Trung tá Nguyễn Khắc Hùng: Trọn đời với nghề quản giáo

Thứ Bảy, 12/04/2014, 08:29

Trong suốt quãng đời gắn bó với nghề, trung tá Nguyễn Khắc Hùng – Phân trại trưởng - Trạm Tạm giam Công an Hòa Bình không nhớ nổi đã tiếp xúc, trông coi biết bao nhiêu tử tù. Mỗi tử tù là một câu chuyện đời. Mỗi mảnh đời không ai giống ai. Là cán bộ quản giáo, không chỉ riêng tôi, các cán bộ khác cũng đều phải lắng nghe những suy nghĩ, nắm bắt được tư tưởng của họ để kịp thời khuyên giải, tránh để những phạm nhân bị kích động hoặc buồn bã mà dẫn tới những hành động tự làm tổn thương bản thân. 

Theo giới thiệu của Giám thị Trại tạm giam Công an Hòa Bình Trần Mạnh Hải, chúng tôi có dịp tiếp xúc Trung tá Nguyễn Khắc Hùng – Phân trại trưởng, một cán bộ quản giáo mẫn cán, luôn hết mình với công việc. Năm nay Trung tá Hùng đã bước qua tuổi ngũ tuần, anh có thâm niên 35 năm gắn bó với nghề quản giáo. Có lẽ vì vậy, anh có khả năng phán đoán tâm lý phạm nhân khá tài tình, để rồi có biện pháp giáo dục, quản lý thích hợp để phạm nhân yên tâm cải tạo. Anh luôn nhận về mình công việc nặng nhọc, khó khăn và tận tình chỉ bảo cho các chiến sỹ trẻ tiếp bước anh trong lĩnh vực đầy khó nhọc này.

Nguyễn Khắc Hùng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống ở vùng quê Thanh Oai (Hà Nội). Ngay từ khi còn nhỏ, qua lời cha kể, hình ảnh các chiến sỹ Công an tả xung hữu đột, không quản hiểm nguy, không run sợ kẻ ác, sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí, khiến anh sớm bộc lộ chất “trinh sát” của mình. Người thân của anh kể rằng, khi đưa ra tình huống là một vụ trộm cắp tài sản, Hùng đã đánh giá, nhận định khá sắc sảo và đưa ra cách giải quyết phù hợp. Năm 1979, khi mới 17 tuổi, Nguyễn Khắc Hùng được tuyển dụng và huấn luyện nghiệp vụ tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động thuộc Công an tỉnh Hà Sơn Bình (cũ). Đây là đội quân thiện chiến của lực lượng Công an khi đó. Những ngày đầu bước chân vào ngành, Hùng bỡ ngỡ, lo lắng bởi giáo án huấn luyện khá nặng, anh thường xuyên tập luyện trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Chân tay bị phồng rộp, toàn thân đau nhức. Đã có lúc vì chán nản, anh nghĩ tới việc phải bỏ dở ước mơ từ nhỏ của mình. Những ngày sau đó, được mọi người động viên, giúp đỡ, anh nỗ lực đứng dậy, quyết tâm rèn luyện để có bản lĩnh vực vàng, ý chí sắt đá. Chỉ có như vậy, anh mới có thể đối mặt với bọn tội phạm gian ác, xảo quyệt. Sau 1 năm rèn luyện tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Nguyễn Khắc Hùng dần trưởng thành, anh được lãnh đạo tin tưởng, phân công tham gia phá nhiều chuyên án lớn, bắt nhiều đối tượng giang hồ cộm cán. Nhận thấy chất “thép” trong Nguyễn Khắc Hùng, lãnh đạo Công an Hà Sơn Bình đã điều động anh về công tác tại trại tạm giam để “trị” những can phạm cứng đầu, cộm cán. Thế rồi, cái nghiệp “cai tù” gắn bó với anh từ đó đến nay.

Ngay từ những ngày đầu có mặt tại trại tạm giam, Nguyễn Khắc Hùng được giao trông coi những can phạm vốn là những đối tượng giang hồ có số má từng gieo rắc biết bao nỗ sợ hại cho xã hội. Trước khi công tác tại trại, mặc dù được cảnh báo về môi trường đầy khó khăn, gian khổ, anh cũng không nghĩ rằng thực tế lại khác xa những vì anh tưởng tượng. Với khả năng thích ứng nhanh nhạy với môi trường, với những kinh nghiệm được anh tích lũy thời gian huấn luyện tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động giúp anh có bản lĩnh vững vàng, kiên định. Anh sớm khẳng định được bản thân và trở thành cán bộ cốt cán, anh được lãnh đạo tin tưởng giao quản lý, giáo dục nhiều can phạm nhân có quá khứ lẫy lừng. Anh không nhớ mình đã trông coi biết bao đối tượng lĩnh án cao như chung thân, tử hình. “Dù bị kết án tử thì họ vẫn là con người, họ có cha, có mẹ, có trái tim biết rung động. Vì vậy, chúng tôi vẫn dành sự trân trọng, đối xử với họ như người bình thường để họ sống những ngày còn lại trong thanh thản. Nhiều đối tượng trước khi ra pháp trường họ không quên chào từ biệt, họ thấm thía lỗi lầm và cầu mong được xã hội, người đời tha thứ. Chứng kiến những thời khắc đó, tôi không khỏi xúc động và cầu mong những người khác có ý định phạm tội hiểu được suy nghĩ của họ để sống tốt đẹp hơn” – Trung tá Nguyễn Khắc Hùng chia sẻ. 

Trong suốt quãng đời gắn bó với nghề, trung tá Nguyễn Khắc Hùng – Phân trại trưởng - Trạm Tạm giam Công an Hòa Bình không nhớ nổi đã tiếp xúc, trông coi biết bao nhiêu tử tù. Mỗi tử tù là một câu chuyện đời. Mỗi mảnh đời không ai giống ai. Là cán bộ quản giáo, không chỉ riêng tôi, các cán bộ khác cũng đều phải lắng nghe những suy nghĩ, nắm bắt được tư tưởng của họ để kịp thời khuyên giải, tránh để những phạm nhân bị kích động hoặc buồn bã mà dẫn tới những hành động tự làm tổn thương bản thân.

Trong số tử tù anh trông coi có Dương Ngô Duy, SN 1973, ở thôn Đồng Gai, xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, trùm ma túy khét tiếng vùng kinh bắc một thời. Vốn là dân buôn ma túy chuyên nghiệp, Dương Ngộ Duy có đầy mánh khóe đối phó với lực lượng Công an. Trong quá trình vận chuyển “hàng trắng”, hắn luôn tỏ ra lưu manh, xảo quyệt, thường thuê người khác vận chuyển để tránh lộ tung tích. Chỉ trường hợp đặc biệt, số lượng “hàng trắng” lớn hắn mới trực tiếp vận chuyển để đảm bảo an toàn. Hắn thường xuyên trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả, thậm trí để đảm bảo bí mật cho đường dây, hắn sẵn sàng tự kết liễu bản thân để Công an không thể điều tra, mở rộng. Ngày 5-8-2008, hắn lấy xe Innova, trực tiếp lên xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu (Sơn La), bí mật gặp một người Mông địa phương để mua ma túy về tiêu thụ. Sẵn có tiền, hắn mua liền 120 bánh heroin, có trị giá hàng chục tỷ đồng. Sau khi mua bán trót lọt, hắn liền tức tốc trở về Lạng Sơn. Đến khu vực xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) thì bị lực lượng Công an bắt giữ với 120  bánh heroin tang vật. Với chừng ấy “hàng trắng”, hắn bị tòa kết án tử.

Ngày mới vào trại, Duy lầm lỳ, ít nói, không giao tiếp với bất kỳ ai, kể cả với những phạm nhân khác. Với bản tính mưu mô, xảo quyệt, hắn tuân thủ “3 không” là không biết, không nói, không viết. Hắn thà chết chứ không khai đồng đội. Với những tên tội phạm như vậy, Trung tá Nguyễn Khắc Hùng có đầy kinh nghiệm đối phó. Tâm lý chung của bọn tội phạm thường ngoan cố, chống đối đến cùng để che giấu hành vi phạm tội. Tuy nhiên, với những tên dù sắt đá đến mấy cũng có yếu điểm. Với Dương Ngô Duy hắn sống nặng tình, có trách nhiệm với gia đình. Đây chính là cơ hội để Trung tá Hùng có thể tiếp cận. Anh thường hỏi han hắn về gia đình, người thân. Có lần, đến ngày giỗ bố mẹ, không về được hắn buồn bã, chán nản không thiết ăn uống. Lần đầu tiên, Trung tá Hùng thấy hắn khóc, giọt nước mắt lăn dài trên gò má sạm đem. Tính bản thiện trong con người hắn thức tỉnh, dù muộn vẫn hơn không.

Hàng ngày, anh thường qua lại, trò chuyện, động viên để hắn yên tâm tư tưởng. Có lần, do cùm quá lâu, hắn bị tê cơ, đau khắp mình mẩy. Lúc đó là ban đêm, không chịu được, hắn la hét, gọi với cán bộ quản giáo. Ngay trong đêm, anh cùng các y bác sỹ của trại có mặt, tiêm thuốc giảm đau, anh tận tình chăm sóc, động viên, không lâu sau hắn khỏi bệnh. Anh động viên hắn không được bỏ bữa để giữ gìn sức khỏe. Vừa rồi, biết tin người con gái đầu đỗ đại học ở Hà Nội, Duy vui lắm. Gặp quản giáo hắn chuyện trò rôm rả, kể về con mà lòng tự hào, sung sướng. Người em trai của hắn làm nghề lái xe, 1 tháng đôi lần thăm gặp, hỏi han, động viên, thông báo tình hình, động viên để hắn yên tâm. “Điều khó nhất mà mỗi cán bộ quản giáo cần làm không phải trông coi thể xác của phạm nhân mà chính là nắm được phần hồn của họ, làm sao “chạm” được vào góc tâm hồn mà họ đang cố giấu, có như vậy mới là thành công” – Trung tá Hùng chia sẻ.

 Đối với tử tù Nguyễn Văn Tuấn, thường gọi là Tường, sinh năm 1989, trú tại Võng Phan, Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên từng gây tội ác tày trời. Để có tiền tiêu xài, hắn đã thuê lái xe ôm đến khu vực thôn Bôi Cả, xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình để sát hại, sau đó vùi xác người đàn ông xấu số xuống ruộng, che đậy hành vi phạm tội. Với một kẻ máu lạnh, biết trước kết cục, song khi Tòa tuyên án tử hình hắn chưa hết bàng hoàng, quỵ xuống. Ngày ngủ, đêm thức, thoắt vui rồi lại buồn, nếp ấy đến giờ vẫn chưa thay đổi. Cơ thể hắn suy sụp, bạc nhược một cách ghê gớm. Bằng giọng lơ lớ, hắn rền rĩ chì chiết: "Có mỗi cái mạng mình mà tòa không tha thì có tác dụng gì". Ðã có lúc, hắn định phó thác cho số phận nhưng rồi khát khao được sống lại thôi thúc. Nghe bạn tù khuyên "sống được ngày nào quý ngày ấy, biết đâu được giảm xuống chung thân, sẽ có ngày về", hắn cũng an lòng phần nào. Nếu không may, Tuấn cũng chỉ mong được ra đi thanh thản. Không chỉ một lần, hắn đề xuất được viết thư, gửi các cấp có thẩm quyền “xin chết”, bởi càng sống ngày nào, hắn phải chịu sự giày vò đeo đẳng, bám riết tâm can ngày đó. Hắn cho rằng, đằng nào cũng chết, cứ để cơ thể chết dần chết mòn. Thế rồi, hắn tiếp tục hành hạ cơ thể mình bằng cách nhịn ăn.

Nắm bắt được tâm lý của tử tù, Trung tá Nguyễn Khắc Hùng động viên, nói chuyện để hắn khuây khỏa, lấy lại cân bằng tâm lý. Anh bảo rằng, điều gì đến sẽ đến, còn sống ngày nào, cố gắng sống cho tốt để sám hối lỗi lầm gây ra. Những nỗ lực của trung tá Hùng có kết quả. Không lâu sau, hắn yêu cầu được ăn, cơ thể dần hồi phục, bệnh tình thuyên giảm, hắn trở nền gần gũi, cởi mở hơn với các phạm nhân khác, chấp hành tốt hơn các nội quy của trại. Những biểu hiện chống đối cũng giảm dần. Hắn ít la hét, to tiếng hơn. Trong cơn bĩ cực, giọng nói ú ớ, hắn nói lời cảm ơn cán bộ, cảm ơn nhà nước.

Mỗi cán bộ quản giáo như một giáo viên tâm lý. Công việc chính của họ không chỉ là trông coi phạm nhân mà còn phải cảm hóa, giáo dục tư tưởng. Với mỗi trường hợp cần có một “giáo án” riêng để phân giải nhằm tạo sự thân thiện, tin tưởng để họ hợp tác với cơ quan điều tra, yên tâm cải tạo để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với gia đình. “Đối với những phạm nhân bị tội tử hình vì tâm lý của họ rất bất ổn, sẵn sàng tự sát bất cứ lúc nào nếu không được trông coi cẩn thận”, Trung tá Hùng nói.

Sống trọn đời với nghề, Trung tá Nguyễn Khắc Hùng là cán bộ mẫu mực về đạo đức và lối sống, là tấm gương cho cán bộ trẻ noi theo học tập. Niềm vui của anh nhân đôi khi mới đây, người con gái bẻ bỏng đã tiếp nối anh trở thành nữ quản giáo tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình. Nói về người cha đáng kính, Thiếu úy Triệu Thị Kim Anh coi cha vừa là người thầy, vừa là đồng nghiệp thường nhắc nhở, động viên chị mỗi khi gặp khó khăn. Chị chưa khi nào thấy cha than vãn về nghề, hoặc có ý định chuyển môi trường công tác khác để an nhàn. Trong con người Trung tá Nguyễn Khắc Hùng luôn có niềm đam mê cháy bỏng, tâm huyết được giáo dục, quản lý những con người một thời lầm lỗi, đánh thức tỉnh tính bản thiện trong con người họ

Thu Hà
.
.
.