Vị bác sĩ già với tấm lòng nhân hậu

Thứ Tư, 27/12/2017, 20:23
Trở về sau chiến tranh, người thương binh ấy hiểu hơn ai hết nỗi đau, sự mất mát một phần cơ thể. Với tấm lòng giàu nhân ái, người thương binh già Lê Thành Đô (Minh Khai, Hà Nội) đã mở xưởng làm chân tay giả để giúp đỡ những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Mười ba năm miệt mài lao động, nghiên cứu, ông đã giúp được hơn 600 người khuyết tật có bộ phận cơ thể mới để cuộc sống thêm thuận lợi, vơi bớt phần nào nỗi đau.

1. Giữa trời đông buốt giá, ngôi nhà nhỏ nằm trên phố Minh Khai của bác sĩ, thương binh Lê Thành Đô trở nên ấm áp lạ kỳ bởi những câu chuyện xúc động tình người.

Gặp chúng tôi, ông mải mê kể về những tháng ngày trong quân ngũ, rồi rộn ràng câu chuyện cơ duyên đưa mình đến với công việc làm chân giả miễn phí cho người khuyết tật.

Khi mới là học sinh lớp 9, lớp 10, cậu học trò Lê Thành Đô đã xung phong lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Đến năm 1966, ông bị thương khá nặng nhưng vẫn một mực xin ở lại sát cánh cùng đồng đội chiến đấu.

Được khoảng 2 năm (năm 1968) sức khỏe đã đi xuống bởi những vết thương, đơn vị buộc phải đưa ông về tuyến sau để an dưỡng. Với trình độ lớp 10, ông Đô được cấp trên tạo điều kiện, bố trí làm giáo viên văn hóa và tiếp tục đi học tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội.

Giúp đỡ được người khuyết tật là hạnh phúc của vị bác sĩ già.

Sáu năm miệt mài đèn sách, cầm tấm bằng Cử nhân Y khoa, ông về nhận công tác tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Người thương binh 2/4 như thỏa đam mê, được đem kiến thức chuyên môn đã học để chăm sóc những thương binh nặng - phần lớn là những người bị liệt do chấn thương cột sống.

Bác sĩ Đô tâm sự: "Làm việc ở Trung tâm, tôi được sống cùng anh em đồng đội. Anh em đã chinh chiến các chiến trường, vì đất nước mà chịu đớn đau, thiệt thòi. Không chỉ khám chữa bệnh mà tôi còn luôn ở bên, động viên anh em, coi họ như người thân của mình vậy. Khi họ đau đớn mình cũng thấy thắt hết cả ruột gan lại". 

Bác sĩ Lê Thành Đô gắn bó 10 năm tại Trung tâm và giữ cương vị Trưởng phòng Y tế, sau đó được điều chuyển công tác về Hà Nội. Ông được tham gia thực hiện dự án sản xuất chân giả cho thương binh, người tàn tật (Dự án do Hoa Kỳ tài trợ cho Viện Chỉnh hình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); rồi làm giảng viên y khoa của Dự án đào tạo kỹ thuật viện chỉnh hình (do Đức tài trợ cho Trường Đại học Lao động Xã hội Hà Nội). 

Khi còn công tác tại bệnh viện, bác sĩ Đô đã từng cộng tác cho một số tổ chức từ thiện giúp đỡ những người tàn tật. Mười ba năm hưởng chế độ hưu trí, song bác sĩ Lê Thành Đô lại tất bật hơn với công việc từ thiện của mình. 

Ông lặn lội đi vận động các tổ chức nhân đạo, các Đại sứ quán, các Mạnh Thường Quân ủng hộ chi phí làm dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật. Đối tượng ông Đô hướng tới là những người khuyết tật do ảnh hưởng của chất độc da cam, do tai nạn, bệnh tật. Ông cùng 5 cộng sự của mình tiến hành bó bột, lấy cốt làm nẹp chỉnh hình, làm chân giả, chỉnh các loại cho bệnh nhân. 

Ngoài công việc đó, bác sĩ Đô còn luôn hoàn thành tốt công việc của một cán bộ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, chuyên chăm sóc sức khỏe, vận động xóa nhà dột nát cho người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa. 

Các cháu nhỏ ở Trung tâm Phục hồi chức năng cho trẻ bại liệt, bại não thường xuyên được bác sĩ Đô thăm khám miễn phí, tham gia phẫu thuật để khắc phục biến dạng. Sau đó ông làm dụng cụ chỉnh hình sao cho phù hợp với đặc thù khuyết tật của từng cháu.

Để toàn tâm toàn ý cho công việc này, bác sĩ Đô quyết định mở xưởng sản xuất chân giả ngay tại ngôi nhà tập thể của mình. Với một người bác sĩ già mở được một xưởng sản xuất chân giả là điều không hề dễ dàng. Với những đồng lương hưu, lương trợ cấp thương binh, bác sĩ Đô khó khăn lắm mới dành dụm đủ tiền để mua sắm trang thiết bị. 

"Nói thực là ban đầu cũng khó khăn lắm, để mua sắm được máy móc thiết bị là một khoản tiền không hề nhỏ. Tôi quyết định mở xưởng làm chân tay giả là để làm miễn phí cho người khuyết tật vì vậy cũng không có quá nhiều áp lực. Sau hơn 10 năm, xưởng sản xuất của tôi cũng khá đầy đủ và giúp đỡ được tương đối người khuyết tật rồi, tính không nhầm thì cũng khoảng hơn 600 trường hợp. Tôi vốn là người khuyết tật trở về sau chiến tranh nên hiểu hơn ai hết những mất mát, khó khăn của họ. Tôi muốn bằng sức lực của mình bù đắp cho họ phần nào những đau thương đó, giúp họ có cuộc sống thường ngày thuận lợi hơn. Để làm được điều này tôi được sự trợ giúp đắc lực của 3 người bạn già đã về hưu, một vài học trò của tôi cùng với các tổ chức nước ngoài" - ông Đô tâm sự.

Chứng kiến công việc hàng ngày của ông Đức, chúng tôi mới hiểu được hết sự vất vả của ông. Để làm được một chiếc chân giả phải mất rất nhiều thời gian, từ việc thử chân, đổ bột, mài giũa sao cho phù hợp với từng người. 

Bác sĩ Đô cùng các cộng sự bên cạnh việc thăm khám, làm dụng cụ chỉnh hình miễn phí, còn động viên và tư vấn cho các bệnh nhân cách tập, vận động để phục hồi khả năng đi lại, sinh hoạt. Dù đã có gần 50 năm kinh nghiệm làm dụng cụ chỉnh hình, nhưng người thương binh già ấy chưa khi nào thỏa mãn với những gì mình đang có. 

Ông luôn tìm tòi, học hỏi thêm để đưa những kỹ thuật tiên tiến nhất, hiệu quả áp dụng vào xưởng sản xuất của mình. "Tôi luôn tự ý thức rằng, cần phải tìm hiểu và cải tiến để người khuyết tật có một đôi chân, đôi tay phù hợp nhất. Tôi như nghiện công việc này vậy, nó như thú vui tuổi già của tôi, cứ giúp được nhiều người là hạnh phúc rồi" - bác sĩ Đô hiền hậu nói.

Bác sĩ Đô không ngừng nghiên cứu kỹ thuật tiên tiến để áp dụng vào xưởng của mình.

2. Mỗi bệnh nhân đến đây với ông đều là một sự đặc biệt, bởi họ ở các vùng miền khác nhau, với những thương tật khác nhau. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện đời khác nhau nhưng tựu trung lại họ đều khát khao được "nối lại" chân tay, khát khao được làm việc, sinh hoạt như những người bình thường. 

Lật giở cho tôi những tấm ảnh kỷ niệm mà những bệnh nhân từng qua chỗ ông nhờ giúp, bác sĩ Đô lặng lẽ kể những câu chuyện khiến ông không thể nào quên. Như trường hợp của ông Lò Văn Cân cũng khiến ông còn nhớ mãi. 

Ông Cân vốn là quân tình nguyện Việt Nam lại Lào, trong trận đánh Khe Sai, tỉnh Cham Pa Sắc (năm 1970), ông bị thương nặng. Đơn vị cho rằng ông đã hy sinh nên đã gửi giấy báo tử về gia đình. Thế nhưng, sự thực thì ông Cân bị thương nặng, được bà con bản địa cưu mang và cứu chữa, cưới vợ và sinh con sống suốt 40 năm trên đất bạn Lào. 

Do bị chấn thương sọ não, ông Cân không còn biết mình là ai, cũng không thể nhớ đường về nhà, đơn vị. Sau khi tìm về được quê hương, ông Cân được mọi người giúp đỡ và đến nhờ bác sĩ Đô thăm khám và lắp chân giả. 

"Thực sự khi làm xong chân giả, lắp chân cho đồng chí Cân, tôi rất vui mừng. Đồng chí ấy đứng được bằng đôi chân của mình đã không giấu được cảm xúc, lao đến ôm chầm lấy tôi mà khóc nức nở"- ông Đô nhớ lại.

Dụng cụ sản xuất chân, tay giả tại xưởng của bác sĩ Đô.

Đến khu tập thể của Công ty May 10, mọi người đều biết câu chuyện của anh Nguyễn Đình Nguyên một trong số hàng trăm người được bác sĩ Lê Thành Đô làm tặng đôi chân. Anh Nguyên từ một người bị tàn tật nay có thể đi lại, làm việc chẳng khác gì người bình thường. 

"Đến bây giờ tôi vẫn coi bác Đô là một vị ân nhân. Ngày đó tôi bị tai nạn tàu hỏa nên đã mất đi đôi chân, đó là một giai đoạn vô cùng khó khăn trong cuộc đời tôi. Cảm giác mọi thứ đã sụp đổ, tôi thực sự khủng hoảng tinh thần, nghĩ đời mình coi như bỏ đi rồi. Thế rồi tôi được một người bạn giới thiệu đến xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình của bác Đô. Bác rất niềm nở, thăm khám và làm chân miễn phí cho tôi. Thực sự là những đôi chân của bác làm đã giúp tôi tự tin hơn, yêu đời hơn. Thực sự tấm lòng của bác Đô, sự tương thân tương ái với người khuyết tật của bác khiến tôi rất cảm kích và biết ơn".

Với ông Đô, những cái ôm, những cái bắt tay hay những nụ cười của cháu bé 4 tuổi bị teo chân là động lực, là hạnh phúc để ông tiếp tục công việc của mình. 
Ông bảo, mỗi lần cháu bé 4 tuổi đó đến làm chân mới chỉ cần cười thôi cũng đủ làm ông sung sướng. Rồi bao nhiêu người trước đó sau khi được lắp chân giả đã tìm được công việc phù hợp để mưu sinh. Người thì làm thợ điện, người làm xe ôm, người làm nhân viên bán hàng. 

"Tôi chỉ mong muốn sẽ mở rộng thêm xưởng sản xuất của mình để Trung tâm Tư vấn Trợ giúp Dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật ngày càng giúp được nhiều mảnh đời bất hạnh hơn. Tôi sẽ làm cho đến khi sức khỏe của mình không cho phép nữa. Đến khi ấy, xưởng sản xuất này sẽ được giao cho những học trò có tâm"- người thương binh già rưng rưng nói.

Phong Anh
.
.
.