Chìa khóa cho sự cân bằng chiến lược toàn cầu

Chủ Nhật, 21/04/2024, 09:45

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa thực hiện chuyến thăm Trung Quốc trong hai ngày 8-9/4 theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Vương Nghị.

Diễn ra vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và trong bối cảnh quốc tế có nhiều áp lực, chuyến công du này cho thấy Moscow và Bắc Kinh đang tiếp tục nỗ lực củng cố mối quan hệ song phương tương hỗ vì lợi ích chung của hai nước. Bên cạnh đó, quan hệ đối tác Nga – Trung tiếp tục là chìa khóa cho sự cân bằng chiến lược toàn cầu và hy vọng thúc đẩy một thế giới đa cực, trong đó các quốc gia ở “Nam toàn cầu” (các nước đang phát triển và mới nổi ngoài khối phương Tây) sẽ có vai trò lớn hơn.

20_4_2024_hssk_ngoaitruongngacongdutq.jpg -0
Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Vương Nghị tại cuộc hội đàm ở Thủ đô Bắc Kinh.

Nga và Trung Quốc đã cam kết tăng cường hợp tác ngày càng sâu rộng và có chung quan điểm phản đối đối với điều mà hai nước mô tả là nỗ lực của Mỹ nhằm thống trị trật tự thế giới, trong đó Moskva một lần nữa tìm cách thúc đẩy thương mại với Bắc Kinh khi nước này tìm kiếm những cách mới để vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 9/4 sau khi Mỹ tăng cường cảnh báo rằng, Trung Quốc nên dừng việc giúp đỡ Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Phát biểu tại sự kiện này, nhấn mạnh Trung Quốc và Nga đã bắt tay trên con đường mới cùng tồn tại hài hòa và hợp tác đôi bên cùng có lợi, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Bắc Kinh luôn coi trọng việc phát triển quan hệ Trung - Nga và sẵn sàng đẩy mạnh liên lạc song phương với Nga cũng như tăng cường phối hợp chiến lược đa phương trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kỳ vọng, hai nước sẽ thể hiện trách nhiệm nhiều hơn, đoàn kết các nước đang phát triển và mới nổi ở Nam bán cầu, đồng thời thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị toàn cầu. Đáp lại, người đứng đầu ngành Ngoại giao Nga tuyên bố, Nga và Trung Quốc sẵn sàng thực hiện “các nhiệm vụ chiến lược mới” như lãnh đạo hai nước đề ra; nhấn mạnh ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Moscow là củng cố và nâng cấp toàn diện quan hệ với Bắc Kinh.

Cuộc gặp trên diễn ra sau các cuộc đàm phán riêng giữa Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Vương Nghị, trong đó hai nhà lãnh đạo đã đạt đồng thuận trong nhiều vấn đề quốc tế cùng quan tâm, đồng thời khẳng định, nhờ nỗ lực của lãnh đạo cao nhất của hai nước, mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Nga và Trung Quốc đã đạt đến mức độ chưa từng có trong lịch sử. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố - một chủ đề nóng đang được quan tâm khi Nga vừa trải qua một cuộc tấn công đẫm máu ở Moscow, trong khi các kỹ sư Trung Quốc ở Pakistan cũng bị tấn công bởi những kẻ khủng bố.

Ngoại trưởng hai nước cũng nhất trí quan điểm, tình hình Ukraine không thể được xử lý mà không xét tới lợi ích của Nga. Trung Quốc đã chính thức duy trì quan điểm trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng Bắc Kinh vẫn hợp tác kinh tế với Nga, làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin ổn định nền kinh tế bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Trung Quốc cũng tìm cách khẳng định mình là trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine khi cử đặc phái viên đến Moscow, Kiev và các thủ đô khác sau khi đưa ra kế hoạch hòa bình 12 điểm của riêng mình nhằm chấm dứt giao tranh.

Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Bắc Kinh “hy vọng thấy một lệnh ngừng bắn và chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt”, trong khi Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rằng, Nga “đánh giá cao Trung Quốc vì lập trường khách quan, cân bằng và sẵn sàng đóng vai trò tích cực của họ trong giải quyết cuộc xung đột thông qua chính trị và ngoại giao”. Bình luận về sáng kiến hòa bình 12 điểm về Ukraine do Trung Quốc đề xuất năm ngoái, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga ca ngợi kế hoạch giải quyết các nguyên nhân sâu xa đằng sau cuộc xung đột ở Ukraine, “chủ yếu trong bối cảnh đảm bảo an ninh không thể chia tách, kể cả ở châu Âu và trên toàn thế giới”.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh rằng, để củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ song phương, Bắc Kinh và Moscow nên tuân theo 5 nguyên tắc. Theo đó, hai nước phải luôn tuân theo sự chỉ đạo chiến lược ngoại giao cấp nguyên thủ quốc gia; phải luôn tuân thủ nguyên tắc không liên minh, không đối đầu và không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào; phải luôn đi đúng hướng trong các vấn đề nguyên tắc quan trọng.

Với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và các nước lớn mới nổi, Trung Quốc và Nga tích cực đáp ứng nguyện vọng chung và mối quan tâm chính đáng của người dân tất cả các nước, ủng hộ con đường mới trong quan hệ giữa các quốc gia với đối thoại và đối tác thay vì đối đầu và liên minh, đồng thời tích cực thúc đẩy việc xây dựng một cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại (cộng đồng chung vận mệnh).

Tiếp đó, hai nước cần luôn theo đuổi kết quả đôi bên cùng có lợi thông qua hợp tác. Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế toàn diện mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, cùng phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời thúc đẩy các động lực mới cho sự phát triển và tiến bộ toàn cầu. Và thứ năm, hai nước phải luôn ủng hộ một thế giới đa cực bình đẳng và trật tự. Trung Quốc và Nga ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quản trị toàn cầu và sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp quốc tế.

Trong cuộc điện đàm hôm 3/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập với Chủ tịch Tập Cận Bình về những lo ngại của Washington rằng Bắc Kinh đang hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lặp lại những lo ngại đó trong chuyến thăm Bắc Kinh diễn ra sau đó 2 ngày, nói với các quan chức Trung Quốc rằng, các công ty nước này hỗ trợ mua sắm quân sự của Nga “sẽ phải đối mặt với những hậu quả”. Bắc Kinh phủ nhận việc bán vũ khí cho Nga và bác bỏ những cảnh báo của Mỹ, đồng thời cáo buộc Washington thúc đẩy xung đột bằng cách trang bị vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga cũng cáo buộc Mỹ “tăng cường liên minh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để nhắm vào Moscow và Bắc Kinh”.

Theo ông, các liên minh của Mỹ có “định hướng chống Trung Quốc và chống Nga công khai”. Trong khi đó, thương mại giữa Nga và Trung Quốc năm ngoái đã tăng hơn 26% lên 240 tỷ USD. Năng lượng là thành phần chính trong xuất khẩu của Nga và Trung Quốc - quốc gia không tuân theo giới hạn giá dầu của phương Tây - là khách hàng hàng đầu. Tháng trước, Trung Quốc đã nhận được khối lượng kỷ lục dầu thô của Nga khi lượng mua của Ấn Độ giảm do lo ngại về các lệnh trừng phạt, công ty dữ liệu vận chuyển Vortexa đưa tin.

Giới chuyên gia nhận định rằng, quan hệ Nga - Trung vẫn tốt đẹp hơn bao giờ hết. Trong năm qua, hai bên đã điều chỉnh cách thức kinh doanh trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với Moscow. Bên cạnh đó, hai nước đang cố gắng vượt qua bối cảnh chính trị khó khăn khi tìm cách thúc đẩy quan hệ kinh tế. 

Theo ông Sergey Lukonin, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực kinh tế và chính trị Trung Quốc tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, khó khăn trong thanh toán do mối đe dọa trừng phạt thứ cấp từ Mỹ đối với ngành tài chính Trung Quốc vẫn là vấn đề chính. Trung Quốc không muốn làm phức tạp thêm mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Về vấn đề này, chuyên gia Yana Leksyutina, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Trung Quốc và châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng dù yếu tố Mỹ có ảnh hưởng đến quan hệ Nga - Trung nhưng không phải là vấn đề mang tính quyết định. Hai nước đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn, chủ yếu dựa trên mức độ tin cậy lẫn nhau cao đã đạt được trong những năm qua. Nhà nghiên cứu Yana Leksyutina nhấn mạnh “đó là sự tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau”.

Một trong những mục tiêu của Ngoại trưởng Sergei Lavrov trong chuyến thăm Trung Quốc là chuẩn bị cho chuyến công du nước này của Tổng thống Vladimir Putin. Chương trình nghị sự của chuyến thăm cũng liên quan đến các vấn đề hợp tác song phương và an ninh quốc tế, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine và tình hình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia, người đứng đầu Điện Kremlin có thể đến thăm Trung Quốc vào nửa cuối tháng 5, một nguồn tin thân cận với Chính phủ Nga và một nguồn tin liên quan đến công tác chuẩn bị cho chuyến thăm tiết lộ. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi ông tái đắc cử.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.