Bí mật trong những mê cung cổ đại

Thứ Hai, 06/09/2010, 11:05
Cách đây 5.000 năm, con người đã xây dựng được những mê cung huyền bí. Trong những nền văn hóa khác nhau trên thế giới, những công trình kỳ dị này tượng trưng cho con đường gian khổ, ngoằn ngoèo mà con người đã lần mò để đi tìm chân lý. Cũng có lúc, chúng là những đường vòng ma mị kỳ quái mà ai đã bước chân vào đó là không tìm thấy đường về…

Từ truyền thuyết trong thần thoại Hy Lạp

Khái niệm mê cung lần đầu tiên xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp và gắn liền với truyền thuyết về con quái vật nửa người nửa bò Minotaur. Labyrinthos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là mê cung, mê lộ. Đầu tiên, đây vốn là một cái vườn rất rộng trên đảo Crete. Trong vườn có nhiều lối đi chằng chéo. Tại giao điểm của các lối đi thường có những cây cao hay lâu đài giống nhau khiến người ta dễ bị nhầm lẫn.

Về sau trên đảo này lại có một mê cung khác được xây nên với những bức tường và công trình kiến trúc giống hệt nhau. Những người lạc vào đó có thể sẽ không bao giờ tìm được lối ra. Nói đến mê cung này, không thể không nhắc tới ý kiến của nhà văn Argentina nổi tiếng J.L.Borges (1899-1986): "Ý tưởng xây dựng một tòa nhà để cho con người không thể tìm được lối ra khỏi nơi đó có lẽ còn kỳ quái hơn là con người mang đầu bò".

Trong truyền thuyết này có ba yếu tố quyện chặt với nhau: Tòa nhà không có lối ra, người đầu bò và lễ vật hiến tế. Truyện kể rằng ngày xửa ngày xưa vua Minos (con trai của thần Dớt và nàng Ơrốp) lên ngôi trị vì trên đảo Crete. Một lần Minos đã làm cho thần biển Podeiđông nổi giận vì không đem dâng ông ta một con bò tuyệt đẹp như đã hứa. Thần biển đã trả thù bằng cách làm dấy lên ở nàng Padiphai - vợ của Minos những dục vọng vô độ trái tự nhiên: nàng đã ăn nằm với một con bò mộng và sinh ra đứa con đầu bò mình người tên gọi là Minotaur. Để giấu đứa con quái vật này, Minos cho xây một mê cung - một cung điện dưới mặt đất thật lắt léo phức tạp để nhốt đứa con quái vật nọ. Đặc điểm của tòa nhà này là có đường vào nhưng không có đường ra.

Trong tòa mê cung bí hiểm ấy, Minotaur ngày đêm lồng lộn để tìm lối thoát, nhưng vô vọng. Nó được nuôi dưỡng bằng thịt người, bởi vậy hằng năm mọi người phải đem nộp bảy chàng trai và bảy cô gái để cho Minotaur ăn thịt. Từ ngày đó, có rất nhiều các trai tráng được chỉ định vào mê cung để diệt quái thú Minotaur, nhưng tất cả đều một đi không trở lại, có những người may mắn tưởng như tìm được đường về nhưng đều bỏ mạng ngay sau cách cửa vào mê cung chỉ vài mét.

Tình trạng bi thảm này kéo dài gần mười năm cho đến khi hoàng tử Theseus, người anh hùng của xứ Aten, trừ diệt được con quái vật. Chàng xin tự nguyện đi vào mê cung Labirnatơ cùng với đoàn người cống vật để quyết một phen sống mái với Minotaur. Để giúp Theseus tìm được đường ra khỏi mê cung, công chúa thông minh Arian, con gái vua Minos, đã trao cho chàng một cuộn chỉ và dặn chàng cứ thả dần dần nó ra theo bước chân của mình. Chỉ có cách ấy mới có thể thoát chết. Nhờ vào cuộn chỉ của Arian, Theseus đã hoàn thành sứ mạng thiêng liêng cao quý của mình: chàng đã giết quái vật Minotaur và lần theo sợi chỉ mà thoát ra khỏi cung điện Labirantơ.

Từ ý nghĩa tượng trưng của mê cung...

Dưới con mắt người xưa, cuộc đời là một mê cung thực thụ, trong đó chỉ có những con đường vòng mới dẫn đến sự thành công, còn tiếp theo sau bất cứ niềm hy vọng nào bao giờ cũng là sự thất bại. Chỉ có mỗi cách tiến lên phía trước, nén lại nỗi buồn nản thì lúc ấy cuộc đời mới mỉm cười với ta, còn mê cung sẽ dần dần dẫn ta tới đích... Và thế là chúng ta lại đi tiếp: thêm một chỗ rẽ nữa. Tất cả đã thay đổi. Chúng ta đang đến gần tâm của mê cung. Nhưng một nỗi sợ hãi lại bao trùm lên chúng ta. Cái gì đang chờ đợi chúng ta ở tâm, trong "trái tim của bóng tối"? Khi mục tiêu đã đạt được, du khách ắt sẽ gặp quái vật Minotaur, tức là gặp cái chết. Đó chính là sự bí mật ảm đạm của cuộc sống và là bí mật của mê cung.

Còn "sợi chỉ của công chúa Arian" cũng có cách giải thích của nó. Có lẽ những vũ công Hy Lạp trong khi đi sâu vào mê cung đã được nối lại với nhau bằng sợi chỉ để không bị thất lạc giữa những lối đi ngoằn ngoèo và những chỗ rẽ. Vũ công đầu tiên dũng cảm đi ở phía trước. Những người khác, được hướng dẫn bởi sợi chỉ, đã lần lượt theo sau. Và mất hút dần trong "vương quốc tử thần" đó. Sau đó người dẫn đường quay ra và vội vã đi về phía ánh sáng. Nhờ có "sợi chỉ Arian" mà mọi người đã trở lại với cuộc sống.

Vào thế kỷ XII trước Công nguyên - thời kỳ cuộc chiến tranh thành Tơroa, nhiều bộ lạc từ phía Bancan kéo đến xâm chiếm Hy Lạp. Các thành phố và pháo đài bị phá hủy. Các truyền thống bị mai một. Song sự lãng quên truyền thống không làm giảm sự quan tâm chú ý tới các mê cung. Sự tượng trưng của nó trong thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên được phổ biến rộng rãi khắp trong cựu thế giới. Từ vùng Địa Trung Hải nó thâm nhập vào Xiri rồi từ đó sang phương Đông - sang Afghanistan, Ấn Độ, Srilanca và Indonesia. Sau này, biểu tượng đó truyền bá rộng rãi ở phương Tây: ở Tây Ban Nha, Anh, Xcăngđináp và ở Nga...

Ở Xcăngđináp, vùng Ban tích và ở Nga có thể bắt gặp hơn 500 mê cung rất cổ được xây bằng đá. Những công trình này mang tên "Thành Tơroa của phương Bắc". Đường kính của phần lớn mê cung này từ 7-8m. Nhiều cái trông giống với kiểu mê cung cổ điển ở thành Crete với một lối vào. Tất cả những mê cung này được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII-XVII. Mục đích của chúng vẫn chưa được các nhà khoa học làm rõ.

Đến mê cung trong hiện thực

Mê cung có thực mà chúng ta biết, được xây dựng mãi về sau này, khoảng chừng 1.600 năm trước Công nguyên. Công trình này nằm trong hoàng cung ở thủ đô Knoxơ trên đảo Crete. Các nhà khoa học không muốn tin vào truyền thuyết và cố hình dung xem mê cung có hình thù ra sao. Hiện nay họ ngả về ý kiến cho rằng ở đây nói đến một tòa nhà có những lối đi uốn lượn rất quanh co. Trong tòa nhà này người ta đã trình diễn những điệu múa nghi lễ và những vở diễn. Có thể nó được bảo vệ bởi những bức tường bằng đá.

Các nhà khoa học cho rằng trong các mê cung thường tiến hành những nghi lễ thụ pháp. Ở đây ngay đến những bức tường cũng toát lên ma lực. Cuộc du ngoạn qua mê cung có thể mang lại cho đồng ruộng vụ mùa mong muốn, cho công việc được trù tính sự thành công, còn cho cặp vợ chồng hiếm hoi một mụn con đầu lòng. Mê cung hấp dẫn người xưa bởi lẽ cuộc du ngoạn trong đó đầy những tương phản. Con người lúc thì đang đi gần tới đích, lúc thì lại xa cách nó, lúc thì nghĩ đến sự thành công sắp tới, lúc thì vỡ mộng. Về phương diện này, mê cung của người Hy Lạp hoàn toàn có thể so với "bánh xe số mệnh" của châu Âu thời Trung cổ.

Tháng 3 vừa qua, các nhà khảo cổ Anh và Hy Lạp đã thám hiểm mê cung trên hòn đảo Crete. Ông Nicholas Howarth, nhà nghiên cứu ở Đại học Oxford, người phụ trách nhóm khảo cổ, nói rằng hiện mê cung cổ đại này đến nay còn thu hút được rất nhiều du khách đến tham quan. Mọi người đến Knossos không chỉ để ngắm phế tích của một cung điện cổ được khai quật mà còn muốn gắn kết nó với thế giới thần thoại Hy Lạp.

Các hang đá gần Gortyn, được người địa phương gọi là Labyrinthos, có những đường hầm dài 2,5 dặm đan xen với các căn phòng và ngõ cụt. Ngay từ thời Trung cổ, nơi này đã đón nhiều vị khách từ phương xa tới tìm hiểu về mê cung trong truyện cổ Hy Lạp. Nhưng kể từ khi di chỉ Knossos được phát hiện vào cuối thế kỷ XIX thì các hang đá đó đã bị chìm vào quên lãng. Trong Thế chiến II, nơi đây là kho đạn của phát xít Đức.

Theo ông Howarth, hang Labyrinthos ở Gortyn tối om, gây cảm giác rùng rợn và khiến người ta rất dễ bị lạc, còn giả thuyết cho rằng cung điện ở Knossos là mê cung thì không đáng tin cậy. Ngoài Knossos và Gortyn, còn một quần thể hang động khác ở Skotino nằm trong đất liền của Hy Lạp cũng có khả năng là nơi tọa lạc của mê cung huyền thoại. Nhưng ông Andrew Shapland, người phụ trách Phòng Kỷ nguyên đồ đồng Hy Lạp tại Bảo tàng Anh ở London, không đồng tính với ý kiến của Howarth.

Ông nói: "Knossos là di chỉ có tính thuyết phục hơn vì nó được dựa theo truyền thuyết cổ xưa chứ không phải truyền thuyết sau này do khách tham quan dựng nên. Hơn nữa, Knossos còn được đề cập trong tác phẩm của thi hào cổ đại Homer. Nếu mê cung đó có thật thì Knossos mới chính là nơi về sau một mô hình mê cung đã được đưa vào thần thoại Hy Lạp".

Hiện nay vẫn còn nhiều mê cung bằng cỏ xén đơn giản từ thời tiền sử. Chúng tạo thành một con đường độc đạo nhỏ hẹp lượn lên lượn xuống quanh co trong chính bản thân chúng. Các thầy tu và các tín đồ đi qua mê cung này bằng cách quỳ gối trong trạng thái thiền thật sâu. Những mê cung bằng cỏ xén này biểu thị cho sự mộc mạc của cuộc sống, vì những đường hướng và những hình thái ngày càng thay đổi của nó vẫn có thể được chấp nhận một cách thoải mái và yên bình.

Mê cung ba hình xoắn trôn ốc của người Celt, có nhiều đường đi đến trung tâm của nó. Mặc dù có thể đi lướt qua mê cung này, nhưng nếu làm thế thì sẽ bỏ qua mất tính huyền ảo của con đường. Chỉ cần thay đổi các cách rẽ và đừng giữ nguyên bất cứ nguyên tắc nào là bạn có thể đi qua hết cả mê cung. Điều này nhắc nhở rằng, một cuộc sống phong phú là không đau đáu tới tương lai và hãy vui thích với mỗi khúc quanh, ngã rẽ của hiện tại

Hoàng Ngân
.
.
.