Trung úy Nguyễn Văn An, Trại giam số 6 (Tổng cục VIII – Bộ Công an):

Đem yêu thương để gieo niềm tin hướng thiện cho phạm nhân

Thứ Hai, 23/03/2015, 09:05
Làm cán bộ quản giáo, trực tiếp quản lý, giáo dục và cảm hóa những phạm nhân đã từng có quá khứ lầm lỡ, trong đó không ít phạm nhân nhiều tiền án, tiền sự, được bóc tách và chuyển từ nhiều trại giam trong cả nước đến, bằng tình thương thực sự, anh đã tự tìm ra cho mình cách giáo dục, tiếp cận hợp lý, thấm đẫm tình người. Qua đó, giúp những phận đời lầm lỡ sớm nhận ra sai lầm của bản thân để tu tâm cải tạo tốt, mong sớm về lại với gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

Tâm sáng của cảnh sát quản giáo trẻ

Mặc dù còn rất trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề, song ở Phân trại số 1, Trại giam số 6 (Bộ Công an), đóng tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nhắc đến Trung úy Nguyễn Văn An, nhiều đồng nghiệp lẫn phạm nhân biết đến và nể trọng bởi cái tâm trong giáo dục và hướng nghiệp của mình. 33 tuổi đời và gần 6 năm tuổi nghề, phần lớn quãng thời gian của anh gắn với những “đứa con hư” trong đất trại hơn là gia đình nhỏ ở quê tại xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Tốt nghiệp Trung cấp CSND 1 năm 2009, Nguyễn Văn An được phân về công tác tại Phân trại số 1. Tại đây, An được phân công làm cán bộ quản giáo quản lý Đội 38 với 30 phạm nhân, công việc hằng ngày của Đội là làm mi mắt giả. Trong Đội có 4 phạm nhân mang án tù chung thân, 10 phạm nhân trên 15 năm tù giam, số còn lại là những phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự, ở nhiều độ tuổi khác nhau, trình độ dân trí còn hạn chế, gây khó khăn trong việc cảm hóa, giáo dục và cải tạo phạm nhân.

Trung úy Nguyễn Văn An chia sẻ, quan niệm của bản thân anh là không hẳn cứ phạm nhân đều là người xấu, mà trong khoảnh khắc nào đấy của đời người, do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến phạm tội vì không làm chủ được bản thân. Kể cả những phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự, anh vẫn tin rằng, có những uẩn khúc nào đấy khiến họ chưa thể quay đầu để hoàn lương. Chính bởi vậy, trong quá trình làm nhiệm vụ gieo niềm tin hướng thiện của mình, Trung úy Nguyễn Văn An đã luôn gần gũi, quan tâm và động viên phạm nhân để họ an tâm cải tạo.

Trung úy Nguyễn Văn An.

Bên cạnh đó, bản thân anh còn áp dụng phương pháp gặp gỡ riêng từng phạm nhân để tâm sự, hiểu rõ từng hoàn cảnh gia đình, lắng nghe chia sẻ của phạm nhân về cha mẹ, vợ con, để qua đó động viên, phân tích cho họ hiểu và trong phạm vi quy định pháp luật cho phép, anh đã giúp đỡ các phạm nhân vượt qua khó khăn, an tâm cải tạo. Qua trò chuyện, hiểu rõ được từng cá nhân có hoàn cảnh gia đình như thế nào, tâm sự chuyện vướng mắc, từ đó giữa phạm nhân và cán bộ quản giáo thân thiết và hiểu rõ nhau hơn.

Đội 38 mà Trung úy Nguyễn Văn An hiện đang quản lý có thành phần tương đối phức tạp, với nhiều tội danh khác nhau như giết người, ma túy, mại dâm. Độ tuổi cũng chênh lệch nhau, trong đó phạm nhân nhiều tuổi nhất sinh năm 1974 và phạm nhân ít tuổi nhất năm nay mới 20 tuổi. Trong số đó, có trên 10 phạm nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số, do nhận thức còn hạn chế dẫn đến việc bị rủ rê, dụ dỗ đi vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy.

Trong quá trình thụ án, nhiều người trong số họ không có người thân thăm nuôi dù chỉ một lần, trình độ cũng có hạn nên ngoài việc áp dụng phương pháp giáo dục riêng, Trung úy An còn ưu ái khi dành tình cảm đặc biệt cho họ bằng cách luôn quan tâm, ân cần hướng dẫn, chỉ đạo sát sao trong “cầm tay chỉ việc”, cũng như phân tích để họ thấy được lầm lỗi trong quá khứ, để từ đó an tâm cải tạo tốt hơn.

“Khắc tinh” của những phạm nhân chống đối

Với cái tâm trong sáng và tình yêu thương thực sự dành cho các phạm nhân của mình, trong những năm tháng đảm đương trách nhiệm của một cảnh sát quản giáo, đã có không ít những phạm nhân thuộc loại “cứng đầu” được Trung úy Nguyễn Văn An cảm hóa và giáo dục thay đổi, có ý chí phấn đấu cải tạo tốt hơn khi mới vào trại.

Đơn cử như trường hợp phạm nhân Trần Duy Minh (SN 1981), trú tại tỉnh Đồng Nai, ngoài việc đang chấp hành với bản án chung thân cho 2 tội danh mua bán trái phép chất ma túy và giết người, phạm nhân này còn nhiễm HIV. Năm 2005, Minh thi hành án tại Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), trong thời gian thi hành án tại đây đã 12 lần bị xử lý vì vi phạm kỉ luật trong trại giam.

Tháng 12/2013, Trần Duy Minh được bóc tách, chuyển về cải tạo tại Trại giam số 6, lao động cải tạo tại Đội 38 do Trung úy An phụ trách. Thời gian đầu, nhận thấy được sự bất mãn của phạm nhân Minh, không có ý thức để cải tạo, Trung úy Nguyễn Văn An đã trực tiếp gặp riêng phạm nhân để nói chuyện. Mặc dù Trần Duy Minh không mở lòng, song anh vẫn không nản chí, kiên trì động viên và phân tích, dần dà phạm nhân này đã hiểu ra và ngoan ngoãn chấp hành nội quy trại giam.

Cùng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Ban giám thị, phạm nhân Trần Duy Minh từ một kẻ bất cần đời, liên tục xếp loại cải tạo yếu kém, nay đã có sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, suy nghĩ. Mới đây, phạm nhân này đã được xếp loại khá trong quá trình cải tạo.

Một trường hợp khác là phạm nhân Nguyễn Đình Hải, quê ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) với bản án 15 năm tù cho tội giết người thi hành án từ năm 2008. Qua công tác giáo dục riêng, Trung úy An được biết, Hải có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ bỏ, hai đứa con nhỏ, bố mẹ già là thương binh, lại mất sức lao động. Chính vì thế nên Hải không chú tâm cải tạo, không có ý chí phấn đấu.

Qua tác động tâm lý, thường xuyên trò chuyện, tạo mọi điều kiện để phạm nhân yên tâm phấn đấu. Dần dần Hải đã vững tâm hơn, chuyên tâm cải tạo từ xếp loại cải tạo kém đến nay đã vươn lên xếp loại tốt và là Đội trưởng Đội 38.

Tương tự, phạm nhân Nguyễn Văn Minh (tức Minh “te”), đang thụ án 30 năm tù về tội giết người, cướp tài sản. Là một đại ca giang hồ có số má, vào trại giam, Nguyễn Văn Minh liên tục chống đối, khống chế cán bộ quản giáo ở các trại giam mà mình đã thụ án để gây uy lực, thanh thế và liên tục bị kỷ luật nhưng vẫn “điếc không sợ súng”.

Trước khi được chuyển về Trại giam số 6, Minh “te” đã có hành vi chống đối ở 6 trại giam khác nhau. Năm 2013, Nguyễn Văn Minh được bóc tách về Trại giam số 6 và y vẫn giữ nguyên thái độ chống đối như đã thực hiện trước đó. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Ban giám thị và sự mềm mỏng, kiên trì của Trung úy Nguyễn Văn An, bằng sự quan tâm sát sao, kịp thời động viên, làm tốt công tác tư tưởng, chỉ sau một thời gian ngắn, Minh “te” đã yên tâm cải tạo và đã 2 lần được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Trên đây chỉ là những trường hợp điển hình gần đây, trong rất nhiều những phạm nhân chống đối được cảm hóa, giáo dục và hướng thiện và thành công ấy, không thể không kể đến sự đóng góp đáng kể của Trung úy Nguyễn Văn An, cán bộ Cảnh sát quản giáo phụ trách trực tiếp.

Hiện nay, Trung úy Nguyễn Văn An, ngoài công việc chuyên môn, anh còn tham gia lớp học tại chức hệ vừa học vừa làm. Công việc bộn bề, lại thêm việc học hành nên gần như quỹ thời gian dành cho gia đình là rất hạn hữu. Cũng may, vợ và hai đứa con nhỏ rất thông cảm cho hoàn cảnh của anh nên ra sức động viên.

Quá trình công tác, Trung úy Nguyễn Văn An luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó và được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý. Tuy vậy, theo vị cán bộ quản giáo trẻ này, điều mà anh mong nhận lại nhất, cũng là phần thưởng cao quý hơn cả, ấy là tình cảm mà phạm nhân dành cho mình luôn gần gũi và hàm ơn.

Hạnh phúc lớn nhất của người Cảnh sát quản giáo là được nhìn thấy những “đứa con” lầm lỗi của mình được trở về với xã hội, phục thiện, vươn lên sống có ích cho xã hội. Hạnh phúc hơn nữa khi có ai đó thành danh, hoặc đơn giản chỉ là cuộc điện thoại bất ngờ, những cánh thư của một “cựu phạm nhân” nào đấy cũng đủ làm ấm lòng những người miệt mài đi gieo mầm thiện như Trung úy Nguyễn Văn An.

Thuận Thành
.
.
.