Vị tướng anh hùng và chiến dịch 135 huyền thoại

Thứ Tư, 20/07/2016, 14:00
Mỗi lần trò chuyện với Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Anh hùng LLVTND, là một lần ông mang đến cho chúng tôi cảm xúc mới. Hình như, chất hình sự, chất lính và sự nhiệt huyết vẫn chưa khi nào phôi pha trong con người ông.

Viết về Phan Văn Vĩnh - hẳn là nhiều kỳ mới có thể hết. Chúng tôi hiểu, viết về ông chỉ với "một lát cắt" gắn với Chiến dịch 135 huyền thoại, hẳn là không đầy đủ, nhưng ở đó, những bài học kinh nghiệm, những phương thức tấn công tội phạm vẫn luôn mới và còn nguyên giá trị.

Dốc lực cho Chiến dịch 135

Đầu những năm 90 của thế kỉ trước, chắc hẳn nhiều người dân Thành Nam vẫn không thể quên được không khí sục sôi phòng chống tội phạm của toàn thể các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân khi được Bộ Công an chọn làm điểm mở màn Chiến dịch 135 tấn công tội phạm.

Nhớ lại thời điểm lịch sử ấy, Trung tướng Phan Văn Vĩnh không giấu được niềm xúc động, dù đã gần 30 năm trôi qua, nhưng ký ức về những ngày Nam Định dồn tổng lực xuống đường phòng chống tội phạm, vẫn còn nguyên trong giọng nói hào sảng, đậm chất thành Nam của ông. 

Nam Định những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỉ trước là thành phố trực thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (gồm Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định). Ngày ấy, "giang hồ Nam Định" là một cụm từ đáng sợ nhất đối với bất cứ người dân lương thiện nào sinh sống trên đất Nam Định nói riêng và những vị khách có dịp phải đi qua Nam Định nói chung.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục .

Tàu về qua Nam Định thời điểm đó, hành khách đi tàu cứ đến ga Nam Định là... tỉnh ngủ. Tiếng loa phát thanh của nhân viên nhà tàu cảnh báo nghe đến thuộc lòng: "Đoàn tàu chú ý! Đoàn tàu chú ý! Tàu sắp vào ga Nam Định, bà con cẩn thận hành lý". Và hành khách lại nơm nớp lo mỗi lần tàu dừng lại ở ga đổ và đón khách.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh nhớ lại: Nam Định những năm đó được coi là một địa bàn có tình hình trật tự trị an vào loại phức tạp nhất cả nước. Những cái tên có số má trong giới giang hồ thường có nguồn gốc Nam Định hoặc Hải Phòng. "Cái nôi" tội phạm ấy sản sinh ra những tên tội phạm khét tiếng, những băng, ổ, nhóm tung hoành khắp cả nước. Mỗi ngày có tới cả chục, thậm chí vài chục vụ phạm pháp hình sự liên quan đến các băng ổ nhóm tội phạm. Không dừng lại ở đó, một số các băng nhóm cướp còn vươn ra những tỉnh, thành khác như Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, thậm chí vào tận Thanh Hóa, Nghệ An…

 Người dân lương thiện ra đường khi ấy nơm nớp lo sợ, chỉ cần sơ sểnh là đụng tội phạm. Nguyên nhân gây nên tình hình mất an ninh trật tự là do nền kinh tế nước ta đang cực kỳ khó khăn, lạm phát ở mức cao, lao động thiếu việc làm, lại trùng thời kỳ chuyển tiếp đặc biệt, tội phạm lộng hành, niềm tin của quần chúng nhân dân giảm sút nên không dám tố giác tội phạm, sợ liên luỵ, sợ bị trả thù, sợ không được pháp luật bênh vực. 

Các vụ phạm pháp về hình sự xảy ra ở TP Nam Định chiếm 50-60 % số vụ xảy ra trên toàn tỉnh. Có những đêm xảy ra 7-8 vụ án, toàn do các băng nhóm tội phạm gây ra. Người dân hoang mang, cả thành phố sống trong không khí ngột ngạt, bức bối. Chính vì vậy, việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, triệt xóa các băng nhóm tội phạm hình sự trên địa bàn thành phố Nam Định là nhiệm vụ được đặc biệt coi trọng, đặt lên hàng đầu.Yêu cầu đòi hỏi phải có lực lượng mạnh tạo thành "quả đấm thép" đập tan các băng nhóm đang nổi lên cát cứ. 

Trước yêu cầu trên, tháng 3-1989, Đội Cảnh sát điều tra Công an TP Nam Định được thành lập trên cơ sở sát nhập Đội Điều tra xét hỏi, Đội Cảnh sát hình sự, Đội Cảnh sát kinh tế, Trại tạm giữ của Công an TP, đồng thời điều động tăng cường một số cán bộ tinh nhuệ trong Công an tỉnh. Biên chế của đội ban đầu là 87 đồng chí. Trung tướng Phan Vĩnh thời điểm đó được điều động về làm Phó trưởng Công an TP Nam Định, đồng thời là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, trực tiếp phụ trách Đội. Nếu như Hà Nội bây giờ có số 7 Thiền Quang huyền thoại thì Nam Định ngày ấy có địa chỉ 54 Quang Trung.

"Tôi nhớ đồng chí Đinh Gia Huấn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Ninh trong một cuộc họp đã nói một câu: Dân tộc ta, đất nước ta đã chiến thắng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cớ sao chúng ta lại thất bại trước những tên lưu manh, trộm cắp?" - Trung tướng Phan Văn Vĩnh kể. Câu nói đó như xoáy vào tim vị Thủ trưởng Cơ quan CSĐT ở cái nơi đang nóng ran bởi tội phạm ấy.

Tháng 10-1989, Chiến dịch 135 ra đời. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Gia Huấn đã làm báo cáo gửi Đại tướng Mai Chí Thọ, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và được đồng chí Bộ trưởng rất ủng hộ, đồng ý giao cho Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo Công an tỉnh Hà Nam Ninh tấn công tội phạm. Và Công an TP Nam Định được Bộ trưởng Mai Chí Thọ chọn làm địa bàn đột phá cho "Chiến dịch 135", đồng loạt tấn công tội phạm trên địa bàn toàn thành phố.

Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam Ninh đã giao Phòng Cảnh sát điều tra làm đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo chiến dịch. Trận mở màn của Chiến dịch, đồng chí Đỗ Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã dự duyệt, đồng ý phê duyệt 39/48 hồ sơ đối tượng cần đưa đi tập trung cải tạo mà Công an thành phố đã xác lập.

Đêm trước hôm mở màn Chiến dịch 135, Phó Trưởng Công an TP Nam Định Phan Văn Vĩnh đã thức trắng đêm. Và hàng trăm cán bộ chiến sỹ của Công an TP Nam Định cũng thế. Họ cùng người Thủ trưởng của mình khẩn trương và bí mật tiến hành các bước chuẩn bị  cho việc bắt giữ 39 đối tượng cộm cán, cầm đầu các băng nhóm vào sáng sớm hôm sau. 

Thực ra, để có thể đưa được mấy chục đối tượng vào diện đi tập trung cải tạo, trước đó cả nhiều tháng trời, đồng chí Phan Văn Vĩnh đã chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ của Công an TP thực hiện cực kỳ bài bản, công phu các công tác nghiệp vụ cơ bản như rà soát đối tượng, thu thập chứng cứ, lập hồ sơ tập trung cải tạo. Những cái tên tội phạm cộm cán như Tuấn Xuyên, Tú Kỉ.... được khoanh mực đỏ, "ưu tiên" sờ gáy trước.

Và, đúng 6h ngày mở màn, trước sự theo dõi của hàng nghìn người dân thành Nam ở các địa điểm khác nhau, lực lượng Công an TP đã đọc lệnh bắt tập trung cải tạo với 39 đối tượng, đều cầm đầu các băng, ổ nhóm tội phạm cộm cán. Chiến dịch diễn ra cực kỳ nhanh gọn, bất ngờ. 

Bất ngờ đến nỗi, khi được mời lên cơ quan Công an, các đối tượng vẫn tưởng là được gọi lên để giáo dục, răn đe như mọi lần, khi biết sự thật, chúng lồng lộn như con hổ bị nhốt. Nhưng bằng cái uy và cái ân của mình, đồng chí Phan Văn Vĩnh đã phân tích cho những đối tượng này hiểu rõ mục đích của việc giáo dục cải tạo. Tất cả đều tâm phục khẩu phục, tự giác chấp hành. Chỉ trong ngày đầu tiên ra quân, lực lượng Công an TP Nam Định đã đưa được trọn vẹn cả 39 đối tượng đi tập trung cải tạo.

Nhưng không phải người dân đã tin hoàn toàn. Nhiều người tặc lưỡi: "Chắc là bắt nhốt mấy hôm lại thả ra". Nhưng những gì họ chứng kiến lực lượng Công an thành phố đã làm trong và sau Chiến dịch, họ mới thực sự tin tưởng và cảm phục, rằng từ đây, họ đã có thể yên tâm sinh sống mà không phải nơm nớp lo sợ bọn lưu manh, côn đồ. 

Ở giai đoạn 2 của "cuộc tổng tiến công tội phạm" này, Công an thành Nam vừa tấn công, vừa phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm. Cũng từ đó, phong trào "Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm" được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Nhiều mô hình quần chúng bảo vệ ANTQ xuất hiện: Đường phố không có tội phạm; Thanh niên xung kích; Thanh niên tự quản; Hội phụ nữ giáo dục, cảm hoá người lầm lỡ...

Cảnh sát, Anh hùng LLVTND. Cảnh sát đặc nhiệm luyện tập võ thuật, nâng cao năng lực chiến đấu.

Không dừng lại ở đây, còn có 9 cuộc phát động tiếp theo trong giai đoạn hậu Chiến dịch, do Bí thư tỉnh uỷ là người chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh là tư lệnh, đã thu được những kết quả tốt đẹp, làm nức lòng nhân dân cả nước. Sau 3 tháng thực hiện Chiến dịch 135, có sự góp sức của hàng vạn lượt quần chúng xuống đường đấu tranh chống tội phạm, các đơn vị chức năng Công an tỉnh Hà Nam Ninh khám phá được hàng trăm vụ án hình sự,  triệt phá được nhiều băng, nhóm tội phạm, thu nhiều súng, lựu đạn, dao lê... 

Riêng Công an TP Nam Định đã triệt phá 52 băng, ổ, nhóm tội phạm; bắt 97 đối tượng cộm cán nhất, thu 25 khẩu súng, 17 lựu đạn và hàng trăm dao kiếm, mác, lưỡi lê; đưa 200 đối tượng lưu manh chuyên nghiệp đi tập trung cải tạo vào trường giáo dưỡng; đưa gần 500 đối tượng trộm cắp, cờ bạc ra kiểm điểm trước dân; vận động 124 đối tượng khác ra đầu thú. Nam Định trở thành "quả đấm thép" tấn công tội phạm và Chiến dịch 135 được nhân rộng ra cả nước.

Những chiến công mang dấu ấn riêng

Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng Chiến dịch 135 và những dư âm, bài học kinh nghiệm của nó đã theo suốt cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Phan Văn Vĩnh. Sự quyết liệt tấn công tội phạm, sự đam mê nghề nghiệp dường như lúc nào cũng như ngọn lửa cháy không thôi trong con người ông.

Đầu năm 1991, thông qua công tác nghiệp vụ, các trinh sát của Đội Cảnh sát điều tra nắm được thông tin, có một nhóm tội phạm người Thái Bình đang bàn nhanh âm mưu dùng súng và lựu đạn sang TP Nam Định cướp tiệm vàng. "Mục tiêu của ta khi ấy là hốt trọn ổ. Đồng thời đảm bảo an toàn cho lực lượng bắt giữ, vì thông tin trinh sát cho biết các đối tượng sử dụng hàng "nóng". Kế hoạch bắt giữ hết sức tỉ mỉ" - Trung tướng Phan Vĩnh nhớ lại.

...Đêm 13-3-1991, 4 tên cướp đến hiệu vàng Thịnh Vượng, trên phố Hoàng Văn Thụ. Trước đó, chúng đã "dọn đường" bằng cách dùng súng cao su bắn vỡ hết bóng đèn đường xung quanh đó. Sau này chúng khai, chúng đã tính cả đường tẩu thoát, rất tinh vi. 4 tên chia đội hình làm hai, chúng đứng chặn hai bên cửa, một tên vào giả làm khách mua hàng. Khi một trinh sát trong vai chủ nhà ra mở cửa, chúng gí súng ngắn K54 ngay vào mặt. Nhưng chúng chưa kịp bóp cò thì trinh sát này đã đánh bay súng của hắn. Cả lũ biết bị lộ tháo chạy tán loạn. Phan Văn Vĩnh và đồng đội lao theo quật ngã được tên Phạm Thanh Quang, chính là tên đã gí súng vào "chủ nhà".

Thấy đồng bọn bị bắt, tên Nguyễn Mạnh Cường rút luôn lựu đạn ném vào ngay chỗ tên Quang vừa bị quật ngã, mục đích của hắn là giết luôn tên Quang bịt khẩu. Phan Văn Vĩnh bị nhiều mảnh lựu đạn găm vào người, trong đó một mảnh quái ác đã găm vào mắt khiến một bên mắt của ông phải múc bỏ. Tên Quang bật dậy chạy trốn nhưng đã bị tiêu diệt tại chỗ. 

Hai ngày sau, Công an TP Nam Định đã lần lượt bắt giữ những tên cướp còn lại, khi chúng về Thái Bình lẩn trốn, thu thêm nhiều vũ khí.  Ngoài Phan Văn Vĩnh thì 3 người đồng đội của ông cũng bị thương nặng, trong đó có hai người vì những vết thương cũ tái phát đã mất sớm và đều được công nhận liệt sĩ.

Rời bệnh viện trở về đơn vị, dù sức khỏe giảm sút, nhưng Trung tướng Phan Văn Vĩnh chưa bao giờ cho phép mình nghỉ ngơi. Tinh thần Chiến dịch 135 như luôn hun đúc trong con người ông, ông thấy mình cần tiếp tục có trách nhiệm trong việc giữ gìn ANTT ở địa bàn Thành Nam, nơi mà ông và đồng đội đã gây dựng được những nền tảng ban đầu bằng chính một phần xương máu của mình. 

Anh em đồng đội ở 54 Quang Trung vẫn kể lại cho nhau nghe về câu chuyện phá vụ cướp tiệm vàng kiểu… ở 41 Phan Bội Châu thời ấy. Đối tượng mang theo vũ khí ập vào nhà nạn nhân để cướp vàng. Mặc dù nhiệm vụ điều tra được giao cho Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, nhưng Phan Văn Vĩnh và các trinh sát của mình khi nhận được thông tin vẫn có mặt ở hiện trường, dù chỉ được đứng bên ngoài cửa vì… không phải nhiệm vụ được giao.

Qua khe cửa sổ, Phan Văn Vĩnh và các trinh sát tinh nhuệ của mình đã lắng nghe những lời khai của bị hại, quan sát hiện trường… Với kinh nghiệm phá án, khả năng nắm đối tượng, địa bàn, khi các đơn vị chức năng đang làm nhiệm vụ bên trong, bên ngoài, Phan Văn Vĩnh và các trinh sát của Công an TP đã phác họa được chân dung đối tượng và nhanh chóng báo cáo lãnh đạo, truy đuổi theo dấu vết tên cướp vào đến Thanh Hóa thì bắt được.

Sau này, khi trở thành Giám đốc Công an Nam Định, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đeo đuổi nghiệp "truy bắt" tội phạm, Trung tướng Phan Văn Vĩnh vẫn nằm lòng những bài học kinh nghiệm rút ra từ Chiến dịch 135 gần 30 năm về trước. Đó là phải xác định đúng vị trí của lực lượng Công an là mũi nhọn, khoan phá thủng bức tường tội phạm, tạo nên cán cân công lý. Và ông luôn nghĩ đến một tổ chức kiểu mẫu, một quả đấm thép với tội phạm trong từng thời điểm khác nhau để có hiệu quả nhất. 

Nếu như ngày trước, Công an TP Nam Định được chọn là điểm mở màn trong Chiến dịch 135, thì sau này Tổng cục Cảnh sát đã chọn lựa, thành lập Tổ công tác đặc biệt 113 làm những nhiệm vụ đặc biệt, là mũi nhọn bất ngờ tấn công các băng nhóm tội phạm có tổ chức.  Các băng nhóm "nức tiếng" giang hồ như Đức "vẩu" ở Bắc Ninh, Dũng "mặt sắt" ở Quảng Ninh… lần lượt bị tổ công tác 113 đánh tan, mà Trung tướng Phan Văn Vĩnh ở đó có một chức danh rất giản dị, đó là Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt 113.

Dùng trái tim để thu phục lòng người

"Bài học thu phục lòng dân chưa bao giờ là cũ. Mấy trăm năm trước, Nguyễn Trãi đã nói: Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì dạy: Trong công tác, kẻ địch cũng rút kinh nghiệm, cho nên địch có cải tiến công tác của nó, nhưng có một điều cơ bản nó không học nổi, đó là học lấy lòng dân" - Trung tướng Phan Văn Vĩnh tâm đắc. 

Bài học thu phục lòng dân luôn được Trung tướng Phan Văn Vĩnh áp dụng trong việc chỉ đạo phá án, đặc biệt là các vụ án khó. Còn nhớ vụ án tên Lê Văn Luyện giết người, cướp tiệm vàng ở Bắc Giang, số điện thoại của Trưởng ban chỉ đạo chuyên án dùng luôn làm số điện thoại nóng để thu nhận tố giác của người dân. 

"Tôi, Phan Văn Vĩnh, Trưởng ban chỉ đạo chuyên án nghe đây…" , chừng đấy thôi cũng đủ khiến những người dân muốn tố giác tội phạm thêm vững tin vào công lý. Trong vụ sát hại 6 người ở Bình Phước cũng thế, Trung tướng Phan Văn Vĩnh chỉ đạo phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm.

 "Bọn tội phạm dù tinh vi đến đâu cũng khó có thể che giấu được những người cận kề. Dù chỉ một thông tin nhỏ nhưng đôi khi đó chính là tình tiết giúp lực lượng Công an phá án" - Trung tướng Phan Văn Vĩnh nhấn mạnh.

Quyết liệt với tội phạm, nhưng cũng rất có cái tình với người phạm tội nếu họ biết quay đầu về nẻo thiện, đó chính là một phần cá tính của Trung tướng Phan Văn Vĩnh. Sau này, khi ở vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, thỉnh thoảng mới về Nam Định, nhưng hình ảnh vị Trung tướng gần gũi với nhân dân, đặc biệt có tài "nói chuyện" với giang hồ, vẫn là hình ảnh thân thiết đối với đa số người lao động nơi đây. 

Có lần, ông ngồi trong quán trà vỉa hè, thong thả ngắm phố phường, có một người đàn ông không còn trẻ, cứ nắm lấy tay ông mà khóc. Người đàn ông ấy kể rằng, Trung tướng Phan Văn Vĩnh là ân nhân của gia đình ông. Hồi ấy, người đàn ông đó bị bắt đi tập trung cải tạo, đi được nửa tháng thì mẹ anh ta bị tai biến. Nghe tin, vị Phó Trưởng Công an TP đã cử người đến chở bà cụ đi cấp cứu và may mắn, bà qua cơn nguy kịch. Sau này, trước khi nhắm mắt, bà cụ cứ nhắc con trai phải tìm bằng được "ông chỉ huy Phan Văn Vĩnh" để cảm ơn người đã cứu mình.

Nhiều đối tượng cộm cán chấp hành xong thời gian cải tạo, đã tu chí làm ăn lương thiện, gặp lại người đã bắt mình năm nào, nhưng họ không oán trách mà ngược lại, bày tỏ sự biết ơn vì những gì Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã dành cho họ hoặc cho gia đình họ trong thời gian họ đi cải tạo. 

Nhiều trường hợp sau khi chấp hành xong thời gian cải tạo, đã được đồng chí Phan Văn Vĩnh bố trí cho công việc thích hợp trong các công ty, nhà máy mà bằng uy tín của mình, ông đã "bảo lãnh" cho họ, giúp họ có công việc ổn định, nuôi được bản thân và gia đình. Cái tình ấy, đối với những người từng dính gió bụi giang hồ, hẳn không dễ gì quên.

Trong cuộc đời làm Công an, ông luôn nhìn tội phạm theo 2 chiều thuận và nghịch: Luôn tìm ra nguyên nhân vụ việc và xử lý tội phạm. Nhưng cũng luôn tìm ra cách gỡ tội cho họ được hưởng khoan hồng. "Phải có trái tim để xử lý tội phạm. Tìm điểm sáng còn lại trong con người họ để lại cho chính gia đình họ…" - đó là cách sống, cách làm việc của ông, một con người luôn khắt khe với mình, khắt khe với cái ác nhưng luôn mở lòng với mọi người, với cuộc sống nhân sinh.

Thu hòa - Đinh Hiền
.
.
.