Trung tướng Nguyễn Văn Vượng, Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc:

Trưởng thành từ trong gian khó

Chủ Nhật, 03/08/2014, 07:01

“Tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến những người đồng đội, đồng chí trong các đơn vị quân đội trước đây cũng như các đơn vị của lực lượng Công an sau này đã tiếp sức cho tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong những lúc gian khổ và ác liệt nhất trên các chiến trường. Quân đội nhân dân Việt Nam chính là nơi khởi đầu của cuộc đời tôi, nơi tôi thử thách, rèn luyện, học tập và công tác. Lực lượng CAND là nơi tôi tiếp tục rèn luyện cống hiến và trưởng thành. Cảm ơn Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, những môi trường đã rèn luyện và hun đúc cho tôi ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, một ý chí kiên định biết vượt qua mọi khó khăn gian khổ để đi lên...”

Những dòng cảm tưởng đó Trung tướng Nguyễn Văn Vượng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã xúc động nói trong lễ đón nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc vào những ngày tháng 5 lịch sử.

Dấu ấn thời trai trẻ

Ông kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, thuần nông ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Khi đất nước chìm trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Tổ quốc, tiếp nối truyền thống cách mạng của cha anh, từ một học sinh phổ thông, mới 17 tuổi, tôi đã tình nguyện gia nhập quân đội lên đường tòng quân, chiến đấu”. Từng trải qua nhiều môi trường công tác, đặc biệt là được rèn luyện trong môi trường Quân đội, tham gia chiến đấu ở mặt trận Thượng Lào, Thành cổ Quảng Trị và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nỗ lực phấn đấu, người lính trẻ ấy đã trở thành tấm gương tiêu biểu, được kết nạp Đảng năm 1974 tại mặt trận Quảng Trị. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, đồng chí Nguyễn Văn Vượng được chuyển sang học tập và công tác trong lực lượng Công an nhân dân. Trong những năm giữ các cương vị lãnh đạo chỉ huy, từ người lính trong lực lượng Cảnh sát bảo vệ, ông phấn đấu và trở thành Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, đến nay là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động với nhiều Trung đoàn hùng mạnh. Dù ở vị trí nào, dù trong hoàn cảnh nào ông cũng luôn sâu sát cơ sở, gần gũi người lính, luôn giữ vững mối quan hệ đoàn kết gắn bó và phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể. Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp lúc ông là Cục trưởng đã có 9 năm liền được Chính phủ tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bây giờ ông là Tư lệnh Cảnh sát cơ động, một đơn vị tuổi đời còn ít ỏi nhưng đã trưởng thành vượt bậc, đã ra quân là chiến thắng, là lực lượng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Những chiến công và thành tích của đơn vị này đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, tặng nhiều phần thưởng cao quý. Tất cả những thành công đó, là một phần đóng góp quan trọng của người đứng đầu, Trung tướng Nguyễn Văn Vượng đã trở thành người chỉ huy xuất sắc.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho Trung tướng Nguyễn Văn Vượng, Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

Đã có lần ngồi trò chuyện cùng chúng tôi trong một dịp cuối năm, khi phố phường Hà Nội nô nức người đi sắm Tết, chuẩn bị đoàn tụ gia đình vào dịp Tết đến Xuân về. Ông đã nghẹn lời khi nói về những người lính. Họ thường xuyên phải túc trực chiến đấu vào những thời khắc thiêng liêng của năm mới. Họ phải nén lại tình cảm riêng tư lúc xa gia đình, xa người thân và đang có mặt ở mọi miền Tổ quốc, khi đất trời sang Xuân để giữ gìn bình yên đất nước, để mọi người mọi nhà được sống bình yên. Những bữa cơm đầu xuân, gia đình của họ là tình đồng chí đồng đội, cùng chia sẻ mọi nỗi buồn vui... Cứ nghĩ đến họ là lòng ông lại chộn rộn. Hơn ai hết, ông hiểu những người lính ấy vì ông cũng đã trải qua. Nay dù đã hơn 40 năm công tác trong lực lượng Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát cơ động cũng chưa có một giao thừa nào ông đón Tết cùng gia đình vợ con. Ông đến từng doanh trại đón Tết cùng chiến sĩ, cùng họ đốt lửa trại đêm giao thừa... Bởi ông từng đi lên từ người lính, và thấu hiểu về họ.

Vị tướng của lực lượng vũ trang hùng mạnh

Trở thành người lính từ năm 17 tuổi, bây giờ đã là một vị tướng đứng đầu lực lượng Cảnh sát cơ động hùng mạnh, cảm giác ấy không mấy người có được. Trung tướng Vượng bảo, trở thành người lính là niềm mơ ước của ông. Được gắn bó cống hiến trong lực lượng Cảnh sát cơ động, một lực lượng lớn mạnh như ngày hôm nay, lực lượng đã trải qua 40 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành. Truyền thống tốt đẹp đó khẳng định phẩm chất, bản lĩnh, ý chí của lực lượng đặc biệt quan trọng này. Với nhiệm vụ thống nhất, quản lý lực lượng CSCĐ, CSĐN từ Trung ương đến địa phương, tuần tra giữ gìn ANTT, cơ động chiến đấu, trấn áp kịp thời các vụ gây rối, biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, chống khủng bố, không tặc bắt cóc con tin... tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão lũ, hỏa hoạn. Còn nhớ, dấu ấn Mường Nhé khi Trung tướng Vượng có mặt nơi đây. Trước tình hình ANTT trên địa bàn huyện Mường Nhé (Điện Biên năm 2011) có nhiều phức tạp, vị Tư lệnh của lực lượng CSCĐ đã chỉ đạo đơn vị một mặt triển khai công tác bảo vệ Hội nghị thường niên Ngân hàng Châu Á lần thứ 44, vừa chuẩn bị sẵn sàng tăng cường tham gia giải quyết tình hình ANTT tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, Mường Nhé (Điện Biên) khi có lệnh của lãnh đạo Bộ Công an. Diễn biến tình hình ngày càng phức tạp khi đồng bào Mông nghe theo lời kẻ xấu, đã ở các nơi tiếp tục kéo về bản Huổi Khon tập trung ngày càng tăng lên. Vào thời điểm khó khăn ấy, Trung tướng Vượng đã có mặt tại Điện Biên trực tiếp chỉ đạo lực lượng CSCĐ, CSĐN triển khai các phương án tác chiến, trinh sát nắm vững về địa bàn cũng như tình hình, lực lượng của các đối tượng xấu, chủ động xây dựng các phương án chiến đấu, giữ gìn ANTT. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng CSCĐ, CSĐN bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Đoàn công tác làm công tác vận động quần chúng. Và chỉ đạo đội hình tác chiến ở địa bàn rừng núi, bắt giữ các đối tượng xấu đã lôi kéo bà con, thu hồi vũ khí và nhiều tài liệu  liên quan đến hoạt động của chúng.

Có thể nói, đây là lực lượng gian khổ nhất, thường xuyên phải sống xa gia đình vợ con và ăn ở sinh hoạt tại đơn vị lực lượng vũ trang chiến đấu... Ông đã cùng đồng cam cộng khổ với những người lính ấy. Ông đau đớn khi mỗi người lính Cảnh sát cơ động hy sinh vì dân vì nước. Khi tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của người lính CSCĐ càng nặng nề. Đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động đã hy sinh hoặc bị thương khi làm nhiệm vụ. “Đối với tôi, mỗi cán bộ, chiến sĩ CSCĐ hy sinh và bị thương đã để lại nhiều trăn trở”, Trung tướng Vượng bộc bạch.

Còn nhớ, khi biết tin Trung úy Đỗ Mạnh Linh, Đại đội phó Đại đội CSCĐ Công an tỉnh Hòa Bình đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, ông đã khóc. Trung úy Linh đã dũng cảm ngăn chặn đối tượng buôn bán ma túy trong một vụ án ma túy lớn tại địa bàn xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Ông vội vã đến thăm hỏi động viên gia đình người lính ấy. Nhìn tấm hình trẻ măng bên làn khói hương nghi ngút, thắp nén nhang mà tay ông run run xúc động tiếc thương như chính đứa con của mình. Cảm phục lòng dũng cảm của người lính, bởi từ nhỏ anh đã ước mơ trở thành chiến sĩ Công an theo truyền thống gia đình. Nay anh hy sinh để lại con thơ và người vợ trẻ, để lại lòng tiếc thương vô hạn trong lòng người dân xóm núi... Mỗi khi tâm sự với những người lính trẻ, ông luôn truyền cho họ lòng nhiệt huyết cách mạng, vững vàng vượt qua mọi khó khăn thử thách, bền bỉ và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Giáo dục lòng trung thành với Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng, giáo dục tinh thần yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, kiên quyết đấu tranh với những hành vi làm tổn hại đến lợi ích của đất nước, của nhân dân... Như ông đã từng gắn bó và cống hiến suốt đời.

Kim Quý
.
.
.