Một chuyến công du đầy nan giải

Chủ Nhật, 29/01/2023, 08:45

Từ ngày 29 đến 31/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thực hiện chuyến công du tới Ai Cập, Israel và Bờ Tây để tham vấn các đối tác về một loạt ưu tiên toàn cầu và khu vực, trong đó có cuộc xung đột tại Ukraine, Iran, mối quan hệ Israel – Palestine, giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel – Palestine và một số vấn đề khác.

Chuyến thăm được dự đoán sẽ đầy căng thẳng do những bất đồng ngày một lớn giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cũng như trong bối cảnh bạo lực leo thang tại Bờ Tây trong những tuần gần đây.

8.jpg -0
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Tình trạng bạo lực chi phối các cuộc thảo luận

Theo thông báo của Ngoại giao Mỹ, trong chuyến thăm tới Ai Cập, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi, Bộ trưởng Ngoại giao Sameh Shoukry và các quan chức cấp cao nước chủ nhà nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ai Cập, đồng thời thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực, trong đó có việc thông qua hỗ trợ chung cho các cuộc bầu cử ở Libya.

Tại điểm dừng chân Israel, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ gặp Thủ tướng Bejamin Netanyahu, người đồng cấp Eli Cohen và các quan chức cấp cao khác để thảo luận về sự hỗ trợ lâu dài của Mỹ giúp Israel đảm bảo an ninh quốc gia. Ngoại trưởng Antony Blinken cũng sẽ thảo luận về sự hội nhập khu vực của Israel, quan hệ Israel – Palestine cũng như tầm quan trọng của giải pháp hai nhà nước, cùng một loạt vấn đề toàn cầu và khu vực khác.

Tại Bờ Tây, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng nhằm thảo luận về quan hệ Israel - Palestine và tầm quan trọng của giải pháp hai nhà nước. Bên cạnh đó, hai bên còn có kế hoạch thảo luận về cải cách chính trị. Theo kế hoạch, trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với các bên trong việc thực hiện các bước giảm căng thẳng nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực cũng như tầm quan trọng của việc duy trì hiện trạng lịch sử đối với quần thể Haram al-Sharif (mà Israel gọi là Núi Đền) ở Jelusalem.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực leo thang tại Bờ Tây trong những ngày qua được dự báo sẽ chi phối các cuộc thảo luận của Ngoại trưởng Antony Blinken ở Jerusalem và Ramallah. Ngay trước thềm chuyến thăm, tối 27/1, một vụ tấn công đã xảy gần một thánh đường Do Thái ở Jerusalem khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và 10 người bị thương. Cảnh sát Israel gọi đây là một vụ tấn công khủng bố và khẳng định thủ phạm là một cư dân ở Đông Jerusalem. Căng thẳng giữa người Israel và người Palestine đã tăng cao kể từ khi Israel tiến hành các cuộc tấn công hằng đêm ở Bờ Tây vào mùa xuân năm ngoái, sau một loạt các cuộc tấn công của người Palestine.

Xung đột chỉ trở nên căng thẳng hơn trong tháng này khi chính phủ của ông Benjamin Netanyahu nhậm chức và cam kết có đường lối cứng rắn chống lại người Palestine. Chính quyền Palestine đã tuyên bố chấm dứt hợp tác an ninh với Israel, đồng thời cam kết đưa vấn đề ra trước Liên hợp quốc và Tòa án hình sự quốc tế.

Đánh giá về tác động những diễn biến căng thẳng gần đây đối với chính sách của Mỹ tại Trung Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của Mỹ lúc này là xem liệu chúng tôi có thể làm gì để giúp hai bên giảm leo thang căng thẳng và chấm dứt vòng xoáy bạo lực này. Tuy nhiên, về dài hạn, cách tiếp cận của chúng tôi tiếp tục là hỗ trợ giải pháp hai nhà nước. Một giải pháp đạt được thông qua đàm phán nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là người Israel và Palestine cùng chung sống bình đẳng, ổn định, an ninh, dân chủ, nhân phẩm và thịnh vượng”.

Chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Antony Blinken cũng diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang có những lo ngại đối với chính phủ mới tại Israel, vốn được đánh giá là chính phủ cánh hữu cứng rắn nhất trong lịch sử quốc gia Trung Đông. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền nước này đã liên lạc với các quan chức hàng đầu của Israel và Palestine để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm dịu tình hình, tạo môi trường cho các nỗ lực hướng tới giải pháp hai nhà nước, chấm dứt xung đột.

Mỹ thực sự đã rút khỏi Trung Đông?

Tiến sỹ Paul Sullivan, thành viên cao cấp thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, mới đây cho rằng, một trong những câu chuyện dai dẳng trong vài năm qua là về việc Mỹ đã rút khỏi Trung Đông hay chưa. Đó là một chủ đề lặp đi lặp lại trong các báo cáo và phân tích trên phương tiện truyền thông, đồng thời thường xuyên được đưa vào các cuộc tranh luận và thảo luận. Nhưng dường như có rất nhiều vấn đề giữa nhận thức và thực tế. Và thực tế của vấn đề là, các đối tác kinh doanh, học thuật, văn hóa, quân sự và ngoại giao của Mỹ trong khu vực hiểu rất rõ rằng, Mỹ đã ở lại.

Họ cũng biết việc Mỹ ở lại quan trọng như thế nào. Câu chuyện “Mỹ rút lui” chủ yếu xung quanh hai vấn đề: an ninh và năng lượng. Cam kết của Mỹ đối với một khu vực Trung Đông an toàn đã trở thành mối lo ngại kể từ khi Washington bắt đầu thúc đẩy chính sách “Xoay trục sang Đông Á” hơn một thập niên trước, trong bối cảnh một Trung Quốc đang trỗi dậy. Tuy nhiên, đôi khi người ta lại quên rằng Mỹ tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với một số quân đội Arab, chẳng hạn như “Eagle Resolve”, “Nautical Defender”, “Native Fury”, “Hercules 2”. Cuộc tập trận hàng hải quốc tế là rất đáng chú ý vì có sự tham gia của 60 quốc gia. Và nhiều cuộc tập trận như vậy sẽ được tổ chức trong tương lai.

Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục cam kết tham gia bảo vệ, cùng với các đối tác Arab và các quốc gia khác, các tuyến đường biển quan trọng của khu vực, bao gồm - nhưng không giới hạn - kênh đào Suez, Biển Đỏ, eo biển Bab Al Mandeb, eo biển Hormuz và Vịnh Arab, cũng như các tuyến đường thương mại và liên lạc kết nối ở Ấn Độ Dương. Người Mỹ và người Arab cũng có lợi ích chiến lược ở Địa Trung Hải. Khi nói đến năng lượng, có nhiều điều để bàn. Xét cho cùng, Mỹ đang nhập khẩu ít dầu và khí đốt hơn từ khu vực này chủ yếu do thành công của nước này trong khai thác dầu đá phiến và khí đá phiến, chiếm khoảng 70% sản lượng của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều đồng minh và đối tác thương mại của Mỹ ngày càng phụ thuộc vào năng lượng khu vực. Những nỗ lực của Washington, cùng với các đối tác Arab, nhằm giữ cho các tuyến đường thương mại được an toàn và cởi mở là hướng tới thương mại và đầu tư toàn cầu, chứ không chỉ thương mại và đầu tư của Mỹ.

Người Mỹ và người Arab chắc chắn có thể hưởng lợi từ việc tiếp tục quan hệ ở nhiều cấp độ và trong nhiều lĩnh vực. Washington vẫn ở trong khu vực và sẽ tiếp tục ở lại trong khu vực. Và cho dù họ có nhận ra hay không, Mỹ và thế giới Arab là đồng minh và là đối tác tự nhiên, các liên minh và quan hệ đối tác của họ sẽ tiếp tục phát triển lâu dài.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.