Trên những con tàu Cảnh sát biển

Thứ Bảy, 02/08/2014, 10:00

Đêm xuống, tiếng đàn ghi ta trong veo cất lên trên mạn tàu. Lời ca thánh thoát, trầm hùng át tiếng sóng biển vỗ về cầu cảng. Chúng tôi ngồi quây quần cùng các anh, những chiến sĩ Cảnh sát biển vùng 3 (đóng tại Tp. Vũng Tàu), nghe những câu chuyện kể bất tận về biển. Lòng thật bình yên! 

Sinh ra để dành cho biển

Cầu cảng 20 giờ đêm, ánh đèn vàng chói trên nóc cabin những con tàu đang sẵn sàng đợi lệnh, sẵn sàng làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Trên ngọn đèn sáng rực, bóng người chiến sĩ đứng gác như pho tượng, hiên ngang quay mặt về phía biển cả. Dưới mạn tàu, tôi nghe tiếng rầm rì, chẳng biết các anh đang đọc điều gì trên cuốn sổ tay. Chính trị viên tàu 4033, Thượng úy Lê Hồng Quân niềm nở nắm chặt tay từng người. Trong căn phòng ấm cúng của con tàu Cảnh sát biển (CSB) 4034, những ly trà nóng thơm lừng tỏa hương ngào ngạt, các anh mời chúng tôi uống, ngọt lịm đầu môi.

Nụ cười của Chính trị viên rất tươi. Hỏi anh cảm giác thế nào trong lúc này? Anh lại cười, giản dị nhưng mạnh mẽ: “Chúng tôi vẫn đang tập luyện hàng ngày. Chúng tôi đã sẵn sàng với mọi nhiệm vụ”. Lê Hồng Quân đến với CSB là một định mệnh. Anh vốn là một giáo viên sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An). Đã có thời gian anh đứng trên bục giảng, rồi anh rẽ ngang trở thành Cảnh sát biển: “Vì anh yêu biển, yêu những con tàu xa khơi thăm thẳm giữa đại dương. Cha mẹ anh cũng là những người lính, nên họ đã ủng hộ anh hết mình”. Người thầy giáo ấy, nay là Chính trị viên một con tàu CSB mang nhiều chiến công. Nước da anh xạm đen vì nắng gió và muối biển. Trông anh điềm đạm, lúc nào cũng tủm tỉm cười.

Cán bộ, chiến sĩ tập trung chuẩn bị tiễn tàu đi làm nhiệm vụ tuần tra trên biển.

Chén trà chưa vơi, thì Thượng úy, Thuyền trưởng tàu 4033 Lê Tiến Kim xuất hiện. Thượng tá Đinh Quốc Ruân – Chủ nhiệm chính trị vùng CSB 3 chỉ lên tấm Huân chương chiến công hạng ba do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng trong lần tàu 4034 tham gia bắt sống 11 tên cướp biển người Indonesia năm 2012 tiếp lời: “Toàn những người hùng biển cả không đấy. Mưu trí, dũng cảm, không ngại khó ngại khổ”.  Ấm trà nóng cứ vơi dần theo câu chuyện của các anh.

Các cán bộ chiến sĩ trên tàu CSB 4034 đều là thế hệ 8X, 9X mang trong mình đầy lửa. Chúng tôi thấy ở họ, luôn toát lên một sức sống tươi trẻ, kiêu hãnh trong màu quân phục trắng xanh, biểu tượng thiêng liêng của vùng trời, biển Việt Nam. Thuyền trưởng Lê Tiến Kim sinh ra trong một gia đình có bề dày truyền thống, cha anh nguyên là sĩ quan hải quân về hưu còn mẹ là cựu thanh niên xung phong Trường Sơn. Hình ảnh người cha và con tàu nơi biển khơi xanh thắm đã hằn vào suy nghĩ của cậu bé Lê Tiến Kim. Cho đến một ngày anh trai Lê Tiến Kim là Lê Hải Trường thi đậu vào trường Hải quân, thì ước mơ về tàu, biển trong Lê Tiến Kim càng được thổi bùng lên, cháy mãi. Anh bảo, rất muốn đi Hoàng Sa, giờ có lệnh là anh sẵn sàng.

Khi những câu chuyện trùng lắng, các anh lại ôm đàn hát. Tiếng hát lính biển có điều gì đó vô cùng sâu lắng, như khát khao, hy vọng. Tôi không định hình được các anh gửi gì trong câu hát. Tôi mải miết nghe, mê đi trong tiếng nhạc hòa cùng tiếng sóng. “...Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ cơn bão qua đi trong tâm hồn biết bao người/ anh đứng gác trời khuya đảo vắng/ biển một bên và em một bên...”. Một đoạn trong lời bài hát “Chút thư tình người lính biển”. Tôi cảm tưởng như các anh hát dành tặng cho chúng tôi, những cô gái đến từ đất liền.

Đêm về, biển phủ màu đen bạt ngàn, chỉ còn ngọn đèn đứng gác trên những con tàu ngạo nghễ. Thả bộ trên cầu cảng, Thượng tá Đinh Quốc Ruân, người vừa trở về từ Hoàng Sa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về biển, cứ mênh mang bất tận. Biển ở đây yên bình quá, chứ không sóng gió như Hoàng Sa. Ước gì cầu cảng dài thêm nữa, để chúng tôi có thể thẩm thấu nhiều hơn nữa từ những câu chuyện của thượng tá Ruân. Khi tôi viết những dòng này, thì Thượng tá Đinh Quốc Ruân – Chủ nhiệm chính trị vùng CSB 3 lại ra Hoàng Sa lần thứ hai. Ông hứa, khi nào về sẽ kể cho chúng tôi nghe tiếp những câu chuyện về biển.

Bình minh trên cầu cảng

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy thật sớm, theo chân đại úy Mai Xuân Thuận – Chính trị viên phó Hải đội 301 (thuộc vùng CSB 3) xuống cầu cảng để gặp gỡ anh em trên tàu CSB 3001. Bình minh trên bến cảng thật đẹp, nắng dát vàng xuyên vào từng boong tàu, hằn lên những khuôn mặt tràn đầy sức sống. Họ cười như mùa thu tỏa nắng, rọi ánh nhìn đầy yêu thương về phía chúng tôi. Tiếng chim hót lay động không gian thanh bình trên tàu CSB 3001. Trung úy – Chính trị viên Nguyễn Văn Nam chia sẻ: “Nuôi chim để mang ra biển cho nó hót. Những ngày lênh đênh trên biển, được nghe tiếng chim cảm thấy đỡ nhớ đất liền hơn. Chúng tôi huấn luyện được cả sáo biết nói, đôi khi như vậy cũng thấy vui rồi”.

Tiếng chim hót làm các anh thấy đất liền gần hơn trên mỗi chuyến hải trình.

Sáng nay, các anh sẽ tiễn một tàu đi làm nhiệm vụ tuần tra trên biển. Khoảng 9 giờ sáng, tiếng còi tàu kéo dài từ bến cảng, báo hiệu tàu sắp nhổ neo. Ban chỉ huy vùng và tất cả cán bộ chiến sĩ tập trung đông đủ trên cầu cảng, họ nắm thật chặt tay nhau, gửi cho nhau những nụ cười may mắn, và lời chúc thành công. Đại tá Đỗ Hồng Đó – Chính ủy vùng CSB 3 bắt tay từng chiến sĩ. Tàu chuẩn bị rời bến, nhìn thấy một chiến sĩ không mặc áo phao, ông sốt sắng nhắc nhở: “Áo phao đâu, mặc vào ngay”. Nắng trên cầu cảng chói chang đến lạ, gió từ biển thổi vào rát mặt, hàng chục cánh tay giơ cao vẫy chào người ra đi. Tôi thấy sống mũi mình cay cay, cái nghĩa đồng đội mặn mòi như muối biển. Họ nắm tay nhau, vỗ vai nhau, cười với nhau trước giờ xuất bến đi làm nhiệm vụ. Đại tá Đỗ Hồng Đó cho biết: “Truyền thống từ xưa đến nay rồi. Tàu nào đi làm nhiệm vụ thì anh em cũng ra tiễn, và khi về thì ra đón. Đó là tình cảm đồng chí đồng đội”.

Hai ngày được sống trong không khí thắm tình quân dân, hiểu và cảm nhận cuộc sống của những chiến sĩ CSB, chúng tôi cứ lặng đi. Lặng đi vì xúc động, vì nghĩa cử tuyệt đẹp các anh gửi nhân dân ở đất liền, trăm người như một: “Hãy nhắn với nhân dân, rằng chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Khi chia tay trên bên cảng, những bóng áo trắng tăm tắp vẫy chào, tôi quay đi, tim mình như nghẹn lại. Lời ca theo sóng vọng mãi bên tai: “... Cho dẫu mai đây xa ánh đèn thành phố/ anh đến buông neo nơi thăm thẳm ánh sao trời/ anh vẫn thấy đời không lẻ bóng/ biển một bên và em một bên...”

Ngọc Thiện – Quỳnh Nga
.
.
.