9 điều chưa biết về WikiLeaks

Thứ Tư, 15/12/2010, 18:54
Nổi tiếng là trang web đã công bố những trang tài liệu mật của quân đội Mỹ trong cuộc chiến Iraq, Afghanistan và cả những văn thư ngoại giao của chính quyền Washington, vạch trần những bí mật trước nay chưa hề được công bố, WikiLeaks đang trở thành tâm điểm truy xét của giới chức Mỹ và phương Tây.

Trong khi đó, ông chủ của trang web này là Julian Assange phải đối mặt với lệnh truy nã của Thụy Điển, lệnh báo động đỏ của Interpol và đang chuẩn bị gặp cảnh sát Anh, chấp nhận trả lời thẩm vấn theo yêu cầu.

1. WikiLeaks là từ được cấu tạo từ hai từ trong tiếng Anh là Wiki và Leak (nghĩa là sự rò rỉ). Đây là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, chuyên đăng tải các nội dung được những nhân vật vô danh gửi đến hoặc các thông tin rò rỉ của những tài liệu chưa được công bố.

 

2. Thực chất, ông chủ Julian Assange không phải là người sáng lập ra WikiLeaks. Trang web này có mặt trên Internet vào tháng 12/2006, dưới sự bảo trợ của tổ chức The Sunshine Press. Tổ chức này do một nhóm người châu Á kết hợp với các nhà báo, nhà toán học, kỹ sư công nghệ cao ở Mỹ, châu Âu và Nam Phi thành lập. Cho đến nay, đội ngũ nhân viên cho WikiLeaks chỉ có khoảng 40 người.

Theo tờ Người New York của Mỹ, WikiLeaks không có đội ngũ nhân viên làm việc được trả lương, không có văn phòng. Kể từ khi tiếp quản vị trí làm chủ trang web, ông Julian Assange thường sử dụng các cộng tác viên và các tình nguyện viên trong việc cung cấp và đăng tải tài liệu trên WikiLeaks.

3. Một năm sau khi ra mắt, WikiLeaks đã công bố hàng ngàn tài liệu do các cộng tác viên cung cấp. Riêng năm 2010, WikiLeaks đã công bố gần 500.000 tài liệu mật của Mỹ về chiến tranh tại Afghanistan và Iraq, cùng với 250.000 thư tín ngoại giao của nước này. Ngày 6/12 vừa qua, WikiLeaks lại tung ra 1 qủa bom thông tin nữa, đó là văn thư của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi tất cả các sứ quán Mỹ trên thế giới yêu cầu lên danh sách các điểm có "tầm quan trọng, sống còn" với an ninh của nước Mỹ.

Trong danh sách này, các đường ống, đường giao thông, trung tâm liên lạc của các nước trên thế giới chẳng hạn như trạm trung chuyển khí gas Nadym (Nga), mỏ cô ban (Cônggô), trạm vệ tinh và nhà máy của BAE (Anh) vv… Hồi tháng 4 vừa qua, một đoạn video được đăng tải trên website này có tên gọi "Vụ giết người ngoài dự kiến" đã đưa WikiLeaks trở thành cổng thông tin chính cho các báo cáo, tài liệu và video nặc danh và chính xác từ các chiến trường xa xôi.

4. WikiLeaks được duy trì trên hai máy chủ, một máy chủ của hãng Amazon tại Mỹ và một máy chủ của Bahnof tại Thụy Điển. Trước ngày 3/12, WikiLeaks chỉ có một địa chỉ URL để độc giả vào xem tin tức. Nhưng sau khi bị mất tên miền, liên tục bị hacker tấn công, ban quản trị của WikiLeaks đã buộc phải duy trì tới 8 địa chỉ URL trong đó có nhiều địa chỉ lấy tên miền tại Đức, Thụy Điển.

Hiện một đảng của Thụy Sĩ là Swiss Pirates Party đã đề nghị cung cấp 21 địa chỉ trang web thay thế cho WikiLeaks, nhiều trong số này là các tên miền của châu Âu. (Swiss Pirates Party được thành lập năm ngoái với tôn chỉ ủng hộ sự tự do và minh bạch Internet). Theo thông tin mới nhận được, ông Julian Assange tiết lộ cho đến nay WikiLeaks đã có tới 355 website con chứa toàn bộ nội dung trên website chủ và còn tăng lên nữa

5. Sau khi bị Amazon từ chối cho thuê máy chủ, WikiLeaks hiện chỉ hoạt động dựa vào máy chủ của Bahnof tại Thụy Điển. Theo hãng CNN, trung tâm dữ liệu của Bahnhof đặt trong một ngọn núi gần Stockholm. Các máy chủ được đặt dưới độ sâu 30m, trong một căn hầm ngầm chống bom hạt nhân được xây dựng từ thời Chiến tranh lạnh. Chỉ có một lối duy nhất dẫn vào khu chứa máy chủ và cánh cửa được làm bằng kim loại dày tới nửa mét.

6. Quản lý nguồn quỹ của WikiLeaks là tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi là Wau Holland Foundation, có trụ sở tại Berlin (Đức). Năm 2009, Wau Holland Foundation đã nhận được hơn 1 triệu USD tiền đóng góp cho WikiLeaks từ các tổ chức và cá nhân. Các nguồn tiền gửi về cho WikiLeaks đều thông qua dịch vụ thanh toán qua mạng PayPal, hay gửi tiền qua thư tới một hòm thư ở Australia, chuyển tiền qua tài khoản ở Thụy Sĩ, Đức hoặc Iceland.

Hiện các ngân hàng ở Thụy Sĩ và PayPal đã tạm ngừng giao dịch tài chính liên quan đến WikiLeaks. Sau khi công bố tài liệu mật liên quan đến cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và Iraq hồi tháng 7, WikiLeaks đã nhận được 800.000 USD tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm. Nhưng từ đó đến nay, WikiLeaks cũng đã phải chi trả tới 38.000 USD tiền phí đi lại cho các hoạt động của Julian Assange và dự định sẽ hỗ trợ 100.000 USD cho binh sĩ Bradley Manning để anh này chi trả cho luật sư trong trường hợp phải hầu tòa.

Lệnh truy nã của Cảnh sát quốc tế đối với Julian Assange.

7. Các hoạt động của WikiLeaks dưới sự kiểm soát của Julian Assange đều được làm theo một trình tự và được mã hóa. Julian Assange là người Australia nhưng ông thậm chí không cư trú lâu dài ở bất kỳ đâu. Ông đi từ nước này sang nước khác, nhờ sự giúp đỡ của những người ủng hộ, hoặc bạn của bạn. Có thể nói, WikiLeaks tồn tại ở bất kỳ nơi nào Assange làm việc. Vì thế, ngay cả khi ông Julian Assange bị tiêu diệt hoặc WikiLeaks bị xóa bỏ trên Internet thì 100.000 bản sao mã hóa của các tài liệu thư tín bí mật sẽ tự động được công bố.

8. Sau 250.000 trang tài liệu liên quan đến ngành ngoại giao Mỹ bị tiết lộ trên WikiLeaks, giới ngoại giao Mỹ rúng động. Bà H.Clinton hiện là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã gọi điện không dưới 10 lần đi nhiều nơi trên thế giới để lấy lại lòng tin của nhiều nước với Mỹ. Theo bà, chính đương kim tổng thống Obama cũng làm công việc này. Tuy nhiên, việc hàn gắn trên cũng không đủ khiến cho thế giới nguôi giận.

Chính vì thế, cùng với việc tổ chức lại hệ thống bảo mật quốc gia, Mỹ đã phải cải tổ nhiều sứ quán trong đó có việc phải triệu hồi một số đại sứ về nước vì công việc của họ trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn sau khi các tài liệu mật bị tiết lộ. Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ còn bị tổng thống nước này phát đơn kiện vì đã nói ông có tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ. Cùng chung danh sách này còn có ông Đại sứ Mỹ tại Lybia, phái đoàn Mỹ tại LHQ. Theo một nguồn tin, Tổng Thư ký KLHQ Ban Ki moon đã nói với bà H.Clinton "Người ta chẳng vui vẻ gì khi bị người khác nhòm ngó mình".

9. Julian Assange có quốc tịch Austraylia, năm nay 39 tuổi, đã có một con trai với người vợ nay đã ly thân. Ngay từ nhỏ, ông đã say mê tin học và nổi tiếng như một hacke mũ trắng, từng lập nhiều trang web của mình và được những người đồng lứa, chung niềm say mê kính trọng.

Ông có bạn gái từ rất sớm, cùng sống chung với bạn gái của mình nhưng gia đình không đồng ý cuộc hôn nhân này. Để được sống như mình muốn, Julian cùng bạn gái bỏ lên thành phố, thuê một căn nhà chật hẹp và bí mật làm lễ cưới. Tại đây họ có chung một con trai, nhưng rồi cuộc hôn nhân cũng không kéo dài được lâu. Trước khi sang sống ở châu Âu, Julian và con trai cùng là sinh viên một trường đại học nhưng khác khoa.

Sau khi công bố tài liệu mật đợt đầu trên WikiLeaks, ông bị tố cáo đã cưỡng dâm và quấy rối tình dục với 2 người phụ nữ Thụy Điển, bị toà án Thụy Điển và Interpol truy nã khẩn cấp về tội danh trên nhưng Julian kiên quyết bác bỏ lời buộc tội này và nói việc làm của ông có sự đồng tình của 2 người phụ nữ kia

V.D.T. - Trung Nguyên
.
.
.