Anh quản giáo trẻ và tình người miền biên viễn

Thứ Năm, 07/05/2015, 07:00
Dáng người nhanh nhẹn, nét mặt hồn hậu, hay cười, Long như “người lạ” của nghề quản giáo, ấy vậy mà với các phạm nhân ở trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên thì anh còn thân thiết hơn người thân của họ.

Từ anh lính rụt rè

Gặp Long vừa lúc anh đang tíu tít sắp đặt việc làm cho số phạm nhân có án lao động tại công trường xây dựng, giữa cái nắng đầu hè. Áo đẫm mồ hôi, Long bảo: “Bận lắm, chẳng có thời gian kể chuyện về mình đâu, phạm nhân có nhiều điều để nói hơn, vui buồn, bi hài, đủ cả”.

Tốt nghiêp trung cấp cảnh sát ngành quản lý trại giam, Phạm Hạ Long về Công an tỉnh Điện Biên công tác với nghề quản giáo từ đó đến nay, tính ra đã được 14 năm. Hơn chục năm lăn lộn trong nghề nhưng Long vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên được làm người “chỉ bảo” phạm nhân, đầy bỡ ngỡ ấy.

Long bảo ra trường mình mới 20 tuổi nên lần đầu tiếp xúc với phạm nhân thấy thực tế khác xa với những gì đã học trong trường quá. Đã đành rằng tâm lý đã được rèn luyện, kiến thức cũng trang bị đầy đủ nhưng trước những kẻ tội lỗi, khắp người xăm trổ, Long cũng thấy e ngại. Rồi anh cũng mất vài đêm không ngủ được, trăn trở khi nghe một phạm nhân vật vã kêu nghèo, than khổ cho dù không biết thực tế có đúng như vậy không.….Thậm chí anh còn miễn cưỡng tiếp xúc với phạm nhân nữ vì tâm lý ngần ngại của một thanh niên mới ra trường còn chưa kịp có lấy một mối tình vắt vai.

Đại úy Phạm Hạ Long

Nhưng rồi những bỡ ngỡ ban đầu ấy cũng nhanh chóng qua đi khi bên cạnh anh là sự giúp đỡ, dìu dắt của những đồng đội đi trước. Qua trao đổi, rút kinh nghiệm từ thực tế công việc đã giúp Hạ Long trưởng thành lên rất nhiều, không chỉ cho thấy anh là một quản giáo trẻ có tâm với nghề mà cũng rất hết lòng vì phạm nhân. 

Long tâm sự rằng đã là con người, nên đối xử với nhau bằng cái tình. Tình cảm sẽ hóa giải tất cả mọi hận thù, bi quan, tuyệt vọng, giúp người ta vượt qua ải tù tội để nhìn về một tương lai tươi sáng, hy vọng hơn. “Nhất là ở Điện Biên, người dân tộc là chủ yếu, họ ít học, trình độ dân trí thấp nên rất thiếu thốn tình cảm, nếu mình động viên đúng lúc, kịp thời thì công tác canh coi, quản lý, giáo dục sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều”, Long bật mí.

Rồi Long đưa ví dụ về việc cảm hóa tử tù Lò Văn Vinh, sinh năm 1985, trú tại bản Sư Lư 4, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, đối tượng phạm tội giết người, cướp tài sản, xảy ra đầu năm 2012.

Vinh là một con nghiện ma túy nặng, từ ngày biết mình nhiễm HIV nên tiêu cực, quay ra trả thù đời bằng cách thường xuyên trộm cắp, đe dọa người dân lương thiện để lấy tiền hút chích. Gia đình xa lánh, vợ con ruồng rẫy, chán đời Vinh bỏ nhà đi lang thang rồi gây ra cái chết đau đớn cho anh Trần Văn Đoài, sinh năm 1972, trú tại Bản Phủ, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên).

Hôm đó là ngày 3/2/2012, anh Đoài được anh trai là Trần Xuân Đỗ nhờ cầm tiền lên Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, mua trâu theo sự giới thiệu của một người đàn ông. Người đàn ông môi giới ấy chính là Vinh, vì biết anh Đỗ có nhiều tiền từ nghề buôn bán trâu bò nên đã nảy sinh ý định cướp của. Anh ta gọi điện thoại cho anh Đỗ, hẹn bán trâu song người chết thay lại là anh Đoài.

Sau khi giết anh Đoài, cướp đi số tiền mấy chục triệu đồng của người đàn ông này, Vinh đem đi hút hít, vài ngày sau thì bị bắt khi đang lẩn trốn tại lán nương cách bản Sư Lư 500 m. Với hành vi giết người man rợ và cướp tài sản, Vinh bị kết án tử hình.

Và những câu chuyện cảm động về tình người lính miền biên viễn

Những ngày trong phòng biệt giam, Vinh luôn cảm thấy bế tắc bởi cuộc sống của anh ta không những đã được định đoạt từ căn bệnh thế kỷ, giờ càng bi quan hơn với bản án tử hình. Đã thế từ ngày bị bắt giam, gia đình không một ai lên thăm, ngay cả ngày Vinh hầu tòa, người nhà cũng không tới dự, không gửi cho bất cứ một chút quà nào chứng tỏ còn nhớ đến kẻ sát nhân nghiện ngập này. Không giống những kẻ tù tội chán đời khác, buồn bực, bi quan là đập phá, la hét, Vinh chỉ lặng lẽ ngồi một góc, nét mặt lúc nào cũng suy tư như đang ngẫm nghĩ điều gì đó.

Qua tiếp xúc, qua khẩu phần ăn uống mà Vinh lúc nào cũng để thừa, nét mặt lúc nào cũng lạnh băng của anh ta nhưng đôi mắt thì luôn ngó nghiêng, …bằng linh cảm, quản giáo Long nhận thấy tử tù này tâm trạng có sự bất ổn. Bằng những lời động viên chân tình và những cử chỉ thân thiện, đầy tình nghĩa như mua thêm thức ăn cho Vinh, đưa anh ta vào trạm xá khám bệnh, xin thuốc, quản giáo Long đã khiến kẻ tưởng như chai sạn với cuộc đời rơi nước mắt.

Vinh xúc động bảo từ ngày dính nghiện đến giờ luôn cảm thấy cô đơn, sống trong sự hắt hủi, ghẻ lạnh của người đời, không ngờ khi bước chân vào chỗ tưởng như chẳng thể quay đầu nhìn lại, vẫn có người quan tâm tới mình. Vinh tâm sự từ lúc chưa có án đến khi vào phòng biệt giam, lúc nào trong đầu cũng chỉ có một suy nghĩ tìm cách tự sát. Chính vì thế mà ở đâu, buồng giam nào, anh ta cũng để ý xem có cánh cửa sổ nào nứt, có thể cạy được mảnh gỗ nhỏ hay có bản lề cửa nào bong ra không để cậy, lấy làm hung khí tự sát.

Từ ngày được quản giáo quan tâm, được uống thuốc thường xuyên, Vinh đã yên tâm hơn, không còn tư tưởng muốn chết nữa và đôi lần đi qua, quản giáo Long còn nghe thấy anh ta khe khẽ hát. Tuy nhiên, theo quản giáo Long thì đó là một diễn biến đáng mừng nhưng với cương vị của một quản giáo thì vẫn phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác bởi tâm lý can phạm chưa thành án luôn bất thường và hay giao động. Họ có thể vừa chuyện trò vui vẻ, ấy vậy mà khi quản giáo quay lưng, chỉ vài phút sau đã thấy mếu máo, tư tưởng bất an chỉ vì một câu lỡ lời hay đùa ác ý của bạn cùng buồng về tội danh của mình.

“Cũng là nghề quản giáo nhưng đặc thù công việc của chúng tôi ở trại tạm giam khác xa so với các quản giáo ở các trại giam bởi ở các trại cải tạo, những kẻ lầm đường lạc lối này đã có mức án, dù ít nhiều tư tưởng cũng yên tâm hơn những kẻ đang chờ ngày ra trước vành móng ngựa. Đấy là chưa kể một số kẻ phạm tội, trình độ hiểu biết rất hạn chế, không có tí chút kiến thức về pháp luật nào nên khi vào đây, nghe các bạn cùng buồng giam “tuyên án”, “luận tội” là sợ đến nỗi chỉ muốn chết. Chính vì thế mà quản giáo ở các trại tạm giam ngoài chức năng giáo dục thì công tác canh coi là quan trọng nhất”, Long tâm sự.

Đại úy Long cùng anh em trong đơn vị tặng quà một can phạm có hoàn cảnh khó khăn.

Theo Long thì so với các can phạm nhân ở các tỉnh đồng bằng, những kẻ tội lỗi ở vùng cao cũng lành hơn nhưng canh coi, quản lý, giáo dục học chẳng hề đơn giản chút nào bởi họ rất trọng chữ tín, đã thề thốt, hứa hẹn rồi thì hiếm khi khai ra những điều đã biết trừ phi “mình để họ thấy mình thực lòng với họ”.

Hỏi Long giờ còn ngại tiếp xúc với phạm nhân nữ không, anh cười hiền, đôi tai đỏ lựng. Anh bảo 14 năm làm nghề này, tiếp xúc với rất nhiều phạm nhân nữ nên không chỉ quen với nghề mà anh còn đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm trong công tác canh coi, giáo dục can phạm nữ mà gần đây nhất là việc giáo dục can phạm Lầu Thị Xay, sinh năm 1994, can tội giết người, ở huyện Điện Biên Đông.

Xay là một phụ nữ Mông, sinh ra và lớn lên ở Điện Biên Đông, nơi đặc sản nhiều nhất là cây lá ngón nên mỗi năm số người tự tử bằng lá ngón bao giờ cũng lên tới hàng chục. Sau khi lấy chồng, Xay về Thanh Nưa, huyện Điện Biên sinh sống bằng nghề đi nương, làm rẫy. Nhà nghèo, không xinh xắn lắm nhưng Xay là một phụ nữ chăm chỉ, hiền lành và hết mực yêu thương chồng con thế nhưng tình cảm không thể làm đầy bình rượu cho chồng uống nên dù đã có 2 con cả trai, cả gái, chồng Xay vẫn bỏ nhà đi.

Trớ trêu thay, người mà anh ta tìm làm bạn kết tóc lại là một phụ nữ cùng bản, hơn cả tuổi Xay khiến cho người phụ nữ chưa qua tuổi đôi mươi nhưng đã có 2 con như Xay cảm thấy tuyệt vọng. Gọi chồng về không được, Xay nghĩ rằng nếu mình chết đi sẽ buộc anh chồng phải ân hận suốt đời nên đã tâm sự cùng lá ngón. Vì không muốn 2 con phải khổ nên Xay đã dụ các con cùng ăn lá ngón với mình thế nhưng chỉ có 2 đứa trẻ thiệt mạng còn Xay may mắn được đưa lên trạm xá kịp thời nên thoát chết.

Bị bắt giam vì tội giết người, những ngày chờ hầu tòa, Xay luôn trong tâm trạng bi quan chán nản, lúc nào cũng chỉ nghĩ tới cái chết. Với các quản giáo ở trại tạm giam, không có gì cực bằng việc phải canh coi những người chỉ chăm chăm tìm cái chết vì không còn thiết tha với cuộc sống. Thế nên khi tiếp nhận đối tượng Xay, những dòng lý lịch về chị ta khiến quản giáo Long rất suy nghĩ.

Lớn lên ở Điện Biên, Long cũng biết chút ít tiếng Mông nên ngay từ khi Xay vào trại tạm giam, anh đã tận dụng ngay ưu thế của mình để gặp gỡ Xay, lựa lời động viên, khuyên nhủ. Biết Xay nhà nghèo, từ khi gây ra cái chết của con, không được người nhà quan tâm, thăm non, quản giáo Long đã trích tiền lương của mình, mua cho người phụ nữ bất hạnh ấy từ sợi chỉ, viên thuốc, tới tấm áo len mặc cho đỡ lạnh. Ngày nào anh cũng qua buồng tạm giam Xay, hỏi han tình hình sức khỏe, động viên can phạm này ăn uống, giữ ấm người kẻo lạnh,…

Những lời thăm hỏi thường xuyên, chân tình của Long đã khiến Xay từ chỗ không thiết tha gì chuyện ăn uống, đến hỏi chuyện cũng chẳng mấy khi mở lời, giờ tư tưởng đã bớt bi quan hơn. Xay đã chịu ăn uống, đã nói chuyện với các bạn cùng buồng, khi thấy quản giáo Long tới, nét mặt đã vui vẻ hơn và điều quan trọng hơn cả là Xay không còn nghĩ tới cái chết nữa.

“Quả đúng là ngày mới ra trường, tôi ngại nhất là tiếp xúc với can phạm nữ nhưng giờ thì lại cám ơn lãnh đạo ngày đó đã giao việc cho tôi canh coi phạm nữ, vì họ mà giờ tôi đã có vợ”, Long cười, nét mặt hân hoan của một người vừa lên chức bố mới được mấy ngày.

Tâm lý “coi tù” đã khiến Long khó trò chuyện cởi mở với các bạn gái và đó chính là lý do khiến anh chật vật trong chuyện tình cảm. Khi tiếp xúc với can phạm nữ, quá trình đi sâu tìm hiểu về cuộc đời họ đã khiến anh có cái nhìn đầy đủ hơn về người khác giới nên khi có người yêu, anh đã rất thẳng thắn về nghề nghiệp của mình, không còn ngại ngùng như trước đây.

Sự thành thật, chân thành của anh đã khiến vợ anh bây giờ, khi đó còn là cô sinh viên trường bưu chính viễn thông mến phục và kết quả là sau 3 năm đưa đón, thề thốt, họ đã cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Long bảo vợ mới sinh con, việc làm thì chưa có nên cuộc sống còn rất khó khăn vất vả nhưng niềm an ủi lớn nhất đối với anh là lấy được một người vợ hiểu mình, chẳng bao giờ giận dỗi khi thấy chồng thi thoảng mới về nhà.

“Thậm chí ngày cô ấy sinh con, tôi đang dở việc cơ quan, chỉ kịp nhắn tin động viên vợ, ấy thế mà vừa sinh con xong, cô ấy đã nhắn tin chúc mừng tôi. Người khác thì có thể nghĩ vợ tôi đang hờn mát nhưng tôi thì nghĩ vợ mình đang động viên mình, phải cố gắng với sự tin tưởng của cô ấy”, Long thành thật, cố lờ đi câu hỏi của tôi đề cập tới việc vừa được đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm đội trưởng đội quản giáo, chỉ có chiếc cầu vai đeo lon đại úy là lấp lánh, không thể giấu giếm.

Lam Ha
.
.
.