Bảy mươi năm bước qua một "lời nguyền"

Chủ Nhật, 24/10/2010, 08:55
Ở bến Phủ Đoan có một đại gia đình mà chủ gia đình đó là ông Nguyễn Văn Hạnh, người đầu tiên của xóm chài dám bước qua "lời nguyền" của Hà Bá để cứu người. Ông còn được người dân nơi đây trìu mến gọi là "Ông cứu hộ".

Hơn nửa thập kỷ cứu người, vớt xác trên sông, ông lão xấp xỉ 90 tuổi đã gắn trọn cuộc đời mình với khúc sông tử thần… Bến Phủ Đoan, ngã ba sông luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của những người dân sống ven bờ sông Chảy, sông Lô, giờ đây còn có một  tên mới là bến "Nghĩa tình". Ở đó có một đại gia đình mà chủ gia đình đó là ông Nguyễn Văn Hạnh, người đầu tiên của xóm chài dám bước qua "lời nguyền" của Hà Bá để cứu người. Ông còn được người dân nơi đây trìu mến gọi là "Ông cứu hộ".

Ngược dòng Lô, chúng tôi đến nhà "Ông cứu hộ" vào một ngày giữa thu. Giữa sân gạch, ông lão râu tóc bạc trắng, nước da đồi mồi, hai bàn tay rắn rỏi thoăn thoắt gỡ lưới câu. Trò chuyện với chúng tôi, ông nói: "Cứu người ư, nhiều lắm nhưng tôi chẳng nhớ hết. Mình làm phúc, ai lại mang sổ sách ra ghi chép làm gì?". Nhắc đến "lời nguyền" của những người làm nghề chài lưới trên sông, ông Hạnh nói: "Tội vạ gì đâu, tôi sống đến tuổi này vẫn khỏe mạnh. Bây giờ cả dâu, cả rể tôi đã có 20 đứa con và hơn 30 đứa cháu, đứa nào cũng khỏe mạnh. Mình làm phúc, ai lại hại mình".

Nhắc lại kỷ niệm xưa, ánh mắt ông Nguyễn Văn Hạnh trở nên linh hoạt: "Ông bà, rồi bố mẹ tôi đều làm nghề chài lưới, bao đời phiêu bạt và sinh sống trên các dòng sông, rồi dừng chân ở ngã ba sông này từ năm 1920".

Ông Hạnh đang kiểm tra các móc câu.

Ngày đó, ngã ba sông Chảy, sông Lô mỗi mùa lũ về cuồn cuộn phù sa, khúc sông được mệnh danh là "ngã ba tử thần" cũng là nỗi ám ảnh của những người dân quanh năm làm nghề chài lưới. Từ khi còn là cậu bé đen nhẻm, tóc cháy nắng lưng trần, ông Hạnh đã theo cha mẹ lênh đênh trên các dòng sông, nên ông hiểu từng con nước, thuộc từng dòng xoáy… Xấp xỉ 90 tuổi đời với gần 70 năm cứu người và vớt xác trên sông, ông Hạnh không nhớ hết đã cứu bao nhiêu người nhưng kỷ niệm về lần đầu tiên thì ông chẳng thể nào quên.

Ông Hạnh trầm tư: "Năm đó, tôi khoảng 14-15 tuổi. Một đêm tôi theo cha quăng lưới trên sông. Đêm đó, trăng tròn vành vạnh tỏa sáng lấp lánh xuống dòng sông. Bốn bề yên tĩnh chỉ có tiếng sóng nước vỗ mạn thuyền ì oạp. Đến nửa đêm chợt có tiếng động mạnh, tôi thấy nằng nặng khác thường, liền gọi cha trở dậy. Khi đó, cha tôi đi ra, nhấc tay lưới rồi nói: Người đấy, không phải cá đâu, con ạ. Nghe thấy thế, tôi thấy  bủn rủn chân tay. Lúc đó, cha tôi nói: Mình đưa người ta lên bờ.  Vậy là cả đêm hôm đó, hai cha con tôi cùng ngồi bên cái xác. Đến gần sáng, cha bảo tôi ở lại trông xác, còn ông đi báo với lý trưởng làng đó. Khi phải ngồi một mình, tôi sợ lắm…".

Sau đó, ông Hạnh tham gia kháng chiến. Ông đi dạy bình dân học vụ và cuối cùng là học nghề y tá… nhưng cuộc đời ông vẫn gắn liền với sông Lô, sông Chảy. Dân vạn chài biết đến ông bởi ông là người dạy chữ, khám chữa bệnh, đồng thời cũng là người duy nhất dám bước qua "lời nguyền" của Hà Bá, cứu người chết đuối và vớt xác người trên sông. Cái tên "Ông cứu hộ" cũng từ đó mà có. Làm việc nghĩa, việc phúc nhưng chẳng phải lúc nào ông cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ. Có người vì sợ liên lụy đã  không cho con cái được giao du với mọi người trong gia đình ông. Nhưng ông Hạnh nghĩ thật giản đơn. Mình làm việc nghĩa, việc thiện chẳng ai lại hại mình.

Gần 70 năm cứu người và vớt xác trên sông, ông chưa bao giờ nhận một đồng tiền công. Nhưng nhiều người vì ơn nghĩa đã nhận ông làm cha nuôi. Trường hợp bà Nhất ở xã Đại Nghĩa là một ví dụ…

Bà Nhất giờ đã có đủ cả con trai, con dâu và cháu chắt nhưng nhớ ơn cứu mạng của ông Hạnh, bà vẫn thường xuyên thăm hỏi ông với tư cách là con nuôi. Năm ấy, bà Nhất 14 tuổi, một lần đi tắm sông bị nước cuốn trôi. Khi bà đang ngoi ngóp giữa dòng nước chảy xiết thì ông Hạnh, lao xuống dòng nước, vớt được bà Nhất lên bờ, lúc ấy đã trong tình trạng rất nguy kịch. Nhìn tình cảnh bà Nhất lúc đó, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Nhưng còn một tia hy vọng, ông Hạnh không bỏ lỡ. Ông làm hô hấp nhân tạo, rồi tổ chức sơ cứu. Một lúc sau, bà Nhất hồi tỉnh…

Mang ơn cứu mạng của ông, bố mẹ bà Nhất đã xin ông Hạnh nhận bà Nhất làm con nuôi. Khi bà Nhất đến tuổi trưởng thành, có một gia đình mang lễ đến dạm hỏi. Lúc đó, bố mẹ bà Nhất trả lời: "Ông bà mang lễ sang bên ông Hạnh, nếu họ đồng ý thì gia đình chúng tôi cũng vui vẻ cho cháu về làm dâu con trong nhà. Ông ấy là ân nhân, đã sinh ra cháu lần thứ hai…".--PageBreak--

Cha truyền, con nối, các con, cháu của anh Nguyễn Hữu Nghị (con trai ông Hạnh) gồm 20 người con vừa trai, gái, dâu rể; 32 cháu nội, ngoại và chắt đều tham gia vào công việc cứu người bị nạn trên sông. Ban đầu, phương tiện để cứu người chỉ là ba chiếc thuyền nan của gia đình, mỗi chiếc chỉ chở được 3-5 người với cây sào, chùm lưỡi câu do anh tự thiết kế. 

Xế trưa, anh Nguyễn Hữu Nghị, đồng thời cũng là Đội trưởng Đội Cứu hộ đường sông Đoan Hùng mới, về đến nhà. Nước da rám nắng, đen giòn khiến anh già hơn so với tuổi tác. Từ khi tóc còn để chỏm, anh Nghị đã theo cha cứu người,  vớt xác trên sông. Bao nhiêu năm lăn lộn, anh thuộc từng luồng lạch, dòng nước.

Ông Hạnh chụp ảnh với lãnh đạo Công an huyện Đoan Hùng.

Anh kể: "Lần đầu tiên, tôi tham gia là kéo một người chết ở mạn Tuyên Quang trôi về. Suốt cả đêm hôm đó, tôi được bố giao nhiệm vụ ngồi canh cái xác. Rồi kế đó là hai lần được chứng kiến bố mình cứu người, đó là trường hợp của anh Ngọ (ở chợ Bợ, khu Tuyên Quang) và chị Nhất… bây giờ họ đều là con nuôi của ông cụ". Nghĩa cử và hành động cao đẹp của người cha đã gieo vào trong lòng cậu bé Nghị và những người con trong gia đình những câu chuyện về lòng nhân hậu, thương người. Anh Nghị đưa cho chúng tôi xem bộ đồ hành nghề của mình gồm hơn 200 lưỡi câu là một số tấm lưới rồi, nói: "Những bộ lưỡi câu này đã vớt được bao nhiêu con người không may mắn. Trông thì đơn giản nhưng khó làm lắm đấy".

Năm 2004, ông Hạnh đề nghị UBND thị trấn Đoan Hùng (Phú Thọ) thành lập Đội Cứu nạn trên sông, trụ sở của đội là căn nhà của anh Nghị nằm nép mình bên sông Hồng. Tâm nguyện của ông Hạnh cũng là tâm nguyện của nhiều người nên đến năm 2005, Đội Cứu nạn trên sông chính thức được thành lập.

Ban đầu, Đội có 17 thành viên tham gia, trong đó có 12 là người là con, cháu của cụ, do anh Nguyễn Hữu Nghị làm đội trưởng, anh Nguyễn Thế Trường, con trai cả của cụ làm đội phó. Năm 2005, Đội vớt được 8 xác người. Năm 2006 cứu sống được 2 nạn nhân bị bom bi và vớt được 7 xác. Năm 2007 cứu sống được 1 người và vớt được 5 xác. Đặc biệt là năm 2008, ngoài vớt được 8 xác chết còn cứu được 8 cháu học sinh bị sa xuống sông. Anh Nghị nhớ lại: Xế chiều hôm đó, anh và các thành viên trong Đội Cứu hộ đang làm sỏi ven sông, thì bất chợt nghe tiếng trẻ con lao xao, sau đó là tiếng vợ anh: "Cứu người!". Đội Cứu hộ lao ra giữa dòng sông nước chảy xiết, cứu được 8 cháu bé. 

Anh Nghị điều khiển thuyền rà tìm người bị nạn.

Anh Nghị bộc bạch: "Cứu người chết đuối cũng phải có bí quyết và kinh nghiệm riêng. Các cụ ta thường nói "chết đuối vớ phải cọc" mà… Khi ấy, người gặp nạn sợ hãi bấu chặt vào mình, nếu không biết nghề, không học hỏi kinh nghiệm thì tính mạng của mình cũng chẳng dễ bảo toàn, nói gì đến việc cứu người".

Song vất vả nhất là khi vớt những xác chết lâu ngày đang trong giai đoạn phân hủy. Nhiều người nhìn thấy sợ hãi bỏ chạy hết, nhưng anh Nghị và các thành viên trong Đội Cứu hộ vẫn hì hụi làm. Những trường hợp này, họ phải bơi ra giữa dòng, dùng dây thừng buộc vào tay và vai nạn nhân rồi kéo vào bờ. Tôi hỏi anh Nghị: "Thế ôm xác chết thế, anh không sợ à?". Anh Nghị thành thực: "Làm mãi rồi cũng quen, cứ thấy hoàn cảnh của người ta đáng thương là mình quên hết sợ hãi".

Cứ có người gọi là các thành viên trong Đội Cứu hộ lại lên đường. Trung tuần tháng 9/2010, Đội Cứu hộ tìm xác của hai người bị nạn ở Tuyên Quang trôi về. Xác đã chết lâu, không có người đến nhận… Anh Nghị và đồng đội kéo vào làng Đại Nghĩa, mua quan tài liệm cho họ. Chưa kịp nghỉ ngơi thì họ lại nghe tin ở trên sông Chảy, người ta gọi điện thoại bảo là có hai em học sinh chết đuối. Thế là Đội Cứu hộ lại bơi thuyền nan tới nơi xảy ra tai nạn.

Anh Nghị tâm sự: "Bọn anh không kiêng, mình nghĩ là làm phúc, giúp đỡ cho người ta thì linh hồn người ta sẽ không phụ… Cứu được người ta thì mừng lắm. Còn nhớ vụ 2 cháu gái chết ở khúc sông huyện Đoan Hùng. Một cháu thì 7 hôm sau mới tìm thấy, một cháu thì trôi dạt về tận Hà Tây. Anh đi xe ôtô cùng với gia đình đưa cháu về đến tận nhà.

Đến nay, đội đã được công nhận là "Đội Cứu hộ đường sông Đoan Hùng" với hai con thuyền và 25 thành viên, ngoài người trong gia đình anh Nghị còn có những tấm lòng hảo tâm khác.  

Rồi anh Nghị chỉ tay sang bên kia sông, nói:  Đó là nơi chôn cất các thi hài không có người nhận. Ngôi mộ mới nhất của một người vùng cao vừa rồi mới có người đến nhận... Những trường hợp không có người thân, nếu xã nào có lời nhờ thì anh quyên góp tiền làm ma chay giúp họ. Bến Phủ Đoan bây giờ còn có thêm một tên mới là bến “Nghĩa tình", ở đó có những con người biết làm việc thiện, biết nhân lên cái thiện. Có tiếng chuông điện thoại vang lên, anh Nghị và các thành viên trong Đội Cứu hộ lại vội vã lên đường…

Xuân Mai
.
.
.