Y đức người thầy công an trong con mắt bệnh nhân

Thứ Tư, 26/03/2014, 10:43

Năm 2013, vấn đề y đức được coi là một trong những tiêu điểm “nóng”. Nhưng xen giữa những gam màu tối đang lẩn khuất trong bức tranh ấy vẫn còn rất nhiều điểm sáng – những địa chỉ đó để người bệnh tin tưởng tìm đến. Sẽ là khách quan nhất khi để chính bệnh nhân nhận xét về y đức của những người đã và đang điều trị cho họ. 

Đã 6 năm nay, tháng nào cũng vậy, anh Phạm Văn Đạt ở Xuân Ninh, Xuân Trường đều đặn tuần 3 lần bắt xe từ sáng sớm lên Nam Định. Trước đây, khi bệnh xá Công an tỉnh Nam Định (nay là Bệnh viện Đa khoa) chưa có phòng chạy thận nhân tạo, anh phải cất công lên tận Bệnh viện Bạch Mai. Mỗi lần lọc máu tốn kém gần 700 nghìn - một số tiền khá lớn ở thời điểm 9 năm trước, nhất là với người nông dân thuộc diện hộ nghèo như gia đình anh. Sau 2 tháng nằm viện với 24 lần lọc máu, anh chủ động xin về vì không đủ kinh phí trang trải tiền thuốc men, sinh hoạt ở một nơi đắt đỏ như Thủ đô.

Biết phòng chạy thận sau một thời gian chuẩn bị đã đi vào hoạt động, Bệnh viện Đa khoa Công an tỉnh lại thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác khám chữa bệnh, mọi người đều mừng cho anh và gia đình. Không còn phải đi lại xa xôi vất vả, cũng bớt đi phần nào mối lo kinh tế, với tấm thẻ bảo hiểm y tế dành cho người nghèo, giờ đây anh có thể lọc máu ở một cơ sở y tế gần nhà và phần lớn viện phí do bảo hiểm chi trả. 6 năm điều trị, với anh Đạt, bệnh viện này đã trở thành ngôi nhà thứ hai. Ân cần và tận tụy, các y bác sĩ ở đây vẫn ngày ngày chăm lo cho sức khỏe của anh cùng biết bao bệnh nhân khác. Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình, bệnh viện tạo điều kiện cho anh được lọc máu miễn phí tới 4 lần bằng nguồn trích từ quỹ tấm lòng nhân ái giúp đỡ bệnh nhân nghèo do chính cán bộ công nhân viên đóng góp, chi phí mỗi lần không dưới 2 triệu đồng.

Đ/c Phạm Thị Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Công an tỉnh Nam Định cùng tập thể y, bác sĩ trao tặng thuốc cho bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang chạy thận nhân tạo.

Dù khó nói ra nhưng sâu trong tâm tư, anh ơn các cán bộ y tế ở đây vô cùng bởi họ không chỉ dành cho anh nghĩa cử cao đẹp của người thầy thuốc Công an mà còn tiếp thêm nghị lực cho những bệnh nhân như anh trong cuộc chiến với tử thần để giành giật, kéo dài sự sống mà không hề mưu cầu bất kì tư lợi nào. Đây cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều người bệnh đã và đang điều trị tại bệnh viện này.

Nằm trên giường bệnh, khẽ nhăn mặt vì những cơn đau cứ liên tục kéo tới, bệnh nhân Nguyễn Mậu Phách - cán bộ Công an huyện Nam Trực cho chúng tôi biết, anh bị suy thận mãn tính, phải bắt đầu chạy thận nhân tạo chu kỳ từ cách đây 5 năm. Trong thời gian điều trị, anh được các y bác sĩ tạo điều kiện cho lọc máu định kỳ đầy đủ, một tháng 12 lần, đều đặn không bỏ ca nào. Không chỉ riêng anh – một cán bộ trong ngành mà ngay cả các bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khi đến đây khám chữa bệnh và điều trị đều đánh giá cao chất lượng phục vụ cũng như sự quan tâm của tập thể y bác sĩ đối với từng người bệnh.

Rời phòng chạy thận nhân tạo, chúng tôi có mặt ở Khoa Sản – phụ. Lúc này, các bác sĩ đang hối hả chuẩn bị cho một ca mổ phức tạp. Trong cuộc sống, khó có gì sánh bằng niềm hạnh phúc làm mẹ, nhưng song hành với nó là nỗi lo về những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình sinh nở. Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ tử vong sản phụ và trẻ sơ sinh do sự chủ quan, tắc trách của một số cán bộ làm công tác y tế đã khiến dư luận không khỏi hoang mang và phẫn nộ. Tìm một địa chỉ tin cậy để gửi gắm an nguy lúc vượt cạn là tâm tư chung của rất nhiều sản phụ và người thân. Chính thức đi vào hoạt động chưa lâu nhưng khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa Công an tỉnh Nam Định đã được rất nhiều người biết tiếng và tìm đến. Lí do không gì khác ngoài “thương hiệu” về y đức đã được bồi đắp và khẳng định trong suốt thời gian dài.

Nhà ở tận xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản nhưng “nghe mọi người bảo các bác sĩ ở đây rất nhiệt tình và nhẹ nhàng” nên ngay khi con gái có dấu hiệu chuyển dạ, bác Trần Thị Bé đã giục giã người nhà đưa sản phụ vào viện. Dù biết trước con gái mình sẽ phải mổ do trước đó đã sinh mổ cháu đầu lòng nhưng bác Bé và người nhà không hề lo lắng, phấn khởi chờ bế trên tay đứa cháu ngoại thứ hai. 

Cũng có kinh nghiệm lần thứ hai vượt cạn, chị Hoàng Thị Tuyết ở đường Trần Huy Liệu, TP Nam Định cho biết, bố chị thường xuyên đến Bệnh viện Đa khoa Công an tỉnh khám sức khỏe định kỳ. Về nhà, ông tư vấn ngay cho con nên vào đây sinh cháu. Sau đẻ chừng vài tiếng, chị Tuyết đã có thể tự đi lại, em bé rất ngoan và xinh xắn. Nhưng điều cho chị ấn tượng khác với lần sinh trước là khi hai mẹ con được chuyển về buồng nằm, dù đã nửa đêm nhưng bác sĩ trực vẫn rẽ qua kiểm tra tình trạng sức khỏe và hỏi thăm sản phụ. Chỉ một hành động quan tâm ân cần của nữ bác sĩ ấy đã tiếp thêm cho chị biết bao sức mạnh sau những giờ phút vượt cạn nhọc nhằn, giúp chị có cái nhìn thiện cảm và vững tin hơn vào y đức người thầy thuốc trong cuộc sống hôm nay.

Có thể nói, sản phụ dù sinh thường hay sinh mổ, dù là ca dễ hay khó, bệnh nhân và người nhà của họ cũng đều đặt trọn niềm tin vào các y bác sĩ ở đây. Mỗi em bé chào đời an toàn, mỗi bà mẹ vượt cạn thành công, hạnh phúc vỡ òa trên gương mặt người thân đang đứng chờ bên ngoài cánh cửa phòng đẻ - tất cả đều trở thành niềm vui mà nghề nghiệp cao quý này mang lại cho họ - những lương y, những thầy thuốc Công an nhân dân.

Số thuốc được mua từ nguồn trích quỹ nhân đạo do cán bộ, chiến sĩ bệnh viện quyên góp hằng tháng.

Ngay cả những cán bộ Công an cấp cao đã nghỉ hưu, có tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe ở những cơ sở y tế lớn hơn cũng xin chuyển về đây. Với họ, ngoài nghĩa tình đồng đội, những thuận lợi trong công tác khám chữa bệnh như đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình, giảm phiền hà, bớt số lần đi lại và thời gian chờ đợi cho bệnh nhân… cũng chính là lí do giúp họ tin tưởng vào lựa chọn của mình.

Trong lúc ngồi chờ đến lượt kiểm tra sức khỏe, bác Phạm Quốc Hùng - nguyên cán bộ Công an TP Nam Định tranh thủ chia sẻ với chúng tôi đánh giá của mình. Theo bác, thắng lợi lớn nhất của Bệnh viện Đa khoa Công an tỉnh không nằm ở việc mở rộng quy mô, nâng cấp khoa phòng, đẩy mạnh thực hiện kỹ thuật cao về lâm sàng hay đầu tư mới nhiều máy móc trang thiết bị hiện đại mà chính là yếu tố con người. Có một đội ngũ y bác sĩ tận tâm với nghề, bệnh viện sẽ có được niềm tin và sự tín nhiệm từ phía người bệnh.

Nói về đạo đức người thầy thuốc, không gì khách quan hơn là để chính những bệnh nhân của họ nêu lên ý kiến của cá nhân mình!

Ngọc Thương
.
.
.