Thúc đẩy điều tra truy cứu tội ác của IS tại Iraq

Thứ Bảy, 04/12/2021, 10:21

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) đề nghị Phái bộ LHQ điều tra thúc đẩy truy cứu tội ác của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq (gọi tắt là UNITAD) tiếp tục hỗ trợ xây dựng pháp luật để thiết lập cơ sở pháp lý cho việc truy cứu trách nhiệm thành viên IS tại Iraq.

Ngày 2/12 (theo giờ New York), Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã họp thảo luận về hoạt động của Phái bộ LHQ Điều tra thúc đẩy truy cứu tội ác của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq (gọi tắt là UNITAD) trong 6 tháng vừa qua. Báo cáo trước HĐBA, ông Christian Ritscher, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ kiêm Trưởng UNITAD cho biết, trong thời gian qua, Phái bộ đã đạt được những bước tiến quan trọng trong công tác điều tra các tội ác mà lực lượng khủng bố này gây ra tại Iraq. Trong đó, Phái bộ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong cuộc điều tra tội ác của IS đối với người Hồi giáo Shia bị giam giữ tại nhà tù Badush vào năm 2014, làm ít nhất 600 người chết.

8-1.jpg -0
Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ngoài ra, kết quả điều tra cũng tìm được bằng chứng rõ ràng cho thấy IS từng sử dụng vũ khí hóa học tại một số địa điểm trong các năm 2014 và 2016. Các nước thành viên HĐBA ghi nhận nỗ lực và hiệu quả hoạt động của Phái bộ LHQ điều tra thúc đẩy truy cứu tội ác của IS tại Iraq, nhất là trong điều kiện hết sức khó khăn do tác động của dịch COVID-19 và tình hình an ninh phức tạp tại Iraq. Đa số các nước đều rất quan tâm đến công tác điều tra về việc IS sử dụng vũ khí hoá học tại Iraq. Các nước đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương Iraq với Phái bộ.

Nhiều phát biểu cam kết tiếp tục hỗ trợ Phái bộ thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả trên cơ sở các nghị quyết liên quan của HĐBA, phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp của Iraq. Một số nước thành viên đề nghị Phái bộ chú trọng đến việc bảo đảm tôn trọng chủ quyền của Iraq trong các hoạt động điều tra và trừng phạt các cá nhân bị kết án.

Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ hoan nghênh các kết quả mà Phái bộ LHQ đã đạt được trong hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ trong thời gian qua cho dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Đại sứ đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Phái bộ với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến trong công tác điều tra, cũng như các nỗ lực tranh thủ sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân. Đại sứ nhắc lại lập trường của Việt Nam ủng hộ các nỗ lực chống phổ biến vũ khí huỷ diệt, lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí hoá học của bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mong muốn Phái bộ LHQ sẽ sớm hoàn tất điều tra về vấn đề này tại Iraq.

Đại sứ đề nghị, Phái bộ LHQ tăng cường hợp tác với Chính phủ Iraq, chính quyền khu vực và địa phương và lãnh đạo tôn giáo, áp dụng tất cả các quy trình và biện pháp bảo vệ nạn nhân và nhân chứng, tiếp tục hỗ trợ xây dựng pháp luật để thiết lập cơ sở pháp lý cho việc truy cứu trách nhiệm thành viên IS tại Iraq. Đồng thời, Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ Phái bộ LHQ thực hiện nhiệm vụ của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của HĐBA và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, trong đó có tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và thống nhất của Iraq.

Cũng tại cuộc họp, HĐBA LHQ đã nghe báo cáo chung về hợp tác giữa các Ủy ban 1373 về chống khủng bố, Ủy ban 1267/1989/2253 về Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Cận Đông (ISIL/Daesh) và Ủy ban 1540 về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các báo cáo nhấn mạnh vai trò bổ trợ lẫn nhau của các ủy ban, tập trung vào việc thu thập thông tin, tình hình, nguy cơ khủng bố, kể cả nguy cơ khủng bố tiếp cận, sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết liên quan của HĐBA. Đại sứ Tunisia, Chủ tịch Ủy ban 1373 cho biết, Ủy ban đã có nhiều nỗ lực tổ chức cuộc họp mở nhằm thông tin, tăng cường năng lực cho các nước như về chống tài trợ cho khủng bố, các nguy cơ mới nổi, có các hình thức sáng tạo nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 1373 và các nghị quyết liên quan, tổ chức các chuyến thăm hỗn hợp.

Theo Đại sứ Na Uy, Chủ tịch Ủy ban 1267, Ủy ban đang rà soát danh sách các cá nhân, tổ chức trong danh sách trừng phạt của ủy ban, kêu gọi các nước hợp tác và gửi báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 1267. Về phần mình, Đại sứ Mexico, Chủ tịch Ủy ban 1540 khẳng định, Ủy ban tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho các nước trong thực hiện Nghị quyết 1540, khuyến khích các nước thông qua Kế hoạch hành động quốc gia tự nguyện. Các thành viên HĐBA đánh giá tốt về sự phối hợp hoạt động giữa các ủy ban, đề nghị các ủy ban và các nhóm chuyên gia tiếp tục tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới và đẩy mạnh hoàn thành chương trình làm việc của các ủy ban, hỗ trợ thực hiện nghị quyết liên quan của HĐBA.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ khẳng định, chủ nghĩa khủng bố và vấn đề phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh quốc tế. Đại sứ Phạm Hải Anh đánh giá cao kết quả công việc của các ủy ban, khắc phục thách thức do đại dịch COVID-19, duy trì trao đổi, tăng cường năng lực, chia sẻ thông tin cho các nước. Đại sứ đề nghị các ủy ban tiếp tục hợp tác, điều phối hoạt động, hỗ trợ kỹ thuật cho các nước trong thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Đại sứ tái khẳng định cam kết của Việt Nam thực hiện đầy đủ các nghị quyết của HĐBA về chống khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, phối hợp với các cơ quan LHQ và tất cả các đối tác trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.