Từ biệt vợ sau lễ cưới bốn ngày để lên đường ra Trường Sa

Thứ Ba, 10/06/2014, 14:42

Chuyện tình yêu của họ chẳng khác nào Ngưu Lang - Chức Nữ. Ngưu Lang - Chức Nữ còn gặp nhau mỗi năm một lần vào mùa ngâu, còn họ - đôi bạn trẻ ấy có khi tới 3 năm mới có cơ hội được gần nhau trong thời gian ngắn ngủi. Bởi anh là người lính Trường Sa.

Sau bảy năm yêu nhau trong chờ đợi họ đã quyết định xây dựng hạnh phúc dài lâu. Cái kết đẹp cho 7 năm yêu nhau của anh chị là một đám cưới viên mãn. Thế nhưng cưới nhau vừa tròn 4 ngày, đôi tân nương tân lang trẻ đã phải chia tay nhau để Trung úy Nguyễn Quang (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) lên đường ra Trường Sa bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc. Tình yêu đôi lứa của họ mặn nồng và mãnh liệt nhưng vượt lên trên tất cả là tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.

Yêu trong xa cách

Chúng tôi tìm đến nhà của Trung úy Nguyễn Quang trong buổi xế chiều. Trong ngôi nhà nhỏ vẫn còn nguyên dấu tích của một đám cưới vừa mới diễn ra. Những chữ hỉ được dán xung quanh nhà cùng đóa hoa được kết hình trái tim. Thế nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu, Trung úy Nguyễn Quang đã phải lên đường làm ra Trường Sa làm nhiệm vụ.

Có gặp chị Nguyễn Huyền Thương - người vợ trẻ của Trung úy Nguyễn Quang, nghe chị kể về chuyện tình của anh chị trong suốt 7 năm qua mới thấy ngưỡng mộ biết chừng nào. Quả thực những người phụ nữ như chị, khi yêu và quyết định xây dựng hạnh phúc gia đình với người lính Trường Sa là một sự dũng cảm và hy sinh vô cùng to lớn. Yêu nhau bảy năm nhưng thời gian hai người được ở gần nhau quả là ít ỏi. Anh Quang công tác nơi hải đảo xa xôi, có khi một năm, thậm chí là ba năm anh mới lại được về thăm nhà một lần. Thế nên mỗi lần được ở gần nhau họ cảm thấy vô cùng quý giá. Khoe chúng tôi cây hoa làm bằng vỏ ốc do chính tay anh Quang kết tặng, chị tâm sự: "Vì yêu nhau trong xa cách nên chúng tôi trân trọng từng giây phút khi ở bên nhau. Những món quà anh tặng tôi đều do chính tay anh tự làm. Thời còn đi học thì anh gấp tặng tôi hoa giấy, đến khi làm người lính đảo thì anh tặng tôi những vỏ ốc biển xinh xắn, đáng yêu. Dù những món quà ấy nó chả có chút ý nghĩa nào về vật chất, nhưng với tôi nó là vô giá".

Cơ duyên khiến họ gặp nhau rất vô tình. Một lần anh đến cơ quan chị để thăm một người bạn nên hai người đã gặp nhau. Ngay từ lần đầu gặp anh chị Thương như bị tiếng sét ái tình đánh trúng. "Nhìn vẻ ngoài thư sinh và hiền lành của anh ấy làm tôi ấn tượng lắm. Còn cả cách quan tâm, nói năng, cư xử của anh ấy với bạn bè cũng khiến tôi có thiện cảm ngay từ lần đầu gặp mặt" - chị Thương chia sẻ. Lúc quen nhau, anh Quang đang là sinh viên năm thứ 2 Trường Sĩ quan lục quân 1. Rồi tình yêu đến với họ lúc nào không hay.

Nhìn chữ hỉ dán trên tường ông Tuyên không khỏi xót xa thương hai con trẻ.

Mang tiếng là bảy năm yêu nhau nhưng thời gian họ được ở cạnh nhau vô cùng hiếm hoi. Bởi sinh viên của Trường Sĩ quan lục quân không giống như nhiều trường khác là được tự do ra ngoài. Anh Quang phải rèn luyện trong môi trường quân đội nghiêm khắc. Thế nên không phải lúc nào hai người cũng có thể gặp nhau. "Nhiều lúc tôi cũng thấy chạnh lòng lắm khi cuối tuần hay vào các dịp nghỉ lễ nhìn những đôi tình nhân dập dìu bên nhau. Cứ nghĩ đến hoàn cảnh của mình tôi lại trào nước mắt. Nhưng qua những giây phút yếu lòng ấy tôi lại phải động viên mình rằng, anh ấy yêu mình và cũng muốn mình được hạnh phúc. Thế nhưng đó là công việc, anh ấy nào muốn thế". Nghĩ như vậy, chị Thương lại thấy lòng thanh thản và yêu người yêu mình nhiều hơn. Sự xa cách có khi hàng tháng, hàng năm cũng không làm tình yêu chị dành cho anh vơi đi. Ngược lại, nó cứ đầy lên và chín hơn theo năm tháng.

Bốn ngày hạnh phúc

Sau thời gian dài yêu nhau, ngày 18/5 vừa qua, hai người đã quyết định tổ chức đám cưới trong sự chúc phúc của họ hàng hai bên gia đình và bà con lối xóm. Chị Thương kể, biết mình không ở nhà được với vợ nhiều nên anh Quang luôn cố gắng bù đắp và thể hiện sự quan tâm, yêu thương nhiều nhất tới người vợ trẻ. Anh dẫn vợ đi chơi, hỏi thăm bà con lối xóm rồi tìm cách làm công tác tư tưởng cho vợ để chị Thương đỡ sốc khi phải chia tay chồng chỉ sau 4 ngày mặn nồng ân ái.

"Là vợ của anh ấy nên tôi biết, dù là đang rất hạnh phúc nhưng cứ mỗi lần nhìn chồng xem tivi về tình hình biển đảo là anh ấy lại tỏ ra bồn chồn, lo lắng. Nhìn cảnh Trung Quốc ngang ngược đâm tàu cá Việt Nam, phun vòi rồng vào cảnh sát biển anh ấy căm phẫn lắm. Thấy anh đứng ngồi không yên tôi thương lắm nên cũng động viên lại anh ấy là tôi không sao, anh ấy cứ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ" - chị Thương kể lại.

Cuối cùng, sau lễ cưới bốn ngày, anh Quang đành gác lại hạnh phúc của riêng mình để lên đường làm nhiệm vụ. Ngồi cạnh người con dâu trẻ, ông Nguyễn Tuyên bùi ngùi tâm sự: "Nghĩ đến tình cảnh của hai con mà tôi thấy thương quá. Chúng nó còn quá trẻ, lại vừa cưới nhau xong còn chưa kịp quen hơi bén tiếng thì chồng nó đã phải ra Trường Sa rồi. Nhìn cảnh con dâu vào ra thơ thẩn vợ chồng tôi cũng xót xa lắm nhưng biết làm sao được. Đất nước cần thì mình phải đi thôi. Tôi cũng từng là bộ đội chiến trường nên tôi hiểu, trong lúc đất nước lâm nguy thì chả thứ gì quan trọng bằng tình yêu đất nước thiêng liêng. Trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc thời điểm này, tôi nghĩ đã là người dân Việt Nam thì ai cũng búc xúc và đều sẵn sàng chiến đấu nếu Tổ quốc lâm nguy".

Đã từng là người lính nên ông Tuyên hiểu khi đất nước lâm nguy thì chả thứ gì quan trọng hơn tình yêu đất nước.

Ngày chia tay người vợ trẻ để lên đường làm nhiệm vụ, anh Quang đã nói chị Thương rằng: "Anh biết em yêu anh và quyết định lấy anh là nhận về mình rất nhiều sự thiệt thòi. Anh thương em mà chẳng có cách gì làm em bớt khổ. Thôi em ở nhà cố gắng giữ gìn sức khỏe. Em khỏe và sống vui vẻ đấy chính là mòn quà lớn nhất mà em dành cho anh. Hãy giúp anh quán xuyến việc nhà và chăm sóc bố mẹ".

Để anh yên lòng ra đi, chị Thương đành nén lại những buồn đau, sầu tủi của riêng mình và tỏ ra thật mạnh mẽ. Chị tâm sự: "Yêu nhau ai chả muốn được gần nhau, quan tâm chăm sóc cho nhau. Thực lòng mình cũng đã có lần ngỏ ý nói với anh ấy xin về đất liền công tác để còn tiện cho việc chăm sóc con cái sau này nhưng anh ấy không nghe. Anh ấy nói với mình rằng, nếu ai cũng về đất liền, cũng chỉ nghĩ tới hạnh phúc của riêng mình thì còn ai mà bảo vệ Tổ quốc. Thấy anh ấy quyết tâm thế nên mình không bao giờ nói lại chuyện đó thêm một lần nào nữa".

Những ngày ra đảo, dù công việc rất bận rộn nhưng anh Quang vẫn dành thời gian để viết thư cho vợ, gọi điện hỏi thăm bố mẹ và người thân. Với anh Quang, chả hạnh phúc nào sánh bằng cái hạnh phúc khi biết mình có một hậu phương vững chắc.

Có con là lính Trường Sa, ông Nguyễn Tuyên không giấu được niềm tự hào: "Tôi luôn động viên Quang là tuổi trẻ thì phải cống hiến và hy sinh. Ngay từ hồi nhỏ khi nhìn trên tivi thấy cảnh các chú bộ đội canh giữ Trường Sa nó đã nói với tôi sau này lớn lên con cũng muốn giống các chú. Không ngờ nó làm thật. Hồi nó đăng ký thi vào Trường Sĩ quan lục quân tôi đã biết được dự định của nó rồi".

Ngồi cạnh chồng mình, bà Đắc Thị Thường - mẹ của Trung úy Quang chia sẻ: "Tôi thương hai con lắm. Vừa mới cưới mà đã phải xa nhau. Mà xa nhau lâu dài chứ chả phải ngày một ngày hai gì. Tôi cũng động viên con dâu luôn, tôi bảo với nó là con xác định lấy con trai mẹ, lấy người lính ở Trường Sa là con phải chấp nhận sự xa cách rồi. Cũng may là cháu nó cũng xác định tâm lý từ trước nên dù buồn nhưng cũng không quá sốc". Bà Thường cũng cho biết: "Có những lúc 7 ngày liên lạc với con không được gia đình tôi cứ đứng ngồi không yên. Mãi đến 12 giờ đêm ngày thứ tám nó mới gọi điện về và nói vì bão to quá nên không sao nghe được điện thoại. Lúc đó tôi mới thở phào".

Sau bốn ngày hạnh phúc, chị Thương cũng trở lại Hà Nội để tiếp tục công việc kế toán cho một công ty. Chị pha trò: "Giờ tôi lại như gái tân, chả vướng bận gì. Muốn làm một người vợ đảm, nấu cho chồng một bữa cơm ngon, giặt cho chồng bộ quần áo cũng khó. Có lẽ chả mấy ai lấy chồng mà lại rảnh như tôi đâu".

Nghe những lời hài hước của chị Thương mà tôi thấy sống mũi mình cay cay. Tôi biết, chị Thương đang hài hước hóa sự tủi thân tột cùng của mình. Chả ai muốn lấy chồng rồi mà vẫn chăn đơn gối chiếc. Ai cũng muốn được ăn một bữa ăn ngon bên chồng, cùng nhau trò chuyện, chia sẻ, gánh vác công việc. Thế nhưng vì tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, chị Thương đã phải gạt bỏ hạnh phúc riêng tư để chồng yên tâm lên đường công tác. Chị tâm sự tình yêu của chị dành cho biển đảo cũng ngày một lớn dần lên như tình yêu chị dành cho người chồng thân yêu đang công tác nơi hải đảo xa xôi

Phong Anh
.
.
.