Vị tướng miền sông nước

Chủ Nhật, 08/05/2016, 15:12
Hỏi thăm thiếu tướng Đỗ Việt Thắng, nguyên giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, một người chỉ ra chiếc xe tải nói: "Ổng đang rửa xe ngoài đó". Tôi ngỡ ngàng khi thấy một vị tướng Công an lừng lẫy miền sông nước một thời lại giản dị, chân quê như vậy. Mở chiếc khẩu trang ra, phủi bụi tấm áo lấm lem dầu nhớt, ông cười, nụ cười, giọng nói đúng chất nam Bộ: "Mình nghỉ hưu thì cũng là một người dân bình thường, cũng phải lao động để sống chứ".


Nghiệp vụ… gần dân

Ra trường năm 1979, Đỗ Việt Thắng về công tác tại tỉnh Minh Hải. Vào thời điểm đó, Minh Hải chỉ có một mình Đỗ Việt Thắng là sĩ quan tốt nghiệp đại học chính quy. Ông tự thấy mình là người may mắn, nên ngay từ những ngày đầu, chiến sĩ trẻ Đỗ Việt Thắng đã xông xáo lao vào công việc. Năm 1997, Bạc Liêu tách tỉnh, ông được điều động về làm phó giám đốc phụ trách an ninh, tình báo. Năm 2000, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu và vẫn tiếp tục phụ trách mảng tình báo.

Một số vụ án lớn được ông chỉ đạo giải quyết triệt để, điển hình như vụ chạy điểm trong giáo dục, đường dây cò sổ đỏ, cờ bạc số đề… Về an ninh trật tự, ông chỉ đạo đấu tranh triệt phá nhiều băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen, có vũ khí nóng. Để làm được điều đó, bản thân thiếu tướng Đỗ Việt Thắng đã trở thành "chiến sĩ dân vận" trong lòng dân. 

Trong đồng bào Khmer, ông tìm cách giáo dục, lôi kéo, chuyển hóa tư tưởng cho họ, ngăn chặn triệt để sự tác động từ các thế lực thù địch bên ngoài. Do là gốc tình báo, ông rất nhạy bén trong việc này. Chỉ cần "rục rịch" từ xa là ông đã có biện pháp giải quyết, vừa khôn khéo vừa khiến đối tượng nhụt chí vừa khiến chúng tâm phục khẩu phục. 

Cuối cùng, chính những đối tượng được ông cảm hóa lại trở thành những mắt xích quan trọng, trở thành "tai mắt" cho ông ở khắp nơi. Hỏi thiếu tướng Đỗ Việt Thắng, làm sao mà lấy được niềm tin và xây dựng được cơ sở khắp nơi như vậy? Ông cười, rất hiền từ và nói: "Bằng tình cảm thôi".

Thiếu tướng Đỗ Việt Thắng.

Bằng tình cảm, đơn cử là một lần ông đến thăm một nhà sư, trời thì nóng mà trong phòng không có một cây quạt. Ông bảo lính ra tiệm mua ngay cây quạt về cho nhà sư. Có lần ông tới thăm một ngôi chùa, thấy có bậc thềm sứt mẻ, ông gọi anh em đi mua ngay vài bao xi măng về trám lại. Lần khác đi vào vùng nông thôn ông thấy tấm tôn trên trần nhà của hộ dân bị thủng một lỗ, nắng xiên vào thì mưa chắc sẽ chảy xuống, ông ngoắc anh em đi ra ngoài vật liệu xây dựng mua tấm tôn về thay thế ngay và luôn. Sự tinh tế của người lãnh đạo, tạo cho người dân sự xúc cảm mạnh mẽ, từ đó, họ sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ vô điều kiện.

Nói là làm, làm ngay đó là phong cách xuống dân của thiếu tướng Đỗ Việt Thắng. Dân quý ông ở tính bình dị, chân chất, thương ông ở sự xông xáo, đội nắng, dầm mưa xuống với dân. Họ đã quen thuộc với hình ảnh một ông giám đốc Công an tỉnh thường xuyên chạy xe máy xuống địa bàn, kiểm tra tình hình an ninh trật tự, hỏi thăm đời sống của bà con. Trong đời làm an ninh của mình, tướng Thắng đúc kết được chân lý: Làm công tác vận động quần chúng là nền tảng có giá trị nhất của lực lượng Công an nhân dân. 

Cuộc thương thuyết xuyên đêm

Năm 2006, xảy ra vụ án giết người nổi đình nổi đám ở Bạc Liêu. Nội tình vụ án thì đơn giản, nhưng sau đó nổi lên thành vụ quan tài diễu phố với hàng chục nghìn người tham gia. Nạn nhân là con cháu gia đình cách mạng, do mâu thuận nên bị nhóm côn đồ đâm chết giữa đêm. Vụ việc diễn ra buổi tối, ít người nhìn thấy nên rất khó cho lực lượng công an thu thập chứng cứ, lấy lời khai. Quá trình điều tra, công an bắt nhóm thanh niên có liên quan. Ngày ra tòa, gia đình nạn nhân không đồng ý với bản án tòa xử nên đâm đơn khiếu nại khắp nơi.

Ngày 1-9-2006, cả trăm người tiến hành đào mộ, lấy quan tài mang đi diễu phố. Các lực lượng chức năng tỏa ra ngăn chặn nhưng không nổi người quá khích mang theo dao búa, hò hét vang trời. Đi đến đâu, có hàng trăm người hiếu kỳ khác bu theo thành một lực lượng lên tới hàng chục ngàn người. Họ tràn ra đường, diễu quan tài đến gần hội trường tỉnh ủy. 

Thời điểm ấy, Thiếu tướng Thắng đang họp trong hội trường. Đại diện chính quyền ra giải thích họ chửi bới cầm gậy gộc đuổi đánh, phải chạy vào. Tình thế sôi lên theo từng giờ, dòng người từ khắp nơi tụ tập, hùa theo la hét, đập phá. Phương án cuối cùng, tướng Thắng một mình đi ra. Nghe anh em báo lại, họ chuẩn bị axit, khói cay để tấn công nên ông đội một chiếc mũ bảo hiểm, đeo thêm kính che mắt, để nếu có bị đánh thì sẽ bảo vệ được cái đầu còn minh mẫn, bảo vệ được đôi mắt để nhìn, còn việc gãy xương, bể vai thì không sao. 

Thấy một người mặc sắc phục công an bước ra, nhóm người hùng hổ lao tới giơ gậy định vụt, tướng Thắng giơ tay lên: "Khoan khoan, muốn đánh thì để tôi nói vài câu đã rồi đánh". Dòng người khựng lại, dòm chiếc bảng tên trước ngực: Đỗ Việt Thắng, Giám đốc công an tỉnh, tất cả nhao lên: "Giám đốc đây rồi". Vậy là mọi bức xúc được đưa ra, hàng trăm câu hỏi dồn dập tới tấp về phía giám đốc. Ông bình tĩnh trả lời, khôn khéo vận động quần chúng, tuyên truyền, kết hợp bóc tách, giải tán từng nhóm đám đông. 

Trong quá trình thương thuyết, tướng Thắng đã kết nối trực tiếp với Bí thư tỉnh ủy qua điện thoại. Ông mở loa to, để đồng chí Bí thư tỉnh ủy nói chuyện với bà con. Khi tình hình ổn định, đám đông giải tán dần, các lực lượng khác cũng có mặt phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an. Cuối cùng chỉ còn những người chủ chốt ở lại, cuộc thương thảo diễn ra từ ba giờ chiều đến ba giờ sáng, anh em ở ngoài toát hết mồ hôi khi thấy thủ trưởng bước ra, còn ông thì nở một nụ cười thật tươi. 

Hỏi ông vào trong đấy nói gì, làm gì mà suốt đêm vậy? Ông cho biết: "Trước tiên là mình ghi nhận những bức xúc của họ, mình chân thành lắng nghe. Khi họ thấy mình nhiệt tình, có trách nhiệm xử lý vụ việc thì họ nghe mình nói. Mình nói bằng lý lẽ, bằng tình cảm, nhẹ nhàng nhưng cương quyết và có cả lời hứa nữa".

Những ngày nghỉ hưu, ông mới có thời gian ở bên cạnh vợ.

Năm 2004, giám đốc Đỗ Việt Thắng phát động phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ chiến sĩ thi đua đi học thêm vào buổi tốt, nâng cao trình độ, bậc học và trau dồi khả năng ngoại ngữ, tin học, học xong mang bằng về sẽ được trả lại tiền học phí và có thưởng. 

Mỗi người một thế mạnh, cứ thế phát huy, phong trào sôi nổi, lan rộng trong toàn lực lượng. Ai không có khả năng học thì làm năm việc tốt hoặc hiến máu 3 lần trong một năm, sẽ tương đương với phần thưởng được nâng một bậc lương. Ai có khả năng viết báo tỉnh, báo trung ương tuyên truyền cho lực lượng cũng được nhận giấy khen của giám đốc. 

Chỉ trong thời gian ngắn, trình độ của cán bộ chiến sĩ tiến bộ rõ rệt, đảm bảo đủ tiêu chuẩn trong công tác, đề bạt cán bộ sau này. Những người trước kia không biết tin học nay sử dụng thành thạo, mang lại hiệu quả cao trong công việc. Thiếu tướng Đỗ Việt Thắng cho biết: "Học tập sẽ nâng cao nhận thức cho mỗi người, từ đó giảm các thói hư tật xấu, hạn chế kỷ luật".

Năm 2013, thiếu tướng Đỗ Việt Thắng nhận quyết định nghỉ hưu. Lúc này, ông mới có thời gian cho vợ con. Ông lao vào những công việc thường nhật trong gia đình, phụ vợ buôn bán. Người dân trong khu chợ Phường 1, Tp. Bạc Liêu đã quen với hình ảnh một ông tướng công an nhễ nhại khuân vác những thùng bia, thùng nước ngọt, không còn xa lạ với việc ông lái xe tải chở hàng, xách từng xô nước rửa xe, nằm dưới gầm xe sửa chữa. Có hôm đi giao hàng gặp anh em công an tỉnh, ông cười xòa còn họ ái ngại mời thủ trưởng cũ của mình một cốc nước. 

Ông bảo: "Nhờ trời cho sức khỏe mới làm được. Gần ba năm nghỉ hưu mà vẫn chưa đi chơi được đâu, cứ tối mặt vào việc. Có đứa con gái duy nhất thì lấy chồng ở thành phố rồi, giờ hai vợ chồng phải làm thôi, làm vài năm nữa giao cho mấy đứa cháu thì mới rảnh rang được". 

Vợ ông, người phụ nữ "tuyên giáo" Trần Thị Thúy Ngơi cho đến lúc này vẫn lặng lẽ bên ông, âm thầm lo cho chồng. Bà bảo, ngày xưa vì khổ quá, chồng đi miết nên không dám sinh nhiều con. Bà vừa đi học, vừa địu con theo, vừa gồng gánh trăm công nghìn việc cho gia đinh. Chồng không giúp gì được cho vợ con, nhưng trong tâm khảm, bà luôn cảm thấy hạnh phúc vì có người chồng là một chiến sĩ công an yêu nghề, say nghiệp.

Ngọc Thiện
.
.
.