Bản án ngược cho lương tâm

Thứ Bảy, 10/07/2010, 15:16
Hôm đó, TAND TP HCM đã tuyên phạt Tăng Lâm Dũng mức án 9 năm tù, đây là mức án thấp hơn so với đề nghị của VKS nhưng cũng là cái giá quá đắt mà người đàn ông này phải trả.

“Lại là mấy vụ giết người dã man nên các anh mới lôi ra xử lưu động chứ gì?” - Chưa hết ngái ngủ, tôi cằn nhằn nhưng vẫn sửa soạn qua loa rồi cố chạy để đến kịp giờ khai mạc phiên tòa này. Bởi tôi biết, nếu là vụ án đơn giản thì ông anh kia đã chẳng mất công "hú" tôi như thế.

Hơn 30 phút phóng như bay trên đường phố Sài Gòn vào giờ cao điểm, cuối cùng, tôi cũng len lỏi vào được khu vực xét xử lưu động tại chung cư liên phường 19, quận Bình Thạnh, TP HCM. Lại tiếp tục len lỏi, tôi tìm được cho mình một chỗ ngồi khá tốt trong khu vực dành riêng cho lực lượng An ninh và Hội đồng xét xử (HĐXX). Ông anh thẩm phán của tôi xuất hiện với vẻ mặt rất nghiêm nghị (anh ấy vẫn tỏ ra thế mỗi khi làm việc), giúi vào tay tôi bản cáo trạng rồi nhanh chóng trở lại với công việc của mình khi tôi chưa kịp nói lời cảm ơn.

Theo cơ quan công tố, Tăng Lâm Dũng (46 tuổi) và gia đình ông Nguyễn Văn Có (55 tuổi) ở cạnh nhau trong hẻm 169 Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh. Trong sinh hoạt hàng ngày, hai gia đình phát sinh nhiều mâu thuẫn. Ngày 11/2/2009, Dũng bị ông Có đánh gãy sống mũi mang thương tật 10% (sau này Công an quận Bình Thạnh ra quyết định không khởi tố vụ án) khiến Dũng tức giận, nảy sinh ý định trả thù.

Thực hiện ý định, chiều 13/4/2009, khi vợ dắt đứa con nhỏ về quê ở Phan Thiết, Dũng cũng chở luôn đứa con gái lớn đến nhà mẹ ruột gửi rồi đi mua 10 ngàn đồng xăng về nhà cất giấu. Đến 4h45’ sáng hôm sau, Dũng đổ hết số xăng vào nhà ông Có, lấy dây điện buộc chặt hai khoen cửa nhà ông này rồi châm lửa đốt. Thấy ngọn lửa bốc cao, Dũng nhanh chóng quay về lấy xe máy bỏ trốn.

Phát hiện nhà mình phát hỏa, gia đình ông Có vội cùng nhau dập lửa trên người đứa cháu ngoại 3 tuổi và vợ ông này rồi tìm đường thoát thân nhưng không sao mở được cửa. Nhận được tin báo, Công an đã đến giải cứu và đưa người bị thương đi bệnh viện. Hậu quả, vợ ông C. bị bỏng với thương tật 10%, còn cậu bé phải chịu 20% di chứng. Ngay chiều hôm đó, ông Dũng đã đến Công an đầu thú.

Một cảm giác ngột ngạt xâm lấn khiến tôi bức bách hơn trong cái không gian nóng hầm hập của những ngày cuối tháng 4. Cái cảm giác đó xuất phát từ hành vi phạm tội quá nguy hiểm, hay đúng hơn là quá độc ác của bị cáo trong vụ án này. Nếu như sự việc không được phát hiện kịp thời, liệu hậu quả có dừng lại ở đó? Cái cảm giác đó thôi thúc tôi muốn nhìn tận mặt con người có dã tâm tàn bạo kia ngay lập tức.

Nhưng, qua cánh cửa sắt chỉ mở hờ, đập vào mắt tôi lúc này là hình ảnh người đàn ông có mái tóc bời bời đang chắp đôi tay bị còng chặt trước mặt, mắt nhắm nghiền, miệng lâm râm khấn vái… Ông ta cứ ngồi như thế, không màng đến sự canh gác nghiêm ngặt của cảnh sát tư pháp cũng như sự có mặt của một người lạ như tôi. Thời gian chầm chậm trôi, phải một lúc rất lâu sau ông ta mới mở mắt. Một ánh mắt buồn bã, khắc khoải… Ánh mắt đó khiến tôi nhớ đến lời vị thẩm phán sáng nay: "Chồng của bị hại đã lên tận tòa la ó, xưng là người nhà của một "ông lớn" trong ngành tòa án…". Như vậy, người chồng đó chắc chắn là ông Nguyễn Văn Có, nhân vật được cáo trạng xác định đã đánh gãy sống mũi Tăng Lâm Dũng với thương tật 10% trước khi vụ án này xảy ra. Điều đó cũng có nghĩa, tội ác của bị cáo đã được hình thành từ hai phía.

Mặt trời đã gần đứng bóng, không gian ngập ngụa nắng trong tiết trời oi nồng. Tăng Lâm Dũng được dẫn giải đến chiếc vành móng ngựa với vẻ mặt thất thần, nhễ nhại mồ hôi. Một thoáng bối rối qua nhanh trong mắt ông khi bắt gặp gia đình người hàng xóm đang nhìn mình đầy căm hận và những vết sẹo to tướng, sần sùi trên thân thể non nớt của đứa bé trai đang vô tư nô đùa trong vòng tay mẹ. Thật nhanh, ông cúi đầu giấu đôi mắt đã rân rấn nước khi nhìn thấy những đứa con đang ôm nhau mếu máo bên cạnh người vợ gầy rộc của mình.

- Tại sao bị cáo ra đầu thú? - Vị chủ tọa bắt đầu phần thẩm vấn.

- Từ lúc xách xe chạy khỏi đám cháy, bị cáo lang thang mãi bên Thủ Đức và suy nghĩ về hành động dại dột của mình. Thấy mình sai quá nên bị cáo đến đầu thú cho nhẹ tội. -  Ông Dũng thật thà khai.

- Tại sao bị cáo lại buộc cửa, đốt nhà ông Có khi biết trong nhà có tới 6 người và cả trẻ em?

- Gia đình ông Có đã ức hiếp, đánh đập vợ chồng con cái chúng tôi suốt từ năm 2002. Biết bao lần chúng tôi kêu cứu, trình báo với chính quyền nhưng không ai xử lý được ông ta. Được nước, ông ấy càng hung dữ với gia đình tôi hơn. Mới đây, cả nhà ông ấy đã đánh tôi gãy sống mũi, rồi còn tạt nước bẩn vào nhà tôi nhiều lần. Tôi ức lắm… Ngừng một lát, ông Dũng nghẹn giọng khai tiếp - Đêm đó tôi buồn quá, mua rượu về uống rồi ngủ đến gần sáng. Tỉnh dậy, tôi lại nhớ tối qua ông Có hắt nước tiểu vào nhà mình, tức quá mới lấy xăng qua bên đó đốt.

- Ông ta có quá đáng nhưng những người khác trong gia đình ông ấy có tội tình gì, nhất là đứa bé kia. Có mâu thuẫn gì cũng để chính quyền giải quyết, chứ sao bị cáo lại phóng hỏa đốt nhà, còn buộc chặt cửa quyết giết hết mọi người. Nếu không kịp thời dập tắt thì hậu quả sẽ thế nào? Còn số phận hàng xóm xung quanh sẽ ra sao nếu đám cháy lan sang? Hành vi của bị cáo thật quá dã man. - Vị chủ tọa gay gắt.

- Tôi bị dồn nén quá không biết làm sao khi mấy anh Công an cũng phải nói "chịu không nổi thì dọn đi nơi khác mà sống". Còn ông ta lúc nào cũng xưng mình là Công an đi hù tùm lum, còn tuyên bố đã "bít" hết mọi đường nên không ai làm gì được ổng… Tôi tức quá mới làm liều như thế - Ông Dũng chùng giọng nhưng mọi thớ thịt trên mặt ông căng cứng, đầy đau khổ.

Có mặt tại tòa, hàng trăm người dân đến dự khán đều lặng đi trước những lời khai nhận của "kẻ giết người". Nhiều ánh mắt nghi ngại đổ dồn về phía gia đình bị hại, nơi ông Nguyễn Văn Có đang ôm khư khư quyển sổ, ghi ghi, chép chép.

Được HĐXX gọi tên, ông này xăm xăm bước đến, lớn tiếng khẳng định có chuyện mâu thuẫn với gia đình Dũng từ lâu nhưng là vì "giữ gìn an ninh trật tự", Dũng là người mê tín dị đoan, rước thầy cúng về nhà mà chính quyền lại không có ý kiến. Tiếp đó, ông Có còn thao thao nói về "trọng trách" của bản thân trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm…

- Lý lịch bị cáo cũng đã được thẩm vấn rồi, ông có muốn chúng tôi công bố lý lịch của ông không? Hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ, ông thường xuyên đánh đập gia đình bị cáo có rất nhiều người làm chứng. Quyết định xử phạt hành chính của địa phương ông đã thực hiện chưa? - Vị chủ tọa ngắt lời.

- Quyết định đó xử không đúng nên tôi "bác" (không thực hiện) - Ông Có dửng dưng trả lời.

- Chính cách sống không phải của ông đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho vợ và cháu mình. Chẳng lẽ đến bây giờ ông vẫn không nhận ra? Hôm qua, chính ông còn lên tận tòa hoạnh họe đủ điều, tuyên bố mình quen ông này ông kia nữa. Hành vi của ông là quá tệ, không thể chấp nhận. Ông về chỗ đi! - Vị chủ tọa không giấu được bức xúc.

Không một chút hổ thẹn, ông Có quay ngoắt về chỗ ngồi. Vừa đi vừa lầm bầm, khoa chân múa tay giải thích với vợ con. Còn người dự khán được một phen cười ồ.

Bào chữa cho bị cáo, luật sư Trần Công Ly Tao cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo Dũng vừa âm ỉ, vừa bột phát. Bản thân Dũng là người thiếu hiểu biết pháp luật nhưng vẫn cầu cứu đến chính quyền địa phương mỗi khi xảy ra chuyện nhưng họ đã thiếu quan tâm giúp đỡ, không giải quyết triệt để.

- Trước khi xảy ra vụ án này, ông Có cầm đầu 5 thành viên trong gia đình đánh Dũng gãy sống mũi nhưng chính quyền đã không xử lý thỏa đáng. Khi bị tạt nước thải vào nhà, ông Dũng cũng thưa ra chính quyền nhưng không được giải quyết. Chính những ức hiếp liên tục đó là nguyên nhân khiến ông Dũng thực hiện hành vi tiêu cực - vị luật sư nêu.

Còn ông Dũng, khi được nói lời sau cùng, bị cáo đã bật khóc, câu nói không tròn vành chữ: "Chỉ tại ông ấy… Nhưng tôi sai quá rồi... Xin tòa cho tôi án nhẹ để về lo cho gia đình…".

Tòa nghị án, ông Dũng bị dẫn giải vào trong, để lại sau lưng tiếng khóc xé lòng của hai đứa trẻ. Tiếng khóc ấy níu chân tôi tiến về phía họ. Trong lố nhố đám đông người dự khán, chị Trần Thị Mỹ Dung - vợ của bị cáo, đang ôm mặt khóc rưng rức.

- Chúng tôi đã bị áp bức gần 10 năm rồi nhưng không biết cầu cứu ai. Càng đi thưa càng bị ông Có chửi bới, đánh đập nhiều hơn. Chính gia đình tôi mới là nạn nhân, họ đã dồn chồng tôi đến bước đường cùng. - Chị Dung nấc nghẹn trước ánh mắt xót xa của những người xung quanh. Họ là hàng xóm của cả gia đình bị cáo và bị hại, đã từng bao lần chứng kiến cảnh "hỗn chiến" của hai gia đình sát vách này.

- Vợ chồng ông Dũng là người ăn ở hiền lành, thường hay lên chùa làm công quả nhưng ông Có lại cho là mê tín dị đoan. Không chỉ đánh vợ chồng họ, ông ta còn đánh cả 2 đứa con nhỏ nữa. Từ ngày xảy ra chuyện, vợ con ông Dũng phải đóng cửa ở trong nhà. Nhiều lần ông ta đi theo con gái ông Dũng đến trường chửi bới, nói cha cháu là kẻ giết người làm con bé xấu hổ không dám đi học. Còn thằng nhỏ 6 tuổi bị bệnh về thần kinh nhưng cứ thấy mặt ông ta là khóc thét vì quá khiếp hãi - một người phụ nữ cho biết.

Một cảm giác nghẹn ứ trong tôi khi bắt gặp đôi mắt sưng húp của đứa bé gái đang ôm ghì lấy cậu em, ngẩn ngơ, sợ hãi…Hôm đó, TAND TP HCM đã tuyên phạt Tăng Lâm Dũng mức án 9 năm tù, đây là mức án thấp hơn so với đề nghị của VKS nhưng cũng là cái giá quá đắt mà người đàn ông này phải trả.

Rời phiên tòa mà lòng tôi nặng trĩu. Liệu kiến nghị của tòa, yêu cầu xử lý những hành vi sai trái của ông Có và xem xét lại quyết định không khởi tố vụ án "cố ý gây thương tích" mà ông này gây ra, có được cơ quan chức năng giải quyết? Liệu những người trong gia đình Dũng có thể sống bình yên khi sự hận thù, hằn học vẫn còn nguyên trong ánh mắt của gia đình bị hại?

Hồ Vũ
.
.
.