Đội Cảnh sát giao thông số 4:

Dầm mưa dãi nắng vì người dân và những việc làm tốt ngại nói ra

Thứ Năm, 05/11/2015, 10:00
Nhắc đến CSGT, bấy lâu nay chúng ta luôn nghĩ, họ chỉ có biết phạt lỗi người đi đường, ngoài ra không còn được việc gì khác đáng để nêu gương hay tuyên dương. Tuy nhiên, đó chỉ là những suy nghĩ hời hợt, chưa thấy được chiều sâu xa. Về Đội Cảnh sát giao thông số 4 (827 Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chúng tôi càng hiểu rõ hơn về công việc của họ. Phía sau những gì chúng ta thấy là cả một sự vất vả, dầm mưa dãi nắng, cũng như hết mình với người dân mà những chiến sĩ này ngại ngùng khi chia sẻ.

Dầm mưa dãi nắng cũng vì người dân 

Đội Cảnh sát giao thông số 4 trước đây có trụ sở tại nhà H1 (Khu đô thị Đền Lừ - Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội). Hiện nay, Đội có trụ sở mới tại số 827 Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng). Việc đảm bảo về mặt tổ chức lực lượng, hậu cần đã góp phần giúp cán bộ chiến sĩ trong đơn vị yên tâm công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Được biết, trên địa bàn thường xuyên diễn ra nhiều sự kiện văn hóa văn nghệ, nhiều hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đoàn khách quốc tế.

Đặc biệt, trên địa bàn có nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông thường xuyên tổ chức lễ tang cấp cao của các đồng chí lãnh đạo, đơn vị có nhiệm vụ bố trí lực lượng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Không những thế, trên địa bàn quận cũng là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, các trường tiểu học, mẫu giáo, bệnh viện, trung tâm y tế... đây là những nơi được coi là gây ảnh hưởng lớn đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là ở các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Tai – Mũi – Họng...

Đó là chưa kể đến vào những ngày lễ lớn cũng như vào ngày tết, lưu lượng người tham gia giao thông và các phương tiện tăng cao, nhất là tại bến xe Lương Yên và các trung tâm thương mại khác... Nói qua để thấy rằng, địa bàn mà Đội Cảnh sát giao thông số 4 đảm trách không hề nhỏ cũng như không hề “yên lặng” chút nào. Từ lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông, nếu như không có sự điều tiết hợp lý của những Cảnh sát giao thông thì mọi việc sẽ trở nên khó khăn như thế nào.

Như chúng ta đã biết, tại các con đường ở gần bệnh viện và trường học không lúc nào là được “yên nghỉ”. Lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông liên tục tăng cao. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và quyết tâm không để cho đường ùn tắc cũng như không để xảy ra lỗi vi phạm giao thông, các chiến sĩ Cảnh sát giao thông Đội 4 luôn có mặt kịp thời tại các điểm trên cũng như ở nhiều điểm “nóng” khác.

Thiếu tá Huấn (thứ 3 từ trái sang) tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Thiện.

Kể về những gì mà Đội 4 đã làm được trong những năm qua, Thiếu tá Nguyễn Đức Huấn (SN 1977, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 4) chỉ cười trừ rồi nói: “Là người Cảnh sát giao thông, chúng tôi chỉ có mong mỏi duy nhất là làm sao cho mỗi tuyến phố, tuyến đường được thông thoáng. Người dân và phương tiện tham gia giao thông được an toàn tuyệt đối nhất. Trong những năm qua, chúng tôi đã dành toàn bộ tâm huyết và công sức ra để phục vụ tốt nhất cho người dân. Với những người làm nhiệm vụ như chúng tôi, ai cũng phải đặt nhiệm vụ vì dân lên hàng đầu. Nếu không có được suy nghĩ này thì thật khó mà làm được Cảnh sát giao thông”.

Thiếu tá Huấn cũng cho biết, để thực hiện tốt công việc, đơn vị đã phân công, bố trí lực lượng chỉ huy điều khiển giao thông khoa học, hợp lý đáp ứng được tình hình giao thông trên địa bàn với nhiều chốt, ca, kíp trực. Đặc biệt là sự có mặt của các chốt nữ Cảnh sát giao thông. Đây được coi như là những “bóng hồng” làm “giải nhiệt” nhanh nhất vào những ngày mùa hè nóng bức, với lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao đến chóng mặt.

Thiếu tá Huấn tâm sự: “Không phải ai cũng thích ra đường đứng vào những buổi trưa nắng rát, hầm hập sức nóng của mặt đường phả lên, cũng như những hôm lạnh giá rét, mưa gió bão bùng. Những chiến sĩ Cảnh sát giao thông chúng tôi làm được điều này, tất cả cũng vì người dân. Không vì người dân thì làm sao mà chúng tôi có thể dầm mưa dãi nắng, đứng phân làn đường giao thông, trong khi mọi người cứ cố nhanh chóng được về nhà, còn chúng tôi, đến khi nào đường thông, hè thoáng mới được quay về với ngôi nhà bé nhỏ của mình”.

Thiếu tá Huấn cũng chia sẻ, nghề Cảnh sát giao thông cũng như bao nghề khác, cũng có vui có buồn. Niềm vui lớn mà Thiếu tá Huấn và các chiến sĩ Cảnh sát giao thông có được là vào những hôm đường phố, vỉa hẻ được thông thoáng, người dân không phải khó chịu với cảnh ùn tắc kéo dài cũng như không xảy ra trường hợp tai nạn giao thông nào. 

Mỗi ngày làm việc của những người Cảnh sát giao thông bắt đầu từ sáng sớm, khi mặt trời còn chưa thức giấc hẳn. Sau đó là chuỗi thời gian xử lý vi phạm tại đơn vị, cũng như đứng tại các chốt trọng điểm phân làn đường giao thông. Không kể thời tiết, mà đối với những người Cảnh sát giao thông, chuyện thời tiết là chuyện bình thường, mưa hay nắng là chuyện mặc nhiên đã rồi. Bởi dù thời tiết có thế nào thì họ cũng phái đứng chốt, làm tiêu tại các điểm “nóng” giao thông. Chỉ với chiếc mũ kê-pi, bộ quần áo vàng mỏng và trên đầu là chiếc ô nhỏ, họ phải thật chịu khó và yêu nghề lắm mới đứng được ở ngoài đường để làm cái công việc mà ai cũng... ngại.

Với những nam Cảnh sát giao thông, thì việc “đứng đường” có thể chấp nhận được, chứ những nữ cảnh sát thì phải nói thật sự yêu nghề và hết mình với người dân mới có thể làm được. Trong khi nhiều phụ nữ phải phủ kín mặt và tay chân khi đi ra đường, còn những nữ cảnh sát không có gì ngoài những cảnh phục như của nam Cảnh sát giao thông. Họ đứng đó, dưới cái nắng khủng khiếp như thiêu như đốt. Họ đứng đó, dưới những cơn mưa phùn lạnh thấu da thịt. Họ liên tục ra hiệu lệnh để làm sao các phương tiện tham gia giao thông được qua một cách nhanh nhất mà không gây ùn tắc.

Họ không dám đi tìm cho mình một chỗ râm mát, cũng như càng không được thoái lui vào những giờ cao điểm. Nếu để ý tại các chốt như Đại Cồ Việt - Giải Phóng và Đại Cồ Việt - Phố Huế, chúng tôi càng hiểu rõ hơn những vất vả mà các nữ Cảnh sát giao thông Đội 4 phải trải qua. Đó là những trọng điểm giao thông cần những nữ chiến sĩ Cảnh sát giao thông nhanh nhẹn, khéo léo và những năm qua, họ đã làm tốt công việc được giao. Từ xa để ý, thi thoảng mới thấy những nữ Cảnh sát lấy tay lau nhẹ những giọt mồ hôi dính bụi đường và khói xe, khi dòng người vãn bớt; sau đó, ngay lập tức, họ lại bắt đầu công việc khó nhọc của mình.

Nói thêm về công việc vất vả, Thiếu tá Huấn kể: “Vào những buổi trưa nắng, mùi khói, mùi xăng hòa lẫn với bụi đường khiến người tham gia giao thông đeo khẩu trang còn phải khó chịu, nhíu mày, nhăn mặt, trong khi đó những chiến sĩ Cảnh sát giao thông phải “hít hà” không khí này, không được quên nhiệm vụ của mình. Tại các trọng điểm giao thông mà đơn vị quản lý thì tại tuyến đường từ cầu Vĩnh Tuy đổ xuống cầu Mai Động, với chiều dài khoảng 1km, nhưng có nhiều xe trọng tải lớn, chỉ cần 2 chiếc xe như vậy mà tránh nhau không khéo sẽ gây ra ùn tác cục bộ, kéo dài. Làm nhiệm vụ ở vị trí này, ngoài yếu tố kinh nghiệm, khả năng phán đoán, xử lý tình huống phát sinh, người Cảnh sát giao thông phải có sức khỏe hơn người, chịu được cường độ, áp lực cao”.

Chấp hành tốt Luật Giao thông là tự rèn luyện ý thức

Lâu nay, khi nói về Cảnh sát giao thông, người dân có vẻ không được thiện cảm lắm. Thực ra đây là tâm lý tự nhiên của con người, khi những người tham gia giao thông vi phạm, bị những chiến sĩ Cảnh sát giao thông trực tiếp phạt lỗi, lập biên bản. Việc làm này ngay lập tức đã ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Hàng ngày, sự việc lại diễn ra thường xuyên, nên không tránh được người dân mất dần thiện cảm với Cảnh sát giao thông.

Tuy nhiên, khi mình mắc lỗi có người nhắc nhở, phạt lỗi thì mình mới nhớ mà tránh được. Có người nhiều lần phạm lỗi nhưng lần sau vẫn “y như cũ”. Họ không thể ngờ được rằng, việc phạm lỗi khi tham gia giao thông là vô cùng nguy hiểm. Không những gây đau thương cho bản thân, gia đình mình mà còn nếu chẳng may, có thể gây ra nhiều đau khổ khác cho người đi đường. Tại sao chúng ta không ý thức được điều này để chấp hành Luật Giao thông tốt hơn, để từ đó không bị phạt lỗi.

Trong nhiều lỗi mà người tham gia giao thông mắc phải, có một lỗi rất hay thường gặp, đó là vượt đèn đỏ. Tại sao chúng ta không đợi cho hết mấy chục giây, đến đèn xanh để chạy. Nếu vượt đèn đỏ, một điều rất nguy hiểm là những người ở bên kia đường đang chạy một cách thoải mái nhất khi đang có tín hiệu đèn xanh, không để ý đến những người bên kia đường, lại có người vượt đèn đỏ, không chú ý nên rất dễ gây tai nạn.

Chúng ta có thể mất cả tiếng đồng hồ để nhâm nhi cà phê, để “trà đá chém gió”, thế mà không đợi được mấy chục giây đèn đỏ. Có một gợi ý rằng, nếu bạn cảm thấy nhàm chán khi phải đợi mấy chục giây đèn đỏ, thì bạn nên giành thời gian này để cầu an cho ai đó, hay những giây này có thể giúp bạn thư thả đầu óc sau quãng đường chạy với tốc độ cao, căng thẳng khi mình luôn tập trung cao độ để chạy làm sao không va vào người khác.

Nói về điều này, Thiếu tá Huấn không khỏi buồn lòng. Anh cho rằng, thực ra tất cả là ở ý thức con người. Mỗi người hãy tự nâng cao ý thức khi chấp hành tham gia giao thông, có như vậy chúng ta mới giảm thiểu được tai nạn giao thông, cũng như tránh được nhiều lần tắc đường cục bộ. Chỉ cần mỗi người biết tự nhường nhịn trong giờ cao điểm, không chen lấn, phóng nhanh vượt ẩu thì mọi việc sẽ được giải quyết rất dễ dàng. Qua đó, Thiếu tá Huấn cũng cho biết, mỗi người tham gia giao thông chấp hành luật tốt cũng có thể được coi như người đó đã tự rèn luyện ý thức tốt cho bản thân mình.

Nhiều việc làm ý nghĩa, nhân văn

Mặc dù nhiều năm qua, Đội Cảnh sát giao thông số 4 đã làm được rất nhiều việc tốt cho người dân, nhưng khi tâm sự về những chuyện này, Thiếu tá Huấn tỏ ra ngại ngùng. Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 4 cho biết, mọi việc làm của các chiến sĩ Cảnh sát giao thông là công việc phải làm nên không cần phải tuyên dương, ca ngợi gì. Sau nhiều lần trao đổi, cuối cùng Thiếu tá Huấn cũng cho chúng tôi biết về những việc làm ý nghĩa, nhân văn mà Đội 4 đã làm được.

Trong rất nhiều việc làm ý nghĩa đó, đáng chú ý với việc làm vào tháng 2/2015. Đó là việc cụ bà Trịnh Thị Lâm (68 tuổi) đã đi lạc khỏi nhà vào trưa ngày 10/2/2015. Các chiến sĩ Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ thấy một cụ bà có vẻ bối rối khi qua đường. Thấy vậy nên một Cảnh sát giao thông đã lại dìu bà cụ rồi sau đó gặng hỏi địa chỉ nhà. Do tuổi cao bị lẫn nên bà cụ được đưa về Đội 4 để hỏi thăm tình hình. Đến khoảng trưa ngày hôm sau (tức ngày 11/2), chị Lê Thị Thắm (con gái của bà Lâm) đã đến Đội 4 đưa mẹ về nhà. 

Để thể hiện lòng biết ơn với các chiến sĩ Cảnh sát giao thông Đội 4, chị Thắm đã viết thư cảm ơn. Trong thư, chị Thắm không khỏi xúc động và không giấu nổi vẻ sung sướng khi mẹ mình đã được trở về nhà bình an vô sự với sự giúp đỡ tận tình của các chiến sĩ Cảnh sát giao thông.

Thư cảm ơn Đội 4 của chị Lê Thị Thắm.

Thiếu úy Nguyễn Văn Khoái (SN 1989) vẫn còn nhớ như in vào khoảng 9h tối ngày 21/7/2015, lúc này anh đang làm nhiệm vụ cùng Thượng sỹ Nguyễn Quang Vinh (SN 1993) tại ngã tư Đại Cồ Việt – Giải Phóng thì bất ngờ thấy một nam sinh với vẻ mặt lo âu, sợ sệt, cứ đi loanh quanh lại gần chốt Cảnh sát giao thông. 

Cảm nhận được sự bất an từ cậu bé, Thượng úy Khoái và Thượng sỹ Vĩnh đã đi lại ân cần hỏi thăm tình hình thì được biết, em tên Trương Văn Vinh (SN 2001, trú tại Đội 2, thôn Xuân Đài, xã Lộc Tân, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Em Vinh cho hay, em đi đến nhà bác ở Nghệ An chơi, lúc lên xe về lại quê, không may ngủ quên nên để xe chạy ra tận bến xe Giáp Bát (Hà Nội) mới biết mình đã đi quá. 

Do lúc này trời đã tối muộn, nên em Vinh được các chiến sĩ Cảnh sát giao thông đưa về đội tắm giặt, ăn uống rồi xác minh thêm phần thân nhân. Sáng hôm sau, em Vinh đã được các chiến sĩ bắt xe đưa về, đồng thời hỗ trợ thêm tiền tàu xe đi lại cho em. Đây thật sự là việc làm cao cả, đáng được tôn vinh để mọi người được biết về hành động tốt đẹp của các chiến sĩ cảnh sát giao thông.

Cùng trong tháng 7/2015, cũng là một việc làm hết sức ý nghĩa của một chiến sĩ Cảnh sát giao thông Đội 4. Nói về việc làm này, Đại úy Nguyễn Trọng Đồng (SN 1979) còn nguyên sự xúc động. Đại úy Đồng cho biết, vào một ngày cuối tháng 7/2015, anh đi vào Bệnh viện Nhi Trung ương thăm con trai bị ốm, đang đi ở hành lang thì bất ngờ nghe tiếng hô cướp điện thoại từ người bảo vệ. 

Ngay lập tức, Đại úy Đồng đã cùng người bảo vệ vây bắt được tên trộm và bàn giao lại cho Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội). Qua lời khai ban đầu, đối tượng tên Đỗ Viết Trí (SN 1979, trú tại xóm 4, thôn Thượng, xã Điều Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). 

Trí khai nhận mình đã trộm cắp chiếc điện thoại của một người trong bệnh viện. Đối tượng cũng khai từng có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Việc làm của Đại úy Đồng là việc làm dũng cảm gan dạ mà không phải ai cũng làm được.

Một việc làm ý nghĩa khác vào đúng ngày mùng 2/9/2015 không thể không kể đến, nhân vật trong câu chuyện nhân văn dưới đây là Thiếu úy Nguyễn Duy Thanh. Thiếu úy Thanh xúc động kể lại, vào khoảng gần 10h tối ngày 2/9, anh cùng đồng đội nhận nhiệm vụ bảo vệ việc bắn pháo hoa – chống ùn tắc giao thông tại ngã tư Đại Cồ Việt – Giải Phóng. Trong lúc làm nhiệm vụ, Thiếu úy Thanh có nhặt được một chiếc một chiếc ví da màu nâu nằm cách bốt chỉ huy khoảng 5m, bên trong ví có 1 chứng minh nhân dân, 1 giấy phép lái xe môtô, 1 đăng ký xe môtô, 1 thẻ ATM AgriBank, tất cả đều mang tên Nguyễn Quang Vinh. Ngoài ra, trong ví còn có 10 triệu đồng tiền mặt.

Thiếu uý Nguyễn Duy Thanh, trao trả lại chiếc ví cho anh Nguyễn Quang Vinh.
Thư cảm ơn của anh Nguyễn Quang Vinh. 

Sau khi nhặt được chiếc ví, Thiếu úy Thanh đã cố gắng liên hệ với người làm mất nhưng không được, vì trong chiếc ví không có số điện thoại của anh Vinh. Do bận làm nhiệm vụ nên đến sáng ngày 3/9, Thiếu úy Thanh mới đến ngân hàng Agribank để tra cứu thông tin thì xác định được địa chỉ của chủ nhân chiếc ví. 

Đến ngày 4/9, anh Nguyễn Quang Vinh đã đến trụ sở Đội 4 nhận lại tài sản với niềm vui khôn tả. Đó là chưa kể đến những lần gần đây, Cảnh sát giao thông Đội 4 đã giúp đỡ một thanh niên quê Phú Thọ xuống Hà Nội bị lạc đường và một bé trai 5 tuổi đi lạc giữa đám đông không tìm được mẹ.

Hay một trong những hình ảnh đẹp gần đây nhất mà các chiến sĩ Cảnh sát giao thông để lại trong tim người dân là vào hồi đầu tháng 3/2015, hình ảnh Cảnh sát giao thông giúp dân khắc phục sự cố đổ dầu của xe ôtô con tại phố cầu Mai Động. 

Cảnh sát giao thông Đội 4 khắc phụ sự cố dầu đổ ở phố cầu Mai Động.

Trong ảnh, các chiến sĩ Cảnh sát giao thông Đội 4 đã rải đất cũng như cúi khom người quét sạch mặt đường đã để lại ấn tượng tốt trong lòng người dân. Ngoài ra, vừa qua, Cảnh sát giao thông Đội 4 còn tặng quà phụng dưỡng cho mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Thiện. Đó là ít trong số nhiều việc làm ý nghĩa mà các chiến sĩ Cảnh sát giao thông Đội 4 làm được trong những năm qua.

Tuy đã làm được nhiều việc ý nghĩa, nhân văn cao cả, nhưng khi nói thêm về Đội của mình, Thiếu tá Huấn khiêm tốn: “Chúng tôi còn phải làm nhiều việc hơn nữa để phục tốt nhất cho người dân. Đó là việc mà chúng tôi cần phải làm và phải làm tốt hơn nữa, chí ít là làm cho đường thông, hè thoáng, giảm thiểu tai nạn giao thông. Ngày nào mà đường phố còn ùn tắc cục bộ kéo dài, tai nạn giao thông xảy ra là ngày đó chúng tôi không sao yên lòng được”.

Vũ Đoàn
.
.
.