Tư lệnh “Ðá tảng” của cảnh sát Philippines

Chủ Nhật, 04/02/2018, 09:43
Mỗi người dân Philippines thường được gọi bằng một biệt danh, và Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Ronald Dela Rosa thường được mọi người gọi là “Bato”, có nghĩa là “Ðá tảng” trong tiếng Philippines.


Từ con bác xích lô đến giám đốc cảnh sát

Ronal Dela Rosa sinh ngày 21-1-1962 tại Barangay Bato, Santa Cruz, Davao del Sur, Philippines; con của ông Teodoro Diamaton Dela Rosa và bà Anesia Cruspero Marapon. Gia đình Dela Rosa thuộc tầng lớp nghèo và cha ông phải kiếm sống bằng nghề đạp xe xích lô. 

Dela Rosa lúc trẻ đã làm nhiều nghề vất vả để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, ông khiêng vác cá thuê ở chợ và phụ thu vé xe buýt. Ông thường đến giải bài tập ở nhà của các bạn cùng lớp để ăn ké bữa trưa, và phải đi bộ 8 cây số mỗi ngày từ nhà đến trường học.

Dù cuộc sống rất vất vả nhưng Dela Rosa rất ham học. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Dela Rosa thi đỗ vào Đại học Quốc gia Mindanao và lấy bằng Cử nhân Khoa học Quản lý công năm 1982. Ông tiếp tục học và tốt nghiệp Học viện Quân sự Philippines (PMA) năm 1986. Năm 1998, ông lấy bằng Thạc sĩ Quản lý công và năm 2006, là Tiến sĩ Quản lý Phát triển của Đại học Đông Nam Philippines, thành phố Davao.

Dela Rosa đã hoàn thành Khóa đào tạo Biệt kích của Quân đội Philippines, khóa đào tạo Cán bộ Cảnh sát tình báo Cao cấp, khóa Kiểm soát Quân sự và khóa An toàn Cảnh sát. Ông từng kinh qua các khoá đào tạo của Học viện FBI, Trường Huấn luyện biệt kích Quân đội Mỹ và khóa Huấn luyện hàng không của Cảnh sát Liên bang Úc.

Dela Rosa tham gia lực lượng Cảnh sát năm 1986 với quân hàm Trung úy và công tác tại thành phố Davao. Trải qua nhiều năm phấn đấu, năm 2007, ông là Giám đốc Cảnh sát tỉnh Valosta Valley. Năm 2008, ông được phong hàm Thiếu tướng. Năm 2012, ông lại được bổ nhiệm làm Giám đốc Cảnh sát thành phố Davao.

Dela Rosa từng là Cảnh sát trưởng thành phố Davao từ tháng 1-2012 đến tháng 10-2013 dưới thời Thị trưởng Sara Duterte (30-6-2010 đến 30-6-2013) và Rodrigo Duterte (30-6-2013 đến 30-6-2016). Năm 2012, ông chỉ huy cuộc dẹp loạn băng cướp khét tiếng do Ryan "Baktin" Yu cầm đầu. Tháng 7-2013, ông chỉ huy cuộc giải cứu thành công nữ doanh nhân Sally Chua người Philippines gốc Hoa bị bắt cóc.

Ngoài ra, ông còn chỉ đạo việc thực hiện chiến dịch Oplan Tokhang (Gõ cửa và cam kết), một chiến dịch chống ma túy mà lực lượng cảnh sát được vũ trang hạng nặng tuần tra khắp các khu vực dân cư, lịch sự gõ cửa nhà các đối tượng tình nghi sử dụng ma túy, buôn bán ma túy và yêu cầu họ đến trụ sở chính quyền trình diện để cam kết không tái phạm.

Năm 2015, Dela Rosa trở thành thành viên của Ban Điều tra Cảnh sát Quốc gia Philippines điều tra vụ Mamasapano. Sự cố cướp đi mạng sống của 44 thành viên đơn vị hành động đặc biệt, 17 thành viên của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro và 5 thường dân trong khi cảnh sát đang thực hiện nhiệm vụ bắt giữ tên khủng bố quốc tế Zulkifli Abdhir mang bí danh "Marwan".

Dela Rosa đã được Tổng thống Rodrigo Duterte tuyển chọn làm Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Philippines vào ngày 19-5-2016. Ngày 1-7-2016, ông chính thức tuyên thệ nhậm chức Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Philippines, đây là Tư lệnh thứ 21 của cảnh sát nước này.

Cuộc chiến chống ma túy

Dưới thời của Thị trưởng Duterte và Cảnh sát trưởng Dela Rosa, Davao -  một trong những nơi có tỷ lệ tội phạm cao nhất Philippines trở thành thành phố yên bình nhất nước, kết quả của chiến dịch chống tội phạm mạnh tay do Thị trưởng Duterte phát động, dưới sự ủng hộ và thi hành đắc lực của Cảnh sát trưởng Dela Rosa.

Một trong những biện pháp vãn hồi trật tự mà hai ông đã áp dụng là thành lập các “Biệt đội Tử thần Davao” (DDS). DDS bao gồm các cảnh sát đương chức và nghỉ hưu, họ được cung cấp vũ khí, đạn dược và thông tin về bọn tội phạm. Các thành viên DDS thường đi trên những chiếc xe mô tô không gắn biển số, nhanh chóng áp sát mục tiêu và nổ súng tiêu diệt những kẻ buôn bán ma túy, các tên trùm tội phạm, trong khi cảnh sát địa bàn phải rất lâu sau mới tới nơi. Một số thông tin cho rằng các thành viên DDS được trả từ 114 USD tới 1.147 USD cho mỗi phi vụ tiêu diệt tội phạm như vậy.

Dù biện pháp này gây ra rất nhiều tranh cãi, nhưng nó lại đem đến danh tiếng trên cả nước cho ông Duterte và Cảnh sát trưởng Dela Rosa. Với tiếng tăm lẫy lừng đó, ông Duterte dễ dàng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Sau khi trở thành Tổng thống, ông Duterte đã nhanh chóng đưa “cánh tay phải” Dela Rosa ngồi vào chiếc ghế Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, và họ lại tiếp tục cùng nhau phát động chiến dịch truy quét tội phạm ma túy trên cả nước.

Dela Rosa (ngoài cùng bên trái) và ông Duterte ( bên phải) khi còn trẻ. Ảnh: Inquirer.

Và thực tế đã cho thấy Tổng thống Duterte và Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Dela Rosa đã làm việc rất ăn ý với nhau trong chiến dịch tiêu diệt tội phạm ma túy ở Philippines.

Một trong những chiến thuật trấn áp tội phạm được ông Dela Rosa áp dụng thành công tại Davao là Oplan Tokhang, và cách làm hiệu quả này đang được nhân rộng trên cả nước. Chỉ trong vòng 2 tháng, hơn 700.000 người nghiện đã “tự nguyện” ra trình diện chính quyền và cam kết không tiếp tục sử dụng ma túy.

Trong bối cảnh nạn ma túy đã và đang hoành hành tại Philippines với 3,7 triệu người nghiện. Theo giới chức Philippines, hoạt động mua bán ma túy trái phép tại nước này đã giảm tới 90% chỉ trong vòng 2 tháng khi Cảnh sát trưởng Quốc gia Dela Rosa thực hiện chiến dịch truy quét tội phạm ma túy.

Ông Dela Rosa nói rằng: “Trong quá khứ, ma túy được bán trên đường phố như bán kẹo, còn người dân vô tội bị giết, bị hãm hiếp bởi những kẻ “phê” thuốc và nghiện ma túy... Và chúng tôi đang thực hiện lời hứa của mình”. Ông đặt ra thời hạn 6 tháng để chứng minh hiệu quả của chiến dịch truy quét tội phạm ma túy và khẳng định, nếu thất bại, ông sẽ từ chức.

Tuy nhiên, đến nay Dela Rosa chưa ban hành bất cứ văn bản nào hướng dẫn cảnh sát địa phương thực hiện chiến dịch truy quét tội phạm như thế nào, tất cả đều được thi hành bằng mệnh lệnh miệng.

Liên Hiệp Quốc, Mỹ và cộng đồng quốc tế đã bày tỏ lo ngại cũng như phản ứng dữ dội về các vụ bắn chết người không qua xét xử này. Nhưng các cuộc thăm dò cho thấy đa số người dân Philippines ủng hộ hành động của Tổng thống Duterte và Tư lệnh Cảnh sát Dela Rosa. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống cao ngất ngưởng là bằng chứng cho thấy đất nước này cần các biện pháp cứng rắn để mang lại bình yên cho người dân.

Sẽ là tổng thống vào năm 2022?

Dela Rosa đã phải trải qua một hành trình gian khổ từ thời niên thiếu đến khi trở thành người đứng đầu lực lượng thực thi pháp luật tại Philippines, và một phần trong hành trình ấy gắn liền với hình ảnh của Tổng thống Duterte.

Ông Rosa Dela trở nên nổi tiếng khắp Philippines nhờ mối quan hệ thân cận với Tổng thống Rodrigo Duterte. Với lập trường cứng rắn trong cuộc chiến chống tội phạm, ông được xem là cánh tay phải của “Kẻ trừng phạt” - biệt danh của Tổng thống Duterte.

Sau một lần lễ thượng cờ tại trụ sở cảnh sát, ông Dela Rosa đã lần đầu tiên công khai về mục tiêu chính trị cao hơn của bản thân. "Hãy đợi Bato (biệt danh của ông Dela Rosa) trở thành tổng thống và tôi sẽ tăng lương gấp 4 lần cho mọi người".

 Dela Rosa sẽ nghỉ hưu vào năm 2018. Vị Cảnh sát trưởng Quốc gia Philippines nhiều lần đề cập tới tham vọng bước chân vào chính trường, nói rằng ông sẵn sàng ra tranh cử một ghế tại Thượng viện cũng như ghế Tổng thống.

Truyền thông Philippines xem ông Dela Rosa là một trong những ứng cử viên tiềm tàng có thể kế nhiệm Tổng thống Duterte trong cuộc bầu cử năm 2022 cùng với nhà vô địch quyền Anh kiêm Thượng nghị sĩ Manny Pacquiao và con trai của cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos.

Nếu ông Dela Rosa đắc cử, chứng tỏ người dân Philippines vẫn cần một tổng thống theo đường lối cứng rắn, ưu tiên của người dân Philippines vẫn là cuộc chiến chống ma túy và tội phạm. Và khi đó, đất nước này lần đầu tiên sẽ có một tổng thống là con của người đạp xích lô.

Hoa Nam ( tổng hợp)
.
.
.