Vị Đại tá Công an và những trăn trở xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba, 20/01/2015, 17:00
Từng giữ chức Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình, sau khi nghỉ hưu, Đại tá Bùi Văn Minh luôn trăn trở với công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong con người ông toát lên vẻ bình dị, khiêm nhường, khác xa với hình ảnh một thủ lĩnh từng chỉ huy biết bao trận đánh trên mặt trận chống tội phạm tại cửa ngõ Tây Bắc. Trở về cuộc sống đời thường, vị Đại tá Công an ấy tiếp tục thành công trên "trận chiến mới", cuộc chiến xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Mặc dù đã mãn nhiệm, trở về cuộc sống đời thường, Đại tá Công an Bùi Văn Minh vẫn nhớ như in kỷ niệm thời công tác. Khi đó, ông được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình, trực tiếp chỉ đạo khám phá nhiều đường dây tội phạm, bắt nhiều đối tượng giang hồ cộm cán, nhiều ổ nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen". Trong số các vụ án ông từng tham gia chỉ đạo, ấn tượng nhất có lẽ là vụ án giết người, cướp xe taxi với xảy ra vào đêm 20, rạng sáng 21/5/2008.

Hôm đó, một số người dân địa phương phát hiện có tiếng xe ôtô rú ga và phanh rất mạnh, sau đó là những tiếng va đập lớn. Mọi người tưởng có tai nạn giao thông nên chạy ra xem. Đến nơi, mọi người thấy chiếc xe taxi mang BKS: 20K-8008 của hãng Mai Nga đâm vào ta-luy bên đường, thành xe có nhiều vết máu. Khi nhìn vào bên trong, mọi người rụng rời thấy một chiếc đầu người để ở ghế sau, thân người nằm dưới chỗ để chân bên dưới…

Ngay trong đêm, thông tin về vụ án mạng đã nhanh chóng được truyền về Công an tỉnh Hòa Bình. Nhận thấy đây là vụ án hết sức nghiêm trọng, với trách nhiệm là Trưởng ban Chuyên án, Đại tá Bùi Văn Minh lập tức chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ vào cuộc, khẩn trương điều tra, làm rõ để trấn an dư luận, củng cố lòng tin của nhân dân. Điều đó càng thôi thúc ông và đồng đội thêm quyết tâm làm sáng tỏ vụ án. Bước đầu điều tra, xác minh, cơ quan điều tra đã xác định nạn nhân là anh Hoàng Văn Ngọc (42 tuổi), trú tại phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, là lái xe của hãng taxi Mai Nga. Theo đó, tung tích của nạn nhân đã được báo về Công an tỉnh Thái Nguyên.

Đại tá Bùi Văn Minh (ngoài cùng bên trái) thời còn công tác.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ và trực tiếp tới thành phố Thái Nguyên nắm tình hình, ban Chuyên án tiến hành các biện pháp nghiệp vụ sàng lọc, khoanh vùng đối tượng. Qua đó, xác định chân dung hai đối tượng nghi vấn. Đó là Nguyễn Trọng Công (tức Thành Công, 32 tuổi) và Nguyễn Đức Công, (31 tuổi), đều trú tại xã Lương Sơn, TP Thái Nguyên.

Cả hai đối tượng đều là những tên trộm cắp, nghiện ma túy, riêng đối tượng Trọng Công còn đang liên quan đến vụ lừa đảo xe máy. Bọn chúng từ lâu đã sống lang thang, thực hiện nhiều vụ trộm cắp, lừa đảo gây bức xúc trong cuộc sống người dân trên địa bàn. Sau khi xác định được hai đối tượng liên quan đến vụ án, tổ công tác đã chia làm nhiều mũi trinh sát tỏa đi truy tìm tung tích bọn chúng. Đến ngày 23/5, đã tóm gọn được hai đối tượng gây án.

Ông cho biết, bọn tội phạm hoạt động rất manh động, liều lĩnh, chúng không từ bất kỳ thủ đoạn nào để đoạt mục đích. Đáng chú ý, nhiều đường dây, ổ nhóm hoạt động có tổ chức, hoạt động theo kiểu "xã hội đen" xuất hiện với tích chất, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, hình thành các thế lực ngầm, đe dọa tới sự bình yên của nhân dân. Để đối phó với loại tội phạm này, ông đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể để rà soát, nắm tình hình và xác định nhóm đối tượng có biểu hiện nghi vấn.

Từ đó, vạch kế hoạch đấu tranh cụ thể với từng loại đối tượng. Nhờ đó, mà hầu hết các vụ trọng án, dù nghiêm trọng đến mấy đều bị bóc gỡ thành công. Một kỷ niệm đáng nhớ nữa trong quá trình công tác của Đại tá Bùi Văn Minh là hành trình phá án vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tổ 5, phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình gây bàng hoàng dư luận. Khoảng 20h ngày 16/1/2012, sau khi đi làm về, chị Nguyễn Thị Uyên ghé quán cà phê thì phát hiện mẹ của chị là Trần Thị Lan, trú tại tổ 13, phường Tân Thịnh - TP Hòa Bình, bị chết trong tình trạng không có quần áo, được cuốn trong chiếc chăn, trên người có vết cắt sâu ở cổ và 2 tay.

Vụ án giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng diễn ra trong thời điểm nhạy cảm, khi nhân dân đã háo hức chuẩn bị đón Tết Nhâm Thìn 2012, nên đã tác động rất lớn tới dư luận nhân dân. Ban Chuyên án quyết định bằng mọi cách phải làm sáng tỏ vụ án trước Tết để củng cố lòng tin trong nhân dân.

Ngay sau khi vụ án mạng xảy ra, lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình phân công ông là Trưởng ban Chuyên án, trực tiếp chỉ huy lực lượng nghiệp vụ khẩn trương điều tra, truy bắt hung thủ. Xác định đây là vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của đối tượng vô cùng liều lĩnh, manh động. Sau khi gây án, đối tượng xóa sạch dấu vết, lau chùi cẩn thận, nhằm tạo hiện trường giả, đánh lạc hướng điều tra của cơ quan Công an.

Thông qua công tác khám nghiệm, các giám định viên thu lượm các dấu vết, vật chứng. Sau đó tiến hành đánh giá, nhận định nhằm xác định mối liên hệ giữa dấu vết trên với tài liệu thu được. Kết hợp với thông tin do quần chúng cung cấp, Ban chuyên án có cơ sở xác định đối tượng gây án chính là tên Bùi Trung Kiên, 33 tuổi, hiện trú tại xóm Miều, xã Trung Minh (TP Hòa Bình), là đối tượng có mối quan hệ khá thân thiết với nạn nhân. Đáng chú ý, đã 2 ngày nay, tên Kiên không có mặt tại nhà. Thông tin trên càng khẳng định, những căn cứ đưa ra ban đầu là phù hợp. Ngay lập tức, mọi hướng điều tra tập trung truy bắt tên Kiên. Tiếp tục xác minh, thông qua các mối quan hệ của đối tượng, được sự hỗ trợ đắc lực của các cục nghiệp vụ Bộ Công an và  Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước, Ban Chuyên án xác định đối tượng hiện đang lẩn trốn tại khu công nghiệp thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ngay lập tức, Đại tá Minh chỉ đạo tổ công tác vượt hàng ngàn kilômét, có mặt tại tỉnh Bình Dương để truy bắt thành công tên Bùi Trung Kiên, khi đối tượng có mặt tại một quán cà phê, thuộc khu vực ấp 3B, xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Chuyên án khám phá thành công, hung thủ bị bắt gọn góp phần trấn an dư luận.

Đu tàu trong xây dng nông thôn mi

Nhâm nhi chén trà nóng, tận hưởng không khí trong lành, thanh tịnh giữa núi rừng, Đại tá Minh đưa chúng tôi trở về ngày đầu ông xây dựng trang trại. Thời điểm ông bắt đầu nảy sinh ý tưởng phủ xanh đồi trọc, giúp hồi sinh mảnh đất cằn cỗi quê hương. Ngày đó, quê hương ông còn nhiều khốn khó. Cuộc sống người dân dựa chủ yếu vào trồng trọt, chăn nuôi, kinh tế chậm phát triển, dân trí thấp. Người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước; chưa đột phá trong lao động, sản xuất; chưa biết làm giàu trên chính quê hương mình.

Mỗi lần về quê, ông trăn trở, suy nghĩ làm sao để quê hương thay da, đổi thịt, làm sao để người nông dân có công ăn, việc làm, có thể làm giàu bằng lao động chân chính. Tiềm năng đất đai, con người là rất lớn. Nhìn những quả đồi bỏ hoang, những cánh rừng úa tàn, ông đau lòng lắm. "Phải biến lợi thế đó phục vụ cho cuộc sống của mình" - ông tự nhủ. Việc đầu tiên phải thay đổi nhận thức của nhân dân, đưa quy trình khoa học tiên tiến phục vụ sản xuất, thay đổi tư duy trong xây dựng nông thôn mới. Thế rồi, ông tự mình nghiên cứu cây giống, con giống phù hợp với thổ nhưỡng, đất đai và năng lực con người quê ông.

Đại tá Bùi Văn Minh theo dõi quá trình chăm sóc lợn thịt.

Đầu những năm 2000, ông đứng ra mua lại quả đồi rộng khoảng 5ha. Quá trình công tác, ông có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp. Ông hỏi học, tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị tư tưởng cho công việc tiếp theo khi nghỉ chế độ. Vì lẽ đó, ông không cảm thấy trống vắng, hụt hẫng, thậm chí còn háo hức để thực hiện nhiệm vụ mới. Ông quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, biến khó khăn, bất lợi trở thành thế mạnh để phát triển.

Những ngày đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn. Những giống cây ông đưa vào trồng thử nghiệm không phát triển, vật nuôi thì chết do dịch bệnh, thiên tai khắc nghiệt. Ông đau đớn khi những bước đi đầu tiên gặp cách trở. Đánh giá toàn bộ quy trình từ lựa chọn cây, con giống, chế độ dinh dưỡng, cách ly dịch bệnh, đến điều kiện môi trường, khí hậu, ông nhận thấy, cần thay đổi phương thức quản lý, từ nhỏ lẻ sang tập trung, từ thô sơ, thủ công sang áp dụng khoa học, kỹ thuật. Ông trực tiếp xuống các thôn, xóm tuyển dụng những người dân địa phương, sau đó đưa đi đào tạo cấp tốc tại các cơ sở đào tạo về chăn nuôi, thú y ở thị trấn Lương Sơn. Khi đã có kiến thức thực tế, ông đưa họ trở lại làm việc tại trang trại.

Anh Bạch Tiến Tình, 22 tuổi, nhớ lại: "Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi may mắn được ông Minh nhận vào làm. Sau khi đào tạo thực tế hơn 2 tháng, tôi được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát từ việc lựa chọn con giống, thức ăn, đến chăm sóc, theo dõi quá trình phát triển của lợn. Đến nay, tôi nắm vững kỹ thuật chăn nuôi lợn và ứng dụng thành thạo nhiều công nghệ mới vào chăn nuôi". Hằng tháng, đoàn chuyên gia của Công ty THHH CP Việt Nam (trụ sở tại thị trấn Xuân Mai, Hà Nội) thường có mặt kiểm tra, đánh giá hiệu quả chăn nuôi, tư vấn cho cơ sở sản xuất về thức ăn, xây dựng khu chuồng trại, kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh, cách ly, khử trùng dịch bệnh, vệ sinh môi trường.. Nhờ đó, việc sản xuất dần ổn định, năng xuất, chất lượng từng bước nâng cao.

Qua 4 năm hoạt động, cơ sở chăn nuôi của Đại tá Minh ngày càng mở rộng về quy mô và chất lượng. Tỷ lệ lợn thịt xuất ra thị trường năm sau cao hơn năm trước. Năm 2014, đã tiến hành xuất 1.867 con lợn thịt ra thị trường tiêu dùng, với hơn 174 tấn. Tổng số tiền đầu tư trên 8 tỷ đồng, trừ phí, thu về khoảng 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông còn tạo công ăn, việc làm cho 12 lao động trên địa bàn, với thu nhập hàng tháng từ 4 - 6 triệu đồng/người. Đặc biệt, ông tiếp nhận 2 trường hợp trẻ mô côi từ Trung tâm bảo trợ xã hội huyện Kỳ Sơn về làm việc tại trang trại, tạo điều kiện để các em học thú y, nâng cao tay nghề, sau này phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Biết ơn vị Đại tá Công an tốt bụng, những lao động được hỏi đều nguyện gắn bó lâu dài với cơ sở chăn nuôi và phát triển quê hương giàu đẹp.

Ngắm rừng xoan xạo xạc trong gió, Đại tá Minh phấn khởi cho biết, nếu thuận lợi, khoảng 3 đến 5 năm nữa sẽ thu hoạch được. Đây là khối tài sản giá trị nữa mà ông và những người lao động dày công gây dựng. "Sang năm tới, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất gấp đôi và tuyển thêm nhiều lao động là địa phương" - Đại tá Minh chia sẻ. Từng là thủ lĩnh trên trận chiến phòng chống tội phạm, nay mãn nhiệm trở về quê hương, ông là đầu tàu trong phát triển kinh tế, chăm lo xây dựng nông thôn mới. Nỗi niềm của vị Đại tá Công an trăn trở với cuộc sống nhân dân, mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương thật đáng trân trọng biết bao.

Như Hùng
.
.
.