1001 biện pháp cắt giảm chi tiêu công của châu Âu

Thứ Ba, 20/07/2010, 08:07
Đối mặt với sức ép ngày càng lớn về giảm chi tiêu để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công từ Hy Lạp đang lây lan nhanh trên phạm vi toàn châu Âu, các nước thuộc Liên minh châu Âu đang gồng mình đối phó với những biện pháp chẳng giống nhau.

Chẳng hạn như ở Pháp, sau khi buộc phải gợi ý sa thải 2 Quốc vụ khanh vì bê bối "xài sang", Tổng thống Nicolas Sarkozy ngày 6/7 đã mở chiến dịch mang tên "bàn tay sạch" nhằm ngăn chặn nạn tham nhũng và giảm thiểu những ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công.

Theo đó, ông Nicolas Sarkozy đã yêu cầu các thành viên trong nội các phải tự điều chỉnh chi tiêu quỹ công của mình ở mức giảm đi 26%, hạn chế sử dụng máy bay, xe hơi sang trọng trong các chuyến công tác. Đối với các cơ quan công quyền, Thủ tướng Pháp Francois Fillon còn yêu cầu giảm thiểu bộ máy hành chính, cắt giảm ít nhất 10% ngân sách chi tiêu cho các chuyến công tác từ cấp Thứ trưởng trở xuống.

Trong bước 2 của kế hoạch giảm chi tiêu, ông Francois Fillon còn đề nghị các Bộ trưởng đi công tác bằng tàu hỏa thay vì bằng máy bay, ở khách sạn bình thường hoặc thậm chí là nhà nghỉ công thay vì những khách sạn đắt tiền như trước đây. Và để kiểm soát thâm hụt ngân sách cho phù hợp với tiêu chuẩn của châu Âu vào năm 2013, Pháp còn tuyên bố sẽ cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm khoảng 100 tỷ euro.

Tại Anh, biện pháp được Điện Buckingham Anh thực hiện trong gần một năm qua là cắt giảm các chuyến công du nước ngoài của Nữ hoàng Elizabeth. Hành động này đã giúp cho Hoàng gia Anh giảm 12,2% chi phí công, tương đương với 38,2 triệu bảng. Ngoài việc hạn chế tối đa các chuyên công du nước ngoài không cần thiết, Hoàng gia Anh còn cắt giảm cả chi phí về an ninh, hạn chế tiệc tùng và giảm bớt nhân viên phục vụ.

Trong khi đó, Chính quyền London cũng tuyên bố kế hoạch cắt giảm chi tiêu lên tới 40% để đối phó với khoản thâm hụt ngân sách lên tới 156 tỉ bảng (237 tỉ USD). Các cơ quan nhà nước sẽ thực hiện "kế hoạch làm gương" cắt giảm 1/3 chi phí hành chính. Bên giáo dục và quốc phòng tuy được một số hỗ trợ, nhưng cũng phải cắt từ 10%-20% chi tiêu. Chỉ các cam kết viện trợ quốc tế và ngân sách cho y tế là được giữ nguyên.

Riêng tại Đức, tham vọng của Thủ tướng Angela Merkel là tiết kiệm tới 30 tỷ euro đến năm 2013 và sau đó giảm thêm 10 tỷ euro mỗi năm. Chính phủ Italia thì thông qua gói biện pháp khắc khổ tiết kiệm 24 tỷ euro (gần 30 tỷ USD) giai đoạn 2011-2012 nhằm khắc phục khoản nợ công lên tới 115,8% GDP trong năm 2009.

Còn Đan Mạch cắt giảm chi tiêu công khoảng 4,37 tỷ USD trong ba năm tới, gồm giảm lương các thành viên trong nội các chính phủ

Phan Hiển
.
.
.