Trong vòng vây tử thần

Thứ Năm, 07/08/2014, 13:01

Trong biển lửa, họ đứng trên nóc bể chứa xăng ngầm dung tích 75m3, cầm lăng cứu hỏa xịt thẳng vào chiếc xe bồn đang bốc cháy ngùn ngụt, với nỗ lực duy nhất – dập tắt thảm họa. Họ biết rõ nếu để lửa bén vào bể chứa hay xe bồn, chỉ trong tích tắc quả “bom tấn” đó sẽ phát nổ và không ai trong số họ có thể trở về. Trong nguồn nhiệt hàng nghìn độ, rạng ngời lên chân dung những chàng trai tuổi đôi mươi quả cảm. Chúng tôi đã gặp lại những người lính cứu hỏa can trường ấy, sau một năm ngày xảy ra đám cháy kinh hoàng tại Cây xăng quân đội số 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội).

Quyết không rời trận sau 3 lần vào viện

Trung sĩ Hoàng Anh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những chi tiết đáng nhớ về vụ cháy cây xăng ở số 2B, Trần Hưng Đạo, Hà Nội: “Buổi trưa ngày 3/6/2013 tổng đài báo cháy nhận điện cấp báo. Còi báo động hú vang, gần 1000 cán bộ, chiến sỹ PCCC Hà Nội ùa ra các xe cứu hỏa lao hết tốc lực đến hiện trường. Vừa ngồi trên xe, em cùng đồng đội tức tốc mặc những bộ quần áo bảo hộ Amiang chống lửa vào người”.

Đến địa điểm cháy, Hoàng Anh cùng đồng đội vác lăng xịt nước phụt thẳng vào bồn xe, để làm mát, giảm nhiệt độ để không kích nổ “quả bom” này. Trong đám khói lửa mịt mù, Hoàng Anh đứng trên nóc bể ngầm, xịt nước thẳng vào xe bồn cách em chỉ vài bước chân. Tại họng tiếp xăng ở đáy xe bồn, lính cứu hỏa dùng một chiếc chăn chiên bịt tạm.

Do đứng gần chiếc xe bồn, xăng bắn lên mắt Hoàng Anh bỏng rát. Thấy em ôm mặt, đồng đội vội dìu em chạy vào Bệnh viện Quân đội 108 để sơ cứu. Sau khi rửa mắt, thấy đỡ rát Hoàng Anh rời giường bệnh chạy lại bên chiếc xe bồn “chia lửa” với anh em. Được một lúc, xăng lại bắn vào mắt, lửa rừng rực khiến em gục xuống, mọi người lại dìu em trở lại bệnh viện rửa mắt. Các y tá, bác sỹ khuyên Hoàng Anh nằm nghỉ, nhưng sốt ruột nên em lại chạy ra chiếc xe bồn.

Đúng lúc đó, xăng gặp hơi nóng, bùng cháy dữ dội trở lại. Lưỡi lửa trùm kín 9 chiến sỹ đang vây quanh chiếc xe, tất cả cùng gục xuống. Từ tuyến sau, Hoàng Anh vọt lên cõng một đồng đội chạy vào Bệnh viện 108, rồi quay lại cầm lăng dập lửa. Và rồi em đã gục ngã trong màn khói lửa ngùn ngụt ấy do bỏng hô hấp nặng. Vài ngày sau trên giường bệnh, Trung ương Đoàn đã đến bên em trao tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”. 

Ngọn đuốc sống

Trong đám cháy kinh hoàng ấy, hình ảnh một chiến sỹ trẻ mặc quân phục Cảnh sát đang bén lửa bùng bùng sau lưng đã gây chấn động dư luận. Bình luận về tấm ảnh đó, một facebooker đã viết: "Vì bức ảnh này mà chúng ta yêu quý Công an hơn". Hàng trăm lượt like cùng comment của các thành viên trên các trang mạng xã hội đều bày tỏ sự yêu quý và khâm phục các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, bất chấp sự nguy hiểm của bản thân.

Bức ảnh gây xúc động - Trung sỹ Nguyễn Quang Vinh trong đám cháy.

Tìm về nhân vật trong ảnh, chúng tôi gặp Trung sỹ Nguyễn Quang Vinh. Giống như Hoàng Anh, em còn rất trẻ, đang là “lính nghĩa vụ” tại Đội chữa cháy chuyên nghiệp - Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm.

Chiều ấy, sau tiếng kẻng báo động, Vinh cùng đồng đội lên xe lao tới hiện trường. Vì được phân công cầm lăng xịt nước làm mát cho các chiến sỹ tiếp cận trực tiếp nguồn nhiệt, nên em không mặc áo bảo hộ. Khi lửa cháy lan theo các rãnh thoát nước vây kín cây xăng, Vinh cầm bình bọt dập lửa chống cháy lan. Đang làm, chợt đám xăng dưới đám bọt bùng cháy trở lại, bén vào bộ quân phục cảnh sát em đang mặc và đôi cánh tay. Em kêu đau đớn vọt ra khỏi đám cháy trong khi trên người lửa vẫn rừng rực. Hình ảnh lan truyền đi đã gây xúc động lớn lao. Kết quả giám định sức khỏe em bị bỏng độ 3, tổn hại vĩnh viễn 10 % sức khỏe.

Vinh cho biết, từ lâu em đã yêu thích những người lính mũ đỏ, can trường đối mặt với thảm họa để cứu người, cứu tài sản như những hiệp sỹ bảo vệ nhân dân. Lòng yêu nghề đã khiến em và đồng đội chiến thắng nỗi sợ hãi để dũng cảm lao vào biển lửa.

Giây phút đối diện tử thần

Phạm Văn Phúc cười hiền lành, có phần ngượng ngập khi được hỏi về thời khắc ngọn lửa quái ác trùm lên em cùng đồng đội. Sau một năm, khuôn mặt từng bị bỏng tới 20% phải quấn bông băng kín mít, thời gian đã làm mất đi những vết sẹo bỏng loang lổ.

Các chiến sỹ Nguyễn Hoàng Anh; Nguyễn Quang Vinh; Phạm Văn Phúc bị thương trong nỗ lực dập tắt đám cháy.

Phúc kể: “Buổi trưa ngày 3/6/2013, khi bọn em đang nghỉ thì tiếng còi báo cháy rú khẩn cấp. Em cùng đồng đội leo lên xe cứu hỏa phóng hết tốc lực tới hiện trường. Lúc này ngọn lửa đã bốc cao ngùn ngụt và bắt đầu lan rộng ra các hàng quán xung quanh. Cột khói đen khổng lồ bốc cuồn cuộn lên trời. Sau gần 3 giờ cật lực, ngọn lửa tạm thời được dập tắt. Khi đó, chiếc xe đã cháy rụi ca bin và toàn bộ hệ thống lốp, hơi nóng tỏa ra hầm hập. Trong lúc em và 9 anh em đang mải mê múc xăng, thì hơi nóng xung quanh đã làm xăng bốc hỏa, bùng cháy ngùn ngụt. Lưỡi lửa trùm lên cả nhóm bén vào mặt, vào tay. Lúc đó, em chỉ kịp thấy nóng rát toàn bộ cơ thể nên lùi lại được vài bước thì ngã gục, không còn biết gì nữa”.

Dù mới chỉ về công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC số 1 chưa lâu (từ năm 2012) đến nay, tuổi đời tuổi nghề còn trẻ, nhưng Phúc đã cùng các đồng đội tham gia cứu chữa rất nhiều vụ cháy lớn như vụ cháy Zone 9; cháy 36 ngôi nhà gỗ ở đường Hồng Hà; cháy cửa hàng nội thất ở 114 Âu Cơ. Đặc biệt là vụ cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo. Vì thành tích này, Phúc nhận được bằng khen của UBND thành phố Hà Nội và Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” của Trung ương Đoàn. 

Chúng tôi cùng lặng đi trước câu chuyện của những người lính can trường. Điểm giống nhau giữa họ đều hiền lành trong đời thường, nhưng quyết liệt trong vòng vây “giặc lửa”. Nguyện vọng cháy bỏng của Vinh, của Phúc, của Hoàng Anh hay của bất cứ chiến sỹ nghĩa vụ nào, đó là được đứng trong đội ngũ Công an nhân dân khi các em đã hết thời gian nghĩa vụ, để được tiếp tục theo đuổi và cống hiến cho tình yêu nghề nghiệp của mình

Trung Hiếu - Ngọc Trâm (CSTC đặc biệt 2014)
.
.
.