Tầm cao mới của quan hệ Nga và châu Phi

Thứ Bảy, 22/07/2023, 08:31

Các nhà tổ chức cũng mô tả Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai, dự kiến được tổ chức tại St. Petersburg từ ngày 27 - 28/7 tới, là “sự kiện cấp cao nhất và quy mô lớn nhất trong quan hệ Nga - châu Phi” với mục đích mang lại “tầm cao mới của quan hệ đối tác cùng có lợi” giữa Moscow và “lục địa đen”.

Sự kiện này ban đầu được lên kế hoạch diễn ra tại Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia vào tháng 10/2022, nhưng đã bị Tổng thống Nga Vladimir Putin hoãn lại vào tháng 7 năm ngoái, rất có thể là do những phức tạp xuất phát từ cuộc xung đột ở Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh được lên lịch lại dự kiến kéo dài bốn ngày, nhưng vào ngày 21/6 vừa qua, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo rằng sẽ bị giới hạn trong 2 ngày do “tinh chỉnh” chương trình.

Tầm cao mới của quan hệ Nga và châu Phi -0
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nga-châu Phi ở Sochi.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nhận xét rằng, sự kiện này đánh dấu “một bước quan trọng đầu tiên hướng tới sự hợp tác trở lại về kinh tế và chính trị của Nga với châu Phi”. Về phần mình, các nhà tổ chức hội nghị nêu rõ, mục tiêu của sự kiện là thúc đẩy nỗ lực tăng cường hợp tác toàn diện và bình đẳng giữa Nga và các quốc gia châu Phi trên mọi lĩnh vực như chính trị, an ninh, quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ cũng như các lĩnh vực văn hóa và nhân đạo.

Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai sẽ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ phần lớn các quốc gia châu Phi. Diễn đàn Kinh tế và Nhân đạo Nga - châu Phi diễn ra song song sẽ cung cấp một nền tảng cho các thảo luận hợp tác kinh tế với một chương trình hơn 30 họp và các sự kiện chuyên đề.

Giới chuyên gia nhận định rằng, hội nghị lần này sẽ khác với sự kiện đầu tiên diễn ra vào ngày 23–24/10 tại Sochi dưới sự đồng chủ trì của Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi. Thái độ đối với Nga trên toàn thế giới đã trở nên phân cực kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái và các quốc gia châu Phi cũng không ngoại lệ. Một nhóm các nước châu Phi do Nam Phi dẫn đầu đã đưa ra một sáng kiến hòa bình để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, ảnh hưởng của Nga đối với tình hình kinh tế và xã hội ở các nước châu Phi đã tăng lên cùng với việc giá lương thực, phân bón và năng lượng tăng cao.

Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi của Đại học Quốc gia Moscow, ông Alexey Maslov cho biết, năm nay, các vấn đề chính trị và an ninh sẽ chiếm ưu thế tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi. Vị chuyên gia chỉ ra rằng: “Thứ nhất, chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh năm 2019 vẫn chưa được triển khai do tình hình chính trị quốc tế có những thay đổi. Thứ hai, định hướng châu Phi trong chính sách (đối ngoại) của Nga là một phần trong chiến lược xoay trục tổng thể của Nga sang “Nam bán cầu”, đó là lý do tại sao các vấn đề chính trị rất có thể sẽ chi phối diễn đàn”.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu châu Phi thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Rakhimbek Bobokhonov lưu ý rằng, các nước châu Phi đã phải đối mặt với áp lực đáng kể từ phương Tây trong năm qua, vì vậy hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này sẽ diễn ra trong bầu không khí căng thẳng hơn so với lần đầu tiên. Tuy nhiên, các quốc gia châu Phi không lo ngại phương Tây và không có kế hoạch từ bỏ quan hệ hợp tác với Nga để đáp ứng yêu cầu của phương Tây.

Ông nhận định: “Đối với châu Phi, Nga hiện là đối tác được lựa chọn, đang được đón nhận nồng nhiệt hơn so với phương Tây và thậm chí cả Trung Quốc. Ngoài ra, mối quan hệ của Moscow với châu Phi có thể chỉ trở nên mạnh mẽ hơn trong tương lai gần bởi vì, với thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen hiện đã bị hủy, các công ty Nga và các nước châu Phi sẽ đàm phán trực tiếp tại hội nghị thượng đỉnh về cung cấp lương thực và viện trợ nhân đạo”.

Trong nhiều năm qua, châu Phi luôn là mục tiêu của cuộc đua nâng tầm ảnh hưởng địa chiến lược giữa nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, Trung Quốc vẫn là nước đang có sự hiện diện mạnh mẽ nhất ở châu lục với kim ngạch thương mại hằng năm đạt 200 tỷ USD. Sau gần 3 thập niên nhường lại “sân chơi” đầy tiềm năng này, nước Nga trong nhiệm kỳ tổng thống thứ tư của nhà lãnh đạo Vladimir Putin đã quay lại châu Phi trên nền tảng xây dựng các lợi ích chung. Moscow nhìn nhận khu vực này có rất nhiều tiềm năng phát triển và mong muốn hợp tác bình đẳng với các nước châu Phi mà không đòi hỏi trao đổi điều kiện chính trị hay các điều kiện “đặc biệt” khác.

Nổi bật trong số những lĩnh vực hợp tác giữa Nga và châu Phi phải kể đến kinh tế và quân sự. Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2018 là 20 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm 2010 và con số này được dự báo có thể vượt 40 tỷ USD vào năm 2023. Về quân sự, trong 4 năm qua, Nga đã ký 19 thỏa thuận hợp tác quân sự với các đối tác tại Lục địa đen. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của châu Phi với 35% thị phần trên toàn châu lục…

Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi được cho là kết quả của những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ trong nhiều năm qua nhằm đưa sự hiện diện của Nga trở nên đậm nét hơn tại khu vực. Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia châu Phi nhằm duy trì lợi ích kinh tế chung và bảo vệ lục địa này khỏi các lệnh trừng phạt đơn phương bằng cách giảm ưu thế của đồng USD và chuyển sang các loại tiền tệ khác trong giao dịch.

Người đứng đầu Điện Kremlin miêu tả Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi là “sự kiện cột mốc và chưa từng có tiền lệ”. Hoạt động này cũng giúp khẳng định một trọng tâm ngoại giao mới của Moscow khi Lục địa đen đang trở thành mục tiêu quan trọng trên con đường khôi phục ảnh hưởng của nước Nga trên trường quốc tế.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.