Đón giao thừa trên đường làm nhiệm vụ

Thứ Sáu, 05/02/2016, 08:00
Đêm giao thừa hay ngày đầu năm mới, trong khi các gia đình được quây quần đoàn tụ, gửi lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau thì những chiến sĩ Công an vẫn phải lăn lộn trên từng cây số, truy tìm từng dấu vết kẻ phạm tội, hay bảo vệ trật tự an toàn cho từng địa bàn trọng điểm. Chẳng năm nào các anh có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình, người thân. Một chút buồn, một chút chạnh lòng, nhớ vợ nhớ con nhưng rồi niềm vui khi phá được một vụ án, truy bắt được kẻ giết người… lại xóa nhòa tất cả.


Với lính hình sự, ngày Tết lại là những ngày bận rộn nhất, bởi tình hình trộm cắp, gây lộn, chém giết nhau… xảy ra nhiều hơn. Để đảm bảo an toàn trên địa bàn, các anh luôn phải trực chiến 24/24 giờ. Nhiều vụ trọng án xảy ra cận kề ngày Tết, lính hình sự lại phải tạm biệt gia đình, lên đường truy tìm dấu vết hung thủ và đón năm mới ngay trên đường đánh án. 

Với Đại úy Nguyễn Trọng Hiếu, Đội phó Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về hình sự Công an huyện Thanh Trì  Hà Nội thì Tết năm 2013 là một kỉ niệm đáng nhớ với anh và các đồng đội. Thời khắc giao thừa thiêng liêng trong tâm khảm người Việt, trong sự sum họp đầm ấm của mọi nhà, lại là lúc các anh đang co ro trong cái lạnh miền sơn cước, dò dẫm men theo lối nhỏ bên miệng vực thẳm, để khép chặt vòng vây bắt kẻ thủ ác.

Đại uý Nguyễn Trọng Hiếu chia sẻ về kỉ niệm đánh án đêm giao thừa khó quên.

"Sáng ngày 23 tết năm 2013, tôi vẫn còn ở nhà thắp hương ông Công ông Táo. Buổi chiều vẫn còn đèo vợ con sang nhà ông bà ngoại ăn cỗ. Chiều tối hôm ấy thì nhận được tin báo về vụ án giết người đồng tính do đối tượng Bàn Phúc Trung, sinh năm 1992, trú tại Phú Lương, Thái Nguyên gây ra ngày 22-1-2013. Thế là từ hôm ấy, anh em lao vào công việc không nghĩ gì đến ngày Tết đang đến gần. 

Chiều 27 tết, phát hiện đối tượng đang trốn tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên, anh em chúng tôi lập tức lên đường. Hai cân giò tôi mua lúc sáng chưa kịp mang về nhà ăn Tết vẫn còn treo lủng lẳng ở cơ quan, đành phải nhờ một đồng chí mang xuống nhà bếp cho mấy anh em trực chiến ăn Tết. Anh em xác định, không bắt được Trung, không nghỉ tết. 

Ngay chiều 27 tết, chúng tôi lên đường đi Thái Nguyên. Dọc đường xe hỏng, đêm cái lạnh miền sơn cước tỏa xuống như cắt da. Lúc đi từ Hà Nội, anh em vội nên không mang theo áo rét, đành phải tìm quán mua cái áo mưa mỏng mặc vào cho đỡ lạnh. Tìm đến nhà Trung, được tin y vừa đi khỏi nhà, không rõ đi đâu cùng ai. Chúng tôi báo cáo về Hà Nội và nhận lệnh tiếp tục ở lại Thái Nguyên "dựng" tất cả các quan hệ của hung thủ tại địa phương. 

Giao thừa, anh em tôi co ro vì lạnh trong một trường học cắm bản, đón Xuân bằng mì tôm với vài quả trứng. May có chai "cuốc lủi" mua của dân nên đêm cũng đỡ lạnh lẽo. Thời khắc Giao thừa, nghe lãnh đạo ở Hà Nội gọi chúc tết, anh em ai nấy cũng rưng rưng..", Đại uý Nguyễn Trọng Hiếu xúc động kể lại. 

Khi lên núi truy lùng đối tượng, các anh còn suýt mất mạng khi chiếc xe ô tô đột ngột tuột dốc suýt rơi xuống vực thẳm. Năm ấy không được ăn Tết ở nhà nhưng các anh đã có được niềm vui lớn phá được một vụ trọng án. Kẻ giết người Bàn Phúc Trung cuối cùng cũng bị bắt gọn khi đang náu mình trên mỏ khai thác thiếc tại đỉnh núi cao của Đồng Hỷ, Thái Nguyên.

"Nhớ lại khi cầm máy điện thoại ra gọi về "nhà" báo tin đã bắt được hung thủ, lúc đó không hiểu sao tôi không thể điều khiển được tay chân, cứ luống cuống mãi mà không thể gọi thành tiếng!" - Đại uý Nguyễn Trọng Hiếu cười thật hiền kể lại. Chúng tôi hiểu, khoảnh khắc chiến thắng đó phải đổi bằng bao cực nhọc, hiểm nguy mới có được.

Dịp Tết cũng là khoảng thời gian cao điểm và căng thẳng nhất đối với lực lượng cảnh sát  phòng cháy chữa cháy (PCCC), bởi vào thời điểm này thời tiết vốn đã hanh khô lại thêm hoạt động thắp hương, đốt vàng mã để cúng ông bà, tổ tiên khiến cho nguy cơ cháy nổ tăng cao. Chỉ cần một chút bất cẩn là có thể xảy ra cháy lớn. Trong những ngày này, tất cả cán bộ chiến sĩ PCCC của đơn vị đều được quán triệt tinh thần tập trung cao nhất cho công việc, các phương tiện chữa cháy như xe bồn chữa cháy, xe thang, vòi phun,… đều được kiểm tra kỹ càng hàng ngày để sẵn sàng khi có sự việc xảy ra.

Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Phòng Cảnh sát PCCC số 7, Cảnh sát PCCC Hà Nội tâm sự, bao nhiêu năm vào nghề là bằng ấy năm anh và các đồng đội chẳng bao giờ có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Tết đến xuân về, cũng là lúc mỗi người chúng ta đều mong muốn được trở về quây quần bên gia đình, người thân, ngồi bên nồi bánh chưng và chờ đón năm mới với thật nhiều may mắn. Nhưng với người lính PCCC, một đơn vị chiến đấu đặc biệt của lực lượng Công an thì có lẽ đón Tết tại đơn vị đã trở nên quá quen thuộc. 

Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn tâm sự về những vất vả ngày tết của lính PCCC.

"Năm nào anh em cũng đón giao thừa và nhận lời chúc Tết của các lãnh đạo từ 11 giờ rồi vội vã lên đường đi ứng trực đêm giao thừa đến tận sáng hôm sau mới trở về. Có đêm giao thừa, một nhà ở khu phố cổ vì thắp hương, đốt vàng mã mà cháy rụi cả nhà và lan sang hai nhà bên cạnh. Tuy không có thiệt hại về người nhưng anh em cũng phải chữa cháy đến tận 4 giờ sáng hôm sau mới trở về đơn vị ăn Tết muộn. Vì nhà ở sâu trong ngõ nhỏ, đêm giao thừa đường lại tắc nghẽn, xe chữa cháy rất khó di chuyển nên công tác chữa cháy rất khó khăn". 

Có đêm giao thừa đi bảo vệ lễ bắn pháo hoa, nhìn cảnh các gia đình cùng nhau đi đón giao thừa hạnh phúc, anh em cũng chạnh lòng. Tết là lúc mọi người sum vầy thì lính PCCC phải tập trung cao độ cho lễ bắn pháo hoa, thời gian ăn một bữa tử tế cũng chẳng có, chỉ có chút bánh mì và chút nước lọc chống đói. Thương anh em không được đón Tết trọn vẹn, nhiều người dân mang bia, rượu, đồ ăn đến chúc Tết và cùng nhậu với anh em ngay trên vỉa hè. Điều đó khiến những người lính PCCC xa nhà thật sự hạnh phúc và ấm áp" Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ.

Thiếu tá Đặng Xuân Hoà kể lại kỉ niệm của những ngày đón Tết trên đường làm nhiệm vụ.

Cũng giống như Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn, Thiếu tá Đặng Xuân Hoà, Đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ PCCC số 9, Cảnh sát PCCC chữa cháy Hà Nội cũng chưa năm nào có được một cái Tết trọn vẹn bên gia đình, người thân. Năm nào anh cũng cùng đồng đội đi trực giao thừa, bảo vệ lễ bắn pháo hoa, nên khi chúng tôi hỏi về việc chuẩn bị Tết ở đơn vị và cả ở nhà, anh chỉ cười hiền. Việc lính PCCC đón giao thừa sớm rồi lên đường làm nhiệm vụ ngay trong đêm là chuyện thường. 

Đêm giao thừa năm 2009, hơn 1h đêm mới cùng đồng đội trở về đơn vị sau khi bảo vệ lễ bắn pháo hoa ở Mỹ Đức, Hà Nội thì Thiếu tá Đặng Xuân Hoà và anh em nhận được tin báo cháy ở Xuân Mai. Chưa kịp nghỉ ngơi, các anh lại được lệnh lên đường chi viện cho các đơn vị PCCC đang chữa cháy ở Xuân Mai. Vụ cháy lớn xảy ra trên diện rộng nên từ lúc xảy ra vụ cháy (20h tối ngày 30 Tết) đến tận tối ngày hôm sau, tức ngày mùng 1 Tết, các đơn vị chữa cháy mới được trở về đơn vị ăn Tết muộn. 

"Ngay sáng mùng 1 Tết năm 2015, Phòng Cảnh sát PCCC số 9 nhận được tin báo cháy ở một biệt thự thuộc khu Việt kiều, Mỗ Lao, Hà Đông, anh em lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Nguyên nhân vụ cháy đơn giản là do gia chủ thắp hương ngày mùng 1 rồi đóng cửa về quê, không may hương cháy lan cả tầng 3 nhưng anh em phải bắc thang trèo lên tầng 3, phá cửa vào chữa cháy đồng thời gọi điện cho gia chủ tức tốc từ quê lên để khắc phục hậu quả", Thiếu tá Đặng Xuân Hoà hài hước chia sẻ.

Khó có thể kể hết những khó khăn, vất vả của các lực lượng Công an chiến đấu trong những ngày Tết. Chưa kể hiểm nguy lúc nào cũng rình rập các anh, bởi ngày Tết tình hình tội phạm càng gia tăng, nguy cơ cháy nổ lớn. Chỉ cần sơ sẩy một chút có thể nguy hiểm đến tính mạng và có lẽ chẳng bao giờ các anh có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình, người thân bởi nhiệm vụ cao cả: bảo vệ cho người dân có được những ngày Tết bình an.

Ngọc Mai
.
.
.