuyến chống tội phạm

Thứ Sáu, 28/08/2015, 10:00
Tháng 3/2014, Đại úy Hà Tiến Dũng được Giám đốc Công an tỉnh bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Công an huyện Mai Châu, một trong những lãnh đạo trẻ đầy năng lực của địa phương. Anh vinh dự được Nhà nước, Bộ Công an, UBND tỉnh và các cấp, các ngành tặng nhiều Huân, Huy chương, bằng khen, giấy khen.

Chúng tôi trở lại Mai Châu (Hòa Bình) khi những âm thanh từ tiếng súng lùi xa, một cuộc sống mộc mạc, bình dị trở lại với người dân vùng cao này. Nhớ tới Mai Châu hay vùng đất nóng “Hang Kia-Pà Cò” nhiều người liên tưởng đến ma túy, thuốc phiện, đến những trận chiến quyết liệt chống tội phạm ma túy. Hình ảnh 3 chiến sỹ Công an Hòa Bình quả cảm ngã xuống giữ cho “đào hồng, ban trắng, nắng xuân” khiến cho tâm hồn mỗi người dân trở nên xốn xang. Cảm nhận nỗi đau, sự mất mát tột cùng, Đại úy Hà Tiến Dũng – Phó trưởng Công an huyện Mai Châu biến nỗi đau thành hành động, tiếp bước người cha đáng kính, liệt sỹ Đại tá Hà Thái Yềm trên trận tuyến đầy hiểm nguy này.

Máu đào đổ trên cao nguyên đá

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, thung lũng Hang Kia vẫn bình yên như cuộc sống của người Mông vốn hiền hoà, hồn hậu và chất phác. Nhưng trong sự bình yên đó luôn ẩn chứa những đợt sóng ngầm dồn nén. 

Thung lũng Hang Kia là nơi sinh sống của hơn 400 hộ, chủ yếu là đồng bào người Mông với hơn 3 nghìn nhân khẩu. Tuy vậy, nơi đây vẫn luôn được ví như là một “lô cốt” ma tuý ở vùng trời Tây Bắc. Chưa có một thống kê nào về số lượng ma tuý được buôn bán, vận chuyển qua đây. Nhưng khi nhắc đến địa danh này, hầu như ai cũng đều ngầm hiểu đây chính là một điểm trung chuyển ma tuý rất lớn. 

Thượng tá Nguyễn Ngọc Quang – Phó Trưởng phòng PC47 Công an Hòa Bình, người có nhiều năm gắn bó với công tác phòng chống ma túy nhận định, sở dĩ Hang Kia trở thành nơi trung chuyển ma tuý với số lượng lớn từ bên ngoài vào sâu trong nội địa là do đặc điểm địa hình, địa bàn của Hang Kia gần với đường biên giới và cũng nằm không cách xa khu vực “tam giác vàng” về ma tuý. Do vậy, tội phạm ma túy lợi dụng điều này để lôi kéo một bộ phận người dân ở các xã Hang Kia, Pà Cò tham gia buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý.

Với địa thế hiểm trở, núi rừng trùng điệp đã tạo thành bức tường kiên cố để Hang Kia, Pà Cò trở thành một lô cốt, điểm nóng về ma tuý của tỉnh Hoà Bình và là điểm “nóng” về ma tuý trên tuyến Tây Bắc. Cũng không ngoa khi cho rằng thung lũng Hang Kia là một trong những trọng điểm của cả nước về tội phạm ma túy.

Từ những năm 1990 trở về trước, hai xã Hang Kia và Pà Cò luôn được xem là vùng đất nóng về ma tuý của tỉnh. Người dân địa phương có truyền thống trồng và hút thuốc phiện. Thói quen đó thấm sâu vào tiềm thức và là món ăn tinh thần không thể thiếu. Trước diễn biến phức tạp của tệ nạn ma túy, Đảng, Nhà nước chủ trương loại bỏ cây thuốc phiện, thay thế bằng cây trồng có giá trị kinh tế cao. Sau khi cây thuốc phiện bị triệt phá, từ năm 1997, ở Hang Kia, Pà Cò bắt đầu xuất hiện hoạt động mua, bán trái phép chất ma tuý. 

Với địa thế gần đường biên, ma tuý được vận chuyển từ nước ngoài vào, sau đó được các đối tượng, các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý liên tỉnh, xuyên quốc gia đưa vào sâu trong nội địa. Theo đánh giá của Công an tỉnh Hòa Bình, trong số 13 bản của Hang Kia, Pà Cò thì có đến 8 bản là điểm nóng về tội phạm ma túy. 

Tính từ tháng 1/1998 đến tháng 3/2009, địa bàn 2 xã đã có 10 đối tượng bị kết án tử hình về tội ma tuý, trong đó Hang Kia là 8, Pà Cò có 2 đối tượng và 24 đối tượng bị kết án tù chung thân; 58 đối tượng bị kết án tù có thời hạn từ 20 năm trở xuống. Lượng ma tuý bị bắt quả tang thu giữ và qua điều tra, chứng minh làm rõ do các đường dây, đối tượng tại địa bàn 2 xã tham gia mua bán, vận chuyển lên tới hàng trăm bánh heroin. 

Thời điểm năm 2010, trên địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò còn 17 đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt về tội buôn bán ma tuý, riêng Hang Kia có 12 đối tượng. Trong đó, Vàng A Khua (sinh năm 1956) ở xóm Hang Kia 1 là một trong số đối tượng bị truy nã đặc biệt. Sau khi đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý của Vàng A Khua bị lực lượng chức năng chặt đứt, Vàng A Khua đã bỏ trốn và Công an tỉnh phát lệnh truy nã đặc biệt. Sau khi nắm được nguồn tin Vàng A Khua có mặt tại địa phương, sáng  5/2/2010, các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh Hòa Bình và Công an huyện Mai Châu tổ chức vây bắt đối tượng. Khi phát hiện bị bao vây, Vàng A Khua đã cố thủ trong nhà và dùng súng AK bắn vào lực lượng vây bắt làm Đại tá Hà Thái Yềm, Thượng úy Bùi Quốc Đại và Trung úy Sùng A Trư hy sinh.

Hay tin cha hy sinh, Hà Tiến Dũng và gia đình vô cùng bàng hoàng, đau xót trước mất mát quá lớn này. Mắt hoe đỏ, khuôn mặt thất thần, Hà Tiến Dũng nắm chặt tay những người đồng đội, không nói lên lời. Anh tự hào vì người cha đáng kính đã hy sinh thân mình để giữ gìn sự bình yên cho nhân dân. Đó còn là động lực thôi thúc Hà Tiến Dũng phấn đấu vươn lên. Trước di ảnh cha, Hà Tiến Dũng thầm hứa sẽ phát huy truyền thống gia đình, nỗ lực cố gắng, tiếp bước cha trên cuộc chiến chống ma túy đầy hiểm nguy này, quyết tâm đẩy lùi “cái chết trắng” ra khỏi đời sống xã hội.

Tiếp nối truyền thống

Là con trai cả trong gia đình, Hà Tiến Dũng có nhiều điểm tương đồng với người cha đáng kính. Anh luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng, phong thái chững chạc, gần gũi, thân thiện với đồng đội và nhân dân trên địa bàn. Ngay từ nhỏ, hình ảnh cha xông pha trên trận tuyến chống tội phạm, ngăn chặn nhiều hoạt động tội phạm, nhiều đường dây vận chuyển ma túy gieo rắc “cái chết trắng” cho xã hội... là ấn tượng thôi thúc anh tiếp bước cha trở thành người chiến sỹ Công an thực thụ. 

Cha kể với anh rằng, là chiến sỹ Công an phải biết đặt lợi ích của người dân lên trên hết, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân là hạnh phúc đời mình. Nếu việc gì tốt cho nhân dân phải cố gắng làm, việc gì có hại phải tuyệt đối tránh. Phải biết dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân thì ắt sẽ thành công. Bài học về lòng dân theo anh suốt những năm tháng của sự nghiệp.

Đại úy Hà Tiến Dũng (thứ 4 từ phải sang).

Sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh nhân dân, Hà Tiến Dũng được điều động về công tác tại quê hương, nơi anh sinh ra và lớn lên. Nhận thấy phẩm chất mưu trí, dũng cảm của anh, lãnh đạo đơn vị phân công anh về Đội Cảnh sát hình sự, lực lượng chủ công trong đấu tranh chống tội phạm. Anh nhanh chóng bắt tay vào công việc và lập nhiều chiến công xuất sắc. 

Qua mỗi chuyên án, mỗi trận đánh, anh ngày càng trưởng thành hơn. Anh tham gia vào hầu hết các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn, bắt nhiều đối tượng giang hồ cộm cán, nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm, cùng đồng đội phá nhiều đường dây vận chuyển ma túy với số lượng lớn.

Nhớ lại vụ án mạng giết người, đốt xác xảy ra tháng 3/2007, tại xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu (Hòa Bình), anh vẫn chưa khỏi bàng hoàng bởi tính chất và thủ đoạn thâm độc của bọn tội phạm. Vụ án gây chấn động dư luận, hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an huyện, Hà Tiến Dũng cùng các trinh sát Đội Cảnh sát hình sự đến hiện trường nắm tình hình, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ phá án. 

Hiện trường là đống tro tàn, xác người phụ nữ bị đốt cháy tư thế bị cột chặt, còn hằn trên lớp da cháy sạm, biến dạng. Nhìn cảnh tượng thương tâm đó, ai nấy đều cảm thấy xót xa, đau đớn thân phận người phụ nữ bị chết oan uổng. Việc điều tra gặp rất nhiều khó khăn, nhân chứng duy nhất đã chết, những tài liệu thu được không rõ nét. Song anh và đồng đội quyết tâm làm sáng tỏ vụ án, sử dụng chính hiện trường vụ án tố cáo tội ác hung thủ. Cũng để người phụ nữ xấu số ở thế giới bên kia yên lòng. 

Với tinh thần trách nhiệm cao, anh cùng đồng đội thận trọng, tỉ mỉ thu lượm các vật chứng tại hiện trường, xem xét, đánh giá dấu vết một cách khách quan, nhằm xác định chính xác thủ đoạn gây án. Qua công tác khám nghiệm phát hiện có vết nứt trên hộp sọ, cơ thể hằn lên các vết buộc, thâm tím. Bên cạnh có một thanh gỗ tại hiện trường, rất có thể đây là hung khí gây án. Ban Chuyên án tìm ra quy luật hình thành dấu vết tử thi, từ đó xác định thủ đoạn gây án của hung thủ. 

Theo đó, nạn nhân bị lừa vào phía trong Hang Khoài, sau đó, lợi dụng nạn nhân sơ hở, mất cảnh giác, đối tượng bất ngờ sử dụng thanh gỗ tấn công từ phía sau dẫn tới tử vong. Sau khi chết, đối tượng sử dụng dây thừng buộc nạn nhân, sau đó dùng xăng đốt xác phi tang. 

Kết hợp với các nguồn tin do quần chúng cung cấp, cơ quan điều tra đã xác định nạn nhân là chị Phùng Thị Minh, SN 1974, ở xóm Hữu Tiến, xã Xăm Khòe, Mai Châu. Những thông tin mang tính bước ngoặt hé mở hướng điều tra tiếp theo của cơ quan Công an. Không lâu sau đó, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, vận động người dân tố giác tội phạm, Ban chuyên án đã bắt 2 đối tượng phạm tội là Lê Thị Hoa, SN 1966 và Bùi Văn Trưởng, SN 1974, đều trú tại xóm Hữu Tiến, xã Xăm Khòe.

Hay vụ án giết người tạo hiện trường giả tai nạn giao thông khiến anh và đồng đội tốn khá nhiều công sức. Qua công tác khám nghiệm hiện trường, nạn nhân là ông Phạm Đức Hậu, SN 1960, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng NN&PTTN huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, HKTT: Phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ông Hậu được biết đến là người có uy tín và tiếng nói ở địa phương. 

Theo nhiều người dân địa phương và quan sát tại hiện trường thì ông Hậu chết do xe mất lái, lao xuống vực. Tuy nhiên, với con mắt nghiệp vụ sắc bén, Hà Tiến Dũng cùng đồng đội khẳng định đây là vụ giết người rồi tạo hiện trường tai nạn giao thông giả nhằm đánh lạc hướng điều tra. Anh và đồng đội thận trọng đánh giá các tài liệu, vật chứng thu được, xác định cơ chế hình thành dấu vết, từ đó xác định ông Hậu chết trước khi xe lao xuống vực, tạo hiện trường giả vụ tai nan giao thông. 

Tuy nhiên, hung thủ rất tinh vi, xảo quyệt, quá trình gây án không để lại bất kỳ dấu vết gì, tính toán kỹ lưỡng về thời gian, địa điểm và khu vực làm giả hiện trường nhằm đánh lạc hướng điều tra. 

Trên cơ sở tài liệu thu thập được, kết hợp với thông tin do quần chúng cung cấp, nổi lên đối tượng Lê Văn Minh, SN 1964, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Văn Minh, có mối quan hệ làm ăn thân thiết với nạn nhân. Sau nhiều ngày theo dõi, củng cố tài liệu, chứng cứ. Cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt khẩn cấp Lê Văn Minh. Các anh đưa ra chứng cứ thuyết phục buộc đối tượng phải nhận tội.

Giữ cho đào hồng, ban trắng

2 xã Hang Kia, Pà Cò huyện Mai Châu là nơi có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Người Mông vốn là những người nông dân thật thà, chất phác, lương thiện và có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Ấy vậy mà, những giá trị văn hóa ấy bị tha hóa bởi một số kẻ xấu tung tin thất thiệt, lôi kéo con em dân tộc Mông vào con đường phạm tội. Từ đó hình thành các đường dây ma túy mà phần lớn có sự tham gia của cả gia đình, dòng tộc, người già, phụ nữ, trẻ em. Ma túy chi phối hệ thống chính trị, ăn sâu vào tiềm thức của người dân địa phương. 

Theo cụ Vàng A Tình, người cao tuổi ở xã Hang Kia: “Làm cả năm không bằng đi buôn ma túy một chuyến. Thế là thanh niên trong bản rủ nhau đi buôn ma túy. Khó bảo chúng lắm!”. 

Bọn tội phạm xây dựng bản Mông trở thành “thánh địa” ma túy, là nơi trung chuyển ma túy trọng điểm từ Tam giác vàng về các tỉnh đồng bằng và sang nước thứ ba tiêu thụ. Chỉ tính riêng địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò có hàng chục đối tượng lĩnh án tử hình về ma túy, hàng trăm đối tượng bị các mức án cao về ma túy. Ngoài ra, có hàng chục đối tượng bị cơ quan Công an truy nã đang lẩn trốn trong rừng.

Đại úy Hà Tiến Dũng chia sẻ: “Để vận động đối tượng truy nã ra đầu thú không phải là một điều đơn giản. Nhiều đối tượng khi được các cơ quan Công an thuyết phục đồng ý ra đầu thú. Tuy nhiên, đến phút chót, khi nghe một số kẻ xấu tung tin cho rằng Công an lừa để bắt thì đổi ý. Tiếp tục lẩn trốn trong rừng. Từ khi 3 ngành nội chính của Trung ương gồm Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án có quy định đặc thù với đối tượng ở khu vực xã Hang Kia và Pà Cò thì việc vận động đối tượng truy nã trở nên thuận lợi hơn”. 

Điển hình như vụ vận động đối tượng Khà A Phử (sinh năm 1976) trú tại Thung Ẳng, xã Hang Kia (Mai Châu). Đây là một đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội mua bán trái phép vũ khí quân dụng và mua bán trái phép hơn 10 bánh heroin. Xác định đây là một nhiệm vụ khó khăn bởi sự phức tạp về tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn xã Hang Kia cùng bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán. Đặc biệt, hành vi phạm tội của đối tượng phải chịu khung hình phạt rất cao, thậm chí tử hình. 

Sau khi phạm tội, đối tượng biết rõ mức án phải chịu  nên bỏ trốn trong rừng sâu, cắt đứt mọi liên lạc với gia đình và người thân. Hơn nữa, gia đình đối tượng không hợp tác, dùng mọi biện pháp che giấu, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Nhất là sau khi xảy ra vụ truy bắt đối tượng truy nã Vàng A Khua làm 3 chiến sỹ Công an hy sinh, bản thân tên Khua bị tiêu diệt, việc vận động đối tượng càng trở nên khó khăn gấp bội phần.

Thời gian đó, khi thấy có người đến nhà, đối tượng lại bỏ trốn lên rừng và những người thân trong gia đình đối tượng dùng mọi biện pháp cản trở lực lượng chức năng. Tuy vậy, trước sự kiên trì, bền bỉ của Đại úy Hà Tiến Dũng và đồng đội, cuối cùng đối tượng Khà A Phử cũng đã chịu gặp và nghe các anh nói chuyện phải trái và sự khoan hồng của pháp luật đối với những người muốn quay về nẻo thiện. 

Đại úy Dũng nhớ lại: Ngày 16/5/2012, Khà A Phử đầu thú tại Công an huyện Mai Châu. Được cán bộ Công an huyện tiếp đón tận tình, niềm nở, Khà A Phử cảm thấy thanh thản. Những ngày tháng trốn chui lủi trong rừng sâu đã lùi xa. Phử yên tâm cải tạo để sớm trở về với gia đình. 

Ngay sau khi Phử đầu thú, được cán bộ Công an đối xử tử tế, Phử đã thông báo để gia đình yên tâm. Thời gian đó, trong gia đình, dòng họ của Phử có nhiều người bị truy nã đang lẩn trốn trong rừng, muốn đầu thú song lo sợ bị lĩnh án cao. Từ tấm gương của Khà A Phử, nhiều người lầm lỗi có thêm quyết tâm đầu thú để hưởng khoan hồng. 

Cũng trong ngày hôm đó, các gia đình đã gọi 5 người đang trốn truy nã trong rừng về đầu thú và 2 người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện. Trong đó hầu hết đều là đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Sau khi đưa ra xét xử, các đối tượng đều được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Như Khà A Phử, chỉ phải nhận mức án 7 năm tù.

Cùng với công tác đấu tranh chống tội phạm, một trong những biện pháp nghiệp vụ mang tính chiến lược, lâu dài đó là xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngay từ cơ sở. Những lời cha dạy trước kia, Đại úy Hà Tiến Dũng càng thấm thía hơn. Anh trực tiếp xuống cơ sở, thực hiện “3 cùng”, gặp gỡ từng người dân, hướng dẫn, tổ chức các buổi họp dân, phát động phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ, phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy. 

Anh ân cần thăm hỏi, động viên, tranh thủ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dòng họ vận động toàn dân tham gia tố giác tội phạm, quản lý con em, người thân không tham gia mua bán ma tuý, mắc vào tệ nạn xã hội, kêu gọi vận động các đối tượng truy nã ra đầu thú và tuyên truyền vận động người nghiện ma túy tự giác đi cai. 

Nhờ đó, đã có 16 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm tự nguyện ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, có trên 3.000 khẩu súng tự chế được thu hồi, hàng chục đối tượng nghiện ma túy tự nguyện xuống các cơ sở cai nghiện, chữa bệnh để đoạn tuyệt với ma túy, trở thành người có ích cho xã hội. An ninh, trật tự tại 2 xã người Mông và các địa phương trọng điểm khác cơ bản được lập lại để điệu khèn Mông lại cất cao, bay bổng giữa đại ngàn bình yên.

Quá trình công tác, Đại úy Hà Tiến Dũng ngày càng trưởng thành, được lãnh đạo tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Anh lần lượt đảm nhiệm các chức vụ như: trinh sát, chỉ huy đội nghiệp vụ hình sự, ma túy. Ở bất kỳ lĩnh vực công tác nào, anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tháng 3/2014, anh được Giám đốc Công an tỉnh bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Công an huyện Mai Châu, một trong những lãnh đạo trẻ đầy năng lực của địa phương. Anh vinh dự được Nhà nước, Bộ Công an, UBND tỉnh và các cấp, các ngành tặng nhiều Huân, Huy chương, bằng khen, giấy khen. 

Những tấm bằng khen, giấy khen là sự ghi nhận đối với những cố gắng, nỗ lực không biết mệt mỏi của người chiến sỹ trẻ trên trận tuyến phòng chống tội phạm nơi vùng cao đầy gian khó. Giữ bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân, đó là mục tiêu cao nhất mà Đại úy Hà Tiến Dũng và đồng đội của anh hướng đến. Tiếp bước truyền thống gia đình, dưới suối vàng, chắc hẳn cha anh, liệt sỹ Đại tá Hà Thái Yềm sẽ mãn nguyện lắm!

Như Hùng
.
.
.