Bí sử nơi sản xuất trái bóng

Thứ Bảy, 10/07/2010, 08:22
Đã là tín đồ của môn túc cầu giáo ai cũng muốn khám phá xem trái bóng cung cấp cho World Cup 2010 được sản xuất ở đâu, công đoạn ra sao? Để giải đáp vấn đề này, PV của Spiegel (Đức) đã xâm nhập "thâm cung bí sử" nơi sản xuất những trái bóng này của các ông chủ phương Tây ở Pakistan. Xung quanh vấn đề này có quá nhiều điều bức xúc nhưng cũng thật thú vị.

Nơi sản xuất  70% lượng banh thế giới lại không mê bóng đá

Qua những cánh đồng xanh mướt, ngôi làng hiện thấp thoáng cùng những ống khói của các nhà máy gạch. Các căn phòng đều thủng lỗ chỗ và xuất hiện ngay bên cạnh những chuồng gia súc hay kho lương.

Trong một ngôi nhà ở Sambrial, cách thành phố Sialkot vài km, ở biên giới hai nước Pakistan và Ấn Độ, một người đàn ông khoảng chừng 20 tuổi là Shaukat đang ngồi trên chiếc ghế ngắn cùng hàng với 20 người đàn ông khác. Thời tiết tháng 4 đủ ấm để làm việc bằng chân trần nên anh ta vứt dép ngay sau chiếc ghế. Shaukat làm thuê cho nhà máy khâu tư nhân Daynyal được 8 năm.

Đây là nhà máy chuyên sản xuất những trái bóng bằng tay cho các Liên đoàn chuyên nghiệp. Cuối phòng có một chiếc TV cũ đang chiếu một trận bóng đá, tuy nhiên những người đàn ông này không hề quan tâm tới trận bóng. Họ vẫn khâu vá và trò chuyện với nhau. Họ thấy môn crickê thú vị hơn nhiều.

Hầu hết bọn họ không bao giờ chơi đá bóng. Còn Shaukat thì sung sướng cho rằng, hằng triệu người trên thế giới yêu thích bóng đá nhưng người Pakistan nói riêng và người Nam Á nói chung thì không thích lắm. Nhưng dù sao thì tình yêu bóng đá toàn cầu cũng giúp anh ta có được thu nhập ổn định.

Trước cổng vào của nhà máy, có bảng thông báo chỉ rõ mức chi trả hiện tại. Tùy theo từng mẫu, ông chủ trả từ 55 đến 63 rupi Pakistan cho một quả bóng (tương đương với 0,65 - 0,75 USD, hay 0,48 - 0,55USD).

Shaukat kể: "Mỗi ngày trong 8h tôi làm được 6 quả". "Đó không phải nhiều tiền", anh ta nói tiếp trong khi đang đưa kim xuyên qua lớp da nhân tạo dày và khâu chúng làm hai miếng vá. Ông chủ đang đứng gần đấy nên anh ta vội nói thêm: "Nhưng cái đó cũng không phải là ít". Anh ta được trả lương vào thứ 7 hàng tuần, và phải nuôi một gia đình 6 miệng ăn.

Các ông chủ giàu to nhờ khai thác giá nhân công "bèo"

Trung bình mỗi năm, mỗi người dân Sialkot kiếm được 1.000 USD đến 1.370 USD nhờ ngành công nghiệp sản xuất hàng thể thao, cao gấp 2 lần so với GDP bình quân đầu người cả nước. Các nhà sản xuất dụng cụ phẫu thuật, đồ da dụng và nhạc cụ cũng góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Tất cả những trái bóng và những miếng cắt xén làm vỏ trái bóng đều được xuất khẩu. Nhà cầm quyền đã nghiên cứu kỹ thị trường nước ngoài và đã chấp nhận các đối tác phương Tây. Khoảng 500.000 người sống ở đây,  và hầu hết họ đều tự hào về bản thân và thành phố của họ. Những con phố đẹp hơn và những chiếc xe ô tô mới hơn những vùng khác của Pakistan. Thành phố Sialkot được lợi từ việc toàn cầu hóa.

Cả đống trái bóng trắng được chất ở trước cửa phòng. Vật liệu để làm ra trái bóng do Công ty Thể thao Forward cung cấp. Mỗi tối, xe tải đến chở đi những trái bóng đã làm xong. Tại thời điểm này, Forward là công ty sản xuất bóng đá bằng tay lớn nhất Sialkot.

Công ty này thuê hơn 100 trung tâm khâu may kiểu như Danayal và bán bóng cho công ty thể thao của Đức-Adidas khoảng từ 5 eurro - 10 euro một trái, giá cả chính xác thì họ không tiết lộ. Ngoài Forward, Công ty Adidas còn có những hợp đồng với công ty khác ở Sialkot nữa.

Đó là một chặng đường dài từ những phòng khâu vá ở Sialkot tới các sân bóng chuyên nghiệp ở châu Mỹ và châu Âu. Để làm việc này, trước hết  phải có nhà thầu trung gian là những trung tâm may khâu, có những nhà xưởng, và một người kinh doanh.

Ngoài những nhà thầu trung gian, còn có các hãng vận chuyển, cơ quan hải quan, trang thiết bị khổng lồ cho thể thao, sự quảng cáo của các nước, những cửa hàng bán lẻ dụng cụ thể thao và những cửa hàng của doanh nghiệp. Những quá trình đó biến 63 rupi Pakistan cho mỗi trái bóng  thành một sản phẩm có giá trị hơn 100 euro. Rất nhiều người muốn ăn bớt. Và một số người đã trở nên giàu có với hàng triệu euro nhờ những ngôi sao bóng đá, họ có những quảng cáo đắt tiền với các hãng thể thao.--PageBreak--

Ham mê lợi nhuận át nỗi lo khủng bố

Nhu cầu về trái bóng rất lớn, nhất là trong năm có mùa World Cup. Kể từ giữa năm 1980, Sialkot đã có được cảng hải quan, điều đó có nghĩa là những nhà sản xuất không phải vận chuyển hàng hóa tới cảng Karachi nữa. Họ gọi những trung tâm chuyên vận chuyển là những "cảng khô". Năm ngoái thành phố mở một sân bay hiện đại cho phép Adidas, Nike, Puma và Co bay thẳng tới Sialkot nhận các đơn hàng khẩn cấp.

Tuy nhiên, gần đây các quan chức ở phương Tây khó có đủ can đảm để tới Pakistan, ngay cả khi không có những vụ khủng bố tấn công Sialkot. Các hãng thể thao khổng lồ rất sợ khủng bố nên họ không xây dựng mạng lưới phân phối ở đất nước này, cho dù là những sản phẩm của họ đều được sản xuất ở đây. Những thương nhân người Pakistan gặp vấn đề trong việc lấy thị thực cho Hoa Kỳ và châu Âu. Nhưng họ nói việc kinh doanh vấn rất tốt và có lợi nhuận cao.

Những nhà máy ở Sialkot cung cấp 40 triệu trái bóng mỗi năm, và con số đó tăng lên đến 60 triệu quả khi có mùa cúp C1 và mùa World Cup. Ước tính  có khoảng  70% trong tổng số bóng toàn cầu là được khâu bằng tay ở đây. Theo truyền thuyết, Sialkot trở thành trung tâm sản xuất bóng đá thế giới là từ một người thợ sửa bóng da cho những sỹ quan quân đội Anh thế kỷ trước đã mày mò làm ra một trái bóng của riêng mình. Người thợ ấy tên là Syed Sahhib, và thành phố đã lấy tên ông để đặt cho một con đường.

Nỗi lo với trách nhiệm lao động trẻ em

Những nhà cung cấp người Pakistan đã có tiếng tăm vang dội giữa các hãng thể thao thế giới kể từ khi chế độ lao động trẻ em bị  bãi bỏ ở đây. Những đứa trẻ khoảng 10 tuổi đã quen với việc khâu vá những trái bóng cho tới tận khi có phản đối kịch liệt của quốc tế về vấn đề lao động trẻ em. Những công ty thể thao quen với việc giữ gìn hình ảnh của họ vì họ có túi tiền khổng lồ, họ lo lắng về những danh tiếng của họ. Vì thế, họ ủng hộ chiến dịch nhân quyền và áp dụng nó một cách mạnh mẽ.

Năm 1997, những công ty của Pakistan cùng với những người đại diện cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và tổ chức lao động quốc tế đã ký hiệp ước Atalanta về vấn đề đồng ý ngừng việc sử dụng lao động trẻ em. Hàng ngàn trẻ em mất việc đột ngột từ Hiệp ước này. Để lệnh cấm được phát huy một cách dễ dàng đối với tập đoàn thể thao, những nhà sản xuất đồ gia dụng đã cấm mọi người làm việc ở nhà và thay vào đó là xây dựng những trung tâm khâu vá. Giờ đây, Pakistan có Hội Liên hiệp kiểm tra độc lập dành cho chế độ lao động trẻ em (viết tắt là IMAC), tổ chức này thường xuyên đến các nhà xưởng và kiểm tra giấy tờ của các nhân công.

Để ngăn cấm việc hối lộ, một máy tính xác định ngẫu nhiên một thời điểm và kiểm tra kỹ càng địa điểm của nhà máy. Số tiền dư ra chứng tỏ IMAC được hối lộ bởi nhà sản xuất địa phương. Nhưng có một vài xưởng sản xuất nhỏ không tham gia vào hệ thống này. Một kiểm soát viên của IMAC cho rằng: "Họ hoạt động vẫn tốt, điều đó có nghĩa là họ vẫn đang thuê trẻ em".

Ông Azix-ur Rehman, người đứng đầu của Adidas ở Pakistan cho rằng "Lao động trẻ em là một vấn đề nhạy cảm". Ông cho biết Công ty Adidas đã phát triển hệ thống giám sát nội bộ. Hơn nữa, nhà thầu phụ là Công ty Thể thao Forward thông báo cho tất cả mọi người trong những phân xưởng khâu vá để chắc chắn một điều là không có trẻ em ở đó.

Công ty Thể thao Saga là một trường hợp để cảnh báo cho hậu quả của việc sử dụng lao động là trẻ em. Hãng Nike đã hủy hợp đồng với Công ty Saga năm 2006, Saga đã từng là công ty có nhiều nhân công lớn nhất thành phố, nhưng ngày nay công ty hầu như phá sản. Những người quản lý của Công ty Thể thao Forward, Comet, Capital và những nhà sản xuất nhỏ hơn ở thành phố đã hết sức chú ý đến số phận của những công ty cạnh tranh.

Nỗi lo thiếu nhân công

Các bậc cha mẹ phải gửi con mình tới nhà máy gạch và vào những công ty làm về gia công kim loại vì những công ty này không phải lo lắng về hình ảnh của mình. Các gia đình cần tiền để duy trì cuộc sống. Những công ty thể thao địa phương rất hiểu công việc khâu bóng là tốt hơn cho những đứa trẻ, nhưng họ cũng muốn thực hiện nguyện vọng của khách hàng phương Tây - những người mua bóng họ muốn làm thế để lương tâm họ không bị cắn rứt.

Tuy nhiên, khách hàng ở những đại lý bán lẻ đồ thể thao đều biết được rằng, những cô bé gái giờ đây đang phải đẩy gạch ngang qua cửa phân xưởng khâu vá Danayal. Một người quản lý giấu tên cho hay: "Những đứa trẻ 10 đến 12 tuổi đều đã rất sung sướng khi ở đây. Các em được học nghề và được đảm bảo thu nhập. Bây giờ, chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc tìm những thợ khâu vá mới".

Muhammad Ishaq Butt tin chắc rằng Sialkot sẽ phải đương đầu với việc thiếu nhân công. Chủ tịch của phòng thương mại Sialkot trông giống như nhà doanh nghiệp Hanseatic. Butt phát biểu: "Chúng tôi cũng đang xây dựng hệ thống nhà máy sản xuất bóng bằng máy móc". Đó là một dự án mạo hiểm giữa thành phố và những nhà đầu tư cá nhân. 

Bóng không chỉ cung cấp cho World Cup

Có rất nhiều sự đổi thay sắp tới với các thợ khâu bóng ở Sialkot trong tương lai. Ông Butt cho rằng: "Đó là những công việc xã hội. Rất nhiều người muốn học để sử dụng máy móc". Ông nói thêm: "Tuy nhiên nhu cầu về bóng được khâu tay còn rất cao và chất lượng vẫn tốt hơn những quả bóng được gắn hay khâu bằng máy".

Trong các công ty lớn ở Sialkot, những người đàn ông trong bộ áo khoác trắng đang tạo ra những trái bóng bằng tay tốt hơn. Họ sử dụng máy tính để kiểm tra những sản phẩm của họ có đạt yêu cầu một cách tuyệt đối. Máy móc kiểm tra lượng nước vào những trái bóng khi trời mưa, chất liệu co giãn như thế nào và bề mặt bóng có dễ bị tuột. Bên cạnh đó, những công ty thể thao ở đây đã đang học cách bù lại thị phần đã mất với đối thủ cạnh tranh ở Viễn Đông.

Ông nói thêm: "Chúng tôi đang tăng cường sản xuất những sản phẩm khác ở đây. Ví dụ như quần áo và túi thể thao. Và ông ta cũng tự hào tuyên bố rằng Sialkot trở thành một thành phố dẫn đầu trong việc kinh doanh các sản phẩm khác. Bây giờ  thành phố sản xuất nhiều găng tay hơn bất cứ vùng nào trên thế giới"

Nguyên Minh (theo De Spiegel)
.
.
.