Trinh sát hình sự kể chuyện phá án giữa đại ngàn

Thứ Sáu, 15/03/2013, 15:45

Nhờ đồng đội giới thiệu, tôi được tiếp chuyện với Đại úy Trần Xuân Tú (39 tuổi, Đội phó đội 2 Phòng PC45 – Công an tỉnh Đắk Lắk). Anh được mệnh danh là “cánh đại bàng” bay khắp núi rừng Tây Nguyên. Anh chẳng thể nhớ nổi mình đã cùng đồng đội tham gia bao nhiêu chuyên án trong nghiệp Cảnh sát hình sự tính đến thời điểm này đã 14 năm.

Tiết trời Tây Nguyên gần vào xuân trời xe sắt lạnh, gió hanh hao dịu nhẹ trải dài thênh thang trên từng ngọn đồi cà phê đang mùa hoa nở. Không khí ấp áp của mùa xuân dường như xua tan những căng thẳng, mệt mỏi của những trinh sát giữa đại ngàn.

Nhờ đồng đội giới thiệu, tôi được tiếp chuyện với Đại úy Trần Xuân Tú (39 tuổi, Đội phó đội 2 Phòng PC45 – Công an tỉnh Đắk Lắk). Anh được mệnh danh là “cánh đại bàng” bay khắp núi rừng Tây Nguyên. Anh chẳng thể nhớ nổi mình đã cùng đồng đội tham gia bao nhiêu chuyên án trong nghiệp Cảnh sát hình sự tính đến thời điểm này đã 14 năm.

Khởi nghiệp từ một tình yêu

Anh dung dị, chân chất trong bộ thường phục hằng ngày của Cảnh sát hình sự. Nước da cháy nắng, anh khiêm nhường khi nói về mình bởi theo anh, đó là công việc, là nhiệm vụ và trách nhiệm của người chiến sĩ Công an nhân dân.

Từ quê hương Hà Tĩnh, anh theo gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp. Thủa thiếu thời, anh là đứa trẻ phải ra đời lao động sớm. Những khó khăn, nhọc nhằn, những vất vả lo toan đã tôi luyện cho anh trở thành một thanh niên có hoài bão, ước mơ và lý tưởng trở thành một chiến sĩ Công an. Thế rồi anh xin đi nghĩa vụ Công an, năm ấy anh được 44kg, người ốm nhom, gầy guộc.

Sau ba năm nghĩa vụ, anh được cử đi học lớp trung cấp Cảnh sát ngoài Hà Nội. Trở về, anh làm Cảnh sát bảo vệ sáu năm thì chuyển qua hình sự. Từ đó, cái nghiệp cứ cuốn anh đi mải miết theo những chuyên án lớn nhỏ của mảnh đất đỏ đầy nắng và gió này.

Tây Nguyên với đặc thù là địa bàn rừng núi hiểm trở, quần cư nhiều tộc người sinh sống nên vấn đề về an ninh trật tự được đánh giá là khó khăn và phức tạp. Có những bản làng nằm tách biệt với thế giới bên ngoài, hay những “ốc đảo” cô lập trên tận đỉnh đồi chỉ một cung đường độc đạo. Thế nhưng, trên mỗi con đường, mỗi vùng đất ấy đều có dấu giày của anh cùng đồng đội để mang bình yên đến với từng bản làng.

Năm 2001, trên địa bàn xã Nam Giong, huyện Cư Yut – Đắc Lắk (nay là Đắk Nông) xẩy ra vụ án mạng nghiệm trọng. Nạn nhân được xác định là nam khoảng gần 30 tuổi. Nhận được tin báo, anh cùng tổ chuyên án lập tức lên đường. Vật chứng duy nhất còn lại là bộ quần áo của nạn nhân vì thi thể đã vào quá trình phân hủy nên không thể nhận dạng được.

Các trinh sát tích cực đấu tranh khai thác, dò hỏi thông tin nhưng không ai biết nạn nhân này là người ở đâu đến. Không còn cách nào khác, anh Tú đưa ra phương án, dán hình bộ quần áo của nạn nhân lên những nơi vui chơi giải trí, khu đông dân cư, nhiều người qua lại cùng với đó là thông báo tung tích nạn nhân lên loa phát thanh của xã.

Tưởng như vụ án đã đi vào bế tắc thì đúng một tháng sau, có nguồn tin từ người dân cho biết, thấy bộ quần áo đó giống với một người trong lễ cưới cách đây không lâu. Người dân mang đến cho tổ chuyên án một tấm hình chụp trong đám cưới có mặt người đàn ông mặc bộ quần áo giống y như vậy. Hy vọng lại được thắp sáng lên, anh Tú cùng đồng đội nhanh chóng mở rộng điều tra, truy tìm tung tích về lai lịch người mặc bộ quần áo.

Kết quả ban đầu khẳng định, người mặc chiếc áo “vật chứng” ấy là Lân Hoàng Lưu sinh năm 1973, dân tộc Nùng quê Cao Bằng. Đồng nghiệp ở Cao Bằng cung cấp thông: Lân Hoàng Lưu ở Cao Bằng từng là đối tượng có tiến án tiền sự 5 năm tù về tội hành hung và đốt nhà bố mẹ đẻ. Sau khi gia đình chuyển vào Đắc Nông sinh sống, hắn cũng vào theo. Vẫn tính nào tật ấy, hắn vẫn thường xuyên quậy phá bố mẹ, thậm chí còn đánh đập cha mẹ đẻ của mình một cách tàn nhẫn.

Hôm ấy là đám cưới người em họ, hắn đi dự rồi về nhà nằm lăn ra ngủ trong tình trạng say sỉn không biết gì. Vì uất ức con trai đã lâu, ông Nông Văn Khìn (77 tuổi) là bố đẻ của Lưu đã ra tay sát hại con trai. Sau khi Lưu chết, ông ta lấy bao tải cột xác lại rồi buộc vào khúc cây to lôi ra bờ mương rậm rịt để đó với ý định, chờ vài hôm cho cỏ khô là đốt xác phi tang. Xác định được mâu thuẫn gia đình là nguyên nhân chính, hướng điều tra được khép dần lại nhằm vào gia đình ông Khìn.

Một chi tiết đắt giá mà anh Tú phát hiện ra là chiếc lạt buộc cọc vườn nhà ông Khìn thường xoắn trái trùng hợp với kiểu xoắn trái trên khúc cây buộc xác nạn nhân. Ông Khìn bị triệu tập lấy lời khai, qua những chứng cứ cùng lập luận chặt chẽ, logic của điều tra viên, cuối cùng ông già 70 tuổi cũng cúi đầu thừa nhận mình chính là hung thủ giết con trai.

Có bàn chân lặng lẽ…

Đồng đội của đại úy Trần Xuân Tú cho biết, nói về thâm niên thì anh Tú đứng đầu, nói về sự gan dạ, liều mình, anh Tú cũng có tên. 14 năm làm cảnh sát hình sự, biết bao những kỷ niệm vui buồn, biết bao những khó khăn, hiểm nguy sẵn sàng trực chờ bất cứ lúc nào nhưng dường như, đối với các anh, điều đó là lẽ đương nhiên và nhiệm vụ mới là chính.

Bảo anh kể về mình, anh cười bối rối: “Cái gì tôi cũng làm được nhưng bây giờ bảo kể ra thấy khó quá. Gặp tội phạm dù chúng có súng, chúng có vũ khí và biết trước là chúng manh động, liều lĩnh nhưng mình vẫn quyết tâm bắt bằng được, truy đuổi đến cùng. Lúc ấy, không ai còn nghĩ đến sự sống và chết mà chỉ nghĩ làm sao để bắt được tội phạm thôi”.

Tổ ấm của Đại úy Trần Xuân Tú chỉ cách cơ quan vài cây số nhưng có khi cả tuần, cả tháng anh không về ăn cơm với vợ con một bữa. Nếu không hiểu được nhiệm vụ của chồng, không cảm thông và chia sẻ thì người vợ khó có thể chấp nhận được công việc của anh.

Sau những ngày rong ruổi nhiều tỉnh, thành phố truy tìm tung tích đối tượng, có khi còn phải nhịn đói, mất ngủ để nhanh chóng tiếp cận đối tượng có vũ khí trong tay, sẵn sàng chống lại một khi bị phát hiện. Mặc dù nguy hiểm, gian khổ là thế, nhưng anh cùng đồng đội đã bắt gọn đối tượng Trịnh Minh Trung, được mệnh danh là Trung AK do trong người hắn luôn “thủ” sẵn súng.

Trung là đối tượng truy nã đặc biệt về tội giết người, cướp của xẩy ra tại thị xã Buôn Hồ. Trong quá trình lẩn trốn, Trung tiếp tục câu kết với các đối tượng khác dùng súng uy hiếp nạn nhân ngay trên đường tại địa phận huyện E Hleo cướp đi 82 triệu đồng.

Việc truy bắt Trung cùng đồng bọn là vô cùng gian nan bởi đây là đối tượng từng có tiền án tiền sự, kinh nghiệm lẩn trốn, hóa trang tinh vi. Chừng nào chưa bắt được Trung là chừng ấy các anh chưa yên. Những nỗ lực về cả thời gian lẫn tâm huyết để dồn lực vây bắt đối tượng. Trung bị bắt bất ngờ khi đang trên đường về nhà khiến hắn không kịp trở tay. Chỉ khi nào hắn chịu tra tay vào còng, giấc ngủ các anh mới tròn giấc.

Năm 2005, dọc quốc lộ 14 từ TP Buôn Ma Thuột đến địa phận huyện E Hleo xẩy ra nhiều vụ cướp tài sản khiến người dân hoang mang. Ban Giám đốc Công an chỉ đạo cho đội 2, Phòng PC45 Công an tỉnh thành lập chuyên án G705. Đại úy Trần Xuân Tú và đồng đội của anh được giao nhiệm vụ trinh sát triệt phá các đối tượng trong đường dây cướp giật liên tuyến này.

Sau nhiều ngày mai phục, các trinh sát đã nắm được quy luật hoạt động của chúng. Băng nhóm này chuyên dùng mã tấu để uy hiếp rồi cướp tài sản và xe máy của người đi đường. Sau nhiều ngày lần theo dấu vết, Tú cùng đồng đội đã bao phen phải lội ngược dòng, phải đấu trí để phán đoán đường đi nước bước băng cướp cùng đồng bọn.

Một số đối tượng đã sa lưới còn tên cầm đầu Nguyễn Văn Ba vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Theo dõi, phát hiện ra đối tượng cùng chiếc xe gắn máy nhưng khi tiếp cận thì trên xe lại là một phụ nữ. Các trinh sát soi thật kỹ biển số xe thấy trùng khớp. Quan sát kỹ hơn thì phát hiện người phụ nữ kia chính là đàn ông hóa trang. Đôi chân quá khổ của hắn cùng những đặc điểm khác thường về ngoại hình của một cô gái khiến các trinh sát nhận định chính xác đối tượng.

Xuất thân trong một gia đình nông dân, sự khó nhọc anh đều trải qua nên đời lính cảnh sát hình sự có những lúc phải vào vai, hóa trang thành vô vàn kiểu cách để thích nghi với hoàn cảnh của từng vụ án. Vụ án cưỡng đoạt tài sản ở xã Hòa Đông, Krông Park, anh đã phải hóa trang thành người đi hái cà phê. Anh chọn lô cà phê gần địa điểm đối tượng ở, xin ông chủ cho mình hái cà phê.

Bộ quần áo nhàu nhĩ, lấm lem đất đỏ cùng khuôn mặt khắc khổ, anh đã làm tốt vai trò của người hái cà phê và theo dõi nắm thông tin. Công việc sắp hoàn thành, anh nhận được tin bố qua đời. Trong đêm, mặc cho sự hoang vu của núi rừng, mặc cho những đợt gió trái mùa ào ạt như giông tố, anh băng mình về nhà chịu tang cha.

Không cần các anh nói nhưng ai cũng có thể biết và hiểu được nghề cánh trinh sát hình sự thì sự hy sinh và nguy hiểm luôn đứng hàng đầu. Đại úy Trần Xuân Tú chia sẻ: “Nếu không có tình yêu nghề, lòng nhiệt huyết với công việc thì khó mà bám trụ và hoàn thành nhiệm vụ được. Khó khăn, gian khổ là thế nhưng mỗi khi đi đánh án về, lòng cảm giác nhẹ nhõm, lại nhen lên niềm vui sướng và hạnh phúc”.

Qua mỗi đợt trấn áp tội phạm đầy sóng gió, anh trở về nhà, món quà cho vợ là tiếng thở dài nhẹ nhõm, là thân thể còn lành lạnh. Người bạn đời của anh hẳn cũng đang ủng hộ chồng. Nói về vợ, mắt anh chợt ánh lên niềm hạnh phúc: “Trước khi đến với nhau, vợ tôi đã có sự đồng cảm với công việc của tôi. Phải hiểu rõ về nhau từ trước mới có thể duy trì hạnh phúc lâu bền được”.

Những đêm phải thức trắng giữa rừng, nỗi nhớ gia đình, vợ và hai con trai ùa về, anh tự nhủ thầm với lòng mình rằng phải vững tâm công việc, sự bình yên của nhân  dân trong đó có gia đình mình

Ngọc Mai
.
.
.