Nỗ lực tháo gỡ căng thẳng ở Trung Đông

Thứ Bảy, 06/01/2024, 09:19

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 4/1 (giờ địa phương) đã bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần tới 9 nước ở khu vực Trung Đông.

Đây được xem là nỗ lực ngoại giao mới nhất nhằm xoa dịu căng thẳng ở Trung Đông khi khu vực này đứng trước bờ vực lan rộng xung đột với vụ tấn công ở Lebanon khiến phó thủ lĩnh Hamas thiệt mạng, đánh bom kép dẫn đến nhiều thương vong tại Iran và xung đột Israel-Hamas chưa có hồi kết.

Nỗ lực tháo gỡ căng thẳng ở Trung Đông -0
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trả lời báo giới tại sân bay quốc tế Al Maktoum ở Dubai trong chuyến thăm UAE ngày 1/12/2023.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller xác nhận rằng, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đến thăm Israel, Bờ Tây, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Jordan, Qatar, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập. Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Qatar, UAE, Saudi Arabia và Ai Cập đang đóng những vai trò khác nhau trong việc làm trung gian hòa giải về xung đột tại Gaza hoặc có tầm ảnh hưởng với những lực lượng như Hezbollah và Houthi. Ông Matthew Miller tiết lộ, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ thảo luận về các biện pháp tức thời nhằm tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh với Israel rằng, nước này cần phải hành động nhiều hơn để giảm căng thẳng ở Bờ Tây.

Ngoại trưởng Antony Blinken cũng sẽ tập trung vào việc ngăn chặn xung đột mở rộng sang các nước khác. Người phát ngôn Matthew Miller nói thêm: “Ông Antony Blinken sẽ thảo luận về những bước cụ thể mà các bên có thể thực hiện, bao gồm cả cách họ sử dụng ảnh hưởng của mình với những nước khác trong khu vực để tránh leo thang căng thẳng”. Riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ sẽ thảo luận về những nỗ lực để Ankara hoàn tất việc phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Còn tại Hy Lạp, ông dự kiến tham gia các cuộc làm việc xoay quanh hỗ trợ Ukraine và bảo vệ an ninh hàng hải khu vực.

Theo số liệu từ nguồn tin y tế Palestine tại Dải Gaza, tính tới ngày 4/1, tổng thương vong trong chiến dịch tấn công tổng lực kéo dài gần 3 tháng qua của quân đội Israel vào Gaza đã lên tới hơn 80.000, trong đó gần 22.500 người chết và hơn 57.600 người bị thương. Hầu hết số người thương vong là dân thường, trong đó trẻ em và phụ nữ chiếm 70%. Về phần mình, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết chiến dịch tấn công vào Gaza từ 7/10/2023 đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.500 tay súng thuộc Phong trào Hồi giáo Hamas, nhóm vũ trang đã tiến hành cuộc đột kích bất ngờ vào miền Nam Israel sáng sớm 7/10 khiến 1.200 người thiệt mạng. Tuy nhiên, IDF chưa cập nhật số thương vong mới nhất của lực lượng này.

Về tình hình chiến sự tại khu vực biên giới giữa Israel và Lebanon, IDF thông báo đã tiến hành thêm nhiều cuộc không kích vào hàng loạt mục tiêu của lực lượng Hezbollah ở phía Nam Lebanon. Mục tiêu bị tấn công gồm có các tháp canh, cấu trúc quân sự và một số địa điểm tình nghi là nơi khởi phát các cuộc bắn rocket sang lãnh thổ Israel. Hezbollah đáp trả bằng một số đợt phóng loạt tên lửa vào hai khu vực Manara và Misgav Am của Israel nằm gần biên giới, nhưng không gây thương vong. Căng thẳng gia tăng thời gian qua tại khu vực biên giới giữa Israel và Lebanon khiến nhiều nhà phân tích lo ngại có thể bùng phát thành xung đột vũ trang quy mô lớn, nhất là sau cuộc không kích của IDF vào ngoại ô Thủ đô Beirut của Lebanon hôm 2/1 khiến Phó thủ lĩnh lực lượng Hamas Saleh al-Arouri thiệt mạng. Israel không xác nhận cũng không phủ nhận việc này.

Trong khi đó, lực lượng Houthi đang làm gián đoạn thương mại toàn cầu khi nhằm tấn công các tàu có liên kết với Israel ở Biển Đỏ để ủng hộ Hamas. Các cuộc tấn công khiến cước phí vận tải biển tăng mạnh khi nhiều công ty phải tìm kiếm tuyến đường thay thế, thường dài hơn và mất nhiều ngày di chuyển gây tốn kém nhiên liệu.

Trước diễn biến này, ngày 4/1, Hội đồng Tổng thống Yemen (PLC) kêu gọi lực lượng Houthi ở nước này không đẩy Yemen vào một cuộc xung đột với các cường quốc quốc tế, đồng thời cảnh báo Houthi về những hậu quả nghiêm trọng của các cuộc tấn công do lực lượng này thực hiện nhằm vào tàu thương mại di chuyển qua Biển Đỏ. Tại một cuộc họp ở Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, PLC cho rằng, việc lực lượng Houthi tấn công nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ sẽ khơi mào một cuộc chiến tranh với các cường quốc quốc tế. PLC cảnh báo bất kỳ cuộc xung đột mới nào sẽ làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã nghiêm trọng ở Yemen, đồng thời cáo buộc phe Houthi đang lợi dụng xung đột giữa Israel và phong trào Hamas hòng đẩy đất nước Yemen vào một cuộc chiến mới.

Tuyên bố của PLC nêu rõ trong bối cảnh hiện nay, lực lượng Houthi phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những tác động và hậu quả của các cuộc tấn công nhằm vào tàu thương mại ở Biển Đỏ, cũng như việc biến vùng biển này thành một điểm xung đột quốc tế. PLC nhấn mạnh nếu cộng đồng quốc tế giúp Chính phủ Yemen đánh bật Houthi ra khỏi các khu vực do lực lượng này kiểm soát ở Yemen, lực lượng Houthi sẽ không gây nguy hiểm cho hoạt động giao thông hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ.

Cảnh báo trên của PLC được đưa ra chỉ một ngày sau khi Liên hợp quốc (LHQ), Anh, Canada và các quốc gia khác yêu cầu lực lượng Houthi ngừng tấn công các tàu ở Biển Đỏ, nếu không họ sẽ phải đối mặt với “nhiều hậu quả”, có thể bao gồm cả các hoạt động quân sự chống lại lực lượng này. Trong khi đó, Mỹ đã thành lập liên minh an ninh hàng hải đa quốc gia ở Biển Đỏ và kêu gọi lực lượng Houthi “dừng ngay lập tức các cuộc tấn công bất hợp pháp” nhằm vào tàu chở hàng ở khu vực này.

Trong một diễn biến khác, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận đã thực hiện 2 vụ tấn công ở TP Kerman của Iran hôm 3/1 khiến hơn 100 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương tại buổi lễ tưởng niệm Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qassem Soleimani, người đã thiệt mạng trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ hồi năm 2020. Vụ việc cũng làm dấy lên lo ngại xung đột sẽ lan rộng trong khu vực.

Giới chức Iran đã gọi đây là một “vụ tấn công khủng bố” trong khi lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei cam kết sẽ có “phản ứng gay gắt”. Hội đồng Bảo an LHQ đã lên án các vụ tấn công này, nhấn mạnh rằng cần phải quy trách nhiệm cho những thủ phạm, những kẻ đã tổ chức, cung cấp tài chính và bảo trợ cho những hành động khủng bố đáng lên án này, cũng như đưa chúng ra trước công lý.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.