Bác Hồ với quyết định “Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”

Thứ Ba, 03/08/2010, 09:53
Trong hệ thống hồ sơ của Bộ Công an hiện vẫn còn đang lưu giữ tập hồ sơ về một vụ trọng án đã gây xôn xao dư luận vào giữa những năm của thập kỷ 60 (thế kỷ XX). Mặc dù đã 40 năm trôi đi, nhưng đến giờ, nhiều người vẫn còn nhớ đến những chi tiết của vụ án này. Thủ phạm vụ trọng án ấy chính là Trương Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp lúc bấy giờ.

Trước một đối tượng có bề dày công tác, lại giữ một trọng trách trong hệ thống cơ quan Nhà nước, thủ đoạn gây án vừa tinh vi, vừa xảo quyệt với mục đích đánh lừa dư luận và các cơ quan bảo vệ pháp luật; nhưng bằng trí tuệ và bản lĩnh của mình, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn, các điều tra viên ngày ấy đã nhanh chóng làm rõ bản chất vụ án, khởi tố và bắt giữ tội phạm để đưa ra xét xử trước công đường.

Ít lâu sau, bản án ấy đã nhanh chóng được trình lên Hồ Chủ tịch. Với Bác, càng thương dân, cán bộ chiến sĩ bao nhiêu, Người càng thể hiện tính cương quyết bấy nhiêu mỗi khi phải xử lý số cán bộ có hành vi tham nhũng, tiêu cực và thoái hoá về đạo đức. Đương thời, Bác thường căn dặn: "Cán bộ, đảng viên có gương mẫu thì quần chúng mới noi theo". Những cán bộ đã từng sống và làm việc với Bác đều thấu hiểu rất rõ về điều này.

Thời kháng chiến chống Pháp, Người đã chấp nhận bản án tử hình đối với Cục trưởng Cục Quân nhu - Đại tá Trần Dụ Châu về tội tham nhũng. Hơn chục năm sau, Bác mới lại được TAND Tối cao xin ý kiến về vụ án này. Sau khi cân nhắc, Bác Hồ đã đi đến quyết định: "Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt". Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những quyết định của Bác đến nay vẫn là lời cảnh tỉnh cho những cán bộ đảng viên sống sa đọa và tham nhũng.

Từ cái chết bí ẩn

Trương Việt Hùng trước giờ gây tội ác.

 

Trương Việt Hùng theo dõi sức khỏe của vợ sau khi cho uống thạch tín.

Trên đường đi tiêu hủy tang vật.

3h sáng ngày 16/8/1964, bà con cô bác và các nhân viên y tế Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh ngậm ngùi thương tiếc tiễn đưa bà Nguyễn Thị Cận, một phụ nữ nhân hậu, đoan trang vừa từ Hà Nội đến nghỉ mát tại khu điều dưỡng Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Theo sát quan tài của người đàn bà xấu số ấy, người ta thấy sự hiện diện của ông Trương Việt Hùng, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và là chồng bà Cận. Việc bà Cận chết đột ngột quả thật như một dòng điện nhanh chóng lan toả và gây bất ngờ ở khu vực Bãi Cháy, bởi buổi tối hôm trước, nhiều người vẫn còn thấy bà khoẻ mạnh. Vậy mà bây giờ đã vội vã đi về cõi vĩnh hằng.

Thấy vậy, trong dòng người đưa tiễn bà hôm ấy có người chép miệng: "Đúng là sống chết có số, chả biết thế nào. Nay là người, mai đã là ma rồi". Sau khi được tin bà Cận chết đột ngột, Ban Giám đốc khu nhà điều dưỡng đã báo tin khẩn cấp tới Sở Công an tỉnh Quảng Ninh và Bộ Công an.

Qua điều tra được biết: Vợ chồng ông Trương Việt Hùng từ Hà Nội đến nghỉ mát tại khu điều dưỡng Bãi Cháy từ chiều 13/8/1964, tức là sau một tuần đế quốc Mỹ mở màn cuộc chiến tranh phá hoại đối với các tỉnh miền Bắc nước ta, trong đó có nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Ninh. Cảnh máy bay Mỹ giội bom, cảnh quân và dân ta đánh trả và bắn rơi máy bay, bắt sống giặc lái vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân ở đây. Vậy mà ông Trương Việt Hùng vẫn quyết định đưa vợ đi nghỉ mát.--PageBreak--

Họ tới khu điều dưỡng làm thủ tục và nhận phòng vào chiều 13/8/1964 thì đêm 14, rạng sáng 15/8/1964, bà Cận bỗng nhiên ngất lịm khiến nhiều y, bác sĩ ở đây rất bàng hoàng. Trước lúc bà trút hơi thở cuối cùng, các nhân viên y tế đã thay nhau túc trực và thực thi nhiều giải pháp tình thế nhưng bà Cận vẫn không qua khỏi và như một định mệnh, trái tim bà đã ngừng đập lúc 4h20' sáng 15/8/1964. Mai táng xong người vợ quá cố, ông Trương Việt Hùng vội vã quay trở lại Hà Nội. Việc đầu tiên của ông là thông báo cho những người thân trong gia đình và họ hàng, cơ quan xung quanh cái chết của bà Cận.

Một vài người lầm tưởng mọi việc rồi sẽ kết thúc tại đó. Bà Cận chết do bị bệnh tim. Nhưng không, việc ra đi quá đột ngột của bà Nguyễn Thị Cận đã trở thành dấu hỏi cho nhiều người. Những người có nhiều thắc mắc nhất lại là một vài người bạn gái thân cận của bà Cận.

Theo họ khi còn sống bà Cận chỉ bị đau dạ dày. Nhưng chứng bệnh ấy của bà đã được điều trị ổn định tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Chưa bao giờ họ nghe bà nói là mắc căn bệnh đau tim. Trước khi rời Hà Nội đi nghỉ mát, người ta thấy sức khoẻ của bà vẫn bình thường. Vậy tại sao vừa đến khu điều dưỡng ở Bãi Cháy được một ngày, một đêm bà đã chết vì bệnh tim. Nhất là khi thấy ông Thứ trưởng Trương Việt Hùng (chồng bà Cận) lại biểu lộ thái độ không bình thường.

Điều không bình thường đầu tiên mà mọi người dễ nhận thấy nhất ở ông ta là tại sao ông Hùng không đưa thi hài vợ mình về Hà Nội mà lại an táng tại đất người. Thời điểm đó đi lại khó khăn hơn bây giờ, miền Bắc đã bước vào cuộc sống thời chiến song với cương vị là một Thứ trưởng như ông thì chuyện đó xem ra đâu phải khó.

Sau đó là những biểu lộ thể hiện sự đau khổ, thương tâm trong đám tang người vợ, người ta thấy tâm trạng ấy ở ông bỗng nhiên tan nhanh. Bộ mặt ông lại tỉnh queo, hàng ngày cười cười nói nói rồi gặp ai ông cũng rêu rao về căn bệnh tim quái ác đã cướp đi vợ ông. Một số người còn thấy ông ăn diện hơn mọi ngày.

Đi tìm nguyên nhân và mối tình tội lỗi

Giữa lúc cuộc điều tra vụ trọng án này đang diễn ra thì cơ quan Công an liên tiếp nhận được nhiều lá đơn do nhiều người gửi đến. Tại những lá đơn ấy, họ đề cập đến nhiều vấn đề uẩn khúc xung quanh cái chết của bà Cận. Nhiều người còn chủ động tìm đến cơ quan điều tra cung cấp các chứng cứ, tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án và đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật phải sớm làm sáng tỏ những khúc mắc trong vụ án này.

Một vấn đề cũng phải nêu ra là từ khi nhận được điện khẩn từ khu nghỉ mát Bãi Cháy về việc bà Cận đột tử, lúc đầu các cán bộ được giao nhiệm vụ khám nghiệm hiện trường và điều tra vụ án do quá tin vào lời lẽ của ông Thứ trưởng Trương Việt Hùng nên họ đã không tiến hành lấy mẫu để giám định chất nôn, phủ tạng của bà Cận. Do vậy, khi nhận được nhiều lá đơn tố cáo, đích thân Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã cử một đoàn cán bộ về Quảng Ninh để phối hợp với Công an địa phương điều tra vụ án này.

Đoàn gồm có các cán bộ ở Cục Cảnh sát nhân dân, của cơ quan khoa học hình sự. Khi đến Quảng Ninh, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, công việc đầu tiên của họ là tiến hành khai quật tử thi để giám định phủ tạng với mục đích xác định độc tố trong cơ thể nạn nhân.

Chỉ sau 3 ngày kể từ khi nhận được mẫu, Phòng Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an lúc đó) phối hợp với Viện Kiểm nghiệm (Bộ Y tế) đã đưa ra kết quả: Bà Nguyễn Thị Cận chết là do uống phải liều lượng lớn thuốc ngủ loại Gardenal và thuốc độc thạch tín. Kết quả giám định trên làm nhiều người kinh ngạc. Còn đối với các cán bộ Công an được giao nhiệm vụ điều tra vụ án thì coi đây là bước đột phá quan trọng mang tính quyết định đối với việc làm sáng tỏ vụ trọng án này.

Từ kết quả trên, các trinh sát ở các bộ phận nghiệp vụ được tung đi thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan đến cái chết của bà Cận. Qua tìm hiểu, họ đã có đủ bằng chứng để chứng minh rằng trước ngày bà Cận qua đời, ông Trương Việt Hùng đã có quan hệ bất chính với một cô gái trẻ chỉ đáng bằng tuổi con ông. Cô gái ấy tên là Vũ Thị Tuyết Ng. Một câu hỏi được đặt ra đối với các trinh sát: "Liệu mối tình này có liên quan gì đến cái chết của bà vợ ông Trương Việt Hùng?".

Tìm hiểu thêm, các trinh sát viên hồi ấy được biết không ai khác chính bà Cận và những người thân trong gia đình bà trước đó đều đã biết khá rõ về mối tình của ông Hùng với cô Tuyết Ng.

Là một phụ nữ và lại là phu nhân của một vị Thứ trưởng, hồi đó bà chỉ biết cắn răng chịu đựng. Đêm về trước thái độ ghẻ nhạt, thờ ơ và lạnh lùng đến đáng sợ của chồng trong cuộc sống vợ chồng, nhiều lần bà dùng lời lẽ ngọt ngào khuyên nhủ chồng để mong sao cuộc sống gia đình duy trì được êm ấm. Nhưng rồi tất cả những điều như thế quả là như nước đổ đầu vịt. Ông Hùng không những không nghe theo lời khuyên của bà Cận mà tiếp tục dấn sâu thêm vào mối tình tội lỗi với cô gái trẻ Tuyết Ng.

Hàng ngày, cứ nhìn cử chỉ của chồng, bà Cận như thấy tim mình bị đau nhói nhất là nghe thấy chồng điện thoại hò hẹn với người tình ở nơi này, địa điểm kia. Bất lực trong việc điều chỉnh cuộc sống vợ chồng, bà chỉ còn biết đưa những chuyện như thế ra tâm tình với người bạn gái tâm đầu ý hợp.

Trong tập hồ sơ vụ án, người ta còn đọc được lời khai của một vài nhân chứng trước cơ quan điều tra. Nhân chứng này chính là một trong số bạn gái của bà Cận. Họ cho biết: "Có lần bà Cận thổ lộ với tôi rằng: Con Ng. chỉ đáng tuổi con của mình. Vậy mà ông ấy cứ  theo đuổi. Tôi không dám nói ra vì sợ ông ấy bị đình chỉ công tác, bị kỷ luật". Những lời khai của công chúng càng củng cố quyết tâm của các trinh sát và thúc đẩy nhịp độ điều tra vụ án. Từ người này đến nhân chứng khác đã giúp cho các cán bộ điều tra từng bước tháo dần các nút tưởng như bị thắt chặt.--PageBreak--

Các tài liệu điều tra cho thấy ông Trương Việt Hùng có quan hệ với cô Vũ Thị Tuyết Ng. từ năm 1959. Khi đó cô gái này mới ở độ tuổi 20 còn ông Trương Việt Hùng đã bước sang tuổi 43. Sau khi mối quan hệ được thiết lập, để đánh lừa dư luận, mỗi khi đi đâu, gặp ai, ông đều tự giới thiệu: "Đây là cô em vợ tôi". Ở thời điểm đó, nhìn bề ngoài cặp tình nhân này như bố và con, vậy mà không hiểu sao tình yêu của họ nồng cháy đến thế.

Trong 4 năm (1960-1963), kỳ nghỉ mát nào của vị Thứ trưởng này đều không vắng mặt Tuyết Ng. Thôi thì đủ nơi từ Đồ Sơn đến Sa Pa, Tam Đảo. Với những người mà lần đầu tiên biết ông, Trương Việt Hùng chẳng cần giấu giếm mà nói toẹt ra rằng đó là vợ tôi. Đáp lại, Tuyết Ng. cũng biểu lộ tình yêu mãnh liệt của mình đối với ông Trương Việt Hùng.

Nhiều người vẫn còn nhớ năm 1962, khi ông Trương Việt Hùng bị mổ ruột thừa ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Tuyết Ng. ngày đêm dồn hết sức lực và tình cảm chăm sóc ông như chăm sóc một người chồng thực sự. Việc làm này của Tuyết Ng. khiến cho các bác sĩ, y tá ở bệnh viện đều khen nức nở rằng ông Hùng có cô vợ trẻ thật mỹ mãn.

Nhiều người khác thấy cảnh trớ trêu này và đã khuyên bà Cận nên đến gặp cô Tuyết Ng. để cho một trận đòn chí tử. Nhưng bà Cận vẫn nghĩ đến cái đạo của một người làm vợ. Nói ra chẳng được gì mà trái lại ông Trương Việt Hùng còn bị mất chức, uy tín và danh dự của gia đình bị giảm sút.

Và để làm rõ thêm mối tình bất chính này, các trinh sát một lần nữa phải lặn lội về quê ông Trương Việt Hùng để tìm hiểu thêm dư luận ở địa phương là xã Phú Lãm, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh.

Tại đây, có nhiều người thắc mắc: "Tại sao bà Cận là vợ một Thứ trưởng mà lại chết đột ngột đến thế?". Còn tại nhà nghỉ Bãi Cháy, kết hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh, lực lượng trinh sát của Bộ Công an nắm được: Vợ chồng ông Hùng đến nhà nghỉ Bãi Cháy với phiếu nghỉ 15 ngày nhưng ông Hùng chỉ mua phiếu ăn 5 ngày, mỗi ngày 1,5 suất. Đêm 13/8 cũng như tối 14/8, mọi việc đều bình thường. Nhưng vào lúc 1h15 ngày 15/8/1964, ông Hùng từ phòng ngủ chạy xuống báo cho thường trực nhà nghỉ và chị Liêm, y sĩ trực đêm hôm đó đã lập tức có mặt để tiến hành cấp cứu, cho bà Cận ngửi thuốc Amoniacque, rồi xoa bóp và tiêm thuốc trợ sức. Sau khi ngửi thuốc, họ thấy bà Cận đã hắt hơi. Khi thấy tình hình sức khoẻ bà Cận đã khá hơn, anh Lễ và chị y tá đã dặn ông Hùng cần chú ý theo dõi nếu thấy có sự khác thường, phải báo ngay cho họ.

Khi anh Lễ và chị Liêm về nơi trực của mình được chừng 45 phút thì ông Hùng lại xuống gọi, lần này thì ông nói: "Nhà tôi bây giờ lại không nói được nữa". Chị y sĩ vội đưa cho ông Hùng một chai Amoniacque và dặn ông cầm ngay lên cho bà Cận ngửi. Sau đó chừng 2 phút anh Lễ và chị Liêm đều chạy lên phòng ông Hùng và thấy ông ta vẫn cầm chai nước trên tay mà chưa cho vợ ngửi. Khi chị Liêm sờ lên người bà Cận thì thấy tim bà đã ngừng đập, còn chân tay bà thì đã lạnh ngắt. Họ tiêm thuốc, thuốc không vào, làm hô hấp nhân tạo cũng không đem lại kết quả.

Sau khi bà Cận chết, Trương Việt Hùng đề nghị đưa bà sang Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh. Những người trực tiếp cấp cứu cho bà Cận đều nói khi lên phòng của vợ chồng ông Hùng, thấy màn vẫn mắc nguyên, ga trải giường vẫn phẳng phiu, không bị nhàu, chứng tỏ hai vợ chồng đã không nằm chung một giường.

Từ kết quả thu thập chứng cứ của các trinh sát, Ban chuyên án đã họp và nêu ra nhiều nghi vấn: "Tại sao máy bay địch mới đánh phá khu vực Hồng Gai ngày 5/8/1964, nhân dân đang phải sơ tán mà ông Hùng lại đưa vợ đến đây nghỉ mát? Tại sao phiếu nghỉ ghi 15 ngày mà ông Hùng chỉ mua vé ăn có 5 ngày? Tại sao màn vẫn mắc nguyên, ga trải giường vẫn phẳng phiu, có đúng là chỉ có một mình bà Cận nằm ngủ hay không? Tại sao y sĩ đưa thuốc ngửi mà ông Hùng không đưa cho vợ ngửi...".

Nhận thấy Trương Việt Hùng có nhiều dấu hiệu phạm tội giết bà Cận, Bộ Công an quyết định khai quật tử thi để nghiên cứu. Qua khám nghiệm tử thi, bác sĩ pháp y cho biết thêm trên cơ thể tử thi không phát hiện thấy thương tích, dạ dày không bị loét, phủ tạng có chứa 50mg chất luminal (còn gọi là thuốc ngủ Gardenal) và độc tố thạch tín.

Từ kết quả trên, Ban chuyên án đã kết luận bà Nguyễn Thị Cận bị đầu độc bằng chất độc và cho bắt khẩn cấp Trương Việt Hùng. Trước những bằng chứng không thể chối cãi, Trương Việt Hùng đã cúi đầu nhận tội giết vợ để lấy Vũ Thị Tuyết Ng. Ông ta còn khai vì muốn lấy Ng. làm vợ nên ngay từ năm 1960, đã có mưu đồ giết vợ. Năm 1961, y dùng thuốc chuột bỏ vào thuốc Bắc cho bà Cận uống. Sau khi uống thuốc, bà Cận trúng độc sùi bọt mép, cấm khẩu, chân tay co quắp phải đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu mới thoát chết. Nhưng vụ đầu độc này vẫn chưa bị bại lộ.

Năm 1962, khi còn học ở Trường Đảng cao cấp, Trương Việt Hùng mượn cớ là bị mất ngủ nên đã xin y tế nhà trường và xin bạn cùng học được khoảng 50 viên thuốc ngủ Gardenal có hàm lượng 0,01. Năm 1963, Trương Việt Hùng lại nhờ một người bạn đang làm việc ở nước ngoài mua giúp 100 viên Gardenal. Đầu năm 1964 thì y nhận được số thuốc này và đem tán nhỏ thành bột, đợi thời cơ để thực hiện âm mưu ám hại vợ. Thời cơ ấy chính là dịp đi nghỉ mát ở Bãi Cháy.

Thực hiện dã tâm này, tối 13/8/1964, sau khi đến nhà nghỉ, để vợ khỏi nghi ngờ, ông Hùng kêu mệt và lấy gói bột sắn trong cặp ra, pha một cốc uống trước mặt vợ, nói là thuốc để giải nhiệt. Đến tối hôm sau, vào lúc 20h, bà Cận kêu mệt và chuẩn bị đi ngủ sớm. Chớp được cơ hội này, Hùng bảo vợ: "Trước khi đi ngủ nên uống thuốc cho đỡ bị mụn nhọt". Bà Cận đồng ý.

Ông Hùng mở tủ lấy 2 gói bột trắng gồm một gói thuốc ngủ có chứa thạch tín mà y đã đánh dấu sẵn và một gói bột sắn. Mỗi gói pha một cốc. Pha xong, ông Hùng uống hết cốc bột sắn còn cốc thuốc độc y đưa cho bà Cận. Uống hết cốc thuốc ngủ, bà Cận nằm yên và lịm dần.

Khoảng 21h, thấy vợ mê man, ông Hùng vẫn ngồi bên cạnh. Đến 24h, khi thấy bà Cận đã ngừng thở, Hùng mới "vội vàng" chạy đi gọi người cấp cứu. Sau khi được cấp cứu, bà Cận đã thở được trở lại. Khi ra về, người y sĩ giao cho ông Hùng tiếp tục trông nom bà Cận. Nhưng đến 4h sáng ngày 15/8/1964 thì bà Cận tắt thở. Biết vậy song ông Hùng vẫn nấn ná một lúc mới chạy xuống phòng thường trực để gọi người cấp cứu.

Can tội "Cố ý giết người có chủ mưu bằng thuốc độc", dù là cán bộ cao cấp, Trương Việt Hùng vẫn phải lĩnh mức án cao nhất mà Toà án nhân dân tối cao đã tuyên: Tử hình

.
.
.