Bóng đá đảo lộn nước Mỹ

Thứ Sáu, 16/07/2010, 17:39
World Cup năm nay rất có ý nghĩa với người Mỹ. Nhờ World Cup những người hâm mộ Mỹ đã chuyển từ những người tiên phong trong bóng đá sang những người hiểu bóng đá và giờ đây là đam mê bóng đá.

Người Mỹ đều biết, bóng đá được gọi là "football" và nó là môn thể thao toàn cầu, nhưng họ lại gọi bóng đá là "soccer" bởi vì ở nơi đây đã có một môn thể thao vô cùng tuyệt vời khác có tên là "football", đó là môn bóng bầu dục (còn gọi là American football).

Bóng đá (soccer) chưa bao giờ có quy mô lớn như NFL (National Football League) - giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ hay Major League Baseball - Giải bóng chày nhà nghề Mỹ. Nhưng bằng rất nhiều cách, bóng đá đã trở thành một môn thể thao phổ biến và đang phát triển. Bóng đá chỉ đi sau bóng rổ về số người tham gia.

World Cup năm nay rất có ý  nghĩa với người Mỹ. Nhờ World Cup những người hâm mộ Mỹ đã chuyển từ những người tiên phong trong bóng đá sang những người hiểu bóng đá và giờ đây là đam mê bóng đá.

Khoảng 55 nghìn người đã xem trận đấu giao hữu giữa Hoa kỳ với Thổ Nhĩ Kỳ tại Philadenphia vào ngày 29/5. Những người ủng hộ đội bóng tham gia giải bóng đá quốc gia Mỹ - Major League Soccer (MLS) Seattle Sounders đã biến ngày thi đấu thể thao trở thành một sự kiện, kéo được 35 nghìn cổ động viên cuồng nhiệt phủ kín Qwest Field với 2 màu xanh lá cây và xanh dương, đứng hát suốt cả trận đấu.  "Các cầu thủ nói rằng, giống như đang chơi tại châu Âu vậy". Landon Donovan cho biết.

Và thêm một điều khác nữa: Đội Mỹ ngày càng chơi hay. Trận mở màn ở World Cup 2010, Mỹ đã hoà Anh với tỷ số 1-1, hòa Slovenia 2-2, thắng Angieria 1-0 để thẳng tiến vào vòng 1/8 và chỉ chịu dừng bước trước Ghana trong môt trận thua đầy tiếc nuối. Mùa hè năm ngoái, Donovan và đồng đột đã hạ gục nhà vô địch châu Âu Tây Ban Nha trong Confederations Cup và chỉ để thua  Brazil tại trận chung kết trong thế ngẩng cao đầu.

Fan Mỹ ngày càng hâm mộ bóng đá.

"Họ khiến cả thế giới phải chú ý. Chẳng ai có thể tưởng tượng được rằng mình đang thi đấu cùng với những chàng cao bồi. Họ đang chơi bóng đá với những cầu thủ thực thụ", Dan Gaspar, một người Mỹ, hiện đang là trợ lý huấn luyện viên cho Bồ Đào Nha cho biết.

Ảnh hưởng của bóng đá tăng lên trên rất nhiều cấp độ - khán giả, các phương tiện truyền thông, các doanh nghiệp, tổ chức và cả trong văn hóa. "Bóng đá là môn thể thao duy nhất được chơi trên toàn thế giới. Chúng ta không thể khác biệt với những người khác trên trái đất", Joe Roth, nhà sản xuất phim Hollywood cho biết. Ông chính là người sở hữu Seattle Sounders, đơn vị  có 3 kênh bóng đá trên truyền hình cáp bên cạnh ESPN.

Các công ty của Mỹ như Visa, McDonald's và Coca-cola từ lâu đã đưa bóng đá vào công việc kinh doanh ở nước ngoài, giờ đây lần đầu tiên tung ra thị trường Mỹ những quảng cáo cho World Cup diễn ra ở tận Nam Phi. Mặc dù sống ở đất nước vốn được coi là xứ sở của bóng bầu dục và bóng chày, cũng như những người trẻ tuổi khác trên thế giới, thanh niên Mỹ gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vẫn thể hiện lòng yêu bóng đá cuồng nhiệt. Cựu Tổng thống Bill Clinton, Tài tử Hollywood Brad Pitt đang được giao xứ mệnh kêu gọi cho Hoa Kỳ giành quyền đăng cai World Cup 2022.

Tung tiền thâu tóm các CLB

Những doanh nhân Mỹ, những người muốn chiến thắng trên mọi vấn đề, cũng đã nhận ra tiềm năng lớn từ môn thể thao này. Trước sự bàng hoàng và sửng sốt của rất nhiều người hâm mộ Anh, người Mỹ đã mua lại được một số đội bóng lớn của họ, trong đó có cả Liverpool, Aston Villa và Manchester United - sự nhượng quyền thương mại lớn nhất thế giới cũng luôn thuộc về người Mỹ, doanh nghiệp Mỹ cũng đã tài trợ khổng lồ cho các CLB lớn châu Âu.

Thậm chí giải đấu nhỏ bé một thời của Mỹ cũng đang tăng trưởng bứt phá, với những đội bóng MLS mới bên cạnh những sân vận động mới luôn rộng cửa đón chào các doanh nghiệp tại Philadenphia, Portland, Ore., và với những đội bóng nhượng quyền thương mại tại Montreal và Vancouver (Canada), giải đấu này sẽ có tới 20 đội tham dự vào năm 2012.

Cả thế giới có lẽ phải dè chừng: Mỹ sẽ chơi, xem, mua bán, quản lý và sớm muộn gì cũng sẽ sở hữu môn thể thao của bạn. "Tốt xấu gì thì Mỹ cũng luôn là trung tâm của thế giới, cả về thể thao, văn hóa, và chính trị", Ủy viên hội đồng quản trị của MLS Don Garber nói. "Do đó, rõ ràng là vì bóng đá đã trở thành môn thể thao toàn cầu, Mỹ sẽ cùng tham gia vào trào lưu mạnh mẽ này".

Mỹ đã mua một lượng vé vào xem World Cup lớn hơn bất kỳ quốc gia nào ngoại trừ nước chủ nhà với 16.000 vé. ABC/ESPN và Univision đã bỏ ra tổng cộng 425 triệu USD để mua quyền phát sóng trên đài truyền hình Hoa Kỳ. Hợp đồng năm 2002 là 40 triệu USD. "Nó đang trở thành một phần của câu chuyện", John Skipper, Phó Giám đốc điều hành nội dung của ESPN cho biết. Công ty của ông sẽ làm như thế, phát sóng tất cả các trận đấu trên ABC hoặc ESPN - và thời lượng quảng cáo đã được bán hết.

Thậm chí trước khi World Cup bắt đầu, bóng đá đã thâm nhập sâu hơn vào văn hóa Mỹ. Sự có mặt của David Beckham tại Giải bóng đá quốc gia MLS ba năm trước với giá chuyển nhượng kỷ lục đã khiến báo chí Mỹ theo dõi từng bước chân của cầu thủ này và cô vợ Posh. Nhưng khi Vanity Fair ghép cặp hai cầu thủ nước ngoài - Didier Drogba của Bờ biển Ngà và Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha - trên trang bìa, nó đã báo hiệu rằng bóng đá đã xâm nhập vào đông đảo quần chúng.

Vào cuối tháng 5, mạng Fox đã đẩy lịch phát sóng trận bóng chày giữa nhà vô địch New York Yankees và New York Mets từ buổi chiều xuống buổi tối để phát sóng trực tiếp trọn vẹn trận chung kết cúp C1 giữa Inter Milan và Bayern Munich. Trò giải trí quốc gia đã bị thế chỗ bởi trò giải trí toàn cầu

Nguyên Minh (theo Time)
.
.
.