Khái niệm Chính sách Đối ngoại mới của Nga mang nội dung gì?

Chủ Nhật, 02/04/2023, 10:09

Ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn Khái niệm Chính sách Đối ngoại mới. Tài liệu dài 42 trang, bao gồm 6 phần và 76 điểm, hoạch định các nguyên tắc cơ bản, mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ chính và các lĩnh vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga trong trung và dài hạn.

Học thuyết chính sách đối ngoại cập nhật xác định rằng, Nga là quốc gia có nền văn minh nguyên bản, một cường quốc Á-Âu và Âu-Thái Bình Dương rộng lớn, thành trì của thế giới Nga và là một trong những trung tâm phát triển thế giới có chủ quyền. Tài liệu này coi “chính sách hung hăng chống Nga” của Mỹ và các đồng minh là rủi ro lớn đối với an ninh của Nga, cũng như đối với hòa bình quốc tế và sự phát triển của một tương lai “công bằng và cân bằng” cho nhân loại.

vputin.jpg -0
Tổng thống Vladimir Putin.

Moscow tin rằng, Washington và các đồng minh của họ đang tìm cách ngăn chặn sự xói mòn của một trật tự thế giới cho phép họ tận hưởng sự tăng trưởng kinh tế tiên tiến bằng cách khai thác tài nguyên của các quốc gia không thuộc phương Tây. Tài liệu khẳng định phương Tây “từ chối công nhận thực tế của một thế giới đa cực” và hướng tới mục tiêu loại bỏ cạnh tranh quân sự và kinh tế, cũng như trấn áp những người bất đồng chính kiến. Đặc biệt, tài liệu trên tuyên bố, Mỹ coi chính sách độc lập của Nga là mối đe dọa đối với “quyền bá chủ của phương Tây”, lập luận rằng Washington và các đồng minh đã phát động một “cuộc chiến hỗn hợp” chống lại Moscow nhằm làm suy yếu Nga “bằng mọi cách có thể”. Do đó, Moscow có ý định loại bỏ “vết tích thống trị” của Washington trên thế giới.

Học thuyết mới vẫn duy trì quan điểm Nga không coi Mỹ và các đồng minh là đối thủ, mặc dù nhận ra mối đe dọa do chính sách của họ gây ra. Văn bản nêu rõ: “Nga không coi mình là kẻ thù của phương Tây, không tự cô lập mình khỏi phương Tây và không có ý định thù địch với phương Tây”. Moscow hy vọng rằng, các quốc gia phương Tây sẽ nhận ra rằng chính sách thù địch, đối đầu và tham vọng bá quyền của họ không có tương lai và cuối cùng họ sẽ nối lại “sự hợp tác thực chất” với Nga trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Tổng Biên tập Tạp chí “Nga trong chính sách toàn cầu” Fyodor Lukyanov giải thích rằng: “Khái niệm trọng tâm của tài liệu mới là “nhà nước-nền văn minh”. Điều này có nghĩa là đất nước có giá trị tự thân, chỉ tập trung vào chính mình, xuất  phát từ lợi ích của chính mình và không hòa nhập vào bất kỳ đâu”. Theo ông, tất cả các thập niên trước, Nga tồn tại trong một môi trường không thuận lợi. Bằng cách nào đó đã tuyên bố về sự tương tác, hội nhập. Bây giờ không phải như vậy. Giá trị chính từ giờ trở đi là tách biệt. Mọi thứ khác đều theo sau điều này, bao gồm cả việc xây dựng quan hệ với các quốc gia thân thiện và không thân thiện.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban của Duma Quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế Alexei Chepa chỉ ra rằng, trong Khái niệm Chính sách Đối ngoại mới có nói rằng, Moscow coi đường lối của Mỹ là nguồn gốc chính của chính sách chống Nga và những rủi ro đối với an ninh, hòa bình quốc tế cũng như sự phát triển cân bằng và công bằng của nhân loại. Theo ông, đây là sự đáp trả của Nga, bởi vì, “Mỹ đã chọn Nga và Trung Quốc là kẻ thù chính. NATO gọi Nga là kẻ thù chiến lược, mọi thứ được thực hiện ở đó đều nhằm chống lại đất nước, chống lại người dân Nga”. Ông nhấn mạnh rằng, Nga đang “chiến đấu quyết liệt” cho một thế giới đa cực và sẽ không dung thứ cho “bất kỳ chế độ độc tài nào từ bất kỳ bên nào”.

Về phần mình, nhà khoa học chính trị Ivan Timofeev nêu rõ, “luận điểm rằng Nga không phải là kẻ thù của phương Tây” cũng rất quan trọng. Tổng thống Vladimir Putin trước đó đã tuyên  bố: Sự ngăn chặn của các nước phương Tây tự nó không phải là dấu chấm hết cho Nga. Moscow phản ứng với các mối đe dọa phát sinh, có thể thực hiện các biện pháp khá cứng rắn. Nhưng nhà lãnh đạo Nga đã chỉ rõ: đừng nhầm lẫn giữa xã hội phương Tây và giới tinh hoa phương Tây.

Theo học thuyết sửa đổi, Nga đang tìm cách xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế dựa trên các đảm bảo an ninh đáng tin cậy và cơ hội bình đẳng cho tất cả các quốc gia, bất kể quy mô, vị trí địa lý hay sức mạnh quân sự. Moscow khẳng định rằng, nên bác bỏ quyền bá chủ trong các vấn đề quốc tế và nên tránh bất kỳ sự can thiệp nào vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia khác. Các quốc gia cũng phải từ bỏ bất kỳ tham vọng thực dân kiểu mới nào. Moscow kêu gọi “hợp tác rộng rãi” để vô hiệu hóa mọi nỗ lực của các quốc gia hoặc khối quân sự nhằm tìm kiếm sự thống trị quân sự toàn cầu.

Tài liệu cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện các bước để tránh chiến tranh toàn cầu và rủi ro của việc sử dụng vũ khí hạt nhân - cũng như các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác - bằng cách tăng cường sự ổn định chiến lược quốc tế, kiểm soát vũ khí và chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua các hiệp ước quốc tế.

Theo tài liệu trên, Nga tin rằng, sự hợp tác sâu sắc hơn với “các trung tâm quyền lực toàn cầu có chủ quyền” như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có tầm quan trọng đáng kể đối với chính sách đối ngoại của nước này. Cụ thể, Moscow sẽ tìm kiếm “quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược” trong mọi lĩnh vực với Bắc Kinh và “quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền” với New Delhi. Hợp tác với các quốc gia này sẽ mở rộng sang “quan hệ đầu tư và công nghệ” cũng như thương mại và an ninh, bao gồm cả việc tăng cường khả năng của nhau trong việc chống lại “các hành động phá hoại của các quốc gia không thân thiện”.

Tài liệu nêu rõ, dự án hàng đầu của Nga trong thế kỷ XXI là biến Á-Âu thành một không gian toàn lục địa hòa bình, ổn định, tin tưởng lẫn nhau, phát triển và thịnh vượng; phản đối chính sách nhằm vạch ra các đường phân chia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, theo tài liệu, Nga tin rằng, họ có thể tìm thấy những người bạn và đối tác đáng tin cậy trên khắp thế giới - học thuyết cập nhật nêu rõ. Nga đặc biệt coi nền văn minh Hồi giáo là “thân thiện” và tin rằng thế giới Hồi giáo có “triển vọng lớn” và có thể trở thành một quyền lực độc lập và có ảnh hưởng trong một thế giới đa trung tâm. Nga tìm cách phát triển hợp tác với tất cả các chủ thể lớn trong khu vực, bao gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Ai Cập và các nước khác.

Theo học thuyết sửa đổi, Nga cũng đoàn kết với châu Phi trong mong muốn chiếm một vị trí nổi bật hơn trên thế giới và xóa bỏ sự bất bình đẳng do “chính sách thực dân mới của một số quốc gia phát triển” gây ra. Tài liệu chiến lược mới cho biết, Moscow sẵn sàng hỗ trợ chủ quyền và độc lập của các quốc gia châu Phi, bao gồm thông qua hỗ trợ an ninh cũng như thương mại và đầu tư. Châu Phi, với sự giúp đỡ của Nga, sẽ biến thành một trung tâm thế giới có ảnh hưởng. Với khu vực Mỹ Latinh, Nga đặt mục tiêu phát triển quan hệ “trên cơ sở thực tế, phi tư tưởng hóa và cùng có lợi”, cũng như tăng cường quan hệ hữu nghị hiện có với các quốc gia như Brazil, Cuba và Venezuela. Nga sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào sẵn sàng xây dựng mối quan hệ với Nga.

Cũng theo Khái niệm Chính sách Đối ngoại mới, Nga cảnh báo, Moscow giờ đây sẽ có thể sử dụng quân đội để bảo vệ không chỉ lãnh thổ của mình mà còn cả các đồng minh. Nga nỗ lực đảm bảo an ninh bình đẳng cho tất cả các quốc gia, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Đồng thời, ưu tiên trong chính sách nhân đạo của Nga ở nước ngoài là chống lại chiến dịch bài Nga, bảo vệ tiếng Nga, văn hóa, thể thao Nga, Giáo hội Chính thống Nga khỏi sự phân biệt đối xử, đấu tranh cho sự thật lịch sử. Theo tài liệu, Moscow phấn đấu vì một hệ thống quan hệ quốc tế bảo vệ bản sắc, điều kiện bình đẳng cho sự phát triển của tất cả các quốc gia và sự tham gia của họ vào nền kinh tế thế giới. Về vấn đề này, Nga ủng hộ nỗ lực của các bên tham gia khác nhằm duy trì các giá trị tinh thần, đạo đức phổ quát và truyền thống.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.