Trưởng Công an ở một trong những huyện nghèo nhất nước

Thứ Hai, 15/07/2019, 11:00
Người mà tôi nói tới đây chính là Thượng tá Lê Văn Trúc, Trưởng Công an huyện Đam Rông. Anh thực sự là người con của những làng gần, bản xa và là "trung tâm giải quyết" những vấn đề về an ninh trật tự tại địa phương.


Tình người ở Đam rông

Tôi được Thượng tá Lê Văn Trúc, Trưởng Công an huyện Đam Rông, một trong những nơi được Chính phủ công nhận là nghèo nhất cả nước, ưu ái dành cho một phòng "VIP" ngay tại dãy nhà của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện trú ngụ để làm việc (vì phần lớn cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Đam Rông đều có gia đình ở địa phương khác). Nghe nói, trước đây, phòng "VIP" khoảng 15m2 này được dành riêng cho một cán bộ thuộc diện Thường vụ Huyện ủy ở nên có phần, tiện nghi hơn những phòng khác.

Thượng tá Lê Văn Trúc, Trưởng Công an huyện Đam Rông.

Phòng "VIP" có nhà tắm riêng, có bình nước nóng nhưng không biết đã "từ chối phục vụ" từ khi nào. Bật cầu dao điện chờ nước nóng đến gần một tiếng đồng hồ mà khi mở vòi ra tắm nước vẫn... mát lạnh. Cũng may, nước sạch tuy rất yếu nhưng cơ bản vẫn còn sử dụng được. Những màng bụi bám lại cho thấy đã nhiều tháng qua, phòng khách "VIP" của Công an huyện nghèo chưa đón ai lưu lại qua đêm.

Kể ra như thế để thấy được cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ Công an cũng như người dân huyện Đam Rông vẫn còn nhiều vất vả, gian lao, nhưng quan trọng hơn cả là họ sống bằng tình nghĩa trọn vẹn, đối xử với nhau bằng sự chân chất thật thà, không hình thức, bề ngoài. Đó là điều rất đáng quý mà tôi lấy làm trân trọng!

Tôi đã được một cán bộ Đội CSGT Công an huyện Đam Rông kể rằng, Tết năm đầu tiên anh trực tại cơ quan, người dân bản địa đã đem đến cho anh những điều bất ngờ không tưởng và cũng không kém phần thú vị.

"Biết chúng tôi phải đón Tết xa nhà, bà con đi từng đoàn kéo tới Công an huyện thăm hỏi, chúc Tết. Thoạt trông thấy đoàn người, cán bộ, chiến sĩ trực nhiệm vụ phát hoảng vì sợ xảy ra sự cố, diễn biến bất thường về an ninh trật tự.. Nhưng khi bà con kéo tới gần, ai nấy cười tươi, tay xách, nách mang đồ Tết thì mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Vậy là Tết bà con có gì thì cũng dành một phần gói gém đem cho anh em trực Tết chúng tôi. Phần lớn họ là người dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nghèo khó lắm. Cảm động hết sức..", một cán bộ Đội CSGT Công an huyện Đam Rông kể.

Tranh thủ ngày cuối tuần, Thượng tá Lê Văn Trúc đi thăm hỏi nạn nhân của tội phạm mua bán người vừa được giải cứu.

Còn chuyện chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông thì có nghe cán bộ CSGT này kể cả ngày cũng không hết chuyện, nhất vào những năm đầu tiên thực hiện quy định người ngồi trên xe mô tô, gắn máy, bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Nơi đất nghèo Đam Rông, con người ta đối đãi với nhau bằng sự tử tế, như lời già làng Sèo A Dính mà tôi đã từng gặp trên đường vào rừng sâu: "Đồng bào mình không biết nói dối! Đã quý là mình yêu trọn đời...".

Ở huyện nghèo, với bà con người dân tộc thiểu số, chiếc xe máy là tài sản quý giá nhất của mỗi gia đình. Thường những trường hợp vi pham giao thông lần đầu, lỗi nhẹ, các cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ chỉ yêu cầu dừng xe, tuyên truyền cho bà con và không quên nhắc nhở nếu tái phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền mặt, tạm giữ xe một thời gian...

Bây giờ, đến Đam Rông, dù là ở vùng sâu, vùng xa, hay trung tâm huyện, tôi không thấy một người nào không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

"Cái tâm" của vị Trưởng Công an huyện

Người mà tôi nói tới đây chính là Thượng tá Lê Văn Trúc, Trưởng Công an huyện Đam Rông. Anh thực sự là người con của những làng gần, bản xa và là "trung tâm giải quyết" những vấn đề về an ninh trật tự tại địa phương.

Đây là huyện có tới 90% người dân tộc thiểu số, trong đó có bà con di cư tự do đến từ các tỉnh biên giới phía Bắc, công tác quản lý, giữ gìn an ninh trật tự không phải là chuyện dễ dàng, nhất là khi bà con nhiều nơi vẫn sống trong tình trạng không có sổ hộ khẩu, cách biệt trong rừng sâu, lại ở vùng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk.

Cán bộ Đội CSHS Công an huyện Đam Rông rà soát hồ sơ vụ án.

Tôi quen anh Trúc trong một chuyến công tác từ thiện giữa Báo Công an nhân dân và Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp trao quà Tết cho bà con nghèo huyện Đam Rông năm Đinh Dậu 2017. Khi đó, anh Trúc đang là Phó Trưởng Công an huyện. Bẵng đi một thời gian dài "bặt tin nhau", một ngày anh Trúc chủ động liên lạc với tôi, hỏi han sức khỏe, công việc và ngỏ lời mời tôi xuống Đam Rông thăm công an huyện một chuyến..

Tôi đã được nghe cấp dưới nói nhiều về anh, đó là một con người sống tình cảm, bình dị, sôi nổi, nhiệt tình, có trách nhiệm cao đối với công việc. Có nhiều vấn đề phức tạp, như vụ bà con kéo vào rừng đòi lập buôn với cớ "về làng cũ", anh em cấp dưới còn lúng túng trong cách tìm hướng xử lý, thế mà khi Trưởng công an huyện tới nói với bà con, khoảng 30 phút sau ai cũng cười tươi, hôm sau, tất cả đã dọn dẹp đồ đạc rời khỏi rừng để về nhà.

Theo anh Trúc, muốn an dân phải có bản lĩnh và nghiệp vụ vững vàng, nhưng trước hết là việc am hiểu phong tục, tập quán của từng dân tộc, cộng đồng người, thậm chí là tâm lý của từng người có chức sắc, uy tín trong cộng đồng, dân tộc đó.

"Sống thật, sống gần gũi, hòa đồng và trách nhiệm với bà con là những tiêu chí không thể thiếu đối với người cán bộ Công an làm nhiệm vụ ở Đam Rông. Tài ăn nói là một lợi thế, nhưng nói không đi đôi với làm, không nói thật, làm thật thì dù có nói hay đến mấy bà con cũng chẳng ai tin và làm theo lời mình đâu.. Thậm chí, bà con còn có ác cảm với những người nói mà không làm, hoặc nói một đường nhưng lại làm một nẻo.. Một lần bất tín, vạn lần bất tin mà..", Thượng tá Lê Văn Trúc chia sẻ.

Trước khi được bổ nhiệm Trưởng công an huyện năm 2018, Thượng tá Lê Văn Trúc đã có gần 20 năm "ba cùng" với bà con dân tộc thiểu số, trong đó có đoàn dân di cư tự do, phần lớn đến từ các tỉnh phía Bắc, vận động bà con ổn định nơi ăn, chốn ở để an cư, lạc nghiệp, không kéo về "làng cũ", không phá rừng hoặc nghe theo lời xúi giục, kích động của kẻ xấu nhằm gây bất ổn tình hình chính trị, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.  

Ở Đam Rông, một thời tình trạng bà con kéo về "làng cũ" rất phức tạp. Nhiều biện pháp đã được các cơ quan chức năng áp dụng nhằm vận động bà con trở về địa phương sinh sống nhưng bất thành. Cái lý mà bà con đưa ra là tổ tiên đã sống trong rừng già, bây giờ phải về giữ đất cũ mà cha ông để lại.

Lợi dụng vào đó, kẻ xấu tại địa phương kết hợp với những tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài lu loa, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, có nguy cơ gây phương hại tới lợi ích chung của nhân dân, ảnh hướng xấu tới an ninh trật tự tại địa phương. 

Thượng tá Lê Văn Trúc đã báo cáo sự việc lên cấp trên, nhiều biện pháp an dân đã được anh triển khai. Cùng với sự mềm dẻo vận động, thuyết phục, phân tích cho bà con đúng sai, Thượng tá Lê Văn Trúc cũng xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, kiên quyết xử lý những đối tượng cố tình chống đối, vi phạm pháp luật, kích động bà con đi ngược lại với chủ trương, lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc mình.

Chỉ trong vài ngày kiên quyết xử lý, toàn bộ tài sản, vật dụng mà bà con tự phát đưa vào rừng lập buôn đã được Công an huyện Đam Rông chuyển về làng, giao cho từng gia đình. Ông K'Tuất, một người từng đưa cả nhà vào "làng cũ" cho biết: "Ban đầu mình thấy nhiều người đòi về làng cũ chiếm đất mình cũng đưa vợ con đi theo. Khi cán bộ Trúc tới nói chuyện, cái bụng mình đã sáng ra. Thấy cán bộ nói phải, vậy là mình đưa vợ con trở về ngay... ".

Ngày cuối tuần, tôi rời Đam Rông trở về Đà Lạt, còn Thượng tá Lê Văn Trúc lại vội vã lên đường vào buôn thăm hỏi một nạn nhân của tội phạm buôn bán người vừa được giải cứu... Với anh, về với buôn làng không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm của một người đã nặng tình với mảnh đất nghèo khó này.

Khắc Lịch
.
.
.