'Đầu bếp' của một chuyên án

Thứ Hai, 28/09/2015, 14:34
Không lâu sau ngày về công tác tại Đội 14 Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội, Trịnh Công Anh đã trở thành "cây công" của đơn vị này. Khác với số lính trẻ còn ngơ ngác khi mới vào nghề, chàng trai khôi ngô này tỏ ra thạo việc, như những cán bộ đã có thâm niên nhiều năm.
Trở thành trinh sát viên của Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội, Trung úy Trịnh Công Anh đã phát huy tốt năng lực sở trường của mình, góp phần quan trọng vào những trận đánh lớn của đơn vị, được ghi nhận bằng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cùng nhiều bằng khen do Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng.

Những ngày qua, người dân phấn khởi trước thông tin ổ nhóm đối tượng tạo lập 117 website giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị Đội Thương mại điện tử (Đội 4) - Phòng PC50- Công an TP Hà Nội bắt gọn. Với 9 trong tổng số 11 tên hacker bị bắt giữ và khởi tố, bước đầu chứng minh chúng có liên quan đến số tiền hơn 8 tỷ đồng, đây là một "trận đánh đẹp" của lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ - Công an Thủ đô. Ít ai biết rằng, người góp phần đắc lực "thiết kế" lên chiến thắng đó là một trinh sát viên còn rất trẻ và điển trai - Trung úy Trịnh Công Anh, cán bộ Đội 4. 

Thượng úy Nguyễn Minh Hiển - Phó Đội trưởng Đội 4 cho biết: "Từ tháng 7/2015, qua nắm tình hình, Đội 4 phát hiện có tới 117 website giả mạo, chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên Facebook. Thủ đoạn của chúng là sử dụng nhiều tài khoản Facebook, ứng dụng Garena, Zalo… để gửi tin nhắn (thông báo trúng thưởng giá trị lớn trong các chương trình tri ân khách hàng) đến các tài khoản Facebook khác. Mục đích để lôi kéo, dụ dỗ nhiều người truy cập vào các website giả mạo của mình.

Trung úy Trịnh Công Anh.

Chẳng hạn như: "Chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ chương trình Sự kiện vàng tri ân khách hàng. Phần thưởng của bạn bao gồm 01 xe máy Exciter 150 (có thể thay bằng SH, Liberty) kèm theo đó là 01 phiếu giá trị tiền mặt 200 triệu đồng (có thể thay bằng 75 hoặc 100 triệu đồng) và 01 phiếu đổ xăng miễn phí 1 năm trên toàn quốc của nhãn hàng Petrolimex trị giá 5.000.000 đồng. Bạn vui lòng truy cập vào trang website xxxxx (là tên website của đối tượng- PV) của chương trình để tiến hành làm thủ tục hồ sơ nhận giải…".

Khi khách vào website, chúng hướng dẫn liên hệ với "nhân viên chăm sóc khách hàng" của chương trình. "Hoa mắt" trước những mối lợi tưởng tượng, nhiều người đã bị "vào tròng". Đầu tiên, chúng yêu cầu khách gửi 3 mã thẻ điện thoại (5 trăm nghìn đồng/thẻ) để làm 3 "bộ hồ sơ" nhận giải. Tiếp theo chúng bảo khách gửi thêm từ 3 đến 8 triệu đồng để đóng thuế VAT hoặc phí vận chuyển hàng. Cuối cùng, chúng bảo khách gửi nốt 30 triệu đồng để nhận 6 mã số OTP của chương trình nhằm hoàn tất giải thưởng. Nhận tiền xong, chúng bẻ sim, vứt điện thoại đã liên lạc để xóa dấu vết.

Xét tính chất đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp của vụ án, Phòng PC50 đã báo cáo Ban Giám đốc Công an TP và được giao xác lập chuyên án để tổ chức đấu tranh triệt phá. Trực tiếp Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội là Trưởng ban chuyên án. Nhiệm vụ thư ký chuyên án được giao cho Trung úy Trịnh Công Anh đảm nhiệm. Sau một thời gian tập trung đấu tranh với nhiều biện pháp nghiệp vụ, đến đầu tháng 9/2015, chúng tôi tổ chức lực lượng tiến hành phá án, đồng loạt triệu tập, bắt giữ 9 đối tượng tại huyện Duy Xuyên, Quảng Nam".

Trong các chuyên án trinh sát, "chân" thư ký có vai trò quan trọng đặc biệt. Từ tất cả nguồn tin, tài liệu đã có, họ phải tính toán để xây dựng lên kế hoạch đấu tranh và chịu trách nhiệm triển khai. Đây là một việc rất khó, đòi hỏi người gánh vác nó phải rất "cứng" về nghề, nghĩa là có khả năng tổng hợp, phân tích và quy nạp tốt. Đồng thời không thể thiếu một cái đầu mưu lược. Việc Trịnh Công Anh được chọn cho trận đánh phức tạp này thể hiện sự tín nhiệm Ban chuyên án đối với anh.

 Trung úy Trịnh Công Anh hào hứng kể với tôi về hành trình bắt gọn băng nhóm lừa đảo: "Sau khi xác định được nhóm lừa đảo này đều trú tại thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên (Quảng Nam). Anh Hiển (Đội phó) lập tức dẫn quân vào xác minh. Vào đến nơi tìm hiểu mới biết chúng chuyên tập trung tại các quán net trong thị trấn, biến đây thành "trụ sở" để phát đi những thông tin lừa đảo. Hoạt động dưới sự "che chắn, bảo kê" của các chủ quán.

Đến giờ "làm việc", chủ quán đóng cửa và cảnh giới để chúng hoạt động bên trong. Quán có cửa "thoát hiểm" nếu có động. Nhóm này có hơn chục tên, chúng đều là dân "bay lắc", có rất nhiều tiền từ hoạt động lừa đảo. Cứ "đánh" xong vụ nào, cả bọn lại thuê xe 16 chỗ chạy ra TP Đà Nẵng để "ăn chơi nhảy múa". Bar Phương Đông là tụ điểm "đốt tiền" của cả bọn. Ở đây, chúng được chiều chuộng như VIP bởi cách tiêu tiền "không phải nghĩ".

Chơi chán, chúng lại tụ ở khách sạn nào đó để "đập đá", "bay lắc" - (sử dụng ma túy đá-PV). Quá trình điều nghiên ở thị trấn Nam Phước, bọn tôi phải thuê xe ôtô ở Đà Nẵng đeo biển số Quảng Nam để loại trừ mọi sự chú ý. Bởi chỉ cần gây ra bất kỳ một sự nghi ngờ dù là nhỏ nhất, kế hoạch sẽ bị đổ bể. Cái khó nhất của chuyên án này là các đối tượng quá ranh mãnh, cảnh giác. Sau mỗi vụ lừa đảo thành công, chúng đều bẻ sim rồi ném cùng máy điện thoại đã gọi cho khách xuống sông Thu Bồn.

Với lượng tiền lừa được rất lớn, có vụ chúng quẳng cả laptop xuống sông mà không chút "vấn vương". Thủ đoạn phạm tội cũng rất tinh vi. Dòng tiền lừa được của khách được "chảy zic zắc" trên hệ thống thanh toán trung gian Bảo Kim hoặc Vippay để xóa dấu vết. Tên Huỳnh Tấn Khoa, chủ quán Internet Newstar ở Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước chính là "đầu nậu" bao tiêu tất cả số thẻ cào điện thoại mà các đối tượng lừa được của người dân, rồi bán lại cho người khác.

Tên Huỳnh Tấn Khoa (chủ quán Internet Newstar ở Quảng Nam) bị bắt giữ.

Tài liệu xác định, từ tháng 11/2014 đến nay, Khoa đã được chuyển khoản số tiền 8,3 tỷ đồng (tương ứng 9 tỷ đồng tiền mã thẻ điện thoại). Sau khi củng cố chứng cứ, dựng quy luật hoạt động của Khoa, tổ công tác đã "mắc màn" tại cây ATM quen thuộc để chờ vợ chồng y. Đúng như dự đoán, Khoa đã bị "ốp êm" khi ra rút tiền khách mua thẻ chuyển khoản đến. Tại một địa điểm bí mật, cuộc đấu tranh với Khoa diễn ra quyết liệt, y đã phải khai về hệ thống chân rết lừa đảo trong thị trấn.

Những cuộc truy bắt sau đó được tiến hành khẩn trương, quyết liệt. Chỉ trong vòng vài ngày, 9 nghi can và 2 đối tượng liên quan đến các website lừa đảo đã sa lưới pháp luật. Hành trình trở về phát sinh thêm 11 "suất", lãnh đạo đơn vị bèn quyết "mạnh tay" cho tất cả đi máy bay để có mặt tại Hà Nội trong thời gian sớm nhất, phục vụ công tác điều tra. Ngày mai, anh lại đi Quảng Nam, bởi còn nhiều việc đang đợi trong đó".

Được biết, ngày 10-9-2015 cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam với 9 đối tượng về các hành vi "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" và "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".

11 đối tượng bị Đội 4 Phòng PC50, Công an TP Hà Nội triệu tập, bắt giữ trong chuyên án điều tra vụ tạo lập website giả mạo lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với một chuyên án có đông đối tượng tham gia, đều ở địa bàn tỉnh ngoài, gây án với những "chiêu thức" xảo quyệt và quá lọc lõi, nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng… thì không dễ dàng gì để một trinh sát trẻ được giao "cầm án". Với những công việc khó, chỉ huy luôn phải "chọn mặt gửi vàng".

Sự tín nhiệm của cấp trên với cách làm việc của Trung úy Trịnh Công Anh nảy sinh ngay từ khi anh còn là cậu nhân viên hợp đồng tạm tuyển tại Phòng CSHS Công an TP Hà Nội. Thượng tá Ngô Minh An (Phó trưởng Phòng PC50, nguyên Đội trưởng Đội 14- Phòng CSHS) cho biết, thời còn ở Đội 14, Công Anh đã là một khuôn mặt "sáng" trong Đội. "Có những trận cậu ta được đưa đi theo để học việc nhưng đã gây bất ngờ cho Ban chỉ huy, vì việc lấy lời khai nhân chứng, đấu tranh xét hỏi các nghi phạm của cậu ấy như một người đã có thâm niên trong nghề"- Thượng tá An kể.

Sự trưởng thành sớm ấy có căn nguyên của nó. Hỏi ra mới biết, gia đình Công Anh đã "3 đời" làm Công an. Ông nội anh là cụ Trịnh Kim Tú (bí danh Lê Toàn), nguyên Đại tá, Phó chỉ huy trưởng Cảnh sát - Công an TP Hà Nội. Bác Trịnh Kim Vân (bố đẻ của Công Anh) là lính hình sự số 7 Thiền Quang thiện chiến. Chưa hết, mẹ anh - Thượng tá Lê Kim Hằng, và Thiếu tá Trịnh Công Sơn - (anh trai) cũng là những cán bộ kỳ cựu tại Công an quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai, (Hà Nội). Thế nên mới có câu chuyện vui về gia đình này là cả nhà cùng… đi trực. 

Chính môi trường gia đình đã tạo cho Công Anh cơ hội để tiếp xúc rất sớm với hoạt động nghiệp vụ của ngành. Anh cho biết thuở nhỏ, thay vì đến nhà trẻ, nhiều lần anh được bố chở bằng "Xít đờ ca" lên cơ quan chơi. Cả ngày thơ thẩn xem các cô chú đồng nghiệp của bố mẹ lập hồ sơ hay đấu tranh xét hỏi đối tượng, rồi qua những câu chuyện trong bữa cơm gia đình, chất nghề đã "ngấm vào máu" lúc nào chẳng hay.

Giờ đây được công tác tại môi trường phù hợp với sở trường, với khả năng về công nghệ, lại cần cù, chịu khó, ham học hỏi, tin rằng Trung úy Công Anh sẽ tiếp tục gặt hái những thành công và có bước tiến xa trong nghề nghiệp.

Đào Trung Hiếu
.
.
.