Trinh sát “ngư phủ”

Thứ Hai, 12/01/2015, 13:16
Ngồi phía sau chiếc xe 67 của lính hình sự chạy một vòng đường phố Phan Rang, tôi hỏi anh dùng xe này đi bắt cướp hay sao? Anh cười, bảo rằng: “Đi bắt cướp thì dùng xe khác, nhưng cũng có khi dùng xe này hoặc chạy bộ. Nói chung là rất nhiều tình huống khác nhau”. Sị “đen” bắt đầu câu chuyện của mình bằng một nụ cười lạc quan như thế.

Tay không bắt đối tượng truy nã

Sinh ra tại làng chài thôn Ninh Chữ (thị trấn Khánh Hải – Ninh Hải – Ninh Thuận), gió biển không chỉ làm da anh đen rám mà còn tôi vào người anh chất sắt thép, can trường của một dòng dõi cả đời bám biển. Biệt danh Sị “đen” cũng từ vị mặn mòi của biển cả mà anh em trong đội đặt cho Trung úy Nguyễn Ngọc Sị (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - PC 45, Công an tỉnh Ninh Thuận)... Không ai nghĩ sau này chàng ngư phủ Nguyễn Ngọc Sị lại theo nghiệp hình sự. Sau những ngày tháng tuổi trẻ miệt mài theo tàu ra khơi bủa lưới, năm 2005, Sị từ giã biển vào lính nghĩa vụ Công an. Ba năm rèn giũa trong quân ngũ, năm 2008, Sị được đơn vị cử ra Hà Nội học Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang. Năm 2010, Sị ra trường về đầu quân tại Đội Truy bắt đối tượng truy nã Phòng PC45, Công an Ninh Thuận. Năm đầu tiên ra nghề, anh đã thể hiện bản lĩnh của một trinh sát hình sự nhanh như con sóc.

Ngày đó, Công an Ninh Thuận đang truy lùng ráo riết tên Cường “bận” về tội trộm cắp tài sản. Cường “bận” là đối tượng rất lưu manh, nghe đồn hắn đang bị nhiễm HIV nên sống bất cần đời. Cường “bận” tẩu thoát rất nhanh, hắn thoắt ẩn thoắt hiện trong đêm như một bóng ma khiến công tác theo dõi, mật phục khống chế bắt hắn rất khó khăn. Một buổi chiều tháng 6 gió hanh khô, nắng rát mặt, trinh sát Sị đang trên đường đi làm về chợt nhìn thấy gã đàn ông cao lênh khênh đang đi dặt dẹo trên đường đoạn gần ngã tư Cát Hải. Gã đeo khẩu trang y tế và đội mũ tai bèo lấp mặt. Nghi vấn đây là đối tượng nghiện ma túy, nhưng khi nhìn kỹ, trinh sát Sị phát hiện hắn có vóc dáng rất giống tên Cường “bận”, Trung úy Sị chạy xe chầm chậm để quan sát cẩn thận hơn. Đã từng tiếp xúc với Cường “bận” một lần, Trung úy Sị vẫn kịp lưu lại hình ảnh khắc khổ của hắn trong trí nhớ. Lần này, dù cho hắn ngụy trang như thế nào thì anh vẫn nhận ra. Không chút đắn đo, anh tấp xe vào lề đường, tên Cường “bận” giật mình bỏ chạy. Trung úy Sị bỏ xe đuổi theo hắn, vừa chạy anh vừa hô “đứng lại, đứng lại” để uy hiếp tinh thần và kêu gọi mọi người giúp đỡ. Cường “bận” chạy vào quán cà phê rồi luồn ra cổng sau tính tẩu thoát, nhưng Trung úy Sị đã bám sát chân. Cuộc rượt đuổi khoảng 200m thì Trung úy Sị tiếp cận được đối tượng. Vì trước đó có thông tin Cường “bận” bị nhiễm HIV nên hắn ra sức cào cấu về phía Trung úy Sị nhằm uy hiếm tinh thần. Sị “đen” không mảy may suy nghĩ, anh tung một cú đá về phía đối phương rồi nhào vào ôm vật hắn xuống đất. Hai bên vật lộn mấy vòng, cuối cùng trinh sát Sị cũng còng được tay hắn. Lúc này không còn nghĩ đến chiếc xe đang nằm lăn lóc ở đâu đó, Sị “đen” trực tiếp áp giải Cường “bận” bằng xe ôm về trụ sở.

Trung úy Nguyễn Ngọc Sị.

Bắt được đối tượng trốn nã nguy hiểm Cường “bận” đã giải tỏa được mối lo thường trực của các chiến sĩ Phòng PC45. Sau vụ bắt tội phạm như phim trên đường phố, ngoài việc được biểu dương tinh thần dũng cảm, nêu cao trách nhiệm của người chiến sĩ trinh sát, Trung úy Sị vẫn bị cấp trên khiển trách vì đã hành động một mình mà không báo cho đồng đội đến hỗ trợ, việc này là vô cùng nguy hiểm cho người truy bắt. Chẳng may tên Cường có hung khí chống trả lại thì hậu quả sẽ khó lường. Ngồi nhớ lại, Trung úy Sị cho biết: “Lúc đó tôi không có suy nghĩ gì ngoài việc phải bắt tên Cường. Nhưng đêm đó về tôi đã phải đi tắm nhiều lần vě pha bay vŕo ôm hắn, mặc dů kiểm tra tay chân không bị xây xước gì nhưng vẫn thấy ớn lạnh”.

Thầm lặng trên những cung đường

Năm 2011, Trung úy Sị được điều về Đội Phòng chống tội phạm theo tuyến địa bàn. Nhiệm vụ mới, người lính hình sự Nguyễn Ngọc Sị càng xông pha, lăn xả trên các tuyến địa bàn không kể ngày đêm. Tội phạm ở Ninh Thuận tuy không cấu thành băng đảng, hoạt động kiểu xã hội đen như các thành phố lớn khác, nhưng sự liều lĩnh và manh động thì không kém. Cộng với sự thiếu hiểu biết, ít văn hóa khiến tội phạm hình sự ở địa bàn Phan Rang – Tháp Chàm nông nổi gây án, đến khi bị bắt mới ra chiều ăn năn, hối cải.

Tháng 4 năm 2012, băng cướp gồm bảy tên do Minh “tàn” (SN 1986) cầm đầu gây ra vụ cướp xe máy của hai bé gái đang đi trên đường là một ví dụ. Không những cướp tài sản, chúng còn uy hiếp khiến một trong hai bé hoảng loạn tinh thần nghiêm trọng, phải điều trị lâu dài trong bệnh viện. Trung úy Nguyễn Ngọc Sị được giao điều tra phá vụ án này. Theo lời khai của nhân chứng và những thông tin qua nghiệp vụ điều tra, nhận định đây là nhóm cướp giật người bản địa, là những thanh niên lười lao động, muốn có tiền ăn chơi nên tổ chức đi cướp. Nhiều đêm liền, trinh sát Sị chạy xe máy trên đoạn đường thường xảy ra cướp, anh theo dõi từng chiếc xe, từng đối tượng có dấu hiệu khả nghi. Trong một đêm đi mật phục, thấy ba thanh niên phóng xe bạt mạng định ép người đi đường vào vỉa hè hòng cướp của. Trung úy Sị đuổi theo, anh rồ ga ép xe đối tượng rồi tung cú đạp dũng mãnh khống chế ba tên cướp. Tuy nhiên chúng ngoan cố không chịu khai nhận đã thực hiện vụ cướp xe của hai cô gái trẻ trước đó. Đưa nhân chứng ra nhận diện, thì hai cô đều không khẳng định chính xác những tên này có phải bọn cướp hay không? Trong đó có một tên do “có tật giật mình” đã thay đổi sắc mặt khi gặp nạn nhân. Xoáy vào lỗ hổng tâm lý, trinh sát quyết liệt đấu tranh buộc chúng phải cúi đầu nhận tội. Các tên còn lại lần lượt sa lưới chỉ trong vòng một tuần gây án.

Vụ mới nhất mà Trung úy Sị tham gia phá án thành công vào tháng 8 năm 2014 xảy ra tại xã Xuân Hải – Ninh Hải. Suốt thời gian dài, trên tuyến tỉnh lộ 705 đi qua xã Xuân Hải, nhiều tài xế xe tải đã bị nhóm giang hồ do tên Hùng “mót” cầm đầu chặn xe, ra yêu sách phải cống nộp lộ phí hằng tháng khi đi ngang qua lãnh địa của chúng quản lý. Tài xế nào không chịu chung chi, chúng sẽ cử đàn em ra đường chặn xe, ném đá và hăm dọa đủ thứ. Các chủ xe đã làm đơn cầu cứu đến cơ quan Cảnh sát điều tra. Trung úy Sị và một số anh em được lệnh theo dõi triệt phá băng nhóm giang hồ mới nổi này. Trong vòng hai tháng, anh cùng đồng đội đã dầm mình dưới cái nắng, cái bụi khốc liệt trên tuyến đường vận tải huyết mạch. Sau khi nắm chắc lịch hoạt động của băng nhóm, anh đóng giả là những lơ xe tải chạy tuyến. Các tài xế cứ đến điểm hẹn là nhảy xuống, nộp tiền cho Hùng “mót”. Bằng chút bản lĩnh giang hồ đầu gấu, hắn nghiễm nghiên đút túi số tiền không nhỏ của người lái xe. Để cất trọn mẻ lưới này, trinh sát Sị cùng anh em trong đội đóng vai là lơ, ăn mặc nhem nhuốc ngồi trên cabin xe tải. Đến đúng điểm hẹn, Hùng “mót” ngông nghênh chặn trước đầu xe, yêu cầu “làm luật”. Khi hắn vừa đưa tay cầm tiền, tổ trinh sát ập vào khống chế bắt tận tay. Nhóm giang hồ cưỡng đoạt tài sản lần lượt tra tay vào còng số 8, trả lại tuyến đường bình yên cho những vòng xe mưu sinh ở xứ sở xương rồng đầy nắng và gió.

Cả dòng họ chỉ mỗi anh làm Công an, nghĩ cũng “oách” nhưng thấy anh cứ lầm lũi đi sớm về khuya, có đêm còn chẳng về nhà đã khiến mẹ già và vợ con anh buồn lòng. Anh đã có gắng giải thích, cố gắng động viên để mẹ và vợ hãy hiểu về công việc anh đang làm. Nhưng hiểu được vài ngày rồi lại quên, bữa cơm nào cũng gọi anh về ăn, đêm nào cũng chờ cửa.

Ngọc Thiện
.
.
.