Bức thư tuyệt mệnh của một thạc sỹ tương lai

Thứ Sáu, 06/08/2010, 15:05
Cô bước vào căn phòng của mình, nơi cô đang viết luận văn Thạc sỹ về một đề tài mà ông theo đuổi suốt những năm học đại học. Nhưng đêm đó, cô không viết tiếp bản luận văn mà cô viết bức thư tuyệt mệnh gửi cho người cha tội lỗi rồi vĩnh viễn giã từ cuộc sống…

Từ nỗi thất vọng về sự phản bội của người cha

Bà Thụ và ông Nghệ yêu nhau khi cả hai đều là SV cùng lớp một trường ĐH  kỹ thuật. Khi ra trường và đều về công tác tại các bộ, công ty tại Hà Nội, họ kết hôn và sinh 2 con, gái lớn, trai út. Họ đã có hơn 20 năm hạnh phúc, đã cùng nhau vượt qua cả thời bao cấp nghèo khó. Ai cũng ao ước được như gia đình họ, vợ chồng thương yêu, con cái ngoan, xinh đẹp, học giỏi. Bà con họ hàng quê ông Nghệ còn tự hào vì đã may mắn có được người con dâu tốt nết, thảo hiền, tận tụy như bà Thụ.

Khi cơ chế mở cửa bung ra, ông Nghệ khá nhạy cảm với thương trường, nên nhanh chóng bung ra, thu nhập gia đình khá giả nhờ các công trình mà ông thầu được. Ông đem tiền về cho vợ xây lại nhà cấp bốn thành nhà tầng khang trang, ông sắm sửa tiện nghi trong nhà, ông mua xe máy cho mình và cho các con. Vì vậy, ông Nghệ càng trở nên "thần tượng" trong mắt vợ con. Thế nhưng lạ một điều là khi nhà đẹp và tiện nghi xịn rồi, thì ông Nghệ lại ít về nhà. Ông thường kêu bận những công trình ở các tỉnh ngoài, chỉ ghé nhà một tháng đôi ba lần. Bà Thụ và các con lại càng thương ông vất vả, đã khuyên ông bỏ bớt việc. Ông Nghệ không nghe, ông vẫn đi biền biệt. Các con vừa thương vừa kính trọng bố, lại được mẹ dành nhiều thời gian đầu tư chăm sóc nên càng cố gắng học giỏi. Cô lớn tốt nghiệp ĐH đã thi đỗ và tiếp tục học lên cao học đã được 2 năm, chỉ còn ít tháng nữa là cô sẽ đi châu Âu tham dự một khóa học 6 tháng thì về nước bảo vệ thạc sỹ. Cậu con trai cũng học rất giỏi, cậu đỗ điểm cao vào ĐH hệ Tài chính ngân hàng.

Nhưng rồi bất hạnh bỗng đổ sụp lên đầu 3 mẹ con bà Thụ, khi một ngày bà bỗng thấy con gái trở về nhà trong tình trạng suy sụp tinh thần kinh khủng, cô bỏ ăn và lên phòng đóng cửa nằm khóc. Cô đã vô tình bắt gặp bố đèo xe máy một cô gái trẻ đi về Gia Lâm, trên tay cô gái đó bế một đứa bé mới khoảng 1 tuổi. Con gái bám theo, và phát hiện ra bố có vợ lẽ, có con riêng, một đứa bé trai hơn 1 tuổi. Bà Thụ hoảng hốt, thất thần. Nhưng bà không thể tin. Thế là trong đêm, con gái đã chở mẹ từ Hoàn Kiếm sang Gia Lâm để bà tận mắt chứng kiến. Sau khi nhìn thấy toàn cảnh một cuộc sống gia đình như thật. Bà kéo con gái vào nhà hàng xóm, hỏi thăm về ông Nghệ. Hàng xóm nông dân thật thà chất phác, kể rành rọt: Ông ấy đã già thế rồi mà lấy được cô vợ trẻ, nghe đâu quê ông ấy ở xa, ra Thủ đô làm thầu xây dựng gì đó, do hoàn cảnh nên đến tuổi lục tuần mới cưới được vợ, hai vợ chồng đến đây mua nhà rồi cô vợ mới sinh con trai kháu khỉnh lắm.

Đến cái chết oan uổng của cô con gái và lá thư tuyệt mệnh để lại

Mẹ con bà Thụ đã gắng gượng vượt qua mấy ngày căng thẳng đến khủng hoảng, chờ đến tối thứ 7 như thường lệ ông Nghệ sẽ về nhà, coi như ông vừa ở công trình một tỉnh nào đó về với vợ con. Sau bữa cơm tối, bà Thụ đề nghị được nói chuyện, và bà nói thẳng thắn những gì con gái đã phát hiện ra và bà đã tận tường chứng kiến, bà yêu cầu ông chấm dứt mối quan hệ đó vì con gái sắp đi lấy chồng. Ông Nghệ không giấu giếm mà ngang nhiên thừa nhận, ông đã quan hệ với cô gái nhà hàng vào lúc "trà dư tửu hậu" trong những lần đưa đối tác nhận thầu công trình đi ăn nhậu. Khi cô gái có thai, ông Nghệ đã đồng ý mua nhà bao cô sinh nở, rồi ông trốn vợ con đến chung sống với vợ lẽ con riêng. Ông Nghệ hứa với vợ là sẽ bán ngôi nhà đó đi, cho mẹ con cô gái ít tiền để cô đưa con về quê sinh sống, chấm dứt cuộc sống "ngoài chồng ngoài vợ" vi phạm pháp luật. Thật đau đớn cho con gái ông Nghệ vì cô vợ hờ của ông đúng bằng tuổi con gái ông.

Từ đó, ông Nghệ không bỏ nhà đi cả tuần, cả tháng nữa, khiến mẹ con bà Thụ cũng tràn ngập hy vọng. Viêc đồng ý cho nhà trai sang dạm ngõ rồi đem lễ ăn hỏi con gái cũng đã hoàn tất, bà Thụ lòng đã thấy vui trở lại vì bà biết con gái bà chỉ còn mấy tháng nữa sẽ ra nước ngoài, sau nửa năm nó quay về nước, nó sẽ đi lấy chồng và có hạnh phúc riêng. Đứa con gái học rất giỏi nhưng tâm hồn yếu đuối và nhạy cảm mà có hạnh phúc rồi thì bà Thụ sẽ không phải quá lo lắng về ông chồng hư hỏng nữa.

Nhưng bà Thụ không ngờ rằng, ông Nghệ hứa thế, mà thực ra không làm được thế, vì cô gái kia đời nào để bị bỏ rơi đơn giản như vậy, cô ít tuổi nhưng cô từng trải, cô đã cay đắng trải qua kiếp gái nhà hàng, đã thấm thía cuộc sống nghèo túng không biết dựa vào ai, nhất là khi cô còn phải nuôi con nhỏ và cha mẹ nghèo của cô ở một vùng miền núi xa xôi vẫn tưởng con gái ra thành phố có nghề nghiệp ổn định, kiếm được tiền gửi về giúp gia đình. Vì vậy, ông Nghệ cũng không bỏ được cô vợ hờ đó, mà ông chỉ khéo léo che đậy mà thôi. Nhưng rồi, cái kim không thể bọc mãi được, một ngày nọ, lại con gái ông phát hiện ra bố đưa mẹ con cô vợ hờ đi siêu thị, con gái lại bám theo và phát hiện bố mình lại thuê một ngôi nhà ngay trong phố để cho mẹ con cô ấy ở và cũng tiện việc ông qua lại đó vào ban ngày. Ông Nghệ không biết rằng, khi ông đang vui vẻ ăn cơm tối với cô cave và chơi đùa vui vẻ với cậu con riêng bi bô trong ngôi nhà sâu trong ngõ nhỏ đó, thì ở bên ngoài con gái ông đang run rẩy khóc vì thất vọng đau đớn.

Chuyện vỡ lở, lần này trước yêu cầu phải dứt khoát với cô cave kia của vợ con, ông Nghệ tỏ thái độ khác hẳn. Ông biết điểm yếu của bà Thụ và các con rất sợ to tiếng, sợ ly hôn, nên ông đã đánh vào điểm yếu đó. Ông Nghệ tuyên bố, nếu không để ông tiếp tục chung sống như vậy thì ông sẽ ly hôn vợ. Bà Thụ tất nhiên không đồng ý ly hôn. Nhưng nỗi cay đắng, nhịn nhục trong lòng bà ngày một chất chứa, nhất là khi ông đòi bà phải công khai nhận thằng bé kia để ông còn đưa nó về ra mắt gia tộc nhà ông, bà Thụ không chịu. Ông Nghệ tàn bạo hơn, ông dấn tới o ép vợ con.

Ông tháo máy giặt, cắt máy bơm nước để nước không lên được bể ở trên tầng thượng, mẹ con bà Thụ phải xách nước dưới bể ngầm lên dùng, phải giặt giũ bằng tay. Ông tự ngăn phòng khách ở tầng 1 ra thành 1 phòng ngủ cho riêng ông để không ở chung phòng với vợ nữa, sau đó ông đưa tủ lạnh vào đó, khóa cửa không cho vợ con dùng khi ông đi vắng. Bà Thụ phản ứng, ông Nghệ đã ngang nhiên mắng chửi vợ, ban đầu còn nói nhỏ, sau đó ông cũng chẳng nể nang gì hàng xóm nghe thấy nữa, mà ông hét toáng lên.

Đã lắm phen bà Thụ phải nín nhịn bỏ lên tầng trên để hàng xóm không phải sang xem kịch không mất tiền. Tất cả chỉ để buộc bà Thụ phải chấp nhận vợ lẽ con riêng của ông. Thấy chồng ngày càng bỉ ổi, bà Thụ đề nghị ly hôn, ông Nghệ lại tráo trở không đồng ý. Ông vẫn muốn duy trì cả 2 bên, nhưng không phải bằng tình yêu mà bằng bạo lực. Ông dọa, nếu bà Thụ đòi ly hôn nữa thì ông sẽ làm cho bà tàn tật suốt đời, đến mức muốn chết mà không thể chết được. Bà Thụ và con gái rơi vào tình trạng suy nhược nặng nề cả về thần kinh và sức lực. Rồi đến một hôm, giọt nước cuối cùng của sự chịu đựng trong tâm hồn non nớt và yếu đuối của cô con gái đã tràn ly, đó là buổi tối, trong bữa ăn, ông Nghệ đã tàn ác đánh vợ, ông ném bát vào người vợ, ông tát, đấm bà sưng cả mặt mày.

Mẹ con bà Thụ chỉ còn biết khóc. Khóc đến mệt nhoài rồi, con gái lên xe máy đi lang thang vô định trên đường phố rồi cô ghé vào hiệu thuốc tây mua thuốc ngủ. Mãi đến 12 giờ đêm con gái mới về, kêu mệt và xin phép mẹ đi về phòng. Bà Thụ gượng dậy lên phòng con hỏi han, nhưng con gái nói mẹ yên tâm, con còn phải viết một bài luận nữa rồi mới ngủ. Bà Thụ về phòng, nằm mà không ngủ được, bà thấy lo lắng nhưng thấy con gái sáng đèn, bà gắng nghĩ là con vất vả chuyện học hành để xóa đi nỗi lo không rõ nguyên cớ. Nhưng bà Thụ không ngờ rằng, đêm hôm đó con gái bà không phải viết bài luận cho chương trình học thạc sỹ, cô viết một bức thư tuyệt mệnh để lại cho bố mẹ rồi cô ra đi vĩnh viễn.

Khi bà Thụ tỉnh lại trong bệnh viện, bà chỉ muốn quyên sinh theo con gái, nhưng bức thư tuyệt mệnh con gái để lại đã níu giữ bà lại:

"Mẹ, con và cả em của con đã từng tự hào và kính trọng, yêu quý bố biết nhường nào. Chị em con đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố, trong sự nâng niu từng ngày của mẹ. Đối với con không có gì quý giá bằng hạnh phúc gia đình. Gia đình là chiếc nôi nuôi con khôn lớn trưởng thành và thổi vào con những ước mơ vươn tới, tiếp thêm cho con sức mạnh và can đảm, con luôn tâm niệm phải cố gắng nỗ lực để làm nên được một sự nghiệp mang lại niềm vui, sự tự hào cho gia đình, cho bố mẹ. Gia đình đối với con là quan trọng như thế đấy bố ạ. Vậy mà, bây giờ bố biết không? Con đã choáng váng và kinh hoàng thực sự khi nghe bố thừa nhận rằng bố đã có quan hệ với một cô gái chỉ bằng tuổi con và đã có con với cô ta, mà bố lại xem việc này chẳng có gì là sai trái. Suốt từ đêm đó cuộc sống của con không lúc nào bình yên. Bố hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của con liệu bố có khổ tâm không?... Mẹ còn dằn vặt đau khổ hơn con bội lần. Từ một người phụ nữ trí thức hiền lành, tận tuỵ chăm sóc chồng con và dòng họ nhà chồng, mẹ đã yêu bố, hơn 20 năm chăm lo xây dựng gia đình ta từ những ngày tháng khó khăn, nay mẹ thường xuyên mất ngủ, trông suy sụp nhiều về sức lực và tinh thần. Khi biết chuyện sai trái của bố, mẹ cũng không đánh ghen, không làm ầm mọi chuyện vì muốn giữ thể diện cho bố và gia đình ta. Thời gian qua, con đã suy nghĩ quá nhiều cho gia đình mình, đầu óc con quá căng thẳng, con bế tắc và tuyệt vọng. Con đã không thể tập trung làm nổi một việc gì cho tốt vì lòng con lúc nào cũng nặng trĩu, con chán nản, thất vọng tràn ngập trong lòng. Bố ơi, bây giờ vẫn còn chưa muộn, bố hãy dứt khoát với người ta và trở về với mẹ, với chúng con.

Mẹ ơi, con yêu mẹ biết chừng nào. Chỉ tiếc là con quá yếu đuối, thân con gái mỏng manh không làm gì để bảo vệ được mẹ. Con xin mẹ, tuy bố mắc sai lầm, nhưng bố sẽ trở về, mẹ hãy tha thứ cho bố. Con cũng cúi xin mẹ, mẹ đừng đánh ghen người ta. Người ta cũng chỉ bằng tuổi con gái mẹ nhưng do cuộc sống xô đẩy vào chốn bụi trần, và cũng do lỗi của bố và những người như bố nữa. Nếu mẹ vì hận bố, hận người ta mà đánh ghen, xin mẹ đừng đánh người ta đau…

Phần con, cuộc đời con đã may mắn được sinh ra trong tình yêu thương của bố mẹ, con sẽ làm bất cứ việc gì để níu kéo lại cho mẹ một gia đình, một tổ ấm mà mẹ đã suốt đời tận tụy hy sinh vì nó. Mẹ đừng khóc vì con mẹ nhé. Con gái luôn yêu mẹ nhất trên đời!".

Bây giờ thì bà Thụ đã phục hồi phần nào, bà cũng đã kiên quyết ly hôn ông chồng đổ đốn và bà cũng phải vững vàng để luôn nhắc con trai hãy sống mạnh mẽ, đừng bi lụy, hãy biết vượt qua nỗi đau, dù đó là nỗi đau to lớn nhất mà bản thân mỗi người tưởng không thể vượt qua nổi. Vì muốn để con trai bà cứng rắn hơn, và cũng muốn để những nam nữ thanh niên tuổi mới lớn hiểu được những gì bà muốn con trai bà hiểu, để có nghị lực hơn nữa trong cuộc sống, nên bà Thụ đã quyết định đem bức thư đến với chúng tôi, xin công bố câu chuyện tột cùng đau đớn của đời bà như vậy…

Phóng sự dài kỳ của Ái Dương
.
.
.