Lung lay hợp tác hạt nhân Nga - Mỹ

Thứ Bảy, 03/09/2022, 07:44

Là hai quốc gia sở hữu những kho hạt nhân lớn nhất thế giới, trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ vẫn có thể hợp tác với nhau về các biện pháp nhằm tránh thảm họa hạt nhân. Nhưng ở thời điểm hiện tại, cuộc xung đột ở Ukraine đang đẩy sự hợp tác này vào thế lung lay.

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden gặp nhau vào năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã tự hào tuyên bố, “thậm chí cả trong quãng thời gian căng thẳng”, Washington và Moscow vẫn có thể hợp tác với nhau về vấn đề hạt nhân. Một năm sau, sự hợp tác này dường như đã lung lay.

geneva_dqcr.jpg -0
Tổng thống Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Joe Biden tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ ở Geneva hôm 16/6. Ảnh: Reuters.

Đáng chú ý, những cuộc giao tranh quanh nhà máy điện hạt nhân ở Zaporizhzhia, phía Nam Ukraine do quân đội Nga kiểm soát đã làm gia tăng những điều khó đoán định trong mối quan hệ Nga - Mỹ về vấn đề hạt nhân, vốn đã chao đảo bởi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cùng các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp lên Moscow.

Xung đột ở Ukraine cũng ảnh hưởng đến hàng loạt vấn đề hạt nhân khác từ các cuộc đàm phán về Thỏa thuận hạt nhân Iran, cho tới những cuộc trao đổi quốc tế gần đây về Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT). Nga và Mỹ đều cáo buộc đối phương làm phức tạp thêm những cuộc kiểm tra chéo tại các cơ sở vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START).

Đã có một vài lo ngại rằng New START - hiệp ước kiểm soát vũ trang cuối cùng giữa hai quốc gia sẽ không được làm mới hoặc sẽ không được thay thế nếu căng thẳng giữa 2 siêu cường hạt nhân này tiếp tục xấu đi. Theo các cựu quan chức và các nhà phân tích, tính nhạy cảm của bất kỳ vấn đề gì liên quan đến hạt nhân đồng nghĩa với việc hai quốc gia cần đảm bảo với cộng đồng quốc tế rằng họ vẫn có thể hợp tác với nhau hiện nay.

Ông Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí nhận định: “Bất chấp những khác biệt, Mỹ và Nga có trách nhiệm đặc biệt để tránh thảm họa hạt nhân xảy ra”, và rằng: “Theo tôi, hai bên đều có lợi ích trong việc duy trì các hiệp ước kiểm soát vũ khí. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể vượt qua tất cả những vấn đề và trở ngại khác do cuộc xung đột ở Ukraine tạo ra hay không”.

Mối lo ngại cấp bách nhất hiện nay là tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau gây ra nguy hiểm cho nhà máy điện hạt nhân nói trên trong những ngày gần đây. Nga và Ukraine đã trải qua những cuộc giao tranh dữ dội ở khu vực quanh nhà máy này, trong đó bao gồm cả những cuộc không kích và pháo kích, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho hay. Nga cáo buộc Ukraine đang tiến hành “khủng bố hạt nhân” khi thực hiện các cuộc pháo kích; còn Ukraine cáo buộc ngược lại Nga về hành động “tống tiền hạt nhân” với Ukraine và châu Âu.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã cử các chuyên gia tới nhà máy này giữa bối cảnh lo ngại gia tăng về sự cố hạt nhân do xung đột. Các nhà máy điện hạt nhân đều được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng dường như ký ức về thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986 ở Ukraine vẫn ám ảnh nhân loại. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nhấn mạnh Mỹ “hoàn toàn ủng hộ” những nỗ lực của IAEA, đồng thời kêu gọi Nga “đảm bảo an toàn và quyền tiếp cận tự do” của các thanh sát viên. Theo ông, Nga nên nhất trí thiết lập “một khu vực phi quân sự” quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và “những cuộc giao tranh quanh nhà máy này nên dừng lại”.

Các nhà khoa học Mỹ hiện đang giám sát dữ liệu cảm biến bức xạ từ nhà máy này và cho tới nay không có dấu hiệu nào cho thấy “mức độ bức xạ bất thường hoặc tăng lên”. Căng thẳng liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã lan sang cả những cuộc trao đổi gần đây về NPT. Nga đã từ chối thông qua tài liệu cuối cùng liên quan đến Hiệp ước trên bởi nước này phản đối những nhận định về tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Ông Daryl Kimball, người cũng tham dự sự kiện trên cho biết, trong tài liệu dự thảo có nêu ra việc Nga và Mỹ cam kết theo đuổi các cuộc đàm phán một cách thiện chí về việc làm mới thỏa thuận New START - dấu hiệu cho thấy Moscow nhìn chung vẫn sẵn sàng tiến hành các cuộc trao đổi kiểm soát vũ khí. Tuy nhiên, phần liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã đi ngược với mục tiêu của Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, do đó, Moscow đã bác bỏ toàn bộ tài liệu trên, ông Daryl Kimball cho hay.

Hiện nay, Mỹ và Nga đang trong quá trình thảo luận về các cuộc kiểm tra bị dừng lại do đại dịch COVID-19. Nga đã chỉ trích các lệnh trừng phạt Mỹ áp lên nước này vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, đồng thời cáo buộc chúng cản trở khả năng của Moscow trong việc tiến hành các cuộc kiểm tra như một phần của thỏa thuận. Chẳng hạn, các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh hạn chế Nga sử dụng không phận, vốn được coi là một điều khoản gây khó khăn cho Moscow trong việc đi lại.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price lập luận hồi giữa tháng 8 rằng: “Các lệnh trừng phạt và các biện pháp hạn chế Mỹ áp lên Nga vì cuộc chiến ở Ukraine hoàn toàn phù hợp với Hiệp ước New START. Chúng không hề cản trở các chuyên gia Nga thực hiện các cuộc kiểm tra ở Mỹ theo hiệp ước”. Theo một số nhà quan sát, triển vọng chung cho Hiệp ước New START vẫn khá ảm đạm.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.